Chương 17 : Cá Quỷ 3

Đại Bát Môn này nói theo cách khác, có thể gọi là Hồng Môn. Ở trong nước, không có ai nói mình là đệ tử của Hồng Môn, tất cả đều nói là người của Bát Đại Môn nhưng ra nước ngoài thì lại xưng mình là người Hồng Môn. Điều này thực ra có lý do cả.

Có người nói Thanh Bang có liên quan đến Bát Đại Môn, nhưng không chính xác, Thanh Bang có nguồn gốc từ Tào Bang, thuộc một hệ khác, bọn họ không đọ được Đại Bát Môn.

Đại Bát Môn không giống Thanh Bang, bất luận là đời nào cũng phải theo sư phụ. Tuy nhiên bởi vì Đại Bát Môn quả thực quá lớn, mối quan hệ ở đây cũng rất phức tạp, không phân rõ được cũng là dễ hiểu. Tuy đủ các chi nhánh chằng chịt nhưng tổ chức của Đại Bát Môn rất chặt chẽ, có Tổng Đường Trung Nghĩa, Nội Bát Môn, Ngoại Bát Môn... thực sự là vô cùng rắc rối.

Ông cố tôi sau khi biết thân phận ông lão nuôi ong cũng vô cùng bất ngờ, ông cố không ngờ rằng Trung Quốc đi vào thời kì kiến quốc mười mấy năm trời mà lại vẫn có thể gặp người trong giang hồ. Lão nuôi ông giải thích với ông cố tôi, bây giờ các bang phái trong nước đều đã tan rã, người thực sự trong giang hồ không còn nhiều nữa. Sau đó ông lão nuôi ong giải thích với ông cố tôi lý do lão giả bộ câm điếc.

Lão nói tuy rằng người trong giang hồ không còn nhiều nhưng vẫn là còn, hơn nữa những nhân sĩ này trong thế cuộc loạn lạc sống đều rất khá, có người làm quan, có người đi bộ đội, có người làm kinh doanh.

Bởi vì là nhân sĩ giang hồ có nghĩa là có ân oán tình thù. Lão nuôi ong nói, trước đây lão và các huynh đệ đồng môn có xảy ra tranh chấp, bọn họ muốn ép lão đến chỗ chết, bất đắc dĩ lão mới phải già vờ câm điếc bao nhiêu năm qua. Lão nói đến đây tỏ ra vô cùng ngại ngùng.

Ông cố tôi lại hỏi, vậy ông nửa đêm không lo ngủ, đi ra sông làm gì?

Lão trầm mặc một lúc mới nói với ông cố tôi, mấy năm trước lão nhận được tin, sông Nghi Hà có người cá, lão đến đây là để bắt người cá.

Ông cố tôi nghe xong liền ngớ người ra: “Người cá? Không phải bọn chúng sống ở biển sao? Sông Nghi Hà này sao lại có người cá được? Tôi sống ở đây mấy chục năm trời chưa bao giờ gặp.”

Ông lão nuôi ong cười nói: “Việc này thì anh không hiểu rồi, có người cá sống ở ngoài biển, cũng có người cá sống ở Nghi Hà này. Người cá sống ở Nghi Hà gọi Cá Quỷ, bị đuổi từ Hoàng Tuyền ra đây. Loại Cá Quỷ này đã sống ở đây mấy ngàn năm rồi, nhưng đây là một bí mật, xưa nay rất ít người biết được.”

Nói đến đây, lão cẩn thận từ dưới giường lấy ra một thứ đưa cho ông cố tôi, nói: “Đây anh xem đi, tôi có chứng cứ.”

Ông cố tôi đón lấy, tỉ mỉ xem tới xem lui, không rõ thứ đàn hồi dính dính trên tay này là cái gì?

Lão nuôi ong nói với ông cố tôi: “Đây là thứ tối qua tôi đi bắt Cá Quỷ nhổ ra được từ trên người nó, đây chính là một cái vẩy cá đó.”

