Trước Vòng Chung Kết

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Dưới sân, các cầu thủ Hải Quan ôm nhau. Trên khán đài, thằng Tân ôm mặt. Sự huyên náo bùng nổ và lan truyền trong đám đông không thua gì lúc nãy. Nhưng trên các gương mặt, niềm vui và nỗi buồn đã đổi  …
Xem Thêm

Tất nhiên là nhà vô địch của chúng ta không được vui lắm. Bởi vì thằng Tân luôn nghĩ rằng từ nay về sau, trong khi nó đang phô diễn tài nghệ trên sân cỏ thì sẽ có nhiều khán giả xầm xì "Đó, tay đó đá bóng coi khá vậy mà học đúp đó mày!" hoặc "Ối! Đá bóng thì chạy như ngựa mà học hành chậm như rùa!" Mặc dù đã xác định học tập là thứ yếu nhưng khi tưởng tượng những người khác đang dè bỉu, khinh khi mình, thằng Tân cũng cảm thấy mắc cỡ ghê gớm. Thế là tự nhiên nó chú tâm đến bài vở hơn trước.

Cái động lực thứ hai giúp cho nó đủ điểm lên lớp năm trong năm học vừa rồi là ba nó. Buồn phiền vì đứa con của mình đã học đúp một năm mà năm nay lại vẫn tiếp tục ì ạch ở cái thứ hạng 45 trên 50 học sinh, ba nó quyết tâm kiểm tra chặt chẽ việc học tập của nó. Ngay ngày đầu tiên bắt tay vô việc kèm cặp thằng Tân, ba nó cực kỳ kinh ngạc trước sự mất căn bản của nó.

- Trời ơi, trước giờ mày học hành vầy đây hả, con ơi!

Ba nó than một câu thống thiết và hiểu ra cái thiếu sót lớn nhứt của mình từ trước đến nay là không hề quan tâm đến việc học hành của thằng con, đồng thời ông cũng phát hiện ra là thằng con cũng chẳng hề quan tâm gì đến việc học của nó, hệt như mình.

Thật vậy, học tới lớp bốn rồi mà thằng Tân chỉ thuộc mỗi cửu chương hai. Khi ba nó hỏi:

- Ba lần bốn là mấy?

Tân trả lời tỉnh bơ:

- Mười lăm.

- Vậy thì ba lần năm là mấy?

- Mười tám.

Tân lại trả lời ngay, không ngập ngừng. Cái đặc biệt "hơn người" của nó là ở chỗ đó. Mặc dù mù tịt về những điều ba nó hỏi, nó không hề ấp úng chần chừ để suy nghĩ mà lập tức trả lời một cách nhanh nhẹn quả quyết, y như nó đã nói là không bao giờ sai. Và nếu có sai thì lỗi không phải là tại nó. Nhưng cái "đức tính" quý báu đó không giúp ích được gì cho nó bởi ba nó vẫn giữ nguyên những nhận xét không tốt đẹp gì về trình độ học vấn của con mình.

Sau nửa tháng bị cưỡng bức học cửu chương, nó đã thuộc tới cửu chương năm. Kể luôn cửu chương năm cho oai vậy thôi chứ thực ra đối với tất cả học sinh, cửu chương năm còn dễ thuộc hơn cửu chương hai nhiều.

Bây giờ thì thằng Tân có thể trả lời chính xác bốn lần tám là bao nhiêu. Nhưng để nói được cái điều đơn giản đó, nó phải nhẩm trong miệng từ bốn lần một cho tới bốn lần tám rồi mới trả lời được. Thôi kệ, dù sao như vậy cũng còn hơn là không biết gì hết. Ba nó nghĩ vậy và lại hỏi:

- Còn tám lần bốn là mấy?

Tân ngạc nhiên rất thành thật:

- Con chưa học tới cửu chương tám mà!

Sau khi hiểu sâu sắc thằng con, ba nó lập hẳn một chương trình giảng dạy ở nhà với quy mô lớn chưa từng có nhằm "siết con ốc" cái kiến thức lung lay của thằng Tân.

Dĩ nhiên, dưới lực đẩy không khoan nhượng của ba nó, Tân bắt buộc phải nhích tới một vài bước. Và với một vài bước quý giá đó, năm nay nó đã hiên ngang bước vào lớp năm.

Để bồi đắp thêm cái nền tảng toán học còn sơ sài của nó trong năm học mới, hằng ngày ba nó vẫn tiếp tục duy trì chương trình giáo dục cưỡng bách của mình. Với sự chăm sóc của người cha tận tụy, Tân buộc phải để ý đến trái bóng thân yêu chỉ bằng một con mắt, còn mắt kia thì dành cho những con số mà dù đã khá quen thuộc nó cũng không thể nào thương nổi. Như chiều nay chẳng hạn, ba nó ra hai bài toán đố bắt nó ở nhà làm, nó vẫn quyết định quay lưng lại với những con số một cách tàn nhẫn để lén lút chạy theo tiếng gọi thân thương của trái bóng định mệnh. Để bây giờ, nó trở về nhà trong một tâm trạng thắc thỏm và chui vô bằng cửa sau như một tên trộm. Nó vừa đút đầu vô cửa liền bị chị Nguyên bắt gặp:

- Chà, đi chơi giờ này mới về, ngon quá há!

Tân đưa tay lên miệng:

- Suỵt! Ba về chưa?

