Quyển 3 - Chương 1: Ma Da Vĩnh Thuận

Quyển 3: U Minh Cổ Tộc

Bốn giờ sáng, tiếng xe máy vang lên hòa vào tiếng Hà Tiên đang trở mình, sau câu nói của anh Hùng, mọi thứ như lắng lại, chẳng bàn thêm gì nữa. Con đường trải dài trước mắt, dẫn đến một chuyến phiêu lưu vô cùng cam go và nguy hiểm nhưng tôi hiểu vì sao lòng tôi chẳng mảy may có chút sợ hãi. Tôi sống suốt mười tám năm chỉ biết rúc vào vòng tay bảo bọc của gia đình, những năm tiếp đến, tiếp xúc với đời cứ ngỡ nó cũng là chốn an toàn ai ngờ bị thứ phũ phàng gọi là bon chen đẩy cho những vố quá đau. Tôi thu mình lại, niềm tin vào con người cũng vì thế mà mất dần, đâu có ngờ chỉ với một di sản thừa kế mà ông nội để lại, tôi đã có thể tìm thấy một thứ tưởng rằng không hề tồn tại, một sự bảo bọc tưởng rằng đã bị lãng quên, cảm giác chẳng khác gì đang ngồi giữa gia đình.

Đó là bạn bè.

Tôi nhìn những con người đang đi cùng đoạn đường với mình một lượt, anh Hùng vẫn phì phèo điếu thuốc, lâu lâu anh lại ngậm nó vào miệng, tốc độ xe làm nó cứ oằn lên, khói vẽ trên bộ râu của anh một màu trắng xoá; Tú Linh đã sang xe cho anh chở, phút chốc cô lại nâng nhẹ cái nón bảo hiểm cho gió lùa vào tóc làm mùi hương cứ thoang thoảng; Sinh ngồi ghế sau cứ giục tôi chạy lên dẫn đoàn, nó bảo nhìn hai người Hùng và Tú Linh là muốn ói ra hết Gò Đen. Tôi nghe vậy thôi, chẳng nói gì cả, nhưng tôi biết mình đang không kìm nổi một nụ cười, và tôi cũng biết nụ cười này là nụ cười mà tôi từng có suốt mười tám năm đầu đời.

Trời sáng rất nhanh, xe khách, xe công chạy như muốn xé nát con đường, do mật độ giao thông dần đông lên nên anh Hùng phải giảm tốc độ. Chúng tôi chen giữa khói bụi, phải mất sáu tiếng đồng hồ mới đến địa phận Hòn Đất, Kiên Giang. Anh Hùng thấy chẳng vội được, bèn cho xe dừng lại bên một quán ăn ven đường, bảo mọi người lót dạ, uống chút cà phê, kéo vài hơi thuốc cho tỉnh táo.

Thức sớm nên đói sớm, tôi ăn nhanh rồi tranh thủ ngồi cạnh anh Hùng ngắm nhìn chợ sáng tấp nập người qua kẻ lại, người mua kẻ bán. Thấy tâm trạng cả đoàn đã trở nên thoải mái, nhất là sau vụ của ả La Tiên, tôi mới hỏi anh Hùng: "Viên ngọc thứ ba ở U Minh đúng không anh, em nhớ anh kể, lúc ở Núi Két, con bé quét sân có nói."

Anh Hùng gật đầu, Tú Linh và Sinh thì im lặng, nhìn xa xăm. Tôi thắc mắc sao lần trước thay vì đi Kiên Lương, mình không đi U Minh luôn, tính ra U Minh còn có địa điểm cụ thể, còn Bát Quái Động ở Kiên Lương rồi Ca Lâu Thành, mạo hiểm nhiều thứ quá, chẳng phải khó hơn sao? Tôi cứ tưởng anh Hùng sẽ tỏ ra khó chịu hay đại loại vậy, ai ngờ anh cười lớn rồi giải thích: "Chính mày cũng nói "địa điểm cụ thể" đúng không? Vậy giữa một cái núi Mo So chu vi vài cây số và một rừng tràm khổng lồ rộng chín trăm ngàn héc-ta, chỗ nào cụ thể hơn? Thêm nữa là U Minh là rừng quốc gia, kiểm lâm dày đặc, lục lâm ngoại đạo xã hội thông thường, bộ muốn nói vào lõi rừng là vào được hay sao? Lỡ bị bắt lại thì khỏi tìm ngọc tìm lan gì hết. Với lại..."

Đột nhiên anh Hùng bỏ lửng câu nói ở đó, rít một hơi thuốc thật sâu rồi tiếp: "Mày có nhớ hồi nãy lúc đi anh có nói đi đến nơi có "Con Đường của lục lâm" không?"

Tôi gật đầu, anh bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng thở dài.

Người xưa có câu: Rừng thiên nước độc làm gì có đường, người ta vén rừng, chặt cây, đi riết rồi thành đường đó thôi. Lục lâm ban đầu khởi sinh từ những người Phù Nam đi săn lan, nhà họ ở Óc Eo, rừng núi kể ra cũng có nhưng đồ quý không nhiều. Dần dà, những người săn lan có truyền miệng nhau về một khu vực âm u, quỷ dị, khó đi vô cùng nhưng đổi lại, nếu tìm được lan thì đảm bảo sẽ sống sung túc suốt đời, khu vực đó chính là U Minh. Rừng U Minh đối với lục lâm, có thể coi như là thánh địa, chuyện săn lan dĩ nhiên không phải là chuyện đùa. Trong khu rừng này, hiểm nguy trùng trùng, ma quỷ thú dữ nhiều vô số, đâu thể mạo hiểm mà nói đi vào là đi như vậy, lần này đi thực ra anh Hùng cũng không muốn lôi mọi người theo, nhưng có những thứ cảm xúc anh không thể diễn tả, chỉ biết coi nhau là huynh đệ, sống chết có nhau rồi thì không câu nệ nữa.