Ông cố tôi hỏi lão: “Ông trăm phương ngàn kế muốn bắt Cá Quỷ để làm gì?”

Lão nuôi ong bám giường ngồi dậy nói: “Nước mắt của người cá là trân châu, vậy ông biết nước mắt của Cá Quỷ là thứ gì không?”

Ông cố tôi tuy thấy nhiều biết rộng nhưng thật sự không biết nước mắt của Cá Quỷ là thứ gì.

Lão nuôi ong thần thần bí bí nói: “Nước mắt của Cá Quỷ chính là dạ minh châu.”

Lão nuôi ong nói xong câu này, đột nhiên nghe thấy tiếng động bên ngoài lều. Lão bị dọa một trận, lớn tiếng hỏi: “Ai?”

Ông cố tôi chạy ra ngoài xem, nhìn cái bóng đang chạy, ông cố tôi đoán ra, có lẽ là thằng bé được cứu hôm trước.

Ông cố tôi đi vào, nói lại với lão nuôi ong. Lão im lặng một chút rồi nói: “Nếu như nó biết thì phiền phức rồi đây.”

Ông cố tôi bảo: “Mạng của nó là do ông cứu về, chắc là không đâu.”

Lão ta lắc đầu nói: “Việc này không chắc được, lòng người khó lường lắm.”

Nghỉ ngơi hơn một tháng, sức khỏe của lão nuôi ong coi như đã phục hồi hoàn toàn, chỉ là trên bụng lưu lại một vết sẹo rất dài. Lão chẳng hề để ý, nói với ông cố tôi rằng, sẹo trên người lão nhiều như thế, thêm một vết cũng chẳng sao.

Sông Nghi Hà tháng 7 đã qua những ngày nước dữ, trở về trạng thái bình yên vốn có. Nhưng thời gian này không hiểu sao trên Nghi Hà đột nhiên lại có rất nhiều người đến đánh cá. Lúc đầu ông cố tôi còn không biết là việc gì, sau đó vừa nghe ngóng được, ông cố tôi đã thấy mọi sự hỏng bét rồi. Những người đó vốn không phải là đi đánh cá, họ muốn bắt Cá Quỷ kìa.

Đúng như lão nuôi ong nói, thằng bé được lão cứu sau khi nghe thấy hai người nói chuyện đã kể tin này với tất cả mọi người trong thôn.

Người trong thôn lúc đầu vẫn chưa tin lời thằng bé đó nói, không ngờ để chứng thực, nó đã đến lều của lão nuôi ong lén lút trộm cái vẩy cá, đi rêu rao khắp nơi.

Hành động này của thằng bé khiến lão nuôi ong vô cùng buồn bã. Lúc lão uống rượu kéo tay ông cố tôi nói: “Đúng là lòng người, tôi đã trải qua nhiều rồi, đã không có gì có thể khiến tôi đau lòng nữa, nhưng việc nó làm vẫn khiến tôi buồn lắm.”

Ngày thứ hai sau khi lão nuôi ong kể với ông cố tôi, lão đã xếp đống thùng ong của mình lên xe kéo rời khỏi. Đến ông cố tôi cũng không kịp nói với lão lời tạm biệt, sáng hôm sau khi thức dậy thì căn lều của lão đã trống trơn, chẳng sót lại thứ gì.

Từ đó về sau, ông cố tôi không bao giờ gặp lại ông lão nữa, cũng không nghe tin tức gì của lão. Tuy lão rời đi rồi nhưng năm đó, những người tìm Cá Quỷ trên sông Nghi Hà lại đông vô số kể.

Đến cha tôi cũng đến tìm ông cố tôi, nói muốn chèo thuyền đi tìm bắt Cá Quỷ, bị ông cố tôi đạp cho hai đạp. Cha tôi trong lòng ngấm ngầm không vừa ý, tìm cha của ổng kể lể, lại bị cha của ổng đạp cho hai đạp nữa.

Liên tiếp bị ăn bốn đạp mà cũng vẫn không ngăn được quyết tâm đi tìm Cá Quỷ của cha tôi.