Quyển 3 - Chương 2: Chùa Chìm

Nhìn mặt anh Hùng có thể đoán được anh cũng không ngờ ông Năm lại có mặt ở nơi này với lý do như vậy, anh hỏi ngay những người nhờ ông Năm là ai, ông Năm không đáp mà chỉ nhìn xung quanh một lượt. Ánh mắt ông Năm lúc ấy bất chợt trừng lên, tựa hồ như con cú đang quan sát trong đêm tối, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống con mồi, chúng đảo một vòng rồi dịu lại, không nói không rằng, ra dấu bảo im lặng và đi theo ông.

Bọn tôi lần bước trong màn đêm của ruộng đồng bao quanh, ông Năm rẽ vào con đường mòn nhỏ, vừa đủ một hàng, nghe phía trước không xa là tiếng sóng nước, có lẽ là bến đò. Thật vậy, ông dẫn bọn tôi đến bên bờ kênh, dưới đó có một chiếc ghe gạo cỡ ba mươi tấn đang đậu, ông quay lại nhìn mọi người rồi cất bước lên trên. Thấy có động, từ trong ghe, một bóng người cà nhắc từ dưới khoang máy đi lên, ánh đèn mờ mờ trong cabin hắt ra cho thấy đó cũng là ông lão độ chừng ngang tuổi ông Năm, một bên chân trái bị mất đến nửa đùi. Vừa thấy ông lão cụt, ông Năm cười khẽ rồi tiếng đến ôm chặt, tỏ ra thân thiết vô cùng, đoạn mới quay sang bảo bọn tôi vào cabin cùng ngồi nói chuyện.

Cabin của loại ghe gạo này chỉ đủ chỗ cho khoảng sáu, bảy người, bọn tôi vào ngồi là vừa khít, chỉ thấy ông Năm đang mở thêm đèn cho sáng, bày bình trà ra giữa, rồi quay ra sau nói vọng xuống cho ông lão kia nghe: "Anh coi lấy thêm mấy cái cốc nghen!", vừa lúc đó ông lão cụt cũng đưa cho anh Hùng một dĩa đựng ít đồ nhắm và bình rượu.

Thấy tôi trố mắt ra nhìn, ông Năm cười khà khà: "Lục lâm gặp nhau, ai đời lại chỉ uống trà? Với lại mày coi uống trọng trọng vô, lát khai Phù cho dễ."

Tôi nhìn anh Hùng và Tú Linh, họ chỉ nhún vai, ý là làm theo lời ông Năm sắp đặt, thế là bọn tôi đành tham gia cuộc nhậu này, người vui ra mặt có lẽ là thằng Sinh, vừa thấy vò rượu mắt nó sáng như trẻ con gặp kẹo. Trong lúc đợi ông cụt chuẩn bị bên dưới, ông Năm đã phủ đầu bọn tôi: "Tóm lại mấy đứa cứ biết có người nhờ tao khai Phù cho thằng nhóc con, còn họ là ai thì tao không thể nói cho bọn bây biết được, ít nhất là lúc này. Tụi bây nên nhớ, cái gì cũng có số mệnh sắp đặt sẵn rồi, tương lai lục lâm phía trước, có thể nói đặt cả vào vai của một nhóm người, trong đó có bọn bây đó, tao chỉ tiết lộ được đến đây thôi, nói nữa lòi hết thiên cơ chắc trời vật tao!"

Cả đám nghe xong, cảm xúc hết sức lẫn lộn, riêng tôi thì vừa mừng vừa lo, vừa phấn khích mà lại vừa kinh hãi. Nhìn qua biểu hiện trên khuôn mặt của ba người còn lại, hình như chẳng ai có vẻ gì là sợ cả, tôi cũng trấn tĩnh lại phần nào.

Ông lão cụt khá kín tiếng, ông Năm có hỏi mấy câu vu vơ về việc chở gạo, lão cụt chỉ cười rồi trả lời lấy lệ. Rượu mời được một vòng, ông Năm giới thiệu với bọn tôi: "Tụi bây chắc không biết ổng, thấy ổng cụt vậy chứ thân thủ còn nhanh nhẹn lắm đó. Ổng tên Chỉnh, tụi mày cứ gọi là Chỉnh Cụt cũng được, ai đời ngộ, ổng lại thích người ta kêu ổng như vậy đó."

Ông Chỉnh ngồi xuống, tôi nhìn vào thấy thân thủ vẫn nhẹ nhàng, vậy mà mặt ông khẽ nhăn lại, tựa như ông cảm thấy không thoải mái hoặc có phần chậm chạp hơn thường ngày. An vị xong, ông nói: "Cửu Long Đỉnh đảo chiều, ai nói không ảnh hưởng đến con người đâu!"

Ông Năm đưa anh Hùng một ly rượu, hỏi: "Cháu mày chắc nghe về chuyện Cửu Long Đỉnh đảo chiều, biết gì về cái gọi là Cửu Long Đỉnh không?"