Tôi nghe xong cũng hơi lo lo: "U Minh ghê gớm đến mức đó sao? Em nghĩ nơi nào có lục lâm, cũng sẽ có những dân chuyên dụng như hàng thịt hoặc thả diều để hỗ trợ chứ?"

Sinh có vẻ hứng thú với câu hỏi này, nên giành trả lời, nó nói: "Cũng còn tùy chỗ đó có phát triển được lục lâm hay không nữa ông anh, ví dụ ông mở quán xá, có khi nào chui vô chỗ không có khách mà mở đâu. Lục lâm cũng chỉ là con người, đâu ai thấy khó mà cứ đâm đầu vô tội vạ như vậy được! Với lại, do là "thánh địa", nên hầu như chỉ có lục lâm "cố cụ" chán đời hoặc muốn xa lánh thế sự mới chui vô đó. Nhớ đợt gặp Lăng Trì Nương Nương không? Có trời mà biết ai là người tốt ai là kẻ xấu, lục lâm cứng cựa trong đấy nhỡ có kẻ xấu thì chết dở, ngay cả con Thùy mà còn là..."

Sinh nói đến đó thì im lặng. Anh Hùng tiếp lời nó: "Mày nói đúng, đúng là chẳng biết thật giả đâu mà lần!"

Tôi bảo: "Mà thế nào cũng có người vào đó băng rừng rồi chứ, họ có kể gì hay ho không?"

Tú Linh gạt tay: "Cái đó nhóc tự đoán được mà, ngoài những kẻ ẩn cư mà sức mạnh thượng thừa, những người nổi tiếng khác dĩ nhiên là đệ tử của Lý Tổ sư. Sư phụ chế hồi trước đi chữa bệnh cho mấy người cách mạng có kể lại, ngày ấy quân cách mạng chỉ đóng cách bìa rừng chừng mấy cây số đã làm cho giặc sợ té đái mỗi khi càn quét vô rồi, ấy vậy mà bên trong còn đến mấy chục cây số rừng tràm, nước có chỗ ngập quá đầu, quái thú trong đấy không chừng biết nói luôn. Có lần sư phụ chế đi sâu vào trong cũng phải e sợ chỉ riêng đám thú ấy thôi mà phải trở ra. Nghe nói phía sau lớp rừng đó còn có một cái Lõi, gọi là Con Đường của lục lâm, chuyện gì xảy ra trong cái Lõi đó thì chưa nghe kể..."

Không hiểu sao nghe Tú Linh nói đến đó, tôi lại thấy phấn khởi đến lạ, chỉ mong mở mắt ra thấy mình ở ngay U Minh, khám phá một chuyến cho thống khoái. Bỗng sực nhớ đến cái Phù trên vai, tôi lại hỏi liệu có đi khai Phù hay không. Nghe đến đó anh Hùng và Tú Linh tỏ ra hơi lúng túng, anh chia một ánh mắt với Tú Linh, nhún vai rồi cười, bảo: "Em nói đi."

Tú Linh nhìn tôi rồi nói ra một thông tin khiến tôi cảm thấy có chút buồn. Đầu tiên phải giải thích Phù là gì. Cơ bản, Phù là loại liên kết năng lượng của một sức mạnh tự nhiên nào đó vào cơ thể con người, có rất nhiều loại Phù, động vật hay thực vật đều có thể dùng để làm nguyên liệu tạo Phù được: rắn, chim én, cá sấu, tầm gửi, trúc ống, vân vân. Trong giai đoạn kết Phù, người kết Phù sẽ tạo ra ba lớp Kết chồng lên nhau, sau này muốn khai Phù chỉ cần mở ba lớp Kết đó là được.

Sở dĩ phải có lớp Kết này, tương tự như két sắt để tiền, bảo vệ sức mạnh đó đến khi nó đủ trưởng thành thì mới khai, nếu không có những lớp Kết, năng lượng bên trong sẽ dần thất thoát đi. Ban đầu Tú Linh cho rằng Thiên Hổ của tôi cũng chỉ có ba lớp Kết, không ngờ ngày xưa ông bác tôi còn tạo thêm ba lớp Ấn và sáu lớp Chú phủ chồng lên làm mọi chuyện trở nên phức tạp vô cùng. Có thể do khi kết Phù, tôi còn quá nhỏ, lại vừa bị vong nhập, thể xác lẫn tinh thần đều suy kiệt, ông bác chỉ muốn kết Phù để tôi không còn bị ma quỷ quấy nhiễu. Hoặc có thể nguyện vọng của ông nội tôi không muốn tôi dính líu đến thế giới lục lâm, sợ Thiên Hổ trưởng thành rồi tự thân nó bộc phát sẽ làm tôi đột tử mà chết. Nói vậy thì hẳn bác và nội tôi đều là dân thứ dữ, nhưng khi nói tên ra thì anh Hùng, Sinh và Tú Linh đều lắc đầu không biết.

Chuyện khó hiểu hết sức, không thể nào một gia đình lục lâm xoàng xĩnh lại sở hữu đồ khủng như Thiên Hổ được, với lại cách kết Phù theo Tú Linh kể, là một nghi thức rất tốn thời gian và chuẩn bị công phu, nhưng ngày ấy bác tôi chỉ cầm cục đất sét, in lên vai, lầm rầm bài Chú gì đó, thế là xong, chứ đâu có làm nghi thức gì đâu? Điều này cũng khiến Tú Linh và anh Hùng chau mày, như đang lục lại ký ức. Riêng tôi thì như rơi vào mê trận, chẳng thể hình dung được gì nữa.

