Chương 81: Khí ngã hà thiên.

"Đôi khi bạn là người duy nhất có thể tự cứu mình; vì không ai đến cứu bạn." R. J Intindola

-----

Chúng ta...

Rồi đều phải thỏa hiệp với cuộc sống.

...

Trong căn phòng, một cô bé độ mười tuổi đang khóc lóc trong sợ hãi. Đứng gần đó là một người đàn ông dáng người to lớn, mặc chiếc sơ mi trắng quần tây đen. Tay ông ta cầm sợi dây thắt lưng, một phần đầu sợi dây được quấn vòng qua bàn tay. Người đó là Mạc Thái Long. Đứa bé kia là con ruột của ông ta: Mạc Kỳ Yến.

Mạc Thái Long gương mặt lạnh lùng xa cách, tựa như người xa lạ. Cứ thế thẳng tay quất thắt lưng xuống.

Mạc Kỳ Yến sợ hãi, cô bé co quắp tay chân để chống chọi cơn đau, mỗi tiếng "chát" vang lên là cơ thể không kiềm chế được mà co rúm. Cơn đau bỏng rát xâm chiếm lấy lưng cô bé chỉ hơn mười tuổi.

Mạc Kỳ Yến đang mơ và trong giấc mơ ấy cô quay về lúc bản thân còn nhỏ. Lúc cô phải hứng chịu những trận bạo hành vô lý từ cha mình. Tuổi thơ không trọn vẹn nữa rồi, nó đã bị tước đi bởi chính người đáng lẽ phải cho cô vui vẻ, tuổi thơ của cô bé Mạc Kỳ Yến khi đó chen lẫn muôn vàng đau đớn và nước mắt.

Chiếc thắt lưng là sự ám ảnh cả tuổi thơ với Mạc Kỳ Yến. Mỗi khi Mạc Thái Long cử động thì đầu kim loại thắt lưng lại tạo ra tiếng leng keng. Âm thanh đó khiến cô bé sợ hãi, cô bé ước gì mình có thể trốn đi thật xa. Ước gì có ai đó cứu cô bé.

Mạc Kỳ Yến khi đó chỉ biết co quắp tay chân cuộn vào nhau. Phải tự ôm lấy mình mà thôi, phải tự mình xoa dịu chính mình. Vì sẽ không ai tới cứu cả. Có lẽ từ khoảnh khắc đó, Mạc Kỳ Yến đã phải lòng sự cô độc.

Cô bé như con chim lạc bầy trong trận mưa bão. Cố bay nhưng rồi rơi xuống mặt đất lạnh lẽo, sau cũng chỉ có thể rụt đầu co rúm mà hứng chịu từng giọt mưa nặng nề như băng rơi vào người.

Đau... Dây thắt lưng không ngừng quất vào lưng. Cho dù cô bé đã lết đến góc phòng tìm chỗ trốn. Ước gì mình được yêu thương hơn, ước gì mẹ có thể đến ngăn cha lại.

Trong tâm trí của cô bé, dù Mạc Thái Long ra sao, có đối xử với cô thế nào thì vẫn luôn là người cha thân yêu của cô bé.

Lúc đó, Mạc Kỳ Yến chẳng khác nào một con chim non gọi mãi tiếng gọi "cha" trong mưa bão chỉ để mong có sự đáp lại. Nhưng trong đêm mưa ấy chẳng có gì ngoài tổn thương đẩy cô bé đến vực thẳm.

"Cha... Con đau..."

Mạc Kỳ Yến thốt ra âm thanh bất lực với những giọt nước mắt đã làm mờ hình ảnh trước mặt. Nỗi đau da thịt có thể lành nhưng còn tổn thương tâm hồn thì sao?

"Cha... làm ơn dừng lại..."

Mạc Kỳ Yến là đứa trẻ bị chính cha ruột tước đi sự thơ ngây. Mong muốn được yêu thương bởi chính gia đình mình là sai hay sao?

Tổn thương của những năm tháng đó không chỉ là vết sẹo hằn trên lưng. Nó đã tước đi từng niềm vui vốn có của cô.

Mạc Kỳ Yến của hiện tại không còn cười vui vẻ được như trước nữa.

Cô và con người xưa của quá khứ không thể làm lành với nhau. Tổn thương đã chia nửa đời của Mạc Kỳ Yến ra làm hai.

...

Mạc Kỳ Yến giật mình khỏi cơn ác mộng, cô tự trách bản thân tại sao lại bị ký ức kia quấy rầy vào lúc này. Cô khó nhọc mở mắt, thứ thuốc mê chết tiệt kia vẫn bám chặt lấy cô như một con ma dai dẳng rút đi sinh lực, khiến việc mở mắt thôi cũng thật khó khăn.