Anh Hùng lễ phép đón ly rượu, ực một phát rồi đánh khà ra vẻ sảng khoái lắm: "Dạ, con chỉ biết Cửu Long Đỉnh là long mạch của miền tây, phát từ Thất Sơn toả ra, trải dài đến gần Sài Gòn, chuyện Cửu Long Đỉnh đảo chiều, bữa trước tụi con cũng cảm nhận được, khí âm dương trong sát na đảo lộn, con chỉ biết nhiêu đó thôi."

Ông Chỉnh nghe xong gật gù, nói: "Cháu mày biết nhiêu đó cũng hay rồi, chớ có mấy lần tao lại thăm ông Năm, cả cái lục quán được vài đứa biết."

Ông Năm Tràm nhai miếng mồi, thêm vào: "Kỳ thực nên hiểu long mạch ở đây là mạch đất theo chiều khí âm vận động thành dương rồi từ dương lại vận động qua âm, tựa như máu chảy tuần hoàn trong cơ thể con người vậy. Đó giờ nhắc đến long mạch, mấy đứa sẽ nghĩ ngay đến khởi phát tại núi rồi chạy dài ra, Cửu Long Đỉnh thì không. Thất Sơn chính là một trong những điểm kết thúc của nó, riêng điểm khởi phát thì ở U Minh!"

Tôi không nén nổi kinh ngạc, có vẻ cả anh Hùng, Tú Linh và Sinh đều như vậy, ai cũng chăm chú nghe ông Năm kể tiếp. Theo đó, không biết vì lý do gì, vòng tuần hoàn của Cửu Long Đỉnh khởi phát tại U Minh, một nhánh đổ ra thềm biển phía Mũi Cà Mau, chín nhánh sông Cửu Long có năm điểm kết, một điểm kết vùng giáp ranh Long An và Sài Gòn, một điểm kéo dài ra Phú Quốc, một điểm kết tại mũi Nai, Hà Tiên và một điểm kết tại núi Cấm An Giang. Dĩ nhiên những người tinh tường vẫn biết được nơi khởi phát dựa vào nhiều phép thử, chúng đều chỉ ra Lõi rừng có một bí mật gì đó, không phải tình cờ mà có kết luận cho rằng viên Ngô Công Kim Thân thứ ba nằm trong đấy.

Tại sao gọi là đảo chiều? Kỳ thực hơn mười năm trước, Cửu Long Đỉnh bắt đầu có một số dấu hiệu rối loạn nhịp tuần hoàn âm dương, các nhánh không đồng đều, một số nơi xảy ra sụp lún cũng vì lý do này, hai hôm trước khi nó đảo chiều, thực ra chính là lặp lại trật tự tuần hoàn xưa nay, chứ không phải làm nó sai khác đi thêm nữa. Còn chuyện mười năm về trước, nhiều người dự đoán có một đào giếng kỳ cựu đang có âm mưu với Cửu Long Đỉnh nên bày bố trận pháp, hút bớt khí âm dương trời đất, cho đến vụ đảo chiều lần này không nằm ngoài chuyện nội bộ đào giếng lão làng đấu nhau, còn đó là ai thì ông Năm và ông Chỉnh đều lắc đầu không biết.

Vốn dĩ lục lâm thời nay đã thoái trào, kỳ tài không còn nhiều, phần lớn hoặc chết hoặc ẩn cư, mười phần thì hết bảy tám phần tạp nham chẳng đáng kể, săn lan và đập miễu thì nhiều, đào giếng chẳng được bao nhiêu. Có đủ khả năng bày trận khiển long mạch e là trăm năm chỉ có một hai người, không lẽ tình cờ đến như vậy hay sao? Ông Năm nhắc đến cô bé đệ tử của Chín Danh mà ông đã gặp qua vài lần, khí khái bất phàm tuyệt nhiên không phải loại xoàng xĩnh, ánh mắt tựa như thiên binh vạn mã muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Đã rất lâu rồi ông Năm chưa gặp qua thứ thần thái như vậy, ngoại trừ một người tự nhận là một trong Thập đệ tử, nhưng lại không rõ thứ bậc danh tính.

Ông Năm cho rằng, chớ nên xem thường cô bé đó, khả năng rất cao cô ta có liên quan đến toàn bộ chuyện này. Sau khi đóng cửa lục quán, ông có lên Anh Vũ Sơn tìm Chín Danh, cả ngọn núi đã bị bỏ trống, kể cả cô bé quét sân cũng mất dạng, bởi vậy, nói gì thì nói, chuyện này chỉ dừng ở mức dự đoán. Nãy giờ tôi có để ý, ông Chỉnh dòm tôi đăm đăm, Sinh thúc vào hông tôi, hiểu ý, tôi nâng ly kính ông nhưng không biết nói gì, bèn hỏi về tuổi, ông đáp gọn lỏn: "Ông quên rồi, chỉ nhớ ngày xưa suýt nữa bị Pháp bắt đem qua Châu u đi lính cho bọn nó thôi!"

Tôi ngạc nhiên, không phải, gọi là chưng hửng thì đúng hơn. Đây là vấn đề khiến tôi ngờ ngợ trong lòng bấy lâu, bèn đem ra hỏi những tiền bối trong bàn về chuyện tại sao rất nhiều lục lâm, ví dụ như Chín Danh, Bảy Săm, hôm nay là ông Chỉnh Cụt, đều trông trẻ hơn tuổi họ rất nhiều?

