Chương 28: Cha và con

Quang muốn đưa tôi trở ra sân bay sau khi nghi lễ hỏa táng bà nội tôi đã hoàn tất. Tôi lấy lý do muốn bàn chuyện gia đình với ba tôi, nên sẽ cùng ba ra phi trường. Quang đành chấp nhận sau khi căn dặn tôi đủ điều. Anh quyến luyến "Tiếc là anh phải ở lại gặp khách hàng, mà em thì không thể đợi thêm. Nếu không tụi mình cùng quay lại châu Âu chung cho em đỡ buồn. Em cố gắng vượt qua nỗi đau, về đến Liège kịp thì vô phòng thi, không thì cuối khóa thi lại cũng chả sao. Đừng quá tạo áp lực cho mình..."

Tôi ậm ừ "Dạ, dạ, cảm ơn anh" nhưng tránh nhìn thẳng vào mắt Quang. Tôi biết mình đang mắc nợ Quang mà anh không muốn tôi chỉ trả nợ bằng tiền bạc. Nhưng nếu bắt tôi trả bằng tình cảm thì chắc tôi đành ôm cục nợ này hoài mà không cách chi trả được. Thật đúng là cuộc đời rắc rối, không phải cái gì cũng qui ra bằng tiền, không phải chuyện gì cũng có thể giải quyết rốt ráo một lần cho sòng phẳng.

Trong mười phút đầu ngồi chung taxi, cha con tôi không nói với nhau câu gì. Hẳn cả hai đều không biết bắt đầu thế nào, dù luôn thấy gần gũi, cha con tôi ít khi nào trò chuyện với nhau. Người cha Việt Nam hay giấu tình cảm của mình, thương con gái cũng chỉ thể hiện qua những cử chỉ chăm sóc tế nhị. Khác với những hình ảnh cha con ôm hôn hay ghì siết tôi thường gặp bên Bỉ. Cha con tôi chưa bao giờ ôm hôn nhau, tôi đi du học xa cũng chỉ đứng khoanh tay cúi đầu "Thưa ba con đi" mà thôi. Giờ tôi về trong lúc tang gia bối rối, ba tôi càng không thể hiện tình cảm qua cử chỉ lẫn lời nói.

_ Cái anh Việt kiều theo con về dự đám tang bà nội – Ba tôi đột ngột mở lời – là con trai gia đình Trần Ngọc à? Chị Linh có gọi điện về nói chuyện với ba hôm qua. Ngày xưa hồi còn học ở Taberd, ba có sinh hoạt chung nhóm văn nghệ với anh Trần Ngọc Minh, ba của Quang. Ba thua ảnh mấy khóa. Anh Minh hiền lành, tính nghệ sĩ. Không ngờ con cái ảnh giờ thành đạt quá. Nghe chị Linh con khen Quang dữ lắm...

_ Ủa vậy hả ba? – Tôi ậm ừ - Con cũng biết Quang vậy thôi, chưa thân gì. Tại chị Linh nhờ người ta. Nếu không có Quang chắc con khó mua được vé máy bay gấp trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ này. Anh lại còn tặng con vé miễn phí do có điểm thưởng. Nếu không, con phải trả tổng cộng chắc cũng hai ngàn euro. Tức là sáu chục triệu đồng lận đó ba. Con ngại quá!

_ Cố gắng cư xử cho đúng phép – Ba tôi thở dài – Ba cũng ngại.

Tôi quay lại nhìn ba mình, tôi hiểu tánh ba tôi rất tự trọng. Ngày trước học trường La Salle Taberd, một ngôi trường dòng có tiếng ở Sài Gòn, hẳn ba tôi cũng có nhiều ước vọng. Thế mà vì thời cuộc ba tôi không có sự nghiệp gì to tát, bao năm nay ba tôi luôn sống yếm thế. Giờ thấy gia cảnh bác Trần Ngọc Minh sung túc hơn, chắc ba tôi cũng tủi thân.

_ Con ở bên đó ráng học nhe con – Ba tôi trầm giọng – Chỉ có học mới mong tiến thân được.

_ Dạ...

_ Ba đâu có biết con sắp thi, về đám tang bà nội chỉ có vài tiếng đồng hồ lại phải quay gấp về Bỉ - Ba tôi nhìn ra ngoài cửa sổ xe – Bà nội trước khi đi tuy có vẻ mong con, nhưng đã trối "Để yên cho nó học, đừng gọi về..."

_ Thật sao ba? – Tôi ngỡ ngàng.

_ Ừ - Ba tôi ứa nước mắt – Bà nội thương con lắm, bà mong con thành đạt...

Hai cha con tôi lại tiếp tục im lặng. Tôi muốn nói mình không hề nuối tiếc vì đã về dự đám tang bà nội nhưng thấy điều cũng không cần thiết. Tôi cũng muốn nói trên đời này có nhiều cách tiến thân ngoài việc học. Nhưng tôi đã mượn nợ đi du học mà nói ra điều này thật mâu thuẫn, có thể làm ba tôi băn khoăn.

