Chương 2

Mẹ lơ đễnh tôi. Mái tóc tôi luôn bết, rối bùi như thể nếu bạn tùy ý treo lên đó chiếc móc áo, nó cũng sẽ không rớt. Quần áo tôi mặc luôn bốc mùi, ngắn cũn cỡn để lộ chân tay gầy trơ, bẩn thỉu. Bọn trẻ con đồng trang lứa thường ném cho tôi những cái trề môi như cá trê, né tránh tôi như vũng nước đọng lại sau mưa. Lũ khỉ! Cứ thử sống trong ngôi nhà một tháng mà mất 20 ngày bị cắt nước vì không nộp tiền xem, tôi dám cá bọn nó còn thối hơn cả xác chết đang phân hủy của lũ ếch ương.

Già trẻ lớn bé quanh đấy ghét tôi ra mặt, thường rủa tôi là con-ranh-lầm-lì-khó-ưa và con-quỷ-hay-ăn-cắp-vặt. Chiêu bài khôn lỏi của tôi là mặc chiếc váy rộng thùng thình của mẹ, lỉnh đến những góc vắng người trong siêu thị hoặc khi nhân viên quay lưng, tôi lật vạt váy, vơ đồ ném vào “ chiếc túi ba gang “ tự may kèm phía trong. Những lần bị tóm, má tôi lằn đỏ những cái bạt tai bỏng rát, trán sưng vù những cái cốc đồm độp, tai sứt sẹo những cái nhéo đau điếng. Những hôm mẹ sai tôi đi mua đồ ăn, nhân viên nhờn mặt tôi, ngáng đường tôi ngay trước cửa. Tôi chìa tiền ra như một tấm vé, họ mới chịu cho tôi vào, rồi nối gót bám sát tôi ở mỗi gian hàng.

Sau một quãng thời gian dài cai thói ăn cắp vặt, tôi vào ngày sinh nhật của chính mình đã len lén lấy đi một chiếc kẹp tóc. Gã bảo vệ lực lưỡng túm tôi ra trước siêu thị, bắt tôi cầm tấm bìa ghi dòng chữ “ Tôi là kẻ ăn trộm “ đứng đó suốt hàng tiếng đồng hồ. Mẹ tôi được ai đó gọi đến, bà lao vào đánh tôi tơi tả đến nỗi gã bảo vệ phải giữ lấy bà, xua tôi chạy đi trong hoàng hôn nhập nhoạng. Tối đó mẹ khóa cửa, nhốt tôi ngoài trời đông cóng rét, bóng tối và giá lạnh ôm choàng cơ thể run rẩy. Như con thú kiệt sức với những vết thương sâu hoắm sau trận cắn xé tranh mồi cùng đồng bọn, tôi cuộn ngồi trên sân thượng, mắt rưng rưng ngước nhìn những tảng mây đen kịt như chính kiếp sống khốn khổ của tôi.

Có tiếng bước chân tập tễnh tiến đến gần, một bàn tay chìa ra trước mặt tôi chiếc kẹp tóc tôi ăn trộm hụt lúc chiều.

Là chú…

Người duy nhất mỉm cười với tôi.

Người lạ vừa chân ướt chân ráo chuyển tới ngay sát vách nhà tôi, nhưng cái chân thọt thì đã quen thuộc với cả khu phố ổ chuột.

Sau món quà sinh nhật ấy, chú là người bạn lớn của tôi, tôi là người bạn nhỏ của chú. Tôi thường gõ cửa nhà chú xin miếng cơm nguội. Chú thường gõ cửa nhà tôi dí cho tôi trái táo. Ngoài thời gian nhặt rác, bán vé số, tôi mò sang ở lì nhà chú, chú nấu ăn cho tôi, chú gội đầu cho tôi, chú cắt móng tay móng chân cho tôi, chú dành dụm đồng lương trợ cấp còm cõi sắm quần áo mới cho tôi. Chú kiên nhẫn chỉ tôi đánh vần, đọc viết, rồi bật ngón cái khen ngợi khi tôi tính đúng một phép cộng đơn giản sau cái nhăn trán vật vã.