Có lẽ câu hỏi của tôi không đúng lúc hay sao, chỉ thấy bọn họ đều im lặng, anh Hùng thoáng chút bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, riêng ông Chỉnh rít một hơi thuốc rồi lên tiếng: "Cháu nó mới vào giới, chuyện này thắc mắc, quả thật cũng hợp lý. Thôi để tao nói cho nó biết, âu cũng là để hiểu rõ về lục lâm hơn thôi."

Như đã biết, lục lâm ban đầu chỉ là những con người ưa thích mạo hiểm, đi tìm lan nhằm một bước phát tài chứ chẳng có gì cao xa cả, dần dần các nhánh trong lục lâm mới hoàn thiện, bao nhiêu bí thuật thần thông đều gom về một mối, lục lâm trở nên hưng thịnh. Phàm là con người khi có tiền muôn bạc vạn, ai chẳng mưu cầu đến mức cao hơn, quyền lực thì lục lâm xưa nay vốn ít quan tâm, chuyện thay triều đổi ngôi họ lại càng không dính dáng tới, chỉ có việc cưỡng lại ý tưởng trường sinh, ai ai cũng không thoát nổi.

Với các bí thuật của hàng rong, việc khiến cơ thể luôn tươi trẻ không phải không thể, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, cộng thêm hàng rong cao tay thiên hạ xưa nay hiếm, tìm được người làm đâu phải dễ, tìm được người rồi mà họ không chịu làm thì cũng công cốc. Do đó, nội bộ lục lâm bắt đầu thử nghiệm những biện pháp dùng bí thuật để tránh chuyện lão hóa, cơ thể tráng kiện được lâu bền.

Có hai cách thức, một gọi là nội tinh, hai gọi là ngoại biến. Người chọn cách nội tinh, về cơ bản chỉ cần luyện tập hít thở, nắn xương cốt, vá da thịt, khả dĩ có thể khiến thể xác không bị thoái hóa, thân thủ có thể nhanh nhẹn như thời trẻ, tuy nhiên chuyện già đi rồi chết là điều không tránh khỏi. Cách ngoại biến thì được cho là bàng môn tà đạo, dùng máu người, mỡ xác, và linh dược, trước tiên là tự lột da, sau đó chọn bộ da mới đã được ngâm trong dung dịch mặc vào người, ủ trong Sa Thi, tức là đất trộn bột xương, nằm im trong ba mươi ngày cho da mới bám vào thân xác, khi ấy sẽ luôn trẻ đẹp, thậm chí nếu đạo hạnh và tu tập đủ lâu, chuyện sinh tử e là không cần bận tâm.

Lục lâm từ xưa tới nay ghi nhận một số trường hợp dùng ngoại biến để kéo dài tuổi thọ, còn nội tinh thì chỉ những lục lâm lão làng mới trụ được qua con số trăm tuổi, phần còn lại cũng chỉ đến một trăm là cùng.

Bọn tôi đã từng chạm trán lục lâm đen, nay nghe đến đây thì sực nhớ những bộ da mà Lăng Trì Nương Nương đã lột, bất chợt thấy buồn nôn. Thú thực từ lúc biết đến thế giới lục lâm, tôi vẫn cảm giác nó như là một câu chuyện phiêu lưu giữa đời thực, khi biết bao nhiêu thứ mới mẻ bất chợt ập đến, miền tây quen thuộc của tôi bỗng chốc bừng sáng như cổ tích. Vả lại, sau khi nghe chia sẻ về cách ngoại biến, cảm giác ấy có vẻ như bị che bởi một đám mây mù. Từ khi bị La Tiên phỗng tay trên viên ngọc, niềm tin trong tôi cứ mông lung, ngẫm lại, có ai biết được ông Năm, ông Chỉnh hay chú Chín Danh lại không dùng ngoại biến?

Nếu quả vậy thực thì cái ranh giới thiện ác mong manh đến phát sợ.

Sinh nghe câu chuyện ông Chỉnh kể, nó hỏi: "Vậy sao thằng Năm Nghĩa với Lăng Trì Nương không dùng cái đó ông? Bả già mà xấu kinh dị!"

Ông Chỉnh cười, rít thêm một hơi thuốc, nói: "Bởi vậy ông mới nói, bí thuật để luyện thành là có, nhưng đạo hạnh đủ để làm hay không thì còn tùy. Mà mấy đứa đã gặp Lăng Trì Nương rồi à?"

Anh Hùng đem chuyện chạm trán hai mẹ con họ ở Kiên Lương kể lại, đến đoạn Sinh gϊếŧ mẹ Năm Nghĩa, ông Chỉnh ông Năm đều trợn mắt ngạc nhiên, thấy lạ anh Hùng bèn hỏi thì ông Năm nói: "Chuyến này tụi bây đi U Minh đúng không? Tụi bây biết trong U Minh có rất nhiều lục lâm tiền bối ẩn cư trong đó mà, nghe cái tên Bà Sò chưa?"

