Chương 35: Nốt Nhạc Câm (1)

Liệu, Thượng đế có đòi hỏi một cái giá nào cho những tài năng mà Người ban tặng?

Với tôi là có.

Tôi đã có một cái giá phải trả.

Vì tôi được Thượng đế ban cho tài năng.

Tôi đến với âm nhạc từ rất sớm, là lúc ba tuổi. Khi đã qua cái giai đoạn tìm hiểu về ngôn ngữ, thì tôi bắt đầu tìm đến âm nhạc. Thay vì nói, tôi lại nghe nhiều hơn. Tôi thích những bản nhạc phổ, say mê chơi vĩ cầm và piano, cùng với bất cứ thể loại nhạc nào.

Lớn thêm chút nữa, tôi tập tành sáng tác nhạc. Có người nói tôi giống thiên tài Mozart, nhưng không phải đâu. Mozart soạn nhạc và lưu diễn lúc mới sáu tuổi. Tôi thì đến năm mười tuổi mới xem được nhạc phổ. Rồi tôi lần lượt chơi đàn trước sự khuyến khích, động viên của ba mẹ.

Tôi mong muốn một ngày nào đó mình được biểu diễn trên sân khấu. Tôi ước mơ rất nhiều, chỉ là bản thân còn quá nhỏ để hiểu: Khi những mơ ước đó thành hiện thực thì cũng là lúc tôi phải đánh mất đi nhiều thứ.

Mang trong mình một tài năng, bạn cần có một cái giá trả tương xứng.

Tôi theo học ở ngôi trường dạy nhạc nổi tiếng. Ngoài tôi ra, những người còn lại cũng đều là nhân tài âm nhạc nhỏ tuổi. Nhưng trong môi trường này không có bạn bè, chỉ có cạnh tranh và đào thải. Chính quy luật khắc nghiệt đó đã khiến người ta đố kỵ lẫn nhau.

Tôi chơi nhạc đơn giản chỉ là thích, còn họ thì không.

Ai đó được khen, sẽ trở thành mục tiêu bị bắt nạt. Ai đó nổi bật, sẽ trở thành mục tiêu bị đàn áp.

Tôi rơi vào cả hai trường hợp. Khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra bộ mặt thật của những người mình luôn xem là bạn. Chẳng hạn như một lần trường tổ chức cuộc kiểm tra để chọn ra những học sinh đi dự thi. Tôi đã biểu diễn rất tốt và được chọn. Hậu quả…

Tôi đứng lặng im nhìn cây vĩ cầm của mình bị đập vỡ bên cạnh các tờ viết nhạc bị xé nát. “Nhóm bạn thân” của tôi đã làm điều này. Họ hướng đôi mắt lạnh băng vào tôi cùng thái độ vô cùng căm ghét.

- Đừng có tỏ ra mình lúc nào cũng giỏi, thằng đần!

Mấy câu đại loại như “thằng kiêu ngạo”, “thằng ra vẻ”, “chỉ giỏi bày đặt” tôi nghe nhiều rồi, chẳng riêng gì trong ngôi trường này mà còn từ những đứa trẻ xung quanh khác. Chúng tẩy chay tôi vì tôi được người lớn khen ngợi và vì tôi thích chơi nhạc, thứ mà theo cái nhìn của chúng là tôi “đang cố tỏ ra mình giỏi”.

Tôi không nói gì, chính xác là chẳng thể nói, lẳng lặng cúi xuống nhặt những mảnh vụn. Nhóm học sinh lao vào tôi với đủ hành động, đánh hay đẩy ngã.

Cũng kể từ đó, tôi chính thức bị cô lập. Từ chính bạn bè. Từ chính những người thân quen. Từ chính tài năng của mình.

Tôi thực sự cô độc.

Dẫu sao, các câu chuyện đáng buồn này đã diễn ra mười ba năm trước rồi.

Tất cả lùi vào quá khứ.

Câu chuyện tôi muốn kể, chính là sau này, vào thời khắc hiện tại.

Bấy giờ tôi đã lớn, trở thành nhà soạn nhạc mà xã hội công nhận là có chút tiếng tăm. Đó là nghề kiếm sống của tôi, thỉnh thoảng có vài chuyến lưu diễn.

Tôi sống một mình, vẫn như lúc nhỏ, luôn cô độc.

Và tình yêu của tôi đã đến thật nhẹ nhàng.



Một buổi chiều mây đen vần vũ, mặc dù trước đó bầu trời vẫn còn rất trong xanh với vô số đám mây trắng tạo nên bức tranh nền nã, tôi đang trên đường trở về nhà bằng bước chân vội vã.

Tôi không muốn phải bị mắc mưa sau khi đã hồi phục sau trận ốm dài ngày. Lúc đi ngang qua cửa tiệm nhạc cụ của một ông lão, tôi bất chợt dừng lại bởi tình cờ trông thấy cô ấy.

Cô gái bé nhỏ đứng nép bên bức tường gạch, cùng bộ váy quý phái nhưng cũ sờn. Đầu đội nón vành rộng và chiếc nơ xinh xắn, nhìn em giống hệt nàng công chúa bước ra từ những cổ tích xa xưa mang nét cổ điển của phương Tây.

Mái tóc dài màu nâu buông xõa, gương mặt nghiêng nhẹ, hàng mi trĩu buồn khiến đôi mắt cũng thật phiền muộn. Em đã ngẫu nhiên ngước nhìn lên vào lúc tôi bước ngang qua.

