Chương 34

Cố Dung cười: “Ở trong lòng ngươi, ta là người liều lĩnh lỗ mãng hay sao?”

“Chẳng lẽ không phải sao?” Bỗng nhiên Lý Chẩm tiếp lời: “Hôm đó ở thành Bà Nhã nghe được tin tức A Trâm xảy ra chuyện, người phát điên chính là ai?”

Cố Dung liếc mắt nhìn ta, khuôn mặt trắng nõn bị hun đến đỏ bừng.

“Ta… Ta..” Cố Dung ậm ừ một hồi lâu, bỗng nhiên trừng mắt:

“Lý Chẩm, ngươi không nói ta cũng không nghĩ ra. Ngày đó, lúc ngươi giáng ta một gậy kia, ngươi còn nhớ đã nói gì hay không?”

“Cái gì… Cái gì đâu?”

Lý Chẩm rõ ràng là chột dạ.

Cố Dung cười lạnh, từng bước áp sát, lộ ra ánh mắt của kẻ đi săn, nhìn Lý Chẩm chằm chằm:

“Lý Chẩm, không phải chính ngươi nói, ngày nào đó sẽ trả lại ta một gậy này hay sao?”

Lý Chẩm bị ép đến lui về phía sau: “Ai… Ai nói?”

Cố Dung nhướng mày: “Lý Chẩm, đại trượng phu nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy, ngươi làm anh hùng, không làm cho tốt còn muốn làm quỷ vô lại à?”

Dứt lời, Cố Dung nói với ta.

“Trâm Trâm, phiền ngươi đến phủ Tướng quân, nói với Tam ca ta mượn lang nha bổng* dùng một chút. Nói là, trong phủ Vân Vương có người muốn trả nợ!”

(*) [狼牙棒] (Lang nha bổng): Là một thứ binh khí thời cổ, có thể tạm dịch là “chùy gai”. Nó có hình gậy dài, phần chùy to có hình trụ, cán cầm nhỏ hơn, thuôn dài, thường làm bằng gỗ cứng, dài khoảng bốn năm thước. Phần nối giữa cán và chùy thường làm bằng sắt. Chung quanh phần chùy, đóng rất nhiều đinh sắt lởm chởm như răng sói, nên gọi là Lang Nha Bổng (gậy răng sói). Loại vũ khí này chỉ thấy tại Trung Hoa từ đời Tống trở đi, có lẽ du nhập từ các sắc dân du mục ở phía Bắc biên cương Trung Hoa. Tác dụng chính của nó là đập vỡ vũ khí và áo giáp của địch thủ, phá các loại vũ khí có hình móc như ngô câu kiếm chẳng hạn, đồng thời gây thương tích nghiêm trọng cho địch nhân.

Lúc ấy, Lý Chẩm nói hết lời mới thoát được hình phạt từ lang nha bổng, hứa hẹn đáp ứng vô điều kiện một mong muốn của Cố Dung, việc này mới coi như xong. Đã vài ngày trôi qua, chúng ta bắt đầu tính toán bước đi tiếp theo, dù sao thì phủ Vân Vương cũng vừa lập được công lớn, nên thừa thắng xông lên mới được. Cố Dung kiên trì binh đi nước hiểm*, trước mắt xuống tay với Đoan Vương, thế nhưng Lý Chẩm lại có chút do dự.

(*) [兵行险招] (Binh đi nước hiểm): Là một dạng thành ngữ, chỉ trong tình thế nguy cấp đưa ra kỳ chiêu (chiêu hiểm) có thể sẽ tổn hại bản thân nhưng cũng có cơ may lật ngược tình thế.