Nhưng khi mắt đã mở cũng chẳng có gì khác biệt bởi tất cả là một màu đen bao trùm, đầu cô ập tới một cơn choáng váng, phải mất vài giây Mạc Kỳ Yến mới xua đi được trạng thái mơ hồ. Không thể quan sát bất cứ thứ gì, duy nhất một màu đen phủ lên mọi vật, không gian tối om khiến mọi giác quan rơi vào sự khó chịu tột cùng. Mạc Kỳ Yến nhận ra cô đang bị trói vào một chiếc ghế bằng kim loại. Tay và chân đều bị dây thừng siết chặt, tất cả đồ dùng mang bên người đã bị tước đoạt, giày và tất đều bị lấy đi khiến lòng bàn chân của cô đang chạm lên mặt sàn lạnh giá, lại thêm hơi lạnh từ chiếc ghế kim loại không ngừng phà vào da cô. Tạo nên một cảm giác ớn lạnh. Mạc Kỳ Yến cố di chuyển thử nhưng vô dụng, cử động của cô đã bị khống chế. Cô chẳng khác gì một tù binh, một kẻ chỉ còn có thể chờ để bị gϊếŧ.

Mạc Kỳ Yến cố trấn tĩnh bản thân, tâm trí cô căng ra nhớ đến Tân Vinh. Liệu anh còn sống không?

"Tân Vinh!" Mạc Kỳ Yến gọi.

Không một âm thanh hồi đáp, không gian tối tăm lại thêm sự im lặng khiến người ta không khỏi sợ hãi.

Đối với một cô gái bị trói chặt trên ghế trong một khoảnh không đen kịch, thời gian dường như kéo dài mãi mãi. Bản năng chiến đấu đòi hỏi Mạc Kỳ Yến phải hành động ngay lập tức để tự vệ.

Mạc Kỳ Yến đã ở đây bao lâu? Một tiếng? Nửa ngày? Liệu cô đã ngất trong bao lâu? Thuốc mê dạng xịt hơi hẳn sẽ khó khiến cô ngất lâu. Ước chừng cao nhất chỉ một giờ đổ lại mà thôi.

"Tân Vinh!!!"

Mạc Kỳ Yến hét lên. Bóng tối vẫn im bặt, như một nghĩa địa về đêm. Nơi người chết nằm chờ dưới lòng đất.

Có phải Tân Vinh vẫn còn hôn mê?

Mạc Kỳ Yến dù cố gắng đến đâu cũng không thể nhìn thấy bất cứ điều gì. Đôi mắt là giác quan tạo ra cảm giác an toàn, chính vì nhận thức được điều gì đang ở xung quanh khiến ta có sự chuẩn bị để phản ứng lại. Khi rơi vào bóng tối sự sợ hãi sẽ gia tăng, ta không biết điều gì sẽ đến. Như cá nằm trên thớt, ép ta thành người phải chờ đợi trong lo sợ.

"Tân Vinh..." Mạc Kỳ Yến tiếp tục gọi.

Đừng chết thêm một người nữa, làm ơn...

Vẫn không có tiếng phản hồi. Mạc Kỳ Yến bắt đầu lo sợ, là sợ Tân Vinh xảy ra chuyện. Anh ta còn gia đình...

Mạc Kỳ Yến cố vùng vẫy khỏi trói buộc, tiếng dây thừng ma sát vào ghế vang lên, để lại vết trầy trên da của Mạc Kỳ Yến, càng cố vùng vẫy càng khiến da ở cổ tay bị tổn thương nặng nề hơn. Chiếc ghế bằng sắt vững trãi, với chân ghế bị hàn xuống sàn không xoay chuyển. Quả thực đang trêu đùa cô ư? Chết không đáng sợ, đáng sợ là chính cô làm liên lụy đến người khác.

Mạc Kỳ Yến vùng vẫy mạnh hơn, không quan tâm đến vết trầy mỗi lúc một lớn trên cổ tay nữa. Thứ quan trọng nhất với cô lúc này là phải tìm ra Tân Vinh, cô không muốn ai phải chết nữa. Mạc Kỳ Yến phải thoát ra, Mạc Kỳ Yến lúc này như cá mắc cạn cố dùng hết sinh lực thoát ra. Vừa bất lực vừa đáng thương. Mạc Kỳ Yến có khác gì quay trở về đứa trẻ năm 10 tuổi phải trốn vào góc vì bị đánh không?

Cảm giác này khiến cô thật sự trở nên đáng thương hại... tại sao đã nhiều năm như vậy cô vẫn không thể thoát khỏi quá khứ?

