Trang Tử Tam Kiếm

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Thời buổi loạn lạc trong triều thì bọn thái giám cấu kết gian thần gây bao điều xằng bậy.Mặc dù sức cô lực bạc, Thượng thư hình bộ Tây Môn Nhỉ vẫn một lòng cương trực phù trì chính nghĩa cho dù biết t …
Xem Thêm

- Tại hạ là Tây Môn Sĩ Mệnh, di cô của Hình bộ Thượng thư Tây Môn Thường.

Bốn người kia biến sắc, chăm chú quan sát gương mặt của chàng. Lão nhân tóc bạc vẫn chưa chịu rút bàn tay chết chóc của mình về. Lão dịu giọng hỏi :

- Công tử có gì để chứng minh không?

Sĩ Mệnh nhớ đến màn ngọc bội mà Trình Bội Linh đã để lại Chàng lấy ra đặt lên bàn :

- Chư vị có nhận ra mảnh ngọc bội này hay không?

Cuồng Sư vội chụp lấy xem xét rồi hỏi lại :

- Từ đâu mà công tử lại có vật này?

- Đây là tín vật mà tiên phụ đã trao cho Động Đình Long Nữ Trình Bội Linh, ái nữ của Động Đình Nhất Bá. Nàng vì hiểu lầm mà trả lại. Còn mảnh của tại hạ đã thất lạc từ hai mươi năm trước.

Cuồng Sư lộ vẻ hài lòng :

- Đúng lắm! Hai mảnh ngọc bội này do chính tại hạ làm ra. Nhưng xin hỏi công tử đến Nam Bình với mục đích gì?

- Tại hạ có một vị đại di nhũ danh là Lâm Mỹ Phụng, có chồng là Huyện lệnh Nam Bình.

Nữ nhân mập mạp kia nở nụ cười hiền dịu :

- Còn một câu hỏi cuối cùng. Đó là vì sao công tử thoát chết và ở đâu trong suốt hai mươi năm qua?

Chàng bỗng có cảm tình với người đàn bà dễ mến này nên vui vẻ đáp :

- Đêm ấy tại hạ được Tùy Vân đạo trưởng cứu mạng. Ông đem tại hạ về núi Hải Bạt để nhờ Thiên Hạc chân nhân chữa trị chưởng thương. Sau đó chân nhân đã nhận tại hạ làm đệ tử.

Dứt lời, mà cương khí hộ thân phình ra, đẩy bật hai bàn tay của hai người bên cạnh. Thân hình chàng bốc thẳng lên nóc sảnh, là đà rơi xuống, chặn ngay lối ra. Sĩ Mệnh chỉnh sắc bảo :

- Tại hạ đã tỏ bày thân thế, đến lượt chư vị khai báo.

Lão nhân tóc bạc lẩm bẩm :

- Hỗn Nguyên chân khí, “Thiên Hạc Hành Không”. Chẳng thể sai được!

Lão rời ghế phục xuống. Lão nhân nói với giọng hân hoan khôn xiết :

- Chúng thuộc hạ bái kiến thiếu chủ nhân.

Họ nhất tề bái kiến, lúc ngẩng lên ánh mắt đều đẫm lệ. Sĩ Mệnh ôn tồn bảo :

- Tứ vị chớ đa lễ, hãy cho ta biết ngọn ngành.

Họ đứng lên, mời chàng trở lại bàn. Lão nhân nghẹn ngào kể lại :

- “Bọn thuộc hạ là đồng bào huynh đệ. Con cái của dòng họ Chung ở Sơn Tây. Tiên phụ vốn là một thương gia giàu có, nắm trong tay đường dây buôn bán với nội ngoại Mông. Hai mươi năm trước, một gã lái buôn trong phủ ỷ thế Lưu Cẩn, đòi tiên phụ phải sang lại sanh ý, đương nhiên người không đồng ý. Lão cẩu tặc Lưu Tích này liền bày độc kế, đem tang vật lén giấu vào thư phòng của Chung gia trang rồi báo quan.

Tuần phủ Sơn Tây cũng là vây cánh của họ Lưu nên lập tức cho quân vây chặt tệ trang rồi lục soát. Cuối cùng, chúng tìm thấy một lá đại ỷ của Mông Cổ và một số thư từ viết bằng chữ Mông, có đóng dấu ngọc tỷ. Nội dung là phong cho gia phụ làm Bình Nam vương, có trách nhiệm chuẩn bị lương thực cho quân Mông khi họ vượt trường thành.

Với những chứng cớ ấy, lão Tuần phủ hạ lệnh bắt giam toàn gia hạ ngục. Bốn anh em định chém gϊếŧ quan quân nhưng lại sợ di hại đến cha già và quyến thuộc nên đành bó tay chịu trói. May mà tiên mẫu không có nhà vì đi dâng hương ở Lã Lương sơn. Nghe tin dữ, bà liền trốn biệt để lo việc kháng án.

Chỉ năm ngày sau, Tuần phủ Sơn Tây đã đăng đường và khép tiên phụ vào tội tư thông ngoại bang, âm mưu phản nghịch. Lão xử chém toàn gia và tịch biên tài sản.

Tình cờ lúc ấy là đầu tháng bảy, Thiên tử lại phát nguyện trai tịnh suốt tháng nên các án tử hình phải hoãn lại đến tháng sau.

Tiên mẫu nhân cơ hội này lặn lội đến tận Bắc Kinh, tìm gặp Tây Môn thượng thư ở bộ hình để kêu oan. Ông nổi tiếng là người thông tuệ nên nhận ra ngay uẩn khúc của sự việc, đòi Tuần phủ Sơn Tây mang tang chứng hồi kinh.

