Hồi 43: Nguyễn Tuấn.

Người đàn ông nọ tự xưng là Nguyễn Tuấn, anh hiện đang điều hành công việc kinh doanh tư nhân cho gia đình. Là một thanh niên đẹp mã lại lịch thiệp, Nguyễn Tuấn ngỏ ý mời Thục Quyên và sư cả San Ya về nhà mình để tìm hiểu thêm về bức tranh có lưu giữ hình ảnh rất đỗi giống với Thục Quyên.

Gọi là nhà, nhưng theo Thục Quyên thấy thì đây chính là một căn biệt thự ven sông, diện tích rộng rãi thoáng đãng, kiến trúc pha lẫn Đông Tây độc đáo, quả nhiên gia chủ có gu thẩm mỹ đáng ngưỡng mộ. Vừa vào bên trong phòng khách, lọt vào đuôi mắt cô là bức tranh sơn dầu nọ, với gam màu tuy đã phủ bụi thời gian nhưng nhìn chung vẫn dễ dàng nhận diện.

Trong tranh, Trịnh Thục Đoan ngồi bên cạnh Lê Mộng Thủy trên sa-lon, đứng đằng sau là Trịnh Kiến Trạch và một người trông rất giống Nguyễn Tuấn mà anh giới thiệu đó là ông sơ của mình, Nguyễn Ba.

Nguyễn Tuấn ngẩn ngơ nhìn cô gái đứng cạnh bên mình, trông cứ như một khuôn đúc tạc từ người trong tranh vẽ. Không đợi Thục Quyên mở lời hỏi, Nguyễn Tuấn đã chủ động kể ra.

- Tranh này là do ông sơ của tôi mướn hoạ sĩ vẽ làm kỷ niệm, theo như tôi được biết qua những lời kể của ông bà thì ông sơ và ông Trịnh kia có mối giao hảo thâm tình lắm! Có vài lời đồn rằng, họ Nguyễn này lắm tiền nhiều bạc cũng nhờ...ông sơ cùng ông Trịnh kia thực hiện nghi lễ Thần Giữ Của. Nhưng chẳng ai có thể kiểm chứng thực hư.

Thục Quyên nãy giờ chỉ chăm chú nhìn vào Lê Mộng Thủy trong tranh, vẫn là bộ dáng thanh cao xinh đẹp như vậy, nhưng giờ nàng đang ở đâu?

- Cô có phải là con cháu của nhà họ Trịnh không? Trông cô rất giống cô ba Trịnh Thục Đoan...

Nguyễn Tuấn hỏi.

Thục Quyên im lặng giây lát, cũng không biết phải trả lời thế nào, cô không là con cháu họ Trịnh, nhưng cô đích thị chính là Trịnh Thục Đoan tái kiếp.

- Tôi nói mình là cô ấy luân hồi, anh có tin không?

- Tin chứ!

Thục Quyên lẫn sư cả San Ya đồng loạt ngạc nhiên.

Nguyễn Tuấn khẽ cười, lại tiếp.

- Có gì phải kinh ngạc đến thế? Tôi tin vào tâm linh, tin rằng gia tộc của mình không tự dưng lại giàu có bậc nhất ba bốn đời nay dù rằng con cháu chỉ toàn kẻ vô dụng, bao gồm cả tôi thưa cô! Và tôi chẳng lấy gì làm bất ngờ nếu cô là tái kiếp của Trịnh Thục Đoan, không phủ nhận được khi cô trông vô cùng giống với bà ấy.

- Tôi cũng chẳng việc gì phải nói gạt anh, quả thật Trịnh Thục Đoan là kiếp trước của tôi. Nhưng hiện tại điều đó không quan trọng, chúng tôi đang cần tìm một điều khác.

- Tôi có thể giúp gì cho cô không?

- E là không.

Thục Quyên toan từ giã rời đi thì ngược lại sư cả San Ya thình lình lên tiếng.

- Về nghi thức Thần Giữ Của, liệu trong gia tộc của thí chủ có người nào biết về câu chuyện này mạch lạc nhất không?

- Hm, là bà nội tôi! Tôi nghe khá nhiều chuyện đời trước cũng thông qua bà.

- Chẳng hay có thể mạo muội nhờ thí chủ dẫn chúng tôi đến gặp bà để hỏi chút chuyện được chứ?

Ban đầu còn hơi chần chừ, nhưng khi chạm phải ánh mắt Thục Quyên đang chăm chú hướng mình chờ đợi thì Nguyễn Tuấn thôi không đắn đo nữa, anh gật đầu cái rụp, chìa tay tỏ ý mời cả hai ra xe để mình chở đi.

...

