Trang Tử Tam Kiếm

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Thời buổi loạn lạc trong triều thì bọn thái giám cấu kết gian thần gây bao điều xằng bậy.Mặc dù sức cô lực bạc, Thượng thư hình bộ Tây Môn Nhỉ vẫn một lòng cương trực phù trì chính nghĩa cho dù biết t …
Xem Thêm

Khả Khanh tròn mắt hỏi :

- Đại ca hiền lành, nhân hậu như thế này mà cũng có người muốn hại hay sao?

Chàng cười buồn :

- Ta mang nặng gia cừu trên vai mà chẳng có hy vọng báo phục được. Kẻ đại cừu kia có võ công quán tuyệt thiên hạ và thế lực bao trùm cả võ lâm. Khi lão biết được danh tính của ta thì mạng này khó mà giữ nổi. Ta không sợ chết nhưng cũng không muốn người thân bị hại lây.

Khả Khanh bật cười :

- Đại ca đừng lo, tiểu muội sẽ hợp lực cùng đại ca để báo thù. Lúc ấy lão gia tổ cũng chẳng thể đứng ngoài, ông mà chịu ra tay thì không ai địch lại.

Ma Ảnh Tử nãy giờ trầm ngâm suy nghĩ. Nghe Khả Khanh nói vậy, gã hỏi ngay :

- Phải chăng lệnh tổ chính là Hỏa Quy lão tổ Doãn Hân Yến?

Khả Khanh tròn mắt :

- Té ra Hạ đại ca cũng biết gia tổ ư?

Sĩ Mệnh cũng giật mình, khẽ ngâm:

Thiên Hạc vân trung khiếu

Ngũ Hành phong thượng du

Địa Long nam hoang ân

Hỏa Quy Đông Hải cư.

Thiên Hạc chân nhân đã từng đọc cho chàng nghe bài đồng dao này.

Khả Khanh bật cười :

- Tiểu muội cũng từng nghe lão gia tổ đọc bài này. Nhưng khi hỏi thì ông chỉ cười mà không giải thích.

Sĩ Mệnh dịu giọng :

- Hai chữ đầu mỗi câu là danh hiệu của bốn vị võ lâm đại kỳ nhân. Thanh danh của họ lẫy lừng từ năm mươi năm trước.

- Té ra gia tổ đã từng vùng vẫy ở Trung Nguyên.

Cô bé bỗng che miệng ngáp rồi dựa vào lòng Sĩ Mệnh ngủ rất ngon lành. Sĩ Mệnh thấy nàng chẳng chịu rời, đành phó mặc sự việc, tiếp tục phóng ngựa về Hoàng Sơn.

Hơn khắc sau, nàng tỉnh giấc, lại che miệng ngáp dài rồi cười rất tươi. Nụ cười trẻ thơ làm ấm lòng Sĩ Mệnh.

Khả Khanh nói :

- Tiểu muội quên mất chưa nói cho đại ca biết lý do vì sao đám người đáng ghét kia lại cuống cuồng lên như vậy. Hai tháng trước, tiểu muội và gia tổ từ Tứ Xuyên trở lại biển Đông, đi đến đâu cũng nghe đồn rằng Ngũ Hành cung ở dưới chân núi Liên Hoa trong rặng Hoàng Sơn. Có điều rất lạ là tin tức lan đi theo một thứ tự nhất định, từ xa đến gần. Địa phương càng xa An Khánh thì lại càng nhận được tin sớm hơn.

Ma Ảnh Tử choáng váng :

- Khốn nạn thực! Thật là uổng công hai mươi năm tìm kiếm. Nhưng vì sao lại có kẻ đem vị trí của bí cung tiết lộ ra khắp giang hồ như vậy?

Khả Khanh cười bảo :

- Nếu Tây Môn đại ca muốn vào Ngũ Hành cung thì tiểu muội sẽ về nhờ gia tổ giúp đỡ.

