Chương 42: Phá lấu 2

Đến tối, Mễ Trạch Hải quay lại, trên bàn đã bày đủ loại đồ ăn, đều là món ăn dân dã cả. Bà cụ Trình còn cố tình mang theo cả thỏ rừng và gà nguyên con nữa, có thể coi là món ăn đặc sắc của trấn Sơn Hải. Đấy chính là để cả thỏ và gà vào trong cùng một nồi, nấu chín hết lên cùng với một loại nước dùng đặc biệt, mùi vị mới đặc biệt. Mễ Dương cũng thích ăn món này, món này thơm ơi là thơm. Một mình Mễ Dương gặm đùi gà, miệng nhỏ nhắn bóng loáng toàn mỡ.

Bà cụ Trình cắt nửa con gà, nửa con thỏ, bỏ vào trong hộp rồi hỏi: “Con có muốn mang qua cho nhà họ Bạch một ít không?”

Trình Thanh có hơi do dự, Mễ Dương đã ăn xong hết cả rồi, thoải mái nhận lấy rồi nói: “Bà ngoại, con ăn no rồi, con mang đi cho!”

Mễ Dương bê cái mâm đi thẳng tới nhà Bạch Lạc Xuyên, gõ cửa nhà xong thì người bảo mẫu đi ra mở cửa, thấy cậu nhóc đã thay dép đi trong nhà xong xuôi rồi còn cười nói: “Dương Dương tới đấy à? Tối nay có ăn cơm ở bên này không?”

Mễ Dương lắc đầu nói: “Con ăn rồi ạ. Dì ơi, cái này là bà ngoại con mang từ quê lên…”

Cậu còn chưa nói xong thì đã nghe thấy tiếng bước chân chạy từ trên tầng xuống, bóng người Bạch Lạc Xuyên chẳng mấy chốc đã xuất hiện, giọng nói còn tới nhanh hơn người, vô cùng vui vẻ mà vang lên: “Mễ Dương, tớ biết ngay là thể nào tối cậu cũng đến chơi với tớ mà!”

Giọng nói trầm thấp của người đàn ông già cả vang lên sau đó, nhưng cũng có thể nghe được sự cưng chiều bên trong: “Chậm lại chút nào, Lạc Xuyên ơi, đi cầu thang chậm lại một chút nào con ơi.”

Bạch Lạc Xuyên lại chẳng thèm để ý, cứ bước một phát là qua hai ba bậc thang, xông đến đằng trước muốn ôm lấy Mễ Dương, dọa Mễ Dương bê cái mầm càng cao hơn: “Đừng, có dầu đấy.”

Lúc này Bạch Lạc Xuyên mới dừng bước chân, ngẩng đầu nhìn cái mâm mà Mễ Dương đang bê, vô cùng hiếu kỳ mà hỏi: “Đây là cái gì thế?”

Mễ Dương nói: “Phá lấu bà ngoại tớ làm đấy, thỏ với gà.”

Ông cụ Bạch đi theo sau nghe thấy, chóp mũi hơi giật giật hỏi: “Ai nha, mùi này quen quen, Mễ Dương, đây là đồ của trấn Sơn Hải đúng không?”

Bình thường Mễ Dương không có nhiều cơ hội gặp ông cụ, nhưng mỗi tháng cũng có thể gặp từ một tới hai lần, cũng không xa lạ gì với ông, cậu gật đầu nói: “Vâng thưa ông, cha mẹ con bảo con mang tới cho bên mình nếm thử ạ.”

Ông cụ Bạch vui lắm, ngoắc ngón tay gọi cậu tới. Bảo mẫu thấy thế thì nhanh tay cầm lấy đôi đũa để ông cụ với cậu chủ nhỏ ăn trước. Đây là lần đầu tiên Bạch Lạc Xuyên nhìn thấy thỏ, nhìn miếng thịt đen thùi lùi thì không dám động vào, chỉ dám kẹp miếng cánh gà để ăn.

Ông cụ Bạch không chú trọng nhiều như bé, rửa sạch tay rồi xé chân thỏ ra ăn, ăn được một miếng thì liên tục tán dương: “Chính là cái mùi vị này, đã lâu lắm rồi ông không được ăn lại, chỉ là có hơi mặn… Tiểu Ngô đâu, đi xới cho tôi chén cơm nào!”

Bảo mẫu nghe thấy thế thì vội vã đi xới cơm, không chỉ mang lên hai chén cơm mà còn thân thiết cầm thêm ly nước.

Bạch Lạc Xuyên ăn được hai ba miếng, ăn cũng chẳng nhiều, học ông nội xé thịt ra muốn đút cho Mễ Dương, Mễ Dương lắc đầu nói: “Tớ ăn ở nhà rồi, ăn hết cả cái chân gà cơ. Cái này còn cố ý làm mặn, nếu thấy mặn quá thì uống ngụm nước nhé.”

Đến lúc này Bạch Lạc Xuyên mới tự ăn, ăn được thêm hai miếng thì bảo Mễ Dương đi rót nước cho mình.

Mễ Dương tính tình tốt, rót nước rồi lại cầm khăn giấy, cúi đầu nhìn thì đúng như dự đoán, cậu chủ nhỏ nhà họ Bạch lại bắt đầu đung đưa cái chân nhỏ đến là vui vẻ.

Ông cụ Bạch vóc người cao lớn, người đàn ông phương bắc cao hơn một mét tám, cho dù đã lớn tuổi nhưng cũng rất hay làm dáng, nhưng mà hai ba phát đã ăn sạch sẽ một cái chân thỏ, ăn mấy miếng cơm to đùng, lại xé miếng thịt gà, vừa ăn vừa nói: “Chất thịt không giống gà công nghiệp lắm, ăn ngon thật đấy.”

Mễ Dương nói: “Bà con bảo là đàn gà đồi mà bà nuôi thả trên núi, nhà con còn có một vườn cây ăn trái, nuôi nhiều lắm. Nếu ông thích thì lần sau có thể ghé sang nhà con.”

Ông cụ Bạch cười nói: “Ý kiến này cũng hay đấy, chờ ông có cơ hội thì nhất định sẽ đến nhà Dương Dương đánh chén nhé.”

Mễ Dương vui vẻ nói: “Vậy thì con chắc chắn sẽ bảo bà ngoại cho ít muối lại ạ.”

Ông cụ Bạch cười vui vẻ.

Bạch Lạc Xuyên ngồi ở bên hơi nhíu mày, ngồi nhích lại gần Mễ Dương, hỏi cậu: “Mễ Dương, gà nhà cậu… còn chia ra ngốc nghếch với không ngốc nghếch không?”

Mễ Dương nói: “Hả?”

Bạch Lạc Xuyên đã chìm trong ảo tưởng của bản thân mình, biểu cảm trên mặt cũng trở nên phong phú hơn hẳn: “Có phải đứa đần thì bị bắt làm thịt còn không đần thì tiếp tục ở trên núi đúng không?”

Mễ Dương dở khóc dở cười nói: “Không phải, chỉ là cách gọi thôi, giống như là trứng gà ta mà dì Ngô hay mua ấy, gà đồi còn có nghĩa giống là gà vườn ấy.”

Đến lúc này Bạch Lạc Xuyên mới hiểu ra, ngượng ngùng vùi đầu ăn cánh gà.

(笨鸡 - dịch trắng ra là gà đần, đần trong đần độn, nên Bạch Lạc Xuyên mới hiểu nhầm như trên)