Chương 10: Chuẩn bị tự lực cánh sinh

Một khoảng thời gian trôi qua, Viện Tư sống yên ổn trong gia tộc. Mỗi ngày, cô đều đặn đến đội sản xuất làm việc rồi về nhà ăn cơm. Cuối cùng cô cũng biết được thứ màu xanh lè trong bát cháo kia là cái gì.

Nó không phải rau dại, rau dại đều được mang cho heo ăn, con người còn chưa đến lượt. Thứ màu xanh xanh trong bát là lá dương liễu. Các bà, các mẹ ở nhà ăn vào rừng bứt lá về, chọn sạch sẽ rồi đem chần qua nước sôi, sau đó ngâm nước lạnh. Cứ như vậy kiên trì thay nước mỗi ngày, ngâm khoảng một tuần, lá dương liễu hết chát là có thể ăn. Khi nấu cháo, người ta chỉ việc vớt một nắm từ trong chum ra, khuấy đều là đã có một nồi cháo rau.

Nói đến việc tại sao con người không ăn rau dại mà lại để dành cho heo, là bởi vì thời buổi này, địa vị con người còn không bằng con heo. Phải đảm bảo heo được ăn no, ăn khỏe, như vậy nó mới có thể béo tốt, đúng không nào!

Viện Tư không hiểu loại logic này, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cô cũng không có quyền lên tiếng.

Buổi tối, rốt cuộc cô cũng tìm được việc gì đó có ý nghĩa để làm – học bện rơm với bà nội.

Bện rơm là chọn những cọng rơm chắc khỏe, cắt bỏ phần ngọn quá nhỏ, phần gốc quá to, sau đó dùng lòng bàn tay se se như kiểu tết tóc, tết ba cọng rơm lại với nhau. Tết đến gần hết thì nối tiếp một cọng rơm khác vào, mối nối cũng được tết luôn vào trong bím tóc, cứ như vậy có thể tết được một bím rơm rất dài.

Bà nội rất nhanh tay, thoăn thoắt trái một cái, phải một cái, chỉ chốc lát đã tết được một đoạn dài. Sau khi đạt đến độ dài nhất định, bà cuộn tròn bím rơm lại như kiểu cuộn len, vòng quanh chân ghế.

Cuộn đủ 24 vòng là được một lọn, một lọn rơm như vậy có thể bán được hai hào bốn xu ở trạm thu mua. Công dụng chủ yếu của nó là để làm mũ rơm.

Ở Lý Gia Thôn, già trẻ lớn bé đều biết bện rơm, nhưng hiếm có người nhanh tay như bà nội. Trung bình một ngày bà có thể bện được một lọn.

Ở Lý Gia Thôn còn một cách kiếm tiền khác là se dây gai. Phải trồng cây gai, sau đó trải qua các công đoạn ngâm ủ, tước vỏ, phơi khô mới có thể se được sợi gai. Trạm thu mua trả giá khá cao, hơn hai tệ một cân.

Chỉ là nhà Viện Tư đất ít, đều dùng để trồng lương thực, cho nên không có gai để bán.

Viện Tư rất thích bện rơm, bởi vì cô phát hiện có thể rèn luyện tinh thần lực thông qua việc này. Cô thử dùng tinh thần lực điều khiển cọng rơm để tết bím. Hiện tại năng lực còn yếu, chưa đạt đến mức chỉ đâu đánh đó, chỉ có thể lợi dụng tinh thần lực để khống chế sơ bộ hướng di chuyển của cọng rơm, các bước tiếp theo vẫn phải dùng tay thao tác.

Tuy vậy, Viện Tư vẫn rất hăng hái. Thông thường, sau hơn mười phút điều khiển cọng rơm bằng tinh thần lực, cô sẽ chuyển sang dùng tay, còn đầu óc thì bắt đầu thiền định. Cứ như vậy, sau mỗi lần thiền định, tinh thần lực của cô lại tăng lên một chút, tốc độ hồi phục cũng nhanh hơn.

Vì vậy, cô rất thích công việc vừa có thể kiếm thêm thu nhập lại vừa rèn luyện được tinh thần lực này. Mỗi ngày đi làm về, cô đều cùng bà nội bê ghế ra trước cửa ngồi bện rơm.

"Mẹ ơi, sao đội mình không trồng khoai lang giống đội khác nhỉ?" Nhân cơ hội này, Viện Tư hỏi ra thắc mắc trong lòng.

Mấy ngày nay, thông qua việc "điều tra thực địa", Viện Tư nhận thấy đất đai ở tiểu đội 4, đại đội 1, xã Phồn Tinh không phải là màu mỡ gì.

Đầu tiên là đất ít người đông, hơn nữa không biết vì sao, ruộng ở đây chỉ trồng được hai vụ, một vụ lúa mạch, lúa mì gieo vào mùa đông, thu hoạch vào khoảng tháng 5, tháng 6, sau đó trồng tiếp ngô. Hai vụ cứ thay phiên nhau như vậy.

Ngoài ra, muốn trồng gì khác thì phải tự xoay sở. Mặc dù đất đai ở Lý Gia Thôn khan hiếm, nhưng mỗi hộ gia đình vẫn được chia một khoảnh đất, trồng gì trên đó là quyền của họ.