Tú Linh nói ban đầu cô nghĩ đi Kiên Lương thuận lợi, sau đó dẫn tôi về rồi dùng đồ nghề của Lục Tỷ là khai được, ai dè cách chồng Kết, Ấn và Chú trên phù này rất phức tạp và tinh vi. Chỉ mới hôm qua, lúc được thanh niên tên Hạo kia nhắc đến chuyện phù bị hư đến mấy phần, Tú Linh điều tra lại thì đã rõ là do tôi khai tạm bợ quá nhiều. Các lớp chồng lấn bị lẫn lộn, với năng lực hiện giờ của Tú Linh thì không thể tách các lớp "khóa" ấy được.

Nếu đem về hỏi chú Chín, có lẽ ổng biết, nhưng thời gian bây giờ không cho phép. Cửu Long Đỉnh đảo chiều gây nên tác hại vô cùng lớn đối với thân thể xà niêng của anh Thông. Xà niêng thuần âm, bây giờ các luồng âm dương lẫn lộn, lớp vỏ âm khí của xà niêng thể nào cũng có chút hư hoại, nếu không nhanh lên thì e là mất đi lớp âm khí ấy, Thông sẽ vỡ vụn xương cốt mà chết, thời gian theo anh Hùng dự đoán chắc chỉ còn tính bằng ngày.

Tình thế của cả bọn hiện giờ phải nói là như mành treo chuông, thập phần nguy hiểm, tiến cũng khó mà lùi cũng khó. Thú thực, chuyện Phù bị hư hoại gì đấy, tôi chỉ mới là thằng lục lâm chân ướt chân ráo vào nghề, vốn dĩ cũng không quan tâm mấy, chỉ riêng khai tạm bợ như trong Ca Lâu Thành tự bản thân đã thấy hết sức hay ho rồi, thiết nghĩ có hay không cũng không sao. Còn anh Hùng và Tú Linh lúc này mười phần chắc mười là đang cảm thấy áy náy và có lỗi với tôi ghê lắm. Tôi rít một hơi, cười xòa cho qua chuyện, nói: "Kệ mẹ cái Phù đi mọi người, em thấy giờ mình cũng bá bá rồi, chuyến đi U Minh này tự tin là sẽ hữu dụng!"

Cả bọn nghe tôi nói xong câu đó liền buông mấy lời châm chọc, bảo sau này có gặp gái thì đừng có mê quá, nhảy sang che chở như đúng rồi, muốn thể hiện riết rồi Phù bị hư luôn, tôi nhăn mặt, gân cổ lên bảo anh Hùng kêu khai mới khai đó. Cả bọn nói chuyện phiếm một hồi thì không khí cũng trở nên thoải mái hơn. Tôi thấy giờ cũng là lúc có gì thì hỏi hết luôn, sau này đi U Minh không lấn cấn mắc công: "Em nhớ lúc mới gặp hai người, anh Hùng có định nói cách làm cái Phù Thiên Hổ này mà chế Tú Linh ngăn lại, nói là nó ác chết mẹ, kể làm gì, giờ cho em biết luôn đi?"

Cả bọn nhún vai bảo giờ cũng chẳng còn gì để giấu. Tứ đại Phù, về cơ bản cách luyện chẳng khác nào luyện kumanthong cả, có điều thay vì dùng con nít thì bên Phù dùng những loài thần thú mà thôi. Thiên Hổ Phù được tạo nên từ cao hổ của một con hổ cái già, đợi cho lúc nó mang thai được lần cuối cùng thì gϊếŧ, xương đem nấu chung với máu thịt, da chia làm hai, một phần đem làm củi đun, khi thành cao rồi thì ép lại bằng phần da thứ hai. Tất cả phải để trong nồi đất, dùng lửa ma trơi đốt trong bảy ngày, sau đó đem trộn với Tử Nhưỡng, hỗn hợp từ thịt người phân hủy, đất mồ mả và gỗ quan tài mục tạo thành cái Ấn kết Phù.

Lịch sử lục lâm tới giờ chỉ nghe nói có ba người sở hữu được Phù Thiên Hổ. Ba trong Tứ Đại Phù còn lại cách làm cũng khá giống, Địa Long là con mãng xà, Không Quy là từ con rùa núi nay đã tuyệt chủng, Hải Phượng là từ loài cự điểu. Những loài này gọi là thần thú bởi vì tuổi thọ của chúng rất cao, có được linh tính.

Nghe đến đoạn Địa Long là do mãng xà tạo thành, tôi sực nhớ lại người tên Hạo hôm qua liền đem ra hỏi, quả thực anh Hùng trả lời người ấy sở hữu Địa Long Phù. Cách đặt tên Phù của lục lâm cũng hết sức khó hiệu, sao Long lại ở dưới đất mà Rùa lại ở trên không? Anh Hùng trả lời, ban đầu các Phù này được sử dụng riêng cho một nhánh lục lâm, ví dụ Thiên Hổ chủ về quan sát và tấn công, tựa như trời cao nhìn xuống nhân gian, được đập miễu sử dụng, nên lục lâm gọi là Thiên Hổ. Địa Long là của thả diều, chủ về di chuyển và điều khiển "bồ câu", mặc cho bồ câu đó là của ai, cho nên mới có chữ "Địa".