Chị Nguyên vẫn nói lớn:

- Suỵt gì mà suỵt, ba tìm mày nãy giờ đó!

Tân thót bụng lại. Nó nhè nhẹ bước ra lu nước rửa chân. Nó đang múc nước dội khe khẽ thì nghe tiếng ba nó đột ngột vang lên từ sau lưng: - Sao, đi chơi vui không con?

Thằng Tân nghe như có sấm nổi bên tai, ca nước trên tay suýt nữa rớt xuống đất. Nó hoang mang không hiểu câu hỏi mát mẻ của ba nó là giận hay vui. Nhưng nó vẫn đáp một cách dè dặt:

- Dạ... vui, ba!

Ba nó lại hỏi:

- Con đi đá bóng về hả?

"Chà, giờ mới thiệt là chết đây!" - Tân sợ hãi nhủ thầm. - Dạ.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Giọng ba nó dường như trở nên vui vẻ:

- Con có đá vô trái nào không?

- Con đá vô một trái! - Lần này, Tân trả lời dạn dĩ hơn.

Ba nó xuýt xoa:

- Chà, giỏi quá há! Đá vô một trái! Nhưng còn toán thì con đã làm được mấy bài rồi? Chắc xong hết rồi chớ gì?

Bây giờ "ông già" mới bắt đầu đây! Tân nghĩ bụng và cảm thấy khó thở. Nó lúng túng: - Dạ... chưa xong.

Ba nó gật gù:

- Thì chưa xong cả hai bài, nhưng chắc là đã làm được một bài, phải không con?

Tân ấp úng:

- Con... chưa làm... bài nào hết.

- Chưa làm một bài nào mà con vẫn đi chơi như thường. Chà, con vậy mới là con chứ? Đồ lười biếng! - Ba nó đột ngột quát lên - Lát nữa ăn cơm xong mày biết tay tao! Banh với bóng!

Ba nó giận dữ bỏ lên nhà trên. Thằng Tân liệng cái ca vô lu rồi loay hoay không biết làm gì, nó lại múc nước tiếp tục rửa cặp chân đã sạch bóng, trong lòng hình dung những điều xấu nhất có thể xảy ra.

Trong lúc đó, chị Nguyên đang xào thức ăn trong bếp, thò đầu ra, nheo mắt nói:

- Đáng đời chưa! Tao đã nói rồi mà không chịu nghe, cứ chạy nhong nhong ngoài đường.

- Thôi đi!

Tân gạt phắt và bực bội xỏ chân vô dép. Nghe đau đau, nó cúi xuống quan sát và phát hiện ra bàn chân trái của nó bị tróc một mảng da gần ngón chân cái. "Chắc hồi chiều mình đá vô lề đường hay một cục gạch nào đó mà không hay!" Nó đoán vậy và cà nhắc đi tìm chai thuốc đỏ, lòng không quên những lời hứa hẹn đầy giông bão của ba nó.

Thằng Tân đoán trật lất. Chẳng có giông mà cũng không có bão nào xảy đến với nó mặc dù khi ăn cơm xong thì trời bên ngoài bắt đầu chuyển mưa.

Ba nó chỉ bắt nó ngồi vô bàn, chừng nào làm xong bài toán đố mới được đi ngủ. Tưởng sao, làm thì làm!

Nó đọc để toán thứ nhất:

"Hai tổ sản xuất nghề phụ của hợp tác xã khâu nón, tổ một có 12 người, tổ hai có 9 người. Cuối ngày tổ một đã sản xuất được nhiều hơn tổ hai 12 cái nón. Hỏi cả ngày hai tổ đã khâu được bao nhiêu nón?"

Ối trời, dễ như húp cháo! Không cần suy nghĩ lâu, Tân bắt tay giải ngay bài toán. Nó lấy ba con số đã cho trong đề toán cộng lại với nhau thành ra 33. Rồi nó bắt đầu phân tích: giả sử tổ một 12 người, mỗi người làm được một cái nón, tổ hai 9 người, mỗi người cũng làm được một cái nón, như vậy tổng cộng là 21 cái nón, rồi thêm vào mười hai cái tổ một làm nhiều hơn tổ hai nữa là 33 cái nón cả thảy.

Thấy chắc ăn trăm phần trăm rồi, nó hý hoáy viết bài làm vô tập, vừa viết vừa lẩm bẩm:

- Xong rồi!

Gọi là lẩm bẩm chớ thiệt ra nó cố tình nói hơi lớn để báo động cho người khác biết thành quả của nó. Đúng như ý đồ của nó, mới vừa nghe nó "lẩm bẩm" là ba nó đứng bật dậy, buông tờ báo xuống bàn và bước lại gần nó:

- Sao, xong rồi hả con?

Tân đáp mà không ngẩng mặt lên, tay vẫn tiếp tục viết, ra vẻ "giải cái bài toán xoàng này có gì phải khoe khoang":

- Dạ, quệt hai, ba cái cũng xong thôi!

Nó nhấn mạnh chữ "quệt" để cho ba nó biết là nó giải bài toán này không cần cố gắng lắm. Rồi để gây ấn tượng thêm nữa, nó tiếp tục càu nhàu:

- Toán kho khó làm mới thích. Còn mấy bài toán này làm phát chán, lại mất thì giờ! Ba nó đặt tay lên vai nó, khen:

Thêm Bình Luận