Em nhìn tôi, khẽ chớp mắt. Tôi cũng nhìn em và nhận ra, phản chiếu trong đó không chỉ là nỗi buồn ngàn năm bị lãng quên mà còn mang sự van nài tha thiết.

Tôi hoàn toàn bị cuốn hút.

Để rồi thay vì nên chạy vội đi dưới cơn mưa bắt đầu buông hạt thì tôi mau chóng tiến đến gần em, mỉm cười. Nhẹ nhàng, tôi nắm tay em trong khi em vẫn còn ngập ngừng. Tôi hỏi em tên gì. Đôi môi mấp máy, em trả lời rằng, Mắt Sáng.

Tôi lại hỏi em có biết hát không? Nét mặt Mắt Sáng tươi tỉnh hơn, bảo là có. Rồi không cần tôi yêu cầu, em nhắm mắt lại cất cao giọng hát.

Tôi chăm chú lắng nghe, chất giọng vυ"t cao trong trẻo, từng nốt nhạc theo cung bậc. Thật say đắm lòng người.

Mắt Sáng ngừng hát, quan sát biểu hiện của tôi. Nở nụ cười hài lòng, tôi hỏi:

Em có muốn theo anh về nhà không?

Nỗi buồn chôn vùi trên gương mặt héo hắt lập tức biến mất, Mắt Sáng cười rạng rỡ thay cho câu trả lời. Tôi đưa mắt sang ông lão. Ông hiền từ, gật đầu. Tôi rời khỏi đó, nắm tay Mắt Sáng cùng rảo bước về nhà dưới làn mưa phùn lất phất.

Ngôi nhà của tôi không lớn, mang nét cổ điển, được bao bọc bởi mảnh vườn nhỏ. Nó thật nổi bật giữa con phố nhộn nhịp sầm uất trước bao ánh mắt tò mò, hiếu kỳ của người đi đường.

Tôi không quan tâm, cũng giống như sự hiện diện lặng lẽ của mình luôn là trung tâm chú ý từ mọi người. Và lúc thấy tôi nắm tay Mắt Sáng đi vào nhà, những người xung quanh lại xì xầm khe khẽ. Tôi mặc kệ, vì em là người tôi cần.

Tôi dẫn Mắt Sáng đi quanh nhà, nhìn ngắm đủ mọi đồ vật bằng ánh mắt thích thú. Từ giờ, đây sẽ là ngôi nhà mới của em, và của cả hai chúng ta. Tôi đưa Mắt Sáng vào phòng mình. Thế giới của một nhạc sĩ chỉ có âm nhạc, những bản nhạc phổ, đàn.

Nhà tôi không rộng nhưng xây rất cao. Lý do là bởi, tôi muốn có thứ này.

Tôi khẽ khàng đến bên cửa sổ, mở toang ra để Mắt Sáng có thể ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn ở trước mặt. Hình ảnh thành phố về đêm với muôn ánh đèn rực rỡ lung linh trong cơn mưa nhỏ dai dẳng. Cứ như một góc thành phố Luân Đôn ngủ say trong màn sương mù.

Kể từ giờ, đây sẽ là nơi em có thể đứng ngắm nhìn quang cảnh thành phố, mỗi ngày. Bất kể sáng tối, lúc nào em muốn cũng được.

Mắt Sáng nghiêng đầu, khẽ cười. Trông dáng em đứng bên cửa sổ thật bình yên. Bụi mưa lất phất tan vào không khí, vương lên tóc em. Tôi đưa tay vuốt nhẹ, cảm nhận sự bồng bềnh thanh dịu của từng sợi tóc len lỏi qua kẽ tay. Tôi âu yếm nói:

Anh sẽ mua cho em bộ váy mới.

Mắt Sáng quay qua lắc đầu khi bảo mình thích chiếc váy này dù nó hơi cũ. Tôi chiều lòng em. Khung cảnh đêm mưa cùng sự hiện diện của em ngay bây giờ, khiến trái tim tôi bình lặng quá đỗi.

Vài phút sau tôi rời cửa sổ, đến bên bàn lấy tờ phổ nhạc viết dở dang, quay trở lại chỗ cũ đưa nó cho Mắt Sáng. Em đón lấy, đôi mắt thích nhìn theo từng nốt nhạc lên xuống hệt điệu nhảy của các cô thiếu nữ.

Em hát thử cho anh nghe bài này nhé.

Giống lúc nãy, Mắt Sáng không hề chần chừ khi nghe tôi yêu cầu hát. Em cầm tờ nhạc phổ, hít sâu rồi cất tiếng hát.

Âm thanh đơn độc len lỏi qua tiếng mưa vẫn rơi đều, bay vυ"t lên cao, xóa tan đi không gian u ám buồn tẻ. Cảm giác, thứ thanh âm réo rắt ấy phá tan mọi xiềng xích giam cầm, hóa thân thành chú chim nhỏ xổ l*иg bay ra ngoài.

Giọng Mắt Sáng ngày càng lớn, khỏa lấp tiếng mưa rơi, lướt qua những mái nhà của thành phố đêm đang chuẩn bị vùi vào giấc ngủ say.

Khi Mắt Sáng kết thúc màn trình diễn, tôi như từ cõi mơ trở về chợt bừng tỉnh, cảm giác thăng hoa thật tuyệt. Em đúng là người mà tôi cần. Chỉ có giọng hát trong trẻo của em mới có thể diễn tả được hết giai điệu trong những bản nhạc tôi viết.

Tôi đã lựa chọn đúng.

Tối hôm ấy, tôi ngủ cùng Mắt Sáng trên chiếc giường bao nhiêu năm vẫn ám mùi cô độc, và phiêu du với giấc mộng đẹp.