Bọn tôi đều lắc đầu, bảo không biết, ông Năm trút hơi thở dài, nói: "Bà ta cũng là lục lâm đen như Lăng Trì Nương Nương vậy, nhưng ở cái thời của bọn tao kìa. Cỡ Lăng Trì Nương Nương phải xách dép cho bà ta. Cái thời tao với ông Chỉnh Cụt còn lăn lộn giang hồ, nghe đến tên bả còn run vỡ mật ấy chứ!"

Ông Chỉnh ực một ly, nói: "Cũng như lục lâm chúng ta, lục lâm đen cũng hay đánh tiếng nhau, tạo mối quan hệ. Có khả năng Lăng Trì Nương Nương với Bà Sò có thâm tình gì đó, nếu tin Sáu Nghĩa cùng Lăng Trì Nương Nương bị gϊếŧ đã đến tai bà ta rồi, phen này vô rừng gặp bà ấy thì đừng có khai tên tuổi, chết không kịp ngáp đó."

Tôi tò mò hỏi: "Bà đó mạnh dữ vậy sao?"

Chỉnh Cụt nhìn tôi, rồi chỉ vào cái chân của ông ấy, ngậm ngùi nói: "Thời đó tính ra tao cũng nổi tiếng lắm đó, mà trụ với bả chưa được năm phút...", đoạn quay sang Năm Tràm, nói tiếp: "Dù gì cũng chưa tới lúc khai Phù cho cháu nó, ông để tôi kể chuyện cho bọn này nghe, ít nhiều cũng để bọn mình nhớ lại thời trai trẻ mãnh liệt thế nào, phần cũng để bọn nó hình dung được nơi sắp đến có những ai..."

Ông Năm chỉ biết gật đầu rồi thở dài.

Những năm 1940, lục lâm khi ấy đang thoái trào, thời kỳ suy vi đã đến, tuy nhiên chỉ giảm về số lượng người mới gia nhập mà thôi, những ai còn bám trụ được trong giới đều là những nhân vật tiếng tăm có năng lực, đạo hạnh cao thâm. Trong ấy, ở vùng Long An có một thanh niên tên Phạm Quý Chỉnh, hào hoa phong nhã, trong những cuộc ăn chơi luôn luôn thấy mặt.

Chỉnh ban đầu là một phu khuân vác, lần nọ đi chung tàu với một ông lão, thấy Chỉnh gan dạ và võ công cao cường, ông lão bèn rủ y đi săn lan ở vùng miền đông, từ từ Chỉnh chính thức trở thành lục lâm. Nghề dạy nghề, cộng thêm Chỉnh học đâu nhớ đấy, bao nhiêu kinh văn pháp chú tập vài lần là thành, lan thời ấy hãy còn rất nhiều, chỉ cần có gan một chút, cuộc sống không thể nào có hai chữ thiếu thốn. Chỉnh lúc đó không chỉ nổi tiếng về những cú săn lan lớn, y còn được biết đến là một tay chơi hào hoa, chốn phường hát lúc nào cũng nghe nhắc về cái tên Cậu Chỉnh.

Mỹ Tho khi ấy là nơi giao thoa giữa văn hóa xa hoa của Sài Gòn và độ ăn chơi của miền Tây với những cái tên như Hắc Bạch Công Tử. Ở nơi này nổi danh một cô ca kỹ tài sắc vẹn toàn, tên là Tuyết Hoa. Tuyết Hoa chỉ mới đôi mươi, vẻ đẹp khuynh thành, rất nhiều danh gia công tử không màng xuất thân của nàng, sẵn sàng cưới nàng về làm vợ nhưng Tuyết Hoa không mảy may động lòng, đều khước từ tất cả, trong đó có Chỉnh.

Chỉnh đang tuổi thanh niên sung sức, vào sinh ra tử nhiều lần, tiền kiếm rất nhiều, chuyện trai gái vốn dĩ chẳng hề để tâm, vậy mà nay lại bị một cô ca kỹ từ chối làm y không cam tâm đến độ mất ăn mất ngủ. Bẵng đi một thời gian Chỉnh lo săn lan ở vùng An Giang, một hôm quay lại tìm Tuyết Hoa thì nghe tin cô vừa mới tự sát chết ngày hôm trước, trong cơn đau buồn, Chỉnh vội chạy đến bên quan tài, khóc lóc vô cùng thảm thiết. Tú bà thấy Chỉnh đáng thương liền đến bắt chuyện hỏi han, nhờ vậy Chỉnh mới hiểu rõ sự tình.

Thân phụ của Tuyết Hoa vốn làm quan lớn ngoài Huế, gia đình trốn chạy vào đây vì tranh giành quyền lực, mẹ mất vì bạo bệnh, triều đình biết nơi cha nàng đang lẩn trốn liền thông đồng với quan Pháp bắt tội tống giam, nhà phải bán hết gia sản mới chuộc ra được, không lâu sau ông lại mang bạo bệnh, khó lòng qua khỏi.