_ Con coi việc học bên đó mà ổn ổn – Ba tôi lại đột ngột mở lời – Con tìm đường cho thẳng Hải sang với nhe. Nó con trai mà coi bộ bết hơn con nhiều quá. Tại bà nội lúc nào cũng cưng chìu. Tánh nó thụ động, quen được người khác sắp đặt hết cho mình. Nó thấy con được đi du học nên mê lắm, nó ước hoài. Nó nói bạn bè học phổ thông chung với nó đều đi du học hết rồi.

_ Nó còn đang học Đại học mà ba – Tôi thở ra – Học cho xong ở đây đi rồi tính tiếp. Đâu phải ai đi du học về cũng thành công.

_ Thì ba nói vậy. Con coi giúp em – Giọng ba tôi khẩn khoản – Ba mẹ đuối quá rồi, không lo cho nó du học nổi đâu. Con làm chị, nên có trách nhiệm với em nhé!

Tôi định nói "Thân con còn chưa lo xong!" nhưng không dám. Người Việt Nam kỳ thật, đứa con nào có vẻ xông xáo hơn sẽ bị quàng vào cổ trách nhiệm lo cho đứa còn lại. Mà sở dĩ đứa kia thụ động cũng là vì được nuôi dạy theo kiểu trọng nam khinh nữ, ngay từ nhỏ đã quen với cách mọi người phải có trách nhiệm với mình.

_ Ba nghe nói ccon đang quen với anh bạn ngời Bỉ nào đó – Ba tôi lại đột ngột đổi đề tài – Mẹ con lo lắm. Mẹ dặn ba nhắn với con cẩn thận giữ mình...

_ Người Việt Nam... - Tôi cố giữ bình tĩnh – cứ hay làm khổ bản thân mình, rồi làm khổ người khác vì những chuyện cổ hủ.

_ Biết làm sao – Ba tôi cũng cố giữ bình tĩnh – Mình là người Việt Nam mà! Bởi vậy ba mẹ và bà nội lúc còn sống cũng đều mong con sớm yên bề gia thất...

_ Lấy chồng rồi đâu có nghĩa là hết chuyện – Tôi bắt đầu mất bình tĩnh – cũng có thể ly dị vậy! Ba mẹ muốn con sao đây? Lấy chồng thành đạt con nhà gia thế, lo cho thằng Hải du học, sống một cuộc đời nhiều trách nhiệm với gia đình, sống cho người khác?

_ Làm người ai cũng có ưu tư, có trách nhiệm với gia đình, với xã hội – Ba tôi đều giọng – Chính xác là sống cho người khác như con nói. Con người vốn phải sống theo cộng đồng, buồn vui sướиɠ khổ theo cộng đồng. Rồi con sẽ thấy, người phương Tây cũng không thoát được trách nhiệm với cộng đồng đâu. Ai cũng phải có cam kết dài lâu với ai đó, dù cam kết đó khiến mình mất hết tự do. Ba cũng mong con đi du học sẽ học được những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống phương Tây. Nhưng ba không tin là người phương Tây hạnh phúc hơn người Việt Nam mình. Đành rằng, ở vài phương diện nào đó, họ văn minh hơn, sung túc hơn, chủ nghĩa cá nhân được đề cao hơn.

Hiếm khi nào ba tôi nói nhiều như vậy. Dường như ba đang lo lắng cho tôi mà cố gắng che giấu. Ba tôi giành đưa tôi ra phi trường mà không cho mẹ tôi theo hẳn cũng muốn có cơ hội nói với tôi nhiều điều quan trọng. Cuộc đời ba tôi đúng là đã không sống cho mình, ba tôi lấy vợ theo ý bà nội, sinh con ra thì chỉ biết làm lụng vất vả để nuôi được con cái. Ba tôi như bao nhiêu người khác ở thế hệ của ba, xem cuộc đời mình đã chấm dứt để không còn ước vọng gì, bao nhiêu tâm nguyện dồn hết cho con cái. Con cái sẽ sống giùm cho họ, thực hiện ước mơ giùm họ, sung túc, thành đạt, hạnh phúc hơn họ. Nhưng giờ đến phiên tôi, tôi chưa kịp sống cho thỏa ước mơ của mình mà ba mẹ đã vội khuyên tôi yên bề gia thất, rồi tôi lại bắt con mình phải chuyên chở ước mơ của mình. Cứ vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác, người Việt Nam không sống cho chính ước vọng cuộc đời mình, họ chỉ sống với hy vọng thế hệ tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

_ Ba! – Tôi hít thật sâu – Con thấy, trước khi mình đòi sống có trách nhiệm với người khác, thì mình có trách nhiệm với chính cuộc đời mình trước đã. Nếu con không hạnh phúc trước, thì làm sao con giúp người khác hạnh phúc? Khi đó, cái trách nhiệm sống cho người khác là một gánh nặng, rồi mình sẽ oán cái gánh nặng đó... Mà những người được hưởng thụ sự ban phát trách nhiệm kia cũng chả sung sướиɠ gì.

