Chương 29: Lý trí và tình cảm

Tuyết đã tan rất nhiều khi thời tiết ấm lên vào cuối tháng hai, nắng đã chiếu sáng rực rỡ và những chồi non xanh biếc đã nhú mình trên những cành cao. Tôi nghe trong gió hương hoa cỏ đang nẩy lộc, không khí thật trong lành, mọi vật dần hồi sinh sau mùa Đông dài lạnh lẽo. Liège tuy là thành phố công nghiệp, những đại lộ chính luôn có nhiều xe hơi lưu thông nhưng thành phố không đến mức ô nhiễm như Sài Gòn.

Trên xe bus bọn sinh viên lại trầm trồ khi đi ngang những con phố với cỏ cây đang đâm chồi nảy lộc từng ngày. Ở khuôn viên trường trên đồi Sart-Tilman, nhiều loại hoa đã bắt đầu nở những nụ hàm tiếu, bé bỏng, rung rinh. Tuyết vẫn còn đọng vũng dọc theo các lối đi, nhắc nhớ đến mùa Đông khắc nghiệt đã qua nhưng tâm hồn ai cũng phấn chấn. Một thời gian ngắn nữa thôi, Xuân sẽ thật sự về.

Ngồi trên xe bus, ngắm cảnh vật thay đổi vào cuối Đông, tôi thấy lòng dịu đi phần nào những ưu tư và cả ưu phiền đeo bám tôi trong suốt thời gian qua. Xe bus đến trạm, tôi leo lên và đυ.ng ngay anh Hưng đang ngồi hàng ghế gần cửa. Anh cười, nhích vào trong nhường chỗ, thường chỉ có tôi học một buổi, trưa quay về trung tâm Liège. Còn các anh chị khác chung nhà đang là nghiên cứu sinh, phải đến sáu giờ tối, hết giờ làm việc chính thức mới được rời Sart-Tilman xuống phố. Hôm nay trời đẹp, nắng vàng, bướm lượn dập dìu trước cửa sổ phòng lab nên anh Hưng không còn tâm trí nào để nghiên cứu. Anh quyết định trốn sớm khi ông giáo sư đỡ đầu cũng đang đi công tác xa.

_ Phải xuống phố cho lòng nhẹ nhàng hơn em à! – Anh cười tươi tắn – Tiện thể mua sắm tí chút gì đó cho bản thân mình.

_ Đúng đó! – Tôi cười nhẹ tán thành.

_ Trưa nay anh em mình đi ăn nhà hàng đi – Anh Hưng đề nghị táo bạo – Ăn mắm hút dòi cả năm nay rồi, hôm nay mình phải tận hưởng món ngon vật lạ của xứ Bỉ chứ!

_ Ừ được! – Tôi gật đầu.

_ Em biết mấy nhà hàng bán moules et frites phải không? Jean hay dắt em đi ăn đấy! Anh em mình đến đó ăn một bữa đã đời đi!

_ Dạ được! – Tôi cười cười.

_ Em tươi lên một tí được không? – Anh Hưng nhìn tôi nhăn nhó – Thời tiết đẹp thế này mà ngồi cạnh em buồn thảm, chán chết! Hôm nay anh khao, em cứ vô tư!

_ Thôi, mình chia tiền – Tôi phản đối.

_ Không, để anh khao, dù sao anh cũng lớn tuổi hơn em, lại nhận học bổng rủng rỉnh. Bình thường anh keo kiết thế thôi, chứ anh giàu hơn em gấp mấy. Thân em đang nợ nần ngập lút đầu...

Khi biết mình lỡ lời chạm đến nỗi ưu phiền của tôi, anh Hưng chỉ còn biết xua tay cười hề hề. Trong nhà tôi thân nhất với anh và tin tưởng tâm sự với anh nhiều điều. Dù sinh ra ở miền Bắc, trong một gia đình có ba mẹ là bộ đội Trường Sơn, xuất thân hoàn toàn khác với tôi, anh Hưng vẫn thấu hiểu những ưu tư của cô em gái Sài Gòn. Hoặc có thể anh chưa hoàn toàn hiểu được những gia đình ở Sài Gòn gặp những khó khăn gì khi đất nước sống trong xã hội đó, mọi người mặc nhiên phải tự giác tuân theo.

_ Em và Jean đang có trục trặc à? – Anh Hưng e dè hỏi – Dạo này ít thấy em nhắn tin liền tay như trước kia.

_ Tình cảm thì vẫn vậy – Tôi bối rối – Nhưng cả hai khác nhau nhiều quá. Tụi em cần thời gian để "khai phá" nhau.

_ Thì dạy nó từ từ, nó sẽ khôn ra ấy mà!

_ Jean khôn lắm đó anh! – Tôi bật cười – Thật ra... đôi khi em sợ hãi khi nhận ra Jean... rạch ròi quá, sòng phẳng quá. Không được tình cảm và... xem nhẹ tiền bạc như người Việt mình.

_ Thế hả?