Chiếc xe bốn bánh đời mới dừng lại trước ngôi nhà ngói tuy không quá rộng về mặt diện tích nhưng lại ngập đầy hoa cỏ, ngào ngạt hương thơm. Bà nội của Nguyễn Tuấn là một người phụ nữ đã ngoài 70, vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt nhăn nheo, mới trông qua có hơi đáng sợ, ngỡ đâu rằng người này sẽ vô cùng nghiêm khắc khó tính. Ngờ đâu bà nội Nguyễn Tuấn lại rất tự nhiên hào sảng, đúng với cái phong cách đặc trưng người miền Tây Nam Bộ.

Trong nhà còn có hai ba cô người làm, mấy cô này thấy khách tới thì tự giác bưng mâm trà bánh ra mời. Sau khi xong xuôi mấy nghi thức xã giao thường lệ, sư cả San Ya vào vấn đề chính, ông hỏi.

- Theo như bần tăng được biết, gia tộc mình năm xưa từng có qua lại với một lương y kiêm luôn thầy pháp tên là Trịnh Kiến Trạch, phải không thưa bà?

Ngược dòng thời gian, bà nội Nguyễn Tuấn cố gắng lục lọi trí nhớ, rốt cuộc cũng đáp.

- Phải, từng có khoảng thời gian gia tộc chúng tôi bị mang tiếng dùng bùa ngải, trinh nữ để giữ tài của, hút lộc vận.

- Vậy điều đó là đồn đoán hay...?

Bà nội Nguyễn Tuấn khe khẽ thở dài, đôi bàn tay đầy vết đồi mồi chà sát vào nhau.

- Tôi nghĩ là có thật sư ạ.

Thục Quyên cau mày, những câu chuyện về bùa ngải như này quá là nhạy cảm đối với cô, cô hỏi.

- Con có được thấy bức tranh ở nhà anh Tuấn, đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hợp tác giữa ông Nguyễn Ba và Trịnh Kiến Trạch. Tuy con không nhớ về quãng thời gian đó, nhưng linh cảm trông con mách bảo rằng nghi thức mà cả hai thực hiện chính là nút thắt cởi mở tất cả.

Bà nội Nguyễn Tuấn nheo mắt ngó nhìn Thục Quyên đầy nghi hoặc, giọng bà run run.

- Con nói sao? Con không nhớ về quãng thời gian đó à? Ôi này cô gái trẻ, chuyện đó xảy ra còn trước cả khi bà lão này chào đời thì làm sao mà con nhớ được.

Nguyễn Tuấn chen vào.

- Bà nội, đây là cô Nguyễn Thục Quyên, cô ấy là tái kiếp của cô ba Trịnh Thục Đoan đó!

Đẩy đẩy gọng kính lão, bà nội Nguyễn Tuấn càng thêm chăm chú nhìn.

- Thật vô lý mà...

Thực lòng, Thục Quyên chẳng hề quan tâm ai tin hay không, điều cô bận tâm duy nhất chính là manh mối giá trị mình có thể thu thập được.

- Bà ơi, bà có thông tin gì về nơi Trịnh Kiến Trạch từng sử dụng để sắp bày nghi lễ cho gia tộc họ Nguyễn không?

Lại mất lúc lâu ngẫm nghĩ, phải nói là rất lâu. Tới khi tách trà nguội hẳn, bà nội Nguyễn Tuấn mới vỗ tay cái bốp, đáp.

- Có! Nhưng đây chỉ là giai thoại truyền miệng nhau trong gia tộc, thực hư thế nào chính bà cũng không biết.

- Không sao đâu ạ, bà nói con nghe nhé?

Thục Quyên khẩn trương, tìm ra nơi đó, biết đâu lại chính là nơi năm xưa Trịnh Kiến Trạch đã sát hại Lê Mộng Thủy và xuống tay luôn với cả mình, nếu như thế, thi thể Lê Mộng Thủy chắc chắn cũng ở quanh quẩn mà thôi!

- Mấy đời con cháu gia tộc này truyền tai nhau rằng xưa kia ông sơ Nguyễn Ba từng dính líu đến thầy bùa thầy pháp cao tay, nhờ hắn trấn trạch cho gia tộc thịnh vượng, bỏ ra không biết bao nhiêu tiền tài của cải để cung phụng hắn. Bao gồm cả việc lén lút lập ra một nơi bí mật dành riêng cho hắn luyện bùa chơi ngải! Hm...hình như nằm ở cù lao An Bình, ngay vườn chuối nhà mợ tư đã đi vượt biên giờ bỏ hoang.

"Vườn chuối!" Trái tim Thục Quyên khẽ nhói, đúng là nơi đó rồi!

Thục Quyên và sư cả San Ya nhìn nhau, cả hai đều biết khả năng cao nơi đó chính là địa điểm chôn giấu tội ác của Trịnh Kiến Trạch đối với Lê Mộng Thủy và Trịnh Thục Đoan.