Không quy và Hải Phượng gần như thất lạc quá lâu, người sử dụng cũng kín tiếng, thông tin có không nhiều ngoài việc Không Quy là của hàng rong, người sở hữu Phù này gần như bất hoại về thân thể, chịu được gần như mọi đòn tấn công; Hải Phượng là của thông hải, thông tin biết được là quá ít, chỉ nghe nói là có thể đi xuyên tường xuyên núi, lặn biển hoặc bay lên trời. Tôi nghĩ thầm trong đầu, có thể do lâu quá không thấy ai sử dụng nên tin đồn tin, thêu dệt làm mọi chuyện trở nên hư cấu. Tuy nhiên, chuyện Không Quy nghe có vẻ thú vị, tôi bèn hỏi có khi nào Không Quy có thể bất tử hay không, anh Hùng lắc đầu, bảo chưa đoán được.

Tôi bỗng muốn im lặng, hút thuốc và uống cà phê, mọi người cũng hiểu tâm lý nên không ai nói gì nữa. Lát sau anh Hùng thấy đã trễ, bèn giục mọi người lên đường. Từ Hòn Đất bọn tôi định đi theo đường Rạch Giá, qua An Biên, Vĩnh Thuận vào ngõ thành phố Cà Mau, quãng đường chừng hơn một trăm năm mươi kilomet. Chạy đến An Biên là đã mười một giờ trưa, vừa qua thị trấn thì có một vụ tai nạn giao thông làm ùn tắc đường lớn, người ta bảo nếu muốn qua Vĩnh Thuận thì nên đi đường vòng, nghĩ thôi cũng đành, xa hơn chẳng là bao.

Chúng tôi men theo con đường nông thôn, ban đầu còn là đường bê tông, rồi thành đường trải đá, lát sau đến đường đá lởm chởm thì cả hai xe đều lủng bánh, xung quanh bốn bề đều là đồng lúa với những mái nhà tranh thấp thoáng xa xa, chúng tôi đành thay phiên dắt xe tìm chỗ vá. Đường sình lầy lội, nơi làng xóm hẻo lánh, ngã rẽ nhiều, chúng tôi đi nhầm đường cụt đến mấy lần, lâu lâu mới có nhà để hỏi thăm, mãi đến đầu giờ chiều mới vào lại đúng đường, đến tiệm sửa xe, nhìn lại đồng hồ đã là bốn giờ kém. Những chuyện sửa xe thiếu dụng cụ thôi không kể ra đây, chỉ biết đến khi xe chạy được thì đã tối, anh Hùng thấy thế bèn cho tiền anh thợ sửa xe, nhờ làm giúp một ít cơm với đồ ăn lót dạ, xong xuôi đâu đây thì đã tối muộn.

Dù đã trễ, ai cũng thấm mệt, nhưng so với cái mệt từng trải qua ở Kiên Lương thì chưa bỏ vào đâu nên cả bọn nhất trí sẽ lên xe đi tiếp. Lát sau chúng tôi đến một cây cầu đang sửa, con kênh này khá lớn, không thấy người dân ở gần để hỏi thăm có đường vòng hay không, mọi thứ như rối tung lên, giờ chỉ cần chiếc xuồng để qua sông, ánh đèn thị trấn đã lấp ló đằng xa rồi. Đang chưa biết tiền lùi thế nào, từ xa thấy có chiếc vỏ lãi trờ tới như đang thả trôi, bên trên có bóng một người đang chống sào. Anh Hùng bèn lên tiếng gọi thử, cứ tưởng người đó chống võ đi qua luôn, ai dè anh vừa dứt lời đã thấy người kia khua cái sào lên trên không, đẩy vỏ lãi về phía bờ nước chúng tôi đang đứng.

Khi chiếc vỏ lãi cặp bờ, tôi mới thấy rõ người thanh niên đang chống chèo, anh ta khá trẻ, nếu không muốn nói khuôn mặt trông như con nít, ấy vậy mà lại đầy một rổ mụn, còn chưa kể đến chuyện thân hình quá khổ nữa. Bề ngoài là vậy, nhưng theo kinh nghiệm riêng của tôi, những người như thế chơi rất ổn, tính tình luôn thoải mái và hết mình. Vừa chống cái sào tre vào bờ đất đã nghe giọng anh ta oang oang: "Anh Hùng, anh Hùng Bonsai đúng không? Trời ơi đúng là anh rồi!"

Tôi quay sang anh Hùng thấy anh đang ngơ ngác, trừng mắt nhìn về phía chiếc vỏ lãi, trời đã khuya nên chắc anh không thấy rõ hay sao đó. Lúc nhận ra rồi anh cũng la lên, nghe giọng anh hơi giả lã: "À, chú em! Lâu lắm rồi mới gặp lại, dạo này sao rồi?" Thì ra là người quen, ai ngờ nghe anh Hùng kêu một tiếng đã quay lại.

Hình như anh thanh niên kia cũng nhận ra được sự bối rối trong giọng nói của anh Hùng, anh ta cười hề hề, đứng chống nạnh bảo: "Em Thanh đây, anh quên thằng em đi đập miễu chung ở Tây Ninh rồi chứ gì. Mà cũng phải, lần đó anh dẫn nguyên đoàn mười mấy dân đập miễu, anh không nhớ em cũng phải, tại em có làm được trò trống gì đâu..."

Anh Hùng cười gượng, nói: "Không phải đâu Thanh ơi, tại dạo này nhiều chuyện xảy ra quá, đầu óc anh cứ ở đâu đâu..."

Thanh chống tay lên cái sào tre: "Thôi thôi, em hiểu mà. Anh Hùng Bonsai, chủ đề bàn tán sôi nổi trong lục quán, mấy thằng ất ơ lôm côm như em đâu dám bắt bẻ. Vậy thì chị gái xinh đẹp này là Tú Linh nè, em trai tóc dài này là Thạch Sinh nè, còn nhóc này..." Thanh chỉ mặt từng người, đến khi thấy tôi thì khựng lại, vẻ mặt anh pha chút bất ngờ: "Thiên Hổ... Đúng chưa anh?"