Nghe đâu có một thầy thuốc cao tay từ bên Quảng Đông sang, mách nước là nên tìm một viên nội đơn thạch ngọc thuần dương để đẩy âm khí trong người thì may ra sống lại được. Tuyết Hoa vì lo bệnh tình cho cha, chỉ mong ai cứu được ông thì sẵn lòng nâng khăn sửa túi hoặc coi như con ở cũng được. Tú bà họ Thân thực tình cảm động trước hoàn cảnh, vốn dĩ bà cũng xuất thân từ tầng lớp thấp kém, trải qua bao sóng gió tưởng chừng như cảm xúc đã chai sạn, nay gặp Tuyết Hoa thì lấy đó làm chuyện đáng trân trọng, cũng không nỡ ép uổng cô làm gì, đành thuận theo. Ai ngờ ba hôm trước, một quan lớn người Pháp ghé chơi, thấy nhan sắc Tuyết Hoa thì liền rung động, y chẳng màng đến yêu cầu của giai nhân về chuyện tìm người cứu thân phụ nàng, gã người Pháp cứ dùng vũ lực bắt nàng về, tú bà thấy vậy liền can ngăn, hẹn với y cho thời hạn ba ngày để thuyết phục Tuyết Hoa, không thì mọi chuyện e là sẽ đổ bể hết thì hỏng.

Thấy tính tình Tuyết Hoa quyết liệt, gã người Pháp ưng thuận, y vừa về xong, tú bà bèn dùng lời lẽ ướm thử với Tuyết Hoa, nào ngờ nàng vẫn một mực chối từ, sang hôm sau thì tự tử trong phòng. Phụ thân của nàng hay tin thì thổ huyết, tính mạng thập phần nguy hiểm, chỉ còn một vài ngày nữa cũng sẽ đoàn tụ với Tuyết Hoa mà thôi. Chỉnh nghe thấy vậy cả giận, định tìm tên người Pháp đó mà phanh thây cho hả, vừa mới đi ra đường thì gặp một thanh niên cao ráo bước đến, người này thấy Chỉnh liền cất tiếng chào hỏi

Vốn dĩ Chỉnh định một mạch đi thẳng, nhưng người kia dùng lục ngữ hành lễ, lục lâm tuy là chốn giang hồ bí mật nhưng lễ nghĩa tuyệt nhiên không thiếu sót, Chỉnh bèn đáp lời, chào hỏi vài câu thì biết người thanh niên đó là Năm Tràm, tên thật là Nguyễn Thanh Nghị, ngày xưa cả hai từng gặp nhau ở Phú Quốc trong một cuộc đập miễu.

Nghị thấy Chỉnh nét mặt ưu tư sầu muộn nhưng nộ khí ngất trời, bèn hỏi chuyện, quả nhiên nghe xong cũng lấy đó làm bất bình, tuy vậy lại không tán thành cách làm của Chỉnh, Nghị nói: "Huynh đây chớ cả giận mà làm ẩu, thời nay Phú Lang Sa nắm quyền hành mạnh gấp mấy lần triều đình khi xưa rồi, những bậc tiền bối ngày trước chỉ trốn quan binh thôi đã khó, mắc mớ gì huynh chọn cách đối đầu với bọn chúng làm gì, chi bằng nghĩ cách cứu mạng phụ thân của Tuyết Hoa cô nương, rồi tìm hiểu bí thuật lục lâm mình, há chẳng có cách rửa oan cho cái chết của Tuyết Hoa hay sao?"

Chỉnh nghe xong thấy cũng có lý, nhưng lửa giận ngút trời, vẫn quyết chí trừng phạt tên kia cho kỳ được. Nghị thấy tình hình không xong, trong phút chốc nhớ lại chuyện gì đó, liền níu tay Chỉnh lại, kéo vào con hẻm gần đó, nói: "Mỗ tôi thấy anh là người có tài, tuyệt nhiên không phải loại phàm phu, sau này ắt làm nên đại sự, cho nên trong chuyện này cứ năm lần mười lượt cản trở anh, thực ra là do tôi đã có cách chu toàn để giải quyết chuyện này!"

Chỉnh trố mắt ngạc nhiên, không hình dung nổi có bí mật nào mà Nghị có thể đem ra cứu mạng được hai cha con Tuyết Hoa, tuy nhiên cũng nhờ vậy, nhất thời kìm nén được cơn giận, vẻ mặt bình tĩnh lại, hỏi Nghị xem cách đó là gì. Nghị nhìn trước sau một lượt, thấy an toàn, liền nói: "Ở Trà Vinh có một khu rừng, trong đó có chôn một mộ huyệt của vị quý tộc triều đình xưa, chết trận ở đấy nên tiện lập thành mộ, mộ rất bề thế, bao bằng ba lớp đá xanh nguyên khối, lại chôn sâu mười thước, bên trên không có mộ phần cũng như bia đá gì cả, người thời sau chẳng biết được chính xác vị trí. Theo lời một số thả diều lâu năm gần đó kể lại, trong những truyền thuyết được kể đều nhắc đến trong đó có hai báu vật là một viên Xuyên Giang Thổ Long Ngọc, loại ngọc đó sinh ra ở những nơi núi cheo leo, địa chất khác lạ, thổ nhưỡng hiếm có, chỉ xuất hiện ở dải Trường Sơn, trong giới săn lan đánh giá, ngọc đó thuần dương, để giải độc cho thân phụ Tuyết Hoa, viên đó vô cùng phù hợp.