Sĩ Mệnh chưa kịp nói gì thì nàng đã như cánh én rời lòng chàng, phi ngược về phía sau. Thân pháp của nàng cực kỳ nhanh nhẹn.

Ma Ảnh Tử bật cười :

- Vị tiểu cô nương này thật kỳ quái, tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm.

Sĩ Mệnh ghìm cương cho ngựa đi nước kiệu, rồi bảo :

- Bốn mươi năm trước, Võ lâm Tứ đại kỳ nhân đã hẹn nhau lêи đỉиɦ Thái Sơn luận võ. Cuối cùng thì gia sư, Thiên Hạc chân nhân đã lần lượt đả bại cả ba người kia. Như vậy, ta cũng chẳng cần tuyệt học của Ngũ Hành lão nhân làm gì. Còn việc vị trí của Ngũ Hành cung bị tiết lộ, ta cho rằng đây là âm mưu thâm độc của kẻ nào đó. Qua lời Khả Khanh nói, việc tung tin được thực hiện có kế hoạch để đông đảo hào kiệt võ lâm có mặt cùng một thời điểm.

Ma Ảnh Tử nhăn mũi :

- Thuộc hạ cũng nghĩ như vậy và cho rằng âm mưu này có liên quan đến Giang Nam Thần Kiếm Dư Tâm Nhiên.

Sĩ Mệnh nghĩ đến Tây Hồ Tiên Nữ Dư Tiểu Phàm, lòng nghe nặng trĩu, thúc ngựa phi mau.

Chiều hôm sau, hai người đến chân rặng Hoàng Sơn, nhận ra mấy ngàn hảo hán các lộ đã tràn ngập chân ngọn Liên Hoa sơn. Sĩ Mệnh thở dài, thương cho đám người hiếu kỳ và nhiều tham vọng. Chàng đi tiếp thêm sáu dặm, đến ngọn Hải Bạt.
Chương 7: Ngũ Hành thi kế thu thiên hạ - Lưu tặc tranh phong ngộ khắc tinh
Hàng ngàn năm nay, Hoàng Sơn được coi là thắng cảnh núi non đẹp nhất Trung Hoa. Rặng Hoàng Sơn có đúng bảy mươi hai ngọn núi, tư thế hùng vĩ, oai nghiêm. Ba ngọn nổi tiếng nhất là Liên Hoa, Thiên Đô và Quang Minh. Tuy nhiên, cao nhất lại là đỉnh Hải Bạt, trên bốn trăm năm mươi trượng.

Ngoài vẻ đẹp của núi non kỳ vĩ, Hoàng Sơn còn nổi tiếng bởi Hoàng Sơn tứ tuyệt, đó là Kỳ Tùng, Quái Thạch, Vân Hải và Ôn Tuyền.

Những ngọn tùng ở đây chọc thủng đá mà vươn lên, lại mọc trên đỉnh núi cao và những nơi hiểm trở. Suối nước nóng Chu Sa trong xanh không bao giờ cạn. Mưa cũng chẳng tràn, có tác dụng trị bệnh phong thấp và những bệnh ngoài da.

Khí hậu ở Hoàng Sơn phân chia làm ba vùng rõ rệt, lạnh, ôn hòa và nóng. Hàng ngàn cây cổ thụ già nua, cổ kính, như tùng, đàn hương, phong hương, mọc trên những bãi cỏ xanh tươi, đầy hoa Đỗ Quyên, Thiên Nữ, Linh Chi và Mao Phong Trà.

Ở đây, ríu rít bên tai du khách là tiếng hát của hàng vạn con chim Hoàng Điểu, Bát Âm, Tương Tư. Hòa với tiếng hú thánh thót của loài vượn Hoàng Sơn. Thấp thoáng trên những sườn núi là bóng dáng của loài sơn dương và dã lộc.

Mỗi năm, có hàng vạn tao nhân mặc khách đến thưởng ngoạn, đề vịnh và vẽ lại phong cảnh.