Sau khi cảm ơn và tạm biệt bà nội của Nguyễn Tuấn, hai người dự định lập tức ra bến phà mua vé qua cù lao ngay cho kịp giờ, nhưng đã bị Nguyễn Tuấn ngăn lại, anh chân thành thổ lộ.

- Hai người xin chậm chờ giây phút, tôi không biết điều gì đã khiến cả hai nhất quyết lần theo dấu vết ông Trịnh năm xưa như vậy, nhưng làm gì cũng phải nghĩ tới thời gian. Cô Thục Quyên xem đi, giờ đã là chiều muộn, đêm hôm bên cù lao càng khó tìm đường, chi bằng cả hai về nhà tôi nghỉ qua đêm, sáng sớm mai đích thân tôi sẽ đưa hai người đi, dù sao kia cũng là nhà bà mợ tư tôi mà.

Lời lẽ rõ ràng mạch lạc lại hợp lý, thế nhưng Thục Quyên sốt ruột vô cùng, đã đi tới bước đường này, càng gần hơn với chuyện có thể giải thoát Lê Mộng Thủy, làm sao cô nỡ lòng phí phạm thời gian? Có điều sư cả San Ya cũng đồng tình với Nguyễn Tuấn, ông cho rằng Thục Quyên cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức trước khi cô ngã quỵ vì kiệt quệ.

Vậy là cả ba quay trở về nhà Nguyễn Tuấn, trông anh tươi tắn hơn hẳn khi Thục Quyên nhận lời ở lại đây.

...

Nhà Nguyễn Tuấn rất rộng mà chỉ có mỗi mình anh ở, phòng trống dư đầy. Anh tự tay xuống bếp nấu bữa cơm chay thanh đạm, Thục Quyên có phần bất ngờ trước tay nghề nấu nướng của người đàn ông tên Nguyễn Tuấn này, mỗi một món đều vừa miệng, gia vị nêm nếm lẫn bày trí đều vô cùng tinh tế hấp dẫn.

Suốt bữa ăn, Nguyễn Tuấn vừa cười vừa nói rôm rả về bản thân cũng như gia đình, đối với người hành tu như sư cả San Ya còn nhận ra anh là đang cố tình thu hút sự chú ý của Thục Quyên thì nói chi cô là người trong cuộc mà còn không biết.

Thục Quyên khó chịu, cô đang bận lòng chuyện Lê Mộng Thủy, giờ còn phải dính đến anh chàng lắm lời này.

Nhưng, Thục Quyên chợt nhớ ra một điều...

Sau bữa cơm tối, sư cả San Ya chúc ngủ ngon rồi về phòng trước, để lại Thục Quyên ở phòng khách ngồi ngắm nhìn Lê Mộng Thủy trong tranh, Nguyễn Tuấn dĩ nhiên cũng ngồi sát bên chẳng nỡ rời.

- Kiếp trước cô là Trịnh Thục Đoan nhỉ? Kiếp nào cô cũng thật đẹp.

Nguyễn Tuấn thành thật khen.

Nhớ tới hồi trước cô từng khen một thiếu nữ hàng nước, kết quả là Lê Mộng Thủy đã nổi giận và xô ngã cô ấy, vậy giờ nếu nàng vẫn bình an ở quanh quẩn bên cô thì...

- Cảm ơn anh, anh trông cũng bảnh bao phong độ lắm, giống ông sơ của anh vậy.

- Ồ, thế sao? Tôi, tôi cảm ơn nhé! Đúng là từ nhỏ tới lớn ai cũng khen tôi tuấn tú.

Nguyễn Tuấn được khen thì vui đến đỏ mặt.

Còn Thục Quyên, cô vẫn chăm chăm nhìn anh chờ đợi, chờ đợi một tín hiệu từ Lê Mộng Thủy.

- Cô, Cô Thục Quyên sao lại nhìn tôi hoài vậy? Người ta ngại a...

- Nãy giờ anh có cảm nhận được gì không? Đau vai đau cổ hay khó chịu chỗ nào không?

- Không có, tôi ổn, sao cô hỏi thế?

Xem ra, Lê Mộng Thủy không còn ở đây nữa rồi.

Xem ra, nàng có chuyện thật rồi.

U sầu từ đâu tràn về xâm chiếm, Thục Quyên không cầm lòng được mà lắc đầu thở dài, cô để lại một câu "Chúc ngủ ngon" lãnh đạm, rồi lê chân nặng nhọc trở về phòng.

Nguyễn Tuấn ở lại, bụng dạ hoang mang xen lẫn ưu tư vì người đẹp trong mắt anh như khổng như không lại đượm nét thê lương, anh không biết mình đã làm sai điều gì, lỡ nói lời nào không phải phép, chỉ là...kỳ lạ thay...người đâu chỉ mới gặp gỡ nhưng thấy cô buồn thì anh cũng chẳng thể vui.