Cuối cùng, ông đã khám phá ra tất cả đều là ngụy tạo. Lụa may lá cờ là sản phẩm của Trung Nguyên. Còn dấu ngọc tỷ kia thì vuông tử Mông Cổ đã thay từ mười năm trước. Khi đem đối chiếu với các tấu biểu của ngoại Mông trong những năm gần đây thì hoàn toàn khác hẳn.

Tây Môn thượng thư liền đứng ra đàn hặc Tuần phủ Sơn Tây, giải oan cho họ Chung. Vì cảm kích trước công ơn tái tạo của lệnh tôn, bốn anh em lão phu đã đến xin làm thủ hạ.

Hai năm sau, nhân dịp đi Sơn Đông thăm bằng hữu, lệnh tôn đã đưa phu nhân và công tử đi theo. Thượng thư đã đến ngoạn cảnh Thái Sơn. Chính hôm ấy, một lão nhân nhỏ bé, râu tóc bạc phơ đột nhiên xuất hiện. Lão đến trước mặt phu thê Thượng thư lúc nào mà anh em lão phu cũng chẳng hay. Nhưng Tây Môn đại nhân chẳng hề sợ hãi, vui vẻ sai bày trà rồi cùng lão ta đàm đạo rất tương đắc.

Cuối cùng lão trao cho lệnh tôn một tấm họa đồ da dê rồi chỉ công tử mà nói: “Lệnh lang có cốt cách như rồng như phượng nhưng lại không có số làm quan, y sẽ là bậc anh hùng cái thế, lưu danh với đời bằng võ nghiệp. Lão hủ xin tặng lại tấm họa đồ Ngũ Hành cung này để làm quà diện kiến. Sau này, lệnh lang sẽ có lúc phải cần đến.”

Nói xong, lão như làn khói mỏng phi thân lêи đỉиɦ núi.

Lệnh tôn thở dài bảo: “Ngũ Hành lão nhân quả là bậc thần tiên đắc đạo!”

Khi hồi kinh, đại nhân bèn giao việc tìm kiếm Ngũ Hành cung cho bốn anh em lão phu. Chính vì vậy, khi lệnh tôn xuôi nam đi phát chuẩn thì bọn ta không có mặt.

Lúc nghe tin dữ liền cải dạng điều tra suốt mấy năm trời. Tuy không tìm ra lai lịch hung thủ nhưng lại biết rằng công tử được một vị đạo nhân ôm lấy mà nhảy xuống sông.

Hai mươi năm nay, bọn lão phu sống bằng hy vọng rằng sẽ có ngày công tử sẽ tìm đến đây để thăm đại di. Thường thỉ chỉ có một người ở lại đây chờ đợi, còn ba người kia sẽ lo việc điều tra tung tích kẻ thù và hạ lạc của Ngũ Hành cung. Tuy nhiên, ba tháng trước, Chung Đối Nguyệt cho rằng bí cung kia ở trong dãy Võ Di sơn nên cả bốn người đều có mặt tại tư dinh Hà huyện lệnh.”

Sĩ Mệnh mừng rỡ nói :

- Té ra đây chính là nhà của đại di ta đấy sao?

- Thưa phải, Lâm phu nhân và Hà huyện lệnh cũng phải mòn mỏi đợi trông công tử.

Sĩ Mệnh tư lự hỏi :

- Vì sao ta không hề nghe đại sư huynh Tùy Vân đạo trưởng nhắc đến các vị?

Thiết Diện Cuồng Sư cười đáp :

- Khi đạo trưởng và lệnh tôn biết nhau thì bốn anh em tại hạ đã rời khỏi Bắc Kinh đi tìm Ngũ Hành cung, nên không thể biết nhau.

Sĩ Mệnh hiểu ra, vui vẻ bảo :

- Các vị chưa cho ta biết đại danh của ba người còn lại?

Lão nhân bật cười :

- Bọn thuộc hạ thật là sơ xuất. Lão là Chu Đan Khâu, được đồng đạo giang hồ gọi là Hồi Phong Kiếm.

Nữ nhân kia tiếp lời :

- Thuộc hạ đứng thứ hai, tên gọi là Tô Thiếu Phân, bị võ lâm bỡn cợt gọi đùa là Bạch Bì quả phụ.

Hán tử miệng rộng mỉm cười khiến mặt gã bớt đi vẻ tàn nhẫn :

- Tam ca Thiết Diện Cuồng Sư thì công tử đã biết, thuộc hạ đứng thứ ba, tên gọi Hạ Sầu Miêu, biệt hiệu là Ma Ảnh Tử.

Sĩ Mệnh ngơ ngẩn :

- Chư vị là đồng bào huynh đệ sao lại không cùng họ?

Cuồng Sư có vẻ đắc ý :

- Thuộc hạ xuất đạo trước nên tiên phụ cũng chẳng làm gì được. Ba người này thấy thuộc hạ nổi danh nên cũng đòi vác kiếm vào giang hồ. Tiên phụ bèn bắt họ không được dùng họ Chung để dương danh. Ông bảo chỉ một mình thuộc hạ cũng đủ tai tiếng rồi. Chính vì vậy họ phải lấy họ khác.

Chu Đan Khâu gật gù :

- Cũng nhờ vậy mà trong võ lâm không ai biết được mối quan hệ của anh em tại hạ.

Cuồng Sư gãi đầu hỏi :

- Nhị thư, sao chúng ta không bày tiệc rượu để mừng công tử?

Bạch Bì quả phụ cười bảo :

Thêm Bình Luận