Ví dụ như nhà nào muốn cưới vợ hoặc sắp sinh con thì sẽ trồng bông trên khoảnh đất của mình, vừa đủ dùng trong nhà. Khi không có việc gì quan trọng, họ sẽ trồng lúa mì hoặc ngô.

Còn khoai lang, lạc…thì trong đội không ai trồng. Muốn ăn thì phải đổi lúa mì lấy của đội khác.

Viện Tư được biết, giống lúa mì và ngô hiện tại đều là giống năng suất thấp, một mẫu thu hoạch chẳng được bao nhiêu, cho nên đời sống người dân nơi đây rất vất vả, quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn.

"Khoai lang là cái thứ gì, có phải lương thực đâu mà trồng? Ai lại phí công sức đi trồng thứ đó!" Bà nội đáp với vẻ đương nhiên.

"Nhưng mà năng suất nó cao, nếu như nhà mình trồng toàn bộ khoai lang, chắc hai mẹ con mình cũng không đến nỗi chết đói. Hơn nữa, dây khoai lang còn có thể xào ăn được, tốt biết bao nhiêu!" Viện Tư cảm thấy trong tình trạng còn chưa đủ no bụng mà đã chê cái nọ, chê cái kia thì thật sự không phải là hành động sáng suốt. Hiện tại, điều quan trọng nhất là phải lấp đầy dạ dày đã.

Hiện tại, nhà nào ở Lý Gia Thôn cũng chỉ trồng lúa mì và ngô, rau dưa không có chỗ trồng, chỉ có thể trồng tạm mấy dây mướp ở bờ rào, góc vườn. Cho nên, cứ đến mùa hè là nơi này lại thiếu rau xanh, phải ăn rau dại, lá cây là chính, thật là kỳ lạ.

"Không được, tổ tiên chúng ta truyền lại là phải trồng lúa mì và ngô, không trồng thứ khác!" Bà nội kiên quyết không đổi ý. "Còn nữa, con đừng có nghe ngóng lung tung, đừng có dại dột mà làm theo những gì người ta nói!" Bà nội nghe nói cháu gái nhỏ của mình đi hỏi han xem xung quanh có núi non, sông suối gì không, bèn nghĩ ngay đến việc con bé muốn ra khỏi thôn, giống như đám thanh niên kia, trèo đèo lội suối, mà không nhìn xem nó mới bao nhiêu tuổi.

"Con biết rồi!" Viện Tư miễn cưỡng đáp. Cô thầm nghĩ, nếu không tìm cách, chẳng lẽ ở đây chờ chết đói sao? Cứ như bát cháo lõng bõng ở nhà ăn kia, một gáo nướ© ŧıểυ là hết veo.

Chỉ là Lý Gia Thôn này đúng là không có gì đặc biệt, xung quanh toàn đồng bằng, chẳng thấy bóng dáng ngọn núi nào. Theo những gì cô nghe ngóng được, ngọn núi gần nhất cách nơi này khoảng hơn 70 cây số, đi một vòng chắc mất mấy ngày. Nơi gần nhất có nước là một hồ chứa cách đó hơn 10 dặm. Nghe nói dưới đáy hồ có thủy quỷ, mấy năm trước đã kéo một đứa trẻ xuống nước. Sau khi vớt được xác lên, trên cổ chân đứa bé có một vòng tròn xanh tím, giống như bị thứ gì đó ở dưới siết chặt. Từ đó về sau, người ta đồn thổi về hồ nước có thủy quỷ, không ai dám đến gần.

Viện Tư đã nhắm đến hồ nước kia làm mục tiêu đầu tiên. Cô không tin có thủy quỷ, mà cho dù có, cô cũng phải bắt nó lên, rửa sạch sẽ rồi cho vào nồi nấu canh.

Đương nhiên, cô không thể nói ý định này cho bà nội, nếu không chắc chắn sẽ khiến bà sợ chết khϊếp.

"Con bé này, tính tình y hệt như chị cả và chị ba con. Khi nào ra ngoài làm việc, đừng có chúi mũi vào cắt cỏ, tranh thủ lúc rảnh rỗi đi dạo quanh khu rừng đầu làng. Nhìn thằng cháu nhà bác Hai kìa, lần nào đi về cũng lén lút nhặt được mấy cành củi khô, mẹ thấy mấy lần rồi." Bà nội nhỏ giọng truyền thụ kinh nghiệm cho cháu gái.

Không có núi cũng bất tiện ở chỗ không có củi đun. Nơi đây không có nhiều cây cối, không thể nào dựa vào việc nhặt củi khô mà sống được. Hơn nữa, cây cối bây giờ đều là của nhà nước, nhặt củi khô cũng là xâm phạm tài sản quốc gia, chỉ có thể dùng rơm rạ hoặc thân cây ngô mà đội sản xuất phân cho làm nhiên liệu. Nhưng số lượng có hạn, cho nên nhà nào cũng phải tính toán chi li trong việc đun nấu.

Lúc trước, khi mới thành lập nhà ăn tập thể, ngoài lương thực, mỗi nhà còn phải nộp một nửa số củi dự trữ.

Bà nội vốn là người keo kiệt, tự nhiên là không nỡ nộp đi một nửa số củi của mình, cho nên mới nghĩ đến việc ra ngoài nhặt nhạnh thêm, giờ thì tiện thể truyền thụ kinh nghiệm cho cháu gái luôn.