Chương 2

Tuy đại phu nhân là chính thê, nhưng bà ấy chưa bao giờ được cha ta yêu thương, sân viện lúc nào cũng vắng ngắt.

Mà chính đại phu nhân cũng không biết cách tranh giành tình cảm. Bà ấy chưa bao giờ lấy lòng cha ta, thậm chí còn chẳng thèm cố gắng làm điều đó, ngày nào cũng chỉ tu tập trong Phật đường.

Thẩm Uyển Dung đi theo đại phu nhân nên bị quản giáo rất nghiêm khắc.

Trời còn chưa sáng mà nàng ta đã bị bà tử gọi dậy, sau khi rửa mặt, thay quần áo xong thì đến học đường dành cho nữ tử trong Kinh thành để học với các thầy. Đến lúc quay về cũng chưa được nghỉ ngơi, đại phu nhân sẽ đích thân quan sát cách tính toán hay cách xem sổ sách của nàng ta, khiến nàng ta phải cặm cụi làm việc mãi cho đến tối.

Thẩm Uyển Dung khổ không thể tả.

Nhất là, trong khi nàng ta bị những con số làm choáng váng cả đầu óc thì ta lại theo Triệu di nương đến gánh hát xem kịch.

Lúc nàng ta luyện chữ đến đau cả tay thì Triệu di nương lại dẫn ta đi đạp thanh, còn được thả diều nữa chứ.

Chưa dừng lại ở đó, khi ta lớn hơn một chút cũng là lúc ta có thể tham gia các buổi yến tiệc của đám công tử, tiểu thư trong Kinh thành. Ta được Triệu di nương chăm chút rất kỹ lưỡng, nhất là chiếc váy màu mận đào đẹp đến nao lòng kia. Ta vừa biết hát, lại còn biết đánh đàn, thế nên đám con vua cháu chúa trong Kinh ái mộ ta không dứt, họ còn gọi ta là đệ nhất mỹ nhân của Kinh thành nữa chứ.

Còn Thẩm Uyển Dung chẳng được ai để mắt tới. Nàng ta không có tài nghệ, mấy thứ đại phu nhân dạy nào có thể sử dụng trong trường hợp này.

Cũng may Thẩm Uyển Dung còn có thân phận đích nữ, ít nhiều gì thì cũng chiếm ưu thế hơn.

Vì vậy, sau khi Thẩm Uyển Dung thích tiểu Hầu gia của phủ Tuyên Bình Hầu, nàng ta không ăn không uống mà quỳ gối trước đại phu nhân: “Mẹ ơi, xin mẹ nhanh đến Hầu phủ làm mai cho con với ạ.”

Đại phu nhân không mảy may quan tâm đến lời khẩn cầu của nàng ta, bà ấy chỉ hờ hững đáp rằng: “Con vẫn chưa đủ tuổi, chúng ta sẽ bàn lại chuyện này sau. Hơn nữa bây giờ con si tình điên cuồng như thế, sau này ắt sinh họa lớn. Ta phạt con đến Phật đường chép Tâm Kinh ba mươi lần.”

Trong khi Thẩm Uyển Dung bị phạt đến Phật đường chép kinh thì ta lại tiếp tục trổ tài trong yến tiệc với điệu múa Lục Yêu mà Triệu di nương đã dạy.

Dáng vẻ thướt tha yêu kiều ấy đã khiến bao nhiêu vương tôn công tử thổn thức tơ vương.

Nghe nói ngày đó, người trong Kinh Thành đều khuynh đảo vì ta, ngay cả vị tiểu Hầu gia mà Thẩm Uyển Dung thương nhớ ngày đêm cũng rung động vì điệu múa ấy.

Lúc Thẩm Uyển Dung chật vật thoát ra khỏi Phật đường thì Hầu phủ đã gửi thiệp cầu hôn tới Thẩm phủ.

Người làm mai chính là mẹ của tiểu Hầu gia, bà ấy cười hiền từ: “Ta biết nhị cô nương là thứ nữ, lớn lên bên cạnh di nương. Nhưng chẳng sao cả, ta cũng là thứ nữ mà. Ta chẳng quan tâm đích thứ, chỉ cần con trai ta vui là được.”

Thẩm Uyển Dung phát điên.

Nàng xa xách thùng dầu xông vào phòng ta rồi châm lửa.

Thế là tỷ muội chúng ta đã táng thân trong biển lửa ấy, nào ngờ hai ta lại cùng nhau trùng sinh.

Kiếp này Thẩm Uyển Dung chọn Triệu di nương chẳng chút do dự.

Nàng ta nói: “Danh phận đích nữ trong Thẩm gia chỉ là trò cười mà thôi. Ngươi đi theo bà già đáng ch.ế.t kia để chịu khổ đi.”

Đúng là chỗ đại phu nhân hơi khổ thật.

Cha ta ái thϊếp diệt thê có tiếng trong Kinh thành, chẳng qua kiếp trước chúng ta còn quá nhỏ nên chẳng hiểu mấy chuyện này.

Ta vào phòng của đại phu nhân mà cứ ngỡ lạc chân vào động tuyết nào đó. Nơi này chẳng có lấy một vật trang trí, trừ bàn ghế và vài vật dụng cần thiết thì chỉ còn mỗi pho tượng Phật và chiếc lư hương mà thôi.

Đại phu nhân nhắm mắt lạy Phật rồi hỏi ta: “Ngươi thất vọng lắm nhỉ?”