Anh Hưng dè dặt rồi lảng sang nói chuyện thời tiết. Anh biết đó là một đề tài tế nhị và không muốn can thiệp vào chuyện riêng tư của tôi. Tôi thật biết ơn anh vì anh chỉ làm người lắng nghe, không nhảy bổ vào khuyên răn nhăng nhít mà chưa nắm rõ vấn đề. Anh giúp tôi nhẹ lòng khi cần tâm sự mà không làm tôi bối rối với những lời dạy đời. Anh hiểu vấn đề của mỗi người phải tự do người đó quyết định. Anh Hưng khác hoàn toàn với chị Linh nên dạo này tôi cũng tránh trò chuyện với chị. Chị Linh toàn làm tôi rối trí hơn với những lời khuyên tùy hứng.

Khi tôi quay về Bỉ sao đám tang của bà nội, Jean đón tôi ở nhà ga Guillemin của Liège. Tôi khá bất ngờ và có phần cảm động khi biết anh rất lo lắng cho tôi. Jean đã liên lạc với anh Hưng để biết giờ giấc chuyến bay từ Việt Nam của tôi và ra ga đón chuyến xe lửa tốc hành TGV từ Paris sang. Anh cấp tốc chở thẳng tôi lên trường, kịp vào phòng thi môn Kế Toán-Tài Chính với những lời động viên giúp tôi vững tinh thần.

Dù không ôn bài trước khi thi nhưng trước đó tôi làm bài tập ở nhà khá nhiều, khi đọc đề tôi vẫn nhớ lại công thức. Có vài câu hỏi mở, tôi dựa vào tình hình thực tế khi làm việc ở Van Lattel Việt Nam mà mô tả cho sinh động. Tôi đã làm bài thi với tất cả sức lực còn lại sau biến cố bà nội mất nhưng dĩ nhiên là không hoàn toàn tốt do chẳng có lấy một phút để ôn tập.

Khác với thái độ ân cần trước khi đưa tôi vào phòng thi. Khi tôi vừa bước ra khỏi phòng, Jean đột nhiên có vể mặt lạnh lùng. Anh nói khá thất vọng khi tôi không nghe theo lời khuyên của anh, vẫn bay về Việt Nam trong lúc sát giờ thi. Chỉ cần tôi trễ chuyến bay vài chục phút, tôi đã không kịp giờ vào phòng thi rồi. Tôi có thể thi lại khi rớt môn này, nhưng tôi sẽ mất thời giờ cho chuyện thi lại đến mức sẽ không kịp tập trung làm luận văn Thạc sĩ. Điều này sẽ kéo theo tôi không kịp tốt nghiệp trong một năm. Tôi sẽ ăn nói làm sao với phòng Nhân Sự khi quay về Việt Nam làm việc mà chưa kịp tốt nghiệp? Tôi sẽ không được tăng lương cho đến năm sau, tôi phải mua vé máy bay để trở sang Bỉ, trả nợ bài thi để hoàn thành chương trình Cao học. Nếu qui ra tiền, tôi sẽ mất cả chục ngàn euro.

_ Anh không hỏi đám tang bà nội em diễn ra thế nào? – Tôi tủi thân suýt khóc – Anh không hỏi em có thấy đáng khi về chia sẻ tình cảm với gia đình không? Anh cũng không hỏi gia đình em có thật sự cần em quay về?

_ Tính cảm gia đình ai cũng cần – Jean vẫn lạnh lùng – Nhưng sống phải có lý trí. Nếu em tốt nghiệp đúng thời hạn một năm, trả nợ Van Lattel càng sớm càng tốt. Em sẽ có cơ hội giúp đỡ gia đình mình hơn.

_ Nhưng nếu thế, gia đình em sẽ đau đớn vì con người lạnh lùng của em. Biết đâu điều đó làm ba mẹ em buồn phiền đến mức sinh bệnh – Tôi cố tranh cãi lại – Thiệt hại về tình cảm và sức khỏe không thể đo lường được. Thà là em mất cả chục ngàn euro. Em có cả đời để kiếm tiền mà...

_ Nếu biết em yếu đuối và nặng gánh gia đình như vậy – Jean có phần đuối lý – Anh đã không cố khuyên nhủ em đi du học. Thà để em lại làm việc trong Van Lattel Việt Nam với mức lương khởi điểm thật thấp dành cho sinh viên mới ra trường, em sẽ hạnh phúc hơn chăng? Em sẽ giúp đỡ được gia đình em về mặt tài chính? Sẽ có thời giờ gần gũi tâm tình làm ba mẹ em hài lòng hơn chăng?

_ Anh đừng cạnh khóe nữa! – Tôi tức giận – Trong lúc anh chỉ biết dùng lí trí để lên án em, có người đã ủng hộ em chuyện bay về Việt Nam dự đám tang bà nội. Người đó còn giúp đỡ mua gấp dùm vé máy bay, thậm chí còn không chịu lấy tiền...

_ Anh biết, người đó còn bỏ thời giờ hộ tống em về tận Việt Nam!

Jean nói xong, quay lưng bỏ ra xe. Để tôi ngồi lại chiếc ghế đá lạnh lẽo cùng tiếng gió hú rợn người trên đồi Sart-Tilman. Tôi bắt đầu thấy mình nên suy nghĩ nhiều hơn về Quang.