Mạc Kỳ Yến hít một hơi, cô phải động não. Nếu kẻ đó muốn cô chết thì sẽ không giữ cô sống. Hơn nữa từ đầu đến giờ, thứ khao khát nhất của hung thủ là biến cô giống như hắn cơ mà?

Nghĩ đến đây Mạc Kỳ Yến cảm giác cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống.

Có lẽ nào bà ta sẽ làm thịt Tân Vinh rồi bắt cô ăn?

Hay dùng mạng sống của Tân Vinh ép cô phải ăn thịt người?

Bao tử của Mạc Kỳ Yến quặn lên, cơn buồn nôn dâng trào.

Tại sao, không thể đơn giản là gϊếŧ cô đi mà liên tục hành hạ cô như thế? Hơi thở của cô trở nên nặng nhọc, hô hấp bắt đầu rối loạn. Nơi này quá ngột ngạt, khiến mồ hôi của cô đã ướt đẫm chiếc áo sơ mi đang mặc trên người.

Mạc Kỳ Yến sợ mình sẽ mất bình tĩnh, sợ bản thân sẽ rơi vào tâm lý sợ hãi, đây hẳn là điều mà bà ta muốn thấy. Mạc Kỳ Yến không thể mất bình tĩnh, cô siết chặt hai tay. Cố ổn định lại nhịp thở của bản thân. Cô nhớ đến chuyến bay năm đó, chẳng phải bữa tiệc thịt người khi xưa là do tên xã hội đen kia muốn chơi đùa với tâm lý con người sao?

Hắn muốn đưa những con người vừa trải qua sinh tử đến một bài kiểm tra nữa, bài kiểm tra "nhân tính".

Mạc Kỳ Yến khi đó là người duy nhất lựa chọn sự lương thiện. Cô thoát khỏi đó với đôi tay không nhuốm máu của ai. Điều này về sau đã khiến hung thủ muốn cô phải thay đổi, hắn muốn cô phải như hắn. "Ăn thịt người sẽ giúp ta biến đổi." cái quan niệm đầy kinh tởm. Có những kẻ mang trong mình suy nghĩ bệnh hoạn, phi nhân tính. Trương Vĩnh Minh là ví dụ điển hình, một con quỷ trong hình hài đồng loại của chúng ta. Con quỷ ấy khoác lên tấm da người để ăn thịt người. Hắn ngang nhiên gϊếŧ thịt trẻ em rồi bán lại cho chính dân làng. Nhưng Trương Vĩnh Minh có thể nhiều người như vậy chẳng phải vì cảnh sát nơi đó giả mù giả điếc ư? Chính bọn họ cũng khác gì kẻ ác? Tiếng gào thét khóc lóc của gia đình nạn nhân có đến tai họ thì cũng không đến được lương tâm của họ.

Công lý sẽ đến, phải không?

Công lý có tồn tại, nó chỉ đến với nhiều hình dạng khác nhau mà thôi. Nhưng vấn đề là công lý luôn đến sau khi tội ác đã xảy ra.

Mạc Kỳ Yến cắn chặt răng, hàng chân mày nhíu chặt. Ánh mắt đanh thép xuất hiện, cô là một cảnh sát. Cô tuyệt đối sẽ không để những con ma quỷ này tồn tại trên đời. Nơi ma quỷ nên ở là địa ngục, không phải sống cùng con người. Mạc Kỳ Yến là một cảnh sát, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép khuất phục tội ác. Cô đã chạy trốn khỏi gia đình mình nhưng không đồng nghĩa cô sẽ cúi đầu trước cái ác.

Có những hoàn cảnh mà người duy nhất cứu được ta chỉ có thể là chính ta.

Cái gọi là: Thần linh vội vã,

Bỏ ta chẳng màng.*

Thần linh không cứu giúp con người khỏi ma quỷ, họ để ma quỷ thử lòng con người trong sự sa ngã. Hay chính thần linh và ma quỷ đang cá cược lên con người?

Không ai ở nơi này, cũng không thể trốn chạy. Cách duy nhất là đương đầu. Trên đời tồn tại một dạng người, càng bị đẩy vào đường cùng lại càng thể hiện được sức mạnh của bản thân. Đó chính là Mạc Kỳ Yến, thứ sau cùng mà Mạc Kỳ Yến cần không phải là tình yêu từ một người khác, mà là nhận ra được chính bản thân mình.

—-

Hán Việt:

Thần linh thúc hốt,

Khí ngã hà thiên.

Hai câu trong Đoản Ca Hành của Tào Phi. Bản dịch trên do Điệp Luyến Hoa (Thivien) dịch.