Anh Hùng gật đầu, Thanh mới nói tiếp: "Còn anh Thông thì..."

Thanh nói đến đó làm tôi cảm thấy ngượng, không dám đưa mắt nhìn anh Hùng, anh muốn trả lời sao tôi cũng chấp nhận, nhưng chỉ nghe anh bảo: "Nó không sao, chỉ cần vài tháng nữa là bình phục hoàn toàn. Mà, mày làm gì ở đây vậy, giờ là mười một giờ, không lẽ mày đang đập miễu?"

"Đúng rồi anh, có người nhờ em đi bắt ma da. Con sông này tháng rồi có bốn người bị kéo giò, chết đuối, giờ có ông nào dám lái đò nữa đâu."

Sinh thốt lên: "Ma da à? Chà, kèo này ngon nè, tui cũng muốn thấy ma da một lần cho mở mang tầm mắt, đó giờ toàn đập miễu trên đèo trên núi, nghe người ta đồn nhiều rồi. Anh Hùng?"

Anh Hùng nghe thằng Sinh nói vậy liền nhìn sang Tú Linh, cô phẩy tay bảo cũng chưa thấy ma da bao giờ, phần tôi thì anh khỏi cần hỏi cũng biết. Tôi chỉ nghe người ta kể, đi tắm sông ban đêm mà bơi ra xa xa, nhón chân đạp lên lớp bùn bên dưới ba lần, miệng đọc: "Da gà, da vịt. Không phải ma da. Bì bõm bì bà. Tới thăm hà bá." Sau đó thì người đọc phải lặn xuống, lấy ngón trỏ và ngón cái tạo thành vòng tròn như cái kính cận rồi nhìn xung quanh một hồi sẽ thấy được ma da. Anh Hùng nhìn Thanh rồi bảo: "Vậy mày cho tụi anh đi theo được không Thanh? Sẵn cho anh có giang qua bờ bên kia luôn."

Nghe đến đó, máu tôi chảy rần rần, nổi cả da gà, liền nói: "Đi thiệt hả anh? Đó giờ em nghe nhiều dữ lắm rồi mà chưa được thấy, nó ghê không?"

Tôi nói xong câu đó, mấy người kia liền quay sang cười rần rần khiến tôi vừa khó hiểu, vừa... quê. Thanh thì gật đầu cái rụp, còn nói là phải vinh hạnh lắm mới giúp được Hùng Bonsai, tôi thấy chắc thanh niên này là fan cuồng của anh Hùng rồi chứ đâu. Chúng tôi bước lên vỏ lãi, chiếc xuồng này chỉ chở riêng Thanh đã đủ lao lực rồi, giờ cộng thêm bốn mạng với hai xe máy nữa, nó oằn mình, mé thuyền chắc chỉ còn cách mép nước vài centimet. Đi được vài phút, anh Hùng quay sang nói với Thanh, giọng trách mắng: "Chú em, sao lúc nãy gặp nguyên đám mà lại không dùng lục ngữ, chú em khinh suất như vậy có ngày lại rước họa vào thân!"

Thanh gãi gãi đầu, đôi gò má anh phúng phính mỗi khi nói chuyện: "Dạ, tại em cũng biết anh rồi, công nhận là đứng xa thấy mờ mờ, nhưng nghe giọng cái em biết liền, sau đó thì run quá nên lơ tơ mơ." Nói đến đấy, Thanh rút trong túi quần ra tấm hình chụp chân dung của Hùng, không biết ông Thanh này ở đâu mà có, anh nói: "Em còn để hình anh theo như bùa mà! Nhìn mặt là biết anh rồi"

Anh Hùng vẫn giữ thái độ điềm tĩnh: "Mặt giống thì sao? Cẩn thận vẫn là trên hết."

Thanh nghe anh Hùng mắng, chỉ biết gãi đầu xin lỗi. Tôi nhìn tấm hình, nghĩ là hình thẻ học sinh hay sao đó, chụp lúc anh Hùng còn chưa để râu. Cả bọn ai cũng ráng che miệng không dám cười, một là vì khuôn mặt anh Hùng tấu hài quá cỡ, hai là vì chuyện Thanh giữ hình của anh Hùng khư khư bên mình, tưởng tượng anh Hùng giờ khác gì minh tinh màn bạc.

Anh Hùng lườm cả bọn, chúng tôi thấy vậy thì quay đi nhưng nghĩ trong đầu, sau này thế nào cũng lôi chuyện này ra trêu anh. Đi được thêm mười phút nữa thì Thanh chống sào, đi vào một đoạn kênh nhỏ, những bụi dừa nước phủ xuống kín cả lối vào, nếu không biết đường chắc tìm đỏ mắt cũng không ra. Không khí trong đoạn kênh này khác hẳn vùng sông nước bên ngoài, hai bên bờ mọc đầy cây bần, tán cây phủ xuống chạm mép nước, thỉnh thoảng có con cá tưởng là ruồi mũi hay sao ngoi lên đớp làm mặt nước gợn sóng; những tán lá dừa lửa, một loại dừa đặc trưng của miền Tây, phủ xuống như che chở những buồng trái nặng trịch. Thanh đang cật lực chèo bỗng nhiên chiếc vỏ lãi khựng lại, có chống sào cách mấy cũng không nhích được tẹo nào.