Tuy nhiên thứ còn lại cũng vô cùng quý giá, đó là tượng ngọc của một con quạ ba chân, được gọi là Kim Ô Linh. Hơn hai mươi năm trước, một người săn lan tên là Đoàn Phúc Nguyên đã tìm thấy mộ huyệt, lấy ra thành công hai vật báu đó, phần viên ngọc quý thì Phúc Nguyên biết được công dụng, nên luôn đem theo bên người, tuy nhiên nhất thời ông ta chưa hiểu Kim Ô Linh có công dụng gì nên đem bán cho một người phú hào. Sau này, Phúc Nguyên mới biết được, Kim Ô Linh là pháp bảo của một ngôi đền bên Tích Lan lưu truyền qua Việt Nam hơn ba trăm năm trước. Kim Ô Linh nếu được khai triển, có thể triệu hồi người chết về dương thế được một ngày, Phúc Nguyên tìm đến tay phú hào xưa, định mua lại thì mới biết ông ta đã bán nó từ lâu, những người mua được đều biết rõ công dụng của nó, tuy nhiên toàn làm những chuyện thương thiên hại lý, gây nên bao cảnh lầm than trong dân gian, khiến luân thường đạo lý bị suy đồi. Phúc Nguyên hận quá, ra tay hạ sát hết những người đó, tuy nhiên lại cảm thấy hối lỗi vô cùng, hứa không thể để vật này lọt ra bên ngoài được, ông ta bèn quy y, dựng một ngôi chùa ở Sóc Trăng tên là Già Long Tự, cất giấu hai pháp bảo tại đó. Năm năm trước y đã viên tịch, đệ tử hóa chung hai pháp bảo đó theo thi thể của ông."

Chỉnh nghe thấy vậy liền thất vọng, nói: "Ông anh ơi là ông anh, nói vậy chẳng phải là chúng đều bị hủy rồi hay sao? Làm gì còn có hy vọng, ông anh kể ra khác nào làm mất thời gian của tôi đây?", nói đoạn liền định bụng bỏ đi.

Nghị cản lại, nói: "Huynh chớ hấp tấp, hãy nghe ta nói tiếp đã. Trước lúc viên tịch, Phúc Nguyên dùng hết đạo pháp của mình, dựng ra một Thiên, ông ta đặt tên là Vong Hồn Gia Trú Thiên, sau khi chết sẽ để linh hồn của mình trong đó, tiếp tục canh giữ hai vật báu kia mà không màng đến luân hồi, ba hôm trước tôi có đi ngang chùa Già Long, xin vào tá túc, chuyện này là chính trụ trì hiện nay kể lại cho tôi, Vong Hồn Gia Trú Thiên được những người tu hành ở đó gọi là Chùa Chìm, chỉ biết nó nằm gần chùa, đường vào người thường dễ gì biết được, nhưng tôi với anh có thể vào đó!", nói xong liền kề vào tai Chỉnh, trình bày cách thức. Chỉnh nghe xong, khuôn mặt không còn nộ khí, liền gác lại chuyện gϊếŧ tên quan Pháp, cùng Nghị lên đường đi Sóc Trăng tìm Chùa Chìm.

Chuyện đến chùa Già Long thiết nghĩ không cần kể ra làm gì, tuy nhiên cả hai khi đến nơi, liền đi kiếm một khu nghĩa địa, mục đích để chuẩn bị cho việc tiến vào Chùa Chìm. Như đã biết, Chùa Chìm thực chất được tạo nên bởi một Thiên theo cách bố pháp của hàng thịt, được Đoàn Phúc Nguyên tự tay tạo nên, một Thiên là khu vực được chỉ định theo ý muốn của hàng thịt sao cho chỉ có những cá thể đáp ứng được lời Chú ứng trong Thiên đó mới được, còn không thì tùy theo cách bố pháp, người phạm vào quy tắc của Thiên nhẹ thì bị đoạt hồn, nặng thì chết không toàn thây, Chỉnh và Nghị đều là tay lục lâm cứng cựa, dễ gì tiến vào đó không có sự phòng bị.

Lần đó khi nghe trụ trì chùa Già Long kể về sự tích, liền lấy đó làm sự nghi hoặc, định bụng có dịp sẽ kiểm chứng thực hư. Nghị có tìm một số hàng thịt hỏi về cái gọi là Vong Hồn Gia Trú Thiên thì mới hiểu ra căn nguyên. Theo lục lâm, con người có ba phần cấu tạo, gọi là Hồn, Phách và Vong. Vong tạo ý niệm, Hồn tạo tinh thần, Phách tạo thể xác, cho nên nếu người sống bước vào Thiên này rất dễ bị tiêu Phách, cơ thể dần hoại tử mà chết. Nếu Chỉnh và Nghị muốn vào, trước tiên phải làm họ trở thành... người chết cái đã. Phách người sống thuần dương, dùng nước trong quan tài bôi khắp lên mình, dùng móng tay người chết đắp lên cổ, cách làm này hết sức nguy hiểm vì âm khí và trùng độc có thể nhập vào cơ thể bất cứ lúc nào, cho nên trước khi làm phải uống rượu làm từ giấm và thảo dược đặc chế, miệng ngậm ngọc âm thì mới tránh được nguy cơ đó. Ngoài ra, mắt thường sẽ không thể nhìn thấy lối vào nếu không có trợ thủ, là bó đuốc được đốt bằng vải liệm có vẽ bùa.