Chính vì vậy, chỉ có đỉnh Hải Bạt là nơi cao vυ"t nhất Thiên Hạc chân nhân đã bày một trận kỳ môn quanh đỉnh núi, để cản bước chân tục khách. Giả như có kẻ hiếu kỳ nào đó muốn lên tận ngọn sẽ phải nản lòng vì khu rừng trúc um tùm, rậm rạp trước mặt. Dù họ có đủ cũng khí để đi tiếp thì cũng chỉ quanh quẩn một lúc rồi lại trở ra.

Sĩ Mệnh và Ma Ảnh Tử gởi ngựa nơi chân núi rồi thượng sơn. Đường lên núi dốc đứng và hiểm trở, nên chỉ nửa đường, Hạ Sầu Miêu đã thở dốc. Gã lau mồ hôi trán bảo :

- Xin thiếu chủ dừng chân, thuộc hạ hết hơi rồi.

Sĩ Mệnh mỉm cười :

- Thế mà trong suốt mười năm dài, sáng nào ta cũng phải chạy từ đỉnh xuống chân núi, hái một nắm chè long tĩnh đem lên cho tiên sư.

Ma Ảnh Tử le lưỡi :

- Thiếu chủ khổ luyện như vậy bảo sao khinh công không đứng đầu thiên hạ được?

Chàng gật gù :

- Người học đạo không coi trọng chữ danh mà chủ trương tiêu bảo kỳ thân. Vì vậy, khi gặp cường địch có thể đào thoát an toàn. Tiên sư vẫn thường chê Nho gia bị lễ nghĩa và tật háo danh ràng buộc nên chết uổng mạng, trái với đạo trời.

Nghỉ ngơi, chuyện trò một lát, Sĩ Mệnh nắm tay Hạ Sầu Miêu, giúp gã đi tiếp.

Ma Ảnh Tử thấy chàng trẻ hơn mình gần hai chục tuổi mà công lực dường như thâm hậu hơn. Gã liền thắc mắc :

- Thuộc hạ luyện võ từ năm mười lăm tuổi, đến nay đã trong ba chục năm. Vì sao tu vi lại kém thiếu chủ?

Chàng điềm đạm giải thích :

- Công lực không bắt buộc phải tiến bộ theo tuổi tác, mà do cách tu luyện và đặc điểm của tâm pháp. Hỗn Nguyên khí công của Đạo gia và Vô tướng thần công của Phật môn có điểm ưu việt hơn các loại nội công khác. Thứ hai, công phu tiềm tu, luyện tập lại kéo dài và rất gian khổ. Tại hạ đã từng trải qua những lần tọa quan kéo dài đến bốn mươi chín ngày trên đỉnh núi này. Dù mưa sa bão táp hay nắng cháy da cũng chẳng được sờn lòng. Mỗi ngày chỉ được ăn một bữa còn lúc nào cũng phải trơ như gỗ đá, trống rỗng như hang động, hít thở tinh khí của nhật nguyệt. Nhờ vậy, luồng chân nguyên tích tụ nhiều và tăng tiến nhanh hơn bình thường.

Ma Ảnh Tử gãi đầu :

- Ối chà, nếu gian khổ đến mức ấy thì thuộc hạ xin đầu hàng.

Lúc này, hai người đã đến bìa trúc trận. Sĩ Mệnh ngửa cổ hú vang. Từ trên, có tiếng hú đáp lại. Chàng mừng rỡ nắm tay họ Hạ lướt vào. Ma Ảnh Tử thấy như lạc vào mê hồn trận, tre trúc, gai góc trùng điệp vây quanh. Thế mà Sĩ Mệnh vẫn chạy như bay, lúc tả, lúc hữu, lúc tiến, lúc lùi, lát sau đã đi hết khu rừng.

Trước mặt họ hiện ra một bãi cỏ xanh rờn, thoáng điểm những bông hoa dại. Chính giữa có mấy gian thảo xá bằng tre trúc. Thoang thoảng đâu đây mùi hương trầm thơm ngát.

Thêm Bình Luận