_ Con... - Ba tôi bất ngờ trước phản ứng của tôi.

_ Đã bao lần con nghe bà nội than thân trách phận vì gia đình phải hy sinh cuộc đời mình. Nào là cái "thiên chức" phục vụ chồng con sao mà khốn nạn quá. Rồi đến thế hệ của ba mẹ cũng cho rằng đời mình coi như xong khi trút hết những điều tốt đẹp nhất cho con và thằng Hải. Tụi con không sung sướиɠ gì đâu khi nghe như vậy. Tụi con cũng không thể sống giùm, thực hiện giùm những ước mơ cho ba mẹ.

_ Con...

_ Con muốn đi du học cũng là vì muốn sống xa gia đình một thời gian – Tôi thú nhận – Con muốn được độc lập, được có những quyết định của riêng mình. Con muốn có trách nhiệm trước hết với chính cuộc đời con đã! Con không làm gì khiến gia đình xấu hổ, ba mẹ đừng lo lắng cho con nữa, đừng tạo áp lực gì cho con hết.

Ba nhìn sững tôi, thái độ lạ lẫm như không nhận ra tôi là con gái ông nữa. Tôi cũng nhìn lại ba chăm chú. Tóc ba bạc rất nhiều so với mấy tháng trước khi tôi đi du học, ánh mắt mệt mỏi, ưu phiền, những nếp nhăn khắc khổ hằn sâu. Tôi mường tượng khi ba còn là chàng thanh niên, học theo chương trình Pháp ở trường Taberd. Tôi cố hình dung lúc ba tham gia vào đội văn nghệ cùng bác Trần Ngọc Minh, ba trẻ trung, tràn đầy sức sống, ba chơi đàn điệu nghệ hay đánh trống rất hăng? Hẳn lúc đó trông rất bảnh, rất lãng mạn và tràn đầy nhiệt huyết.

Taxi đã vô đến phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi vội vàng leo xuống lấy túi hành lý nhỏ của mình rồi ngạc nhiên nhận ra có rất nhiều trái cây, chả lụa, chà bông trong một cái giỏ khác. Chắc mẹ tôi chuẩn bị sẵn và nhanh tay nhét vào cốp taxi khi tôi đã ngồi ở hàng ghế trên. Ba tôi cố gượng cười khi tôi khoanh tay cúi đầu "Thưa ba con đi!".

Đi vài bước chân tôi quay lại, ba tôi vẫn đứng đó với nụ cười héo úa. Tôi chạy lại bên ba và cho phép mình thể hiện tình cảm một cách chân thật nhất. Tôi ôm chặt và áp mặt vào ngực ba. Đã lâu lắm rồi, hẳn từ lúc tôi chỉ là một con nhóc bốn năm tuổi , cha con tôi chưa ôm hôn nhau thắm thiết như vậy. Ba tôi rất xúc động, ba đẩy tôi ra rồi vội quay lưng đi nhanh ra ngoài. Tại sao đàn ông Việt Nam luôn cố gắng che giấu tình cảm? Tại sao ba không chịu nói một lời âu yếm với tôi dù tôi biết ba thương tôi thật nhiều?

Thế hệ của ba mẹ tôi và tôi bây giờ khác nhau nhiều quá. Ba tôi dù được theo học chương trình Tây ở trường dòng La Salle Taberd, được tiếp xúc với văn minh phương Tây từ nhỏ, được học với thầy giáo là các sư huynh người Pháp, được đào tạo theo một phong cách rất châu Âu, thế mà cuối cùng ba cũng có một cuộc sống rất truyền thống Việt Nam, từ bỏ hết mọi ước vọng tuổi trẻ để lo cho gia đình. Ba tôi có hiếu hết mực với bà nội, có trách nhiệm với mẹ tôi dù đó là một cuộc hôn nhân không vì tình yêu, thương con cái vô biên đến mức hy sinh mọi thú vui của cuộc đời mình. Bác Trần Ngọc Minh đã đi du học, còn ba tôi chọn cách ở lại để chăm sóc cha mẹ, chăm lo bàn thờ tổ tiên với nghĩa vụ của một đứa con trai đích tôn.

Còn thế hệ của tôi, dù không được tiếp xúc từ nhỏ với văn minh phương Tây, nhưng nhờ Internet, các mạng xã hội, thông tin thế giới tràn ngập, tôi lại Âu hóa hơn cả ba mình. Tôi biết quyết định đi du học của mình là ích kỷ, dù tôi mượn nợ của Van Lattel và sẽ tự mình trả nợ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi phủi tay khỏi mọi trách nhiệm với gia đình. Tôi không phụ tiền chợ với mẹ, không phụ tiền trả góp cái nhà với ba, không phụ đóng tiền học cho em trai. Và cái đám tang của bà nội nữa, tôi không biết gia đình mình lấy tiền từ đâu, tôi vô tâm quá!

Tôi đòi đi du học xa làm gì, khi mà những người gần gũi nhất với mình tôi chưa biết cách thương yêu?