Nghị thấy ở sau chùa Già Long vẫn có thiết kế đường âm, vậy thì Chùa Chìm ắt hẳn chỉ ở đâu đó quanh con đường này. Sáng sớm tinh mơ hôm đó, khi gà chưa gáy, cả hai đứng ở đầu đường âm, Chỉnh cầm theo con mèo đen, Nghị cầm cây đuốc vải liệm, ánh lửa xanh lơ lập lòe, soi chẳng được bao xa đã mất hút trong màn sương sớm lạnh ngắt. Đợi khi gà vừa cất ba tràng tiếng gáy, Chỉnh quăng con mèo xuống, nó vụt chạy đi về hướng Đông Bắc, lập tức cả Chỉnh và Nghị đi về hướng Tây Nam, đúng sáu mươi chín bước chân, tất cả đều phải vừa đúng, không sớm không muộn mà cũng không thừa không thiếu. Họ đi xăm xăm, hướng đó dẫn đến một cánh rừng nhỏ toàn cây me dại. Sương trong này dày đặc, không khí âm hàn, xung quanh chỉ hắt lên hình ảnh mở ảo của cây cối xung quanh. Bước chân cuối cùng vừa xong, màn sương trước mặt họ tựa như có ai đó thổi dạt sang một bên, để lộ một cái cổng bằng gỗ, làm theo kiểu xưa, với đấu củng và hoành phi, trông cổ kính uy nghiêm.

Nghị cầm đuốc tiến lên trước, Chỉnh đã thủ sẵn cây dao găm, hai người một trước một sau tiến đi chầm chậm trong màn sương vẫn còn dày đặc phía trước. Đi chừng trăm bước chân nữa thì sương tan hẳn, cả hai trông thấy một cái cổng khác, rất cao, cột trụ đều làm bằng thân gỗ nguyên khối sừng sững, mái ngói xanh, xà ngang chạm trổ rồng phượng hết sức tinh xảo, đấu củng nâng cao vô cùng cầu kỳ. Hai bên cổng chính, bên phải dựng một cây chùy sắt khổng lồ, bên trái là một thanh roi sắt, cả hai đều cao đến đỉnh cổng. Từ cổng chạy dài vào trong là con đường lát đá xanh, có thể thấy được rằng nơi này chính là Chùa Chìm, sương chỉ phủ khu vực xung quanh, trong này cảnh vật sáng sủa, trồng nhiều cây tha la, cuối con đường là một tòa chánh điện, không lớn lắm tuy nhìn đơn sơ nhưng vẻ trang trọng thanh tịnh không hề thiếu.

Chỉnh thấy đã đến nơi liền bảo Nghị cắm cây đuốc xuống, bỗng từ phía xa có hai chú tiểu, vẻ mặt bình thường nhưng một người da xanh lá một người da đỏ như Quan Công đang đi xăm xăm lại. Thấy Chỉnh và Nghị, họ chắp tay rồi nói: "Khách phương xa đường đột đến đây, viếng sư thầy hay muốn lấy pháp bảo?"

Bọn Chỉnh nghe xong bỗng thất kinh, cảm thấy khẩu khí hai chú tiểu này không hề bình thường, sát khí tỏa ra trong phút chốc rất khủng khϊếp, Nghị lựa lời nói: "Tại hạ phương xa tới đây, vừa hữu duyên, vừa cố ý, mong gặp trụ trì có thỉnh cầu."

Nghị chưa dứt lời, hai chú tiểu đồng thanh hét lên: "Dám nói lời dối trá trong chốn tôn nghiêm, bọn mày cũng to gan lớn mật lắm!", vừa dứt lời, cả hai hóa thành hai hộ pháp, khuôn mặt dữ tợn, thân hình cao dễ đến bảy, tám mét, hai pháp khí dựng bên cổng liền bay đến, Thanh Đồng Hộ Pháp cầm Thiết Tiên Sát, Xích Đồng Hộ Pháp sử dụng Kim Cang Chùy, chẳng thèm nghe bọn Chỉnh và Nghị thanh minh thêm lời nào, liền lao vào tung ra toàn những chiêu đoạt mạng!

Điều này hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của hai người bọn họ, Nghị cứ tưởng vào đây trót lọt, đoạt pháp bảo rồi quay ra, ai ngờ đυ.ng phải cặp Song Sát Hộ Pháp uy dũng ngời ngời, pháp lực có thể nói khiến người khác phải run sợ tim tan mật vỡ, bọn Chỉnh và Nghị thấy vậy cũng đành tung hết sức né đòn, chỉ như vậy thôi mà còn vô cùng chật vật khổ sở, huống hồ gì nói đến chuyện phản công, vừa né xong đòn này thì đòn khác đã lao đến. Thanh Đồng và Xích Đồng thân to vạm vỡ, pháp khí nặng ngàn cân nhưng cả hai di chuyển nhẹ như không, kẻ hô người trợ, kẻ tiến người lùi, người công kẻ thủ thay phiên nhau giáng những đòn sấm sét. Nếu Chỉnh và Nghị không phải hàng lục lâm đại cao thủ thì e là cũng chỉ né được bốn năm đòn mà chết không toàn thây!