Thấy vậy, Thanh liền quay sang anh Hùng, anh cười mỉm, ý muốn nói là "Tới rồi đó." Thanh gật đầu, anh móc trong tay nảy ra ba trái mướp và một đoạn vải thô, trên đó thêu kín kinh văn, Thanh quấn vải thô xung quanh rồi lần lượt phát cho anh Hùng và Sinh, bọn họ liền hiểu ý, mỗi người đứng một góc xuồng, đếm từ một đến ba, lập tức ném mướp về ba hướng.

Làm xong, Thanh thận trọng lùi về sau, vắt cây sào vào mé vỏ rồi đứng bất động. Bỗng chiếc vỏ lãi bị lắc dữ dội, nếu thằng Sinh không chụp tôi lại kịp chắc tôi đã ngã sõng soài xuống kênh rồi. Tiếp sau đó, vỏ xoay một trăm tám mươi độ một cách chậm rãi, tôi trợn mắt kinh hãi, khi nhìn xung quanh thì thấy bốn người bọn họ vẫn đứng trơ ra như không. Cái vỏ xoay xong liền di chuyển chầm chậm về phía trước, mặc dù sào chèo thuyền đã cất đi rồi, hai bên mạn xuồng có ánh sáng lân tinh màu vàng, tôi định cúi xuống nhòm thì bị thằng Sinh chụp vai lại, nó lắc đầu ý bảo rằng đừng chơi dại.

Không lâu sau, cái vỏ dừng lại hẳn, bốn bề chỉ nghe tiếng ếch nhái ễnh ương gọi nhau. Anh Hùng bước đến bên Thanh nói nhỏ: "Thấy chưa chú em?"

Thanh cười khịt nói thấy rồi, đoạn cúi xuống túi móc vật gì đó ra rồi đứng lên nói với anh Hùng, giọng đầy vẻ tự tin: "Mấy thứ ma quỷ ất ơ này không cần anh phải ra tay, em tu luyện cũng chưa tới đâu nhưng hôm nay xin phép anh cho em được thử sức, đây cũng là ước mơ lâu nay của em!"

Anh Hùng nói Thanh làm ghê quá nhưng cũng gật đầu, chìa tay ý là Thanh cứ lên, mọi người ở đây sẽ đứng quan sát. Tôi nhìn ra sau thấy Tú Linh hơi dửng dưng, cô châm điếu thuốc rồi ngồi xếp bằng phía sau, nhìn vào đoạn đường chúng tôi vừa đi vào, thằng Sinh thì khỏi phải nhắc, nó nghe Thanh nói vậy xong liền móc Gò Đen ra ngồi nốc, chẳng màng xung quanh có chuyện gì. Hình như Thanh cảm thấy bị xúc phạm, anh bước từng bước vững chãi về phía mũi thuyền, một tay chống nạnh, một tay vẫn giữ món đồ anh móc ra lúc nãy.

Nói thẳng ra trong đây cũng tối, nhưng so với Bát Quái Động thì chẳng là gì cả, tôi vẫn thấy rõ mồn một nhất cử nhất động của Thanh. Anh ta mở gầm xuồng, lấy ra một ngọn lao, trước mũi khắc đầy kinh văn. Anh mân mê ngọn lao này rồi tung lên, chụp xuống như muốn tìm lại cảm giác quen thuộc, đoạn cho tay vào túi, lúc anh kéo tay ra thì cả bàn tay đã bị phủ bởi một loại bột màu trắng. Anh vung cánh tay hết cỡ, nhắm vào những cái rễ cây bần và dừa lửa mà rải. Bột rải đến đâu thì âm thanh re ré vang lên đến đó. Thanh chạy khắp xuồng, lần theo những âm thanh phát ra mà rải bột. Tôi quan sát có thể thấy được những hình hài trương sình, đôi mắt chỉ còn màu trắng đυ.c, gân máu nổi đầy mặt, chúng đang cố ôm chặt những gốc dừa nước, ra vẻ đang hoảng sợ hơn là muốn tấn công chúng tôi; một số con buông tay ra, bộ mặt nấp sau mép nước, bơi xoay vòng xung quanh chiếc vỏ lãi.

Được khoảng ba vòng thì Thanh dừng lại. Bất chợt, những ánh mắt đỏ lòm hiện ra từ những gốc bần và gốc dừa lửa ngày càng nhiều hơn, cảm giác như chúng tôi đang bị bao vây bởi những linh hồn chết trôi, đôi mắt chúng chuyển sang màu đỏ như máu, hết kêu re ré thì rên lên ư ử, lúc này không gian ồn ào hết sức, nghe như cả ngàn con heo đang bị chọc tiết.

Thanh vẫn không nao núng, anh hạ thấp trọng tâm, liên tục đảo mắt xung quanh như đang tìm kiếm thứ gì đó, trên tay giữ khư khư mũi lao, chợt anh hét lên "Thấy mày rồi nhe!", anh nhoài cả người về sau, dồn hết sức lực thực hiện một cú ném thần sầu, mũi lao xé gió bay đi làm tôi liên tưởng đến giây phút Tú Linh phá trụ ở Đảo Bia Mộ, nhưng cảm giác tốc độ ra chiêu vẫn còn chậm hơn rất nhiều.

Tôi nhìn về hướng mũi lao bay đi, thoạt đầu thì không thấy gì nhưng dần dần, những bong bóng nước xuất hiện, ban đầu chỉ là bong bóng nhỏ, sau đó là những bong bóng có kích cỡ như cái chén. Thanh nhanh tay với lấy cây sào rồi chống, đẩy vỏ lãi về hướng đó, anh Hùng bước đến bên Thanh, tôi thấy vậy cũng chạy theo, nhất quyết xem ma da là thứ gì. Giữa dòng nước đen ngòm, một sinh vật to bằng phân nửa chiếc vỏ lãi mà chúng tôi đi đang từ từ ngoi lên, sinh vật này có cái đầu trông như con cá trê nhưng dị hợm hơn rất nhiều, vành môi trề ra chừng một thước, bộ râu bám đầy xúc tu, hốc mắt trợn trừng phủ kín rêu, khỏi cần là lục lâm cũng biết, một nhát lao vô đầu kiểu này là cầm chắc cái chết.

