Chương 3

Trước đây, tôi luôn bị mẹ mắng vì tội rất “lười”. Không dọn dẹp nhà cửa, không làm việc nhà. Thậm chí là dùng khăn giấy xong cũng để ngay tại bàn học vì nghĩ rằng: “Lát đi ngủ tiện thể đem vứt đi luôn cũng được”. Thế mà, lúc rời khỏi bàn đi ngủ tôi lại “lười” không buồn đem nó đi vứt luôn!

Lúc đó tôi nghĩ: “Tại sao mình lại tồi tệ quá vậy? Chả có ý thức chút nào cả!”

Trong phòng của tôi (tôi ở một mình khi học đại học), nào quần áo, giày dép đều rất bừa bộn. Giấy, bút chì rơi vãi lung tung trên sàn nhà. Nói tóm lại là một thảm họa!

Căn “bệnh” đó cứ mãi kéo dài. Ngay cả trong việc học tập và làm việc, nhìn những bài tập khó, các công việc phức tạp, dài dòng… Tôi lại thấy chán nản chả muốn làm việc gì…

Đến rồi một hôm, cô bạn thân tôi mắng tôi té tát. Tôi còn nhớ câu nói cuối cùng mà nó mắng tôi:

“Mày lười đến thế tao cũng chịu! Mày lười, tao không cấm, bởi đó đã là thói quen của mày! Nhưng mà mày cũng phải nên nhớ, lười đến đâu thì cũng phải lo lấy cái thân mày đã. Bây giờ mày như thế, rồi kiếm gì ăn? Kiếm gì sống? Kiếm gì lo cho ba mẹ mày? Mày phải biết “lười” cũng phải đúng chỗ, đúng lúc!”

Thế là tôi dành nguyên ra một buổi tối để nghiền ngẫm lời nói của nó! Rồi dần dần tôi nghĩ: “Nếu mình lười mà lười một cách “thông minh” thì sao nhỉ?”

Tôi lại ngộ ra một châm ngôn cho riêng mình: Nếu đã lười, không muốn làm mà bắt buộc phải làm thì phải tìm con đường nào thật nhanh để hoàn thành. Thay vì làm một công việc mà mất 1 tháng trời mới xong nhưng không hiệu quả. Chi bằng dành nguyên 1 – 2 ngày suy nghĩ cách làm nào hiệu quả, tiết kiệm thời gian nhất, rồi làm 1 – 2 tuần để hoàn thành có phải hơn không?

Chính sự chuyển biến và cách suy nghĩ, làm việc và học tập đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn còn rất nhiều thời gian sau khi hoàn thành tất cả nhiệm vụ để “lười”

Đối với việc nhà, cái này thì phải “lao động”. Mà tôi lại mắc “bệnh lười” khá nặng. Nên tôi đã đề ra kế sách phù hợp với bản thân: Ngày đầu tuần, tôi sẽ dọn dẹp gọn gàng tất cả, những ngày sau đó sẽ cố gắng không làm bừa bộn tất cả thứ gì. Đến cuối tuần, nếu tình hình vẫn không được kiểm soát, tôi sẽ tự phạt bản thân bằng cách chuyển một số tiền nhất định cho cô bạn thân của tôi. Làm như vậy, tôi sẽ hạn chế được sự phát triển của “lười lao động”.

Ai nói “lười” là một thói quen xấu? Không hẳn! Chính vì “lười” mà tôi đã tìm được cho mình phương pháp làm việc tối ưu nhất, hiệu quả nhất, lại còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, sức lực. Không vì “lười” mà bao phát minh vĩ đại được ra đời đấy sao? Để phục vụ cho cuộc sống, để tiết kiệm được thời gian, sức lực. Ví dụ như robot dọn nhà, máy rửa bát, máy hút bụi,… Tất cả đều là những phát minh sáng tạo, giúp đỡ con người rất nhiều trong đời sống.

Thế nhưng, có một điều cần phải lưu ý. “Lười động não” lại là một vấn đề khác. Nếu đã “lười” hoạt động não bộ thì chẳng có phát minh nào được chế tạo ra cả!

Tôi viết những dòng này chỉ để chia sẻ một chút về những điều mà tôi chuyển hóa từ tiêu cực đến tích cực. Nếu như chúng ta nghĩ điều mà chúng ta cho là không tốt theo 1 hướng khác. Hay, đơn giản hơn là “tận dụng” chúng một cách thông minh, hiệu quả. Thì đó hoàn toàn là một điều tốt!