Hai bên quần thảo nhau ước chừng được mười phút, nhưng Chỉnh và Nghị thấy như cả năm trời, trong đầu không có phút giây lơi lỏng, toàn tâm toàn ý chỉ dùng vào việc né tránh mà thôi, mặt sân chùa phút chốc ngổn ngang gạch vỡ, đất bị xới tung, cây đổ rạp như người ta phạt cỏ. Cứ tưởng cầm cự thêm ít phút nữa thì không còn sức lực, bỗng từ trong chánh điện vọng ra tiếng nói âm trầm như làn sóng lan đi trong không gian, nhẹ nhàng nhưng đầy uy lực: "Thanh Đồng, Xích Đồng, dừng tay!", gần như ngay lập tức, Thiết Tiên Sát và Kim Cang Chùy đứng im, Song Sát Hộ Pháp trở lại hình dạng chú tiểu, cung kính chắp tay, cúi đầu không còn chút sát khí.

Chỉnh và Nghị đưa mắt nhìn về hướng chánh điện, chỉ thấy một lão sư già, râu dài mắt sáng, hai tay chắp trước ngực, bước đi rất chậm nhưng chỉ vài bước, dường như đã tiến sát đến bên bọn họ. Vị cao tăng này đích thị là Đoàn Phúc Nguyên, khuôn mặt lạnh lùng không chút cảm xúc, ánh mắt sắc bén như khiến người ta lạc vào ma trận, tay chân tự động run rẩy, ngay cả Chỉnh và Nghị nếu không tập trung vận khí e cũng hồn xiêu phách lạc. Lão tăng chắp tay, nói: "Phạm Quý Chỉnh, Nguyễn Thanh Nghị, hai cao thủ một săn lan một đập miễu, hôm nay ghé tệ tự có chi chỉ giáo?"

Nhất thời Nghị chưa hoàn hồn lại kịp, Chỉnh nói: "Tại hạ đường đột ghé qua, thực tình do có việc hệ trọng, mong thánh tăng thứ lỗi, nhưng có thể cho vãn bối đem hai pháp bảo đi được hay không?"

Phúc Nguyên không nói không rằng, khuôn mặt cũng không có biểu cảm gì khác, ra chiều đang suy nghĩ, lát sau nói: "Kỳ thực chuyện thí chủ nói, bần tăng đã liệu trước được. Sớm hay muộn, Vong Hồn Gia Trú Thiên cũng tiêu tan, bần tăng chỉ lo sợ một điều pháp bảo rơi vào tay kẻ xấu, khiến luân thường đảo lộn, hai vị có gì khiến bần tăng tin hai vị sẽ giữ gìn nó đây?" Chỉnh và Nghị đều im lặng, thực tình không biết cách chứng minh, không khí nặng nề bao trùm, cứ tưởng mọi chuyện sẽ công cốc, ai ngờ Đoàn lão sư bấm tay gieo quẻ rồi nói: "Vạn sự đều ẩn duyên, hai vị đã đến đây, bần tăng đã phá lời thề không ra khỏi chánh điện, e là cũng do ý trời, nay hai thí chủ nhất nhất vì pháp bảo, thì ta có một ý nguyện, nếu làm được thì sẽ thuộc về các vị. A di đà phật."

Bọn Nghị và Chỉnh trố mắt ngạc nhiên, cứ tưởng chuyến đi này sắp rơi vào công cốc tuyệt vọng, nay lão sư chỉ đưa ra một yêu cầu, đến nước này thử hỏi là núi đao chảo dầu thì họ cũng xem như sợi lông cọng tóc mà thôi. Chỉnh nghe thấy vậy liền bước lên chắp tay hành lễ, nhận lời. Phúc Nguyên thở dài, lấy trong túi áo ra chín hạt gạo ngũ sắc rồi nói: "Năm nay lũ về ngặt, nước dâng cao hơn đầu, ruộng lúa hư hại vô số, thực ra là do con Tề Các làm tổ bên dưới ruộng đồng khiến nước không rút đi được, nay nếu hai anh đem chín hạt lúa ngũ sắc đến chín mẫu ruộng bao quanh tổng này, gieo hạt xuống, trì chú đủ một trăm lẻ tám lần kinh Pháp Hoa thì sẽ đuổi được con Tề Các, nước sẽ thoát được. Tuy nhiên đi theo Tề Các lúc nào vong hồn cũng nhiều vô kể, không cẩn thận thì mất mạng như không. Hai thí chủ vừa đủ là người có thể làm được chuyện này, khi sự thành, bần tăng sẽ giao pháp bảo cho chư vị, người xuất gia không nói hai lời!"