Chương 32

Kỷ Thanh Thần nhìn nàng ấy chớp chớp mắt, không hiểu ý câu này lắm? Nhìn? Nhìn cái gì cơ. Chẳng qua dù trong lòng có thắc mắc cỡ nào thì nàng vẫn cầm chặt bánh hoa sen trên tay.

Kỷ Bảo Cảnh nhìn đôi mắt to long lanh ấy mà suýt bị u mê, vẫn nhịn không được phải nhéo gương mặt bầu bĩnh của nàng mới chịu.

Trong lúc đó Kỷ Bảo Ánh đã cho người dâng ly trà. Tuy gọi là trò tửu lệnh nhưng dùng trà thay rượu nên dù uống nhiều nước quá thì cũng chỉ đi giải quyết thêm mấy lần mà thôi, không phải chuyện gì to tát.

Trong các tiểu thư đang ngồi đây, Kỷ gia có ba người lớn nhất tham gia. Ba người khách còn lại cũng là con gái nhà cao cửa rộng, đều thuộc phủ Chân Định, ai nấy một bụng thơ ca nên hẳn sẽ không bị mất mặt.

Các tiểu thư lớn hơn muốn chơi trò tửu lệnh nên mấy đứa nhỏ cũng không ngồi yên được, Kỷ Bảo Phỉ đi lên tầng ba ngắm phong cảnh. Kỷ Bảo Ánh dứt khoát sai nha hoàn đi cùng nàng ta, còn Kỷ Thanh Thần và Kỷ Bảo Nhân thì ở lại.

Tất nhiên Kỷ Thanh Thần sẽ ngồi với Kỷ Bảo Cảnh, còn Kỷ Bảo Nhân ngồi cạnh Kỷ Bảo Vân.

“Chúng ta đã nói rõ rồi, ai thua phải uống hết một ly trà, không được đổi ý.” Lúc bắt đầu Kỷ Bảo Vân vẫn rất đắc ý.

Trong những người ngồi đó có đích nữ Tri phủ Lưu gia của phủ Chân Định tên là Lưu Nguyệt Nương. Nàng ấy vẫn luôn ngứa mắt với thái độ kiêu căng của Kỷ Bảo Vân nên khi nghe thế lập tức đáp lại đầy mỉa mai: "Ta đang định nói câu này đấy. Đến khi thua cũng không được nhờ người khác uống thay."

Kỷ Bảo Vân bị nói móc nên mặt mũi đỏ bừng.

“Được rồi, nói rõ ràng xong thì bắt đầu thôi.” Kỷ Bảo Ánh làm chủ nhà đành đứng ra hóa giải bầu không khí.

Bởi vì mục đích chính để giải trí nên mọi người chỉ chọn loại tửu lệnh đơn giản nhất là thơ đối đáp tiếp nối. Sau đó tất cả đều nhất trí đề cử Kỷ Bảo Ánh làm quản trò. Nàng ấy ra câu đầu tiên, lần lượt nối thơ theo chiều kim đồng hồ, nếu ai không nối được thì phạt một ly trà.

Lúc đang định bắt đầu thì bỗng nhiên Kỷ Bảo Cảnh giơ tay rồi từ tốn đề nghị: “Nếu chỉ có vậy, ta thấy quá đơn giản với các vị đang ngồi đây. Chi bằng thế này đi, chúng ta để một tiểu nha hoàn ở cạnh gõ ly, nếu quá năm tiếng gõ vẫn chưa nối được sẽ tính là thua được không?”

Khách tới chúc thọ thái phu nhân Kỷ gia tất nhiên đều có xuất thân danh môn, lại thêm tập tục nữ tử đi học ở Đại Ngụy rất phổ biến nên ai nấy đã đọc đủ loại thơ ca từ nhỏ, lúc này đương nhiên sẽ không tỏ ra lo sợ.

Lưu Nguyệt Nương là người đầu tiên tán đồng, khen rằng: “Ý tưởng này của Cảnh tỷ tỷ rất hay, miễn cho có ai đó mượn cớ chơi xấu.”

Nhưng khi nói dứt câu thì người đầu tiên Lưu Nguyệt Nương nhìn sang lại là Kỷ Bảo Vân khiến nàng ấy tức đến mức muốn vỗ bàn mắng mà vẫn phải cố gắng nhịn xuống. Dù sao người ta cũng đâu có chỉ mặt gọi tên, nếu nàng ấy phản bác cũng chỉ càng cho Lưu Nguyệt Nương thêm cớ chế giễu.

Kỳ thực Lưu Nguyệt Nương không có thù sâu hận lớn gì với Kỷ Bảo Vân cả, chẳng qua cũng chỉ là câu từ chua ngoa giữa các tiểu thư mà thôi. Phụ thân Lưu Nguyệt Nương là quan phụ mẫu ở phủ Chân Định, khả năng kiềm chế của nàng thuộc diện hiếm có trong số các quý nữ. Nhưng cố tình là Chân Định cứ phải chọc một thế gia trăm năm như Kỷ gia, tổ phụ của Kỷ Bảo Vân là thái phó của thái tử, bây giờ cha lại làm quan ở kinh thành. Tuy cũng là tứ phẩm như thân cha của Lưu Nguyệt Nương nhưng quan kinh thành và quan địa phương phải nói là khác nhau một trời một vực. Có những người bôn ba bên ngoài cả đời cũng chẳng đợi nổi cơ hội được điều vào kinh thành.

Hơn nữa tính Kỷ Bảo Vân lại là cái loại phách lối khoe khoang nên Lưu Nguyệt Nương cực kì ghét nàng ấy.

Để mà so sánh thì người lạnh nhạt như Kỷ Bảo Cảnh lại được Lưu Nguyệt Nương thích hơn. Hơn nữa nhà ngoại của Kỷ Bảo Cảnh còn là phủ Tĩnh Vương, cả phủ Chân Định này chẳng ai không biết.

Tuy có khó hơn một chút nhưng cùng là quý nữ đọc đủ loại thơ ca nên chẳng ai lộ dốt cả.

Vì vậy, quản trò Kỷ Bảo Ánh đưa ra câu đầu. Câu nàng ấy ra cũng không khó: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên.*”

*Trích trong bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế, tạm dịch: “Trăng tà, tiếng quạ kêu sương.” (Thi Viện)

Kỷ Bảo Cảnh ngồi bên trái nàng ấy lập tức nối câu: “Thiên giai dạ sắc lương như thủy**.”

** Trích trong bài “Thu tịch” của Đỗ Mục, tạm dịch: “Thềm trời màu đêm mát như nước.” (Thi Viện)