Thanh thấy vậy liền đứng cười hê hê, quay sang nhìn Tú Linh và Sinh, thấy họ vẫn không quan tâm, bèn nói với anh Hùng, giọng pha chút thất vọng: "Anh thấy em làm tốt không?"

Tôi biết tính anh Hùng, trừ khi anh đập miễu, chứ bình thường luôn khiêm tốn, anh nhìn Thanh cười rồi nói: "Khỏi phải chê, sau này cứ thế mà phát huy!"

Tôi thấy tay Thanh này cũng không phải hạng khoe mẽ, khi nghe anh Hùng nói vậy liền hạ giọng: "Em cám ơn anh nghe! Nói thật em mới đi đập miễu được một năm, chắc còn phải học hỏi nhiều lắm. Anh khác mấy người đàn anh khác, chứ gặp họ làm gì có chuyện đi theo em như thế này. Thôi thôi, mọi người chuẩn bị, em đưa mọi người qua sông liền!"

Tôi thì khác anh Hùng, mục đích mà tôi tham gia chuyến đập miễu này là để thấy tận mắt ma da, mà cảm giác chưa gì hết đã xong rồi, với lại, con ma da này có khác gì mấy cái miễu còn lại đâu, tại sao họ lại phản ứng như vậy. Nghĩ tới đó, tôi mới túm vai áo Thanh lại, không cho anh chèo ra: "Anh Thanh, con ma da mà mọi người muốn gặp chẳng lẽ là loài cá trê này, vậy thì tâng bốc lên chi mà dữ vậy?"

Thanh cười hiền, nhìn sang anh Hùng hỏi: "Thanh niên Thiên Hổ này là đệ tử anh hả anh Hùng?"

Anh Hùng lắc đầu, Thanh giựt vạt áo khỏi tay tôi, bắt đầu chống sào, chèo ra giữa sông rồi nói: "Con cá trê kia không phải là ma da, nó chỉ là cái miễu bình thường thôi. Chính nó là thứ tác oai tác oái trên đoạn sông này bấy lâu nay. Nó xây ổ đè lên lối ra của ma da, làm chúng không đi siêu thoát cho lũ ma xó xung quanh được." Nói xong anh chỉ tay vào những ánh mắt đỏ kêu re ré xung quanh chúng tôi nãy giờ, vì mải mê chú ý vào con quỷ cá trê mà tôi quên đi tiếng động này luôn.

Lúc này, tôi nghe những tiếng cười vang lên dưới mạn vỏ lãi, là ánh sáng lúc nãy, nó tách ra rồi bơi về phía xác con cá trê, nơi đó, hàng chục đốm sáng khác nữa chui ra ngoài, chúng bơi vòng quanh nhau tựa như vui lắm, đoạn kéo về phía chúng tôi. Tôi nhìn sang anh Hùng thì thấy anh đang cười, Tú Linh và Sinh cũng đã bước đến cạnh tôi từ lúc nào.

Tú Linh nhoài người ra khỏi thuyền, có một đốm sáng đang bơi quanh vỏ lãi, cô đưa tay xuống làn nước đen kịn, phóng ánh mắt về phía nó như đang chờ đợi, không lâu sau nó đã bơi về phía cô rồi đậu lên bàn tay cô trong khi cô vớt nó lên. Điều tôi thấy được tiếp sau đó làm tôi phải ồ lên choáng ngợp, một sinh vật hình tròn với đôi tròng mắt long lanh, cái mũi hỉnh và nụ cười tươi rói đang chơi đùa với Tú Linh, chưa bao giờ tôi thấy Tú Linh cười tươi đến vậy. Cô nhấc bổng nó lên không trung rồi ôm ấp nó trong khi nó phát ra những tiếng động mà tôi thấy... dễ thương vô cùng. Sinh cũng tiến đến mạn vỏ lãi rồi làm tương tự.

Tôi nhìn xung quanh thì thấy những đốm sáng nay đang tiến về phía những ánh mắt đỏ ối nấp sau gốc cây bần và cây dừa lửa, khi chúng vừa chạm đến thì hàng loạt những bóng vàng bay lên không trung, thoáng cái khu kênh rạch đã sạch tiếng ồn. Tôi còn chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo gì thì anh Hùng, vẫn hiểu ý tôi nhất, tiến đến rồi bảo: "Bắt ma da" là lục ngữ, vì người đời chưa hiểu ma da là thứ gì nên đâm ra sợ. Ma da thật ra chẳng khác gì một loài thần sông, chúng giúp những người chết trôi, chết đuối được thanh thản ma siêu thoát. Những điều ác độc tày trời trên sông nước đó giờ thật ra là do những con quỷ mạnh hơn ma da gây ra, ví dụ như con cá trê xây tổ lấp lối ra của ma da chẳng hạn. Nói chính xác thi ma da là một trong những người bạn âm giới của lục lâm."

Tôi nghe anh Hùng nói xong thì thấy chùn xuống, có lẽ việc anh không giải thích với tôi từ đầu cũng là một kiểu bài học gì đó anh muốn truyền đạt. Bất giác, tôi cúi người xuống màn thuyền, bốc lên một "bé" ma da, nhìn nụ cười của nó thôi cũng đủ làm chuyến đập miễu này đáng đồng tiền bát gạo.

Đưa bọn tôi sang bờ bên kia xong xuôi, Thanh cứ như muốn đi theo cả đám vậy, nhưng còn kẹt phải quay về nhận tiền lương với trả cái vỏ lãi, anh chia tay hết sức bịn rịn. Thấy vậy anh Hùng bảo hẹn tuần sau có mặt ở lục quán, anh mời một chầu rượu linh đình. Nghe đến đây bỗng Thanh khựng lại, anh hỏi: "Chắc anh biết vụ Cửu Long Đỉnh đảo chiều rồi hả?", anh Hùng gật đầu, Thanh nói tiếp: "Lục quán cũng đóng của từ trước vụ đó, lúc đó em đang nhậu ngon lành, tự dưng có ba người che mặt đến gặp ông Năm, vừa nhìn thấy họ, ông Năm hết sức ngạc nhiên luôn, tự dưng ông nói quán đóng cửa sớm, đuổi khách về hết, anh biết tính ổng rồi đó, ổng đuổi thì về chứ đố ai dám cãi, từ đó tới giờ đóng luôn. Tụi em nghi là ổng có dính tới vụ đảo chiều Cửu Long Đỉnh đó, anh thấy sao?"

Anh Hùng nghe xong cũng rất kinh ngạc, chỉ nói chung chung là khó đoán, sau đó chào tạm biệt Thanh.

Giữa con đường tối om dẫn ra quốc lộ, hai bên chỉ toàn dừa nước và tre, khung cảnh hết sức âm u đáng sợ, nếu không phải đang đi chung với ba lục lâm đai đen, chắc tôi són ra quần lâu rồi, nguyên do cũng vì hàng loạt miễu ông tà với bóng đèn cà na màu đỏ dựng đầy bên đường. Lát sau, bên lộ lại có một cái miễu nữa, có vẻ của một nhà khang trang gần đó dựng lên nên to gấp đôi mấy cái khác, có cả đèn điện bên trong, đi ngang nhìn vào trong thì thấy bức tượng đang tọa thiền, Sinh tặc lưỡi: "Nhà nào chơi bảnh dữ, làm nguyên cái tượng ông địa chà bá!"

Bỗng nhiên trong miễu có tiếng chửi vọng ra: "Miễu cái đầu mày, thằng ôn!", tôi nghe xong liền nhảy dựng lên, kêu oái một tiếng. Tú Linh và Sinh liền thủ thế, riêng anh Hùng chỉ đứng nhìn chằm chằm vào bên trong.

Một ông lão râu tóc bạc phơ lật đật chui ra, phủi bụi dính trên người, hướng về thằng Sinh và Tú Linh lầm bầm chửi: "Tụi mày tưởng tao là miễu mà tính đập hay gì? Láo toét!"

Là lục ngữ, người này là ai? Ánh sáng hắt ra khiến mọi thứ trước mắt bọn tôi hơi khó nhìn, anh Hùng tạm thời cũng không đoán được. Lão già vừa bước ra thì liền quay đầu về phía Sinh, chính xác hơn là nhìn chai Gò Đen nó đang cầm, tức thì cử động nhẹ thân người, đúng vậy, hết sức nhẹ nhàng, lướt đến bên cạnh Sinh, giật lấy chai rượu, tu một hơi, lúc bọn tôi định thần lại thì lão đã ở sau lưng Sinh rồi.

Tu rượu xong, lão chùi mép, chửi: "Mẹ bà, rượu gì mà dở như nước lã, bọn mày không biết uống hả? Hôm nào qua chỗ tao, tao cho uống Định Sơn Tửu, một ly là ghiền tới già!"

Anh Hùng sực nhớ lại giọng nói và cử chỉ này rất quen, lập tức chắp tay, cung kính nói: "Ông Năm, tụi con nãy đi qua vô tình không biết ông trong này nên thằng em nó vô lễ, ông Năm bỏ qua cho anh em tụi con."

Tức thì Tú Linh và Sinh cũng nhận ra, đồng loạt kêu lên cung kính: "Bác Năm Tràm."

Chỉ thấy ông lão đằng hắng mấy cái rồi nói: "Tụi bây kêu tên cúng cơm của tao hoài, tổn thọ nghe mậy!"

Tôi bàng hoàng hết sức, nhất thời chẳng biết phải hành xử thế nào với bậc tiền bối lừng danh này, nên chỉ đứng trơ ra. Thằng Sinh gãi đầu, thanh minh: "Bác thông cảm, con nghe tin bác đóng cửa quán, có ai biết bác đang ở nơi này đâu!"

Ai ngờ đâu ông Năm cười hề hề, nói: "Nói chớ tao đâu có trách gì tụi bây, rầy chơi cho vui vậy thôi, hành tung tao đó giờ vậy mà, ông Huỳnh ngày xưa toàn gọi tao là Năm Xàm chứ có được ổng gọi là Năm Tràm đâu!"

Anh Hùng dự cảm có chuyện gì đó đang xảy ra, bèn hỏi vờ: "Bác Năm sao không coi quán mà giờ này lại ngồi trong cái miếu này?"

Ông Năm chỉ tay về hướng tôi, nói: "Tao đợi tụi mày trưa giờ, mệt quá vô đó ngủ đỡ một giấc, có người dặn tao ở đây, giúp bọn mày một chuyện cho thằng cháu bên kia."

Anh Hùng bèn hỏi đó là chuyện gì, ông Năm cười hề hề, nói: "Khai Phù cho nó chứ gì, đi U Minh mà bọn mày để nó cù bất cù bơ, không có cái Phù, ông nội nó đi cũng chết chứ đừng nói gì nó!"