Chương 1

Bóng tối chạng vạng dần phủ lên khắp các tán cây cao nhất của vùng rừng núi Chí Linh rộng lớn, gió thổi vào đêm đen chút mộc mạc giản dị.

Rượu đã ngà ngà và bóng trăng chếnh choáng dâng đầy trong chén sứ, chỉ còn ánh lửa uốn lượn sau tỏa những tàn đóm sáng lên trong đêm tối, hắt bóng trên lớp lớp lều trại, trên đôi môi còn mỉm cười.

Cửa màn nơi lều trướng hơi vén lên và Nguyễn Trãi cầm theo bản văn sách bước vào, nhìn chúa thượng còn chong đèn ngồi cầm một tấm khăn vải trắng lau lưỡi gươm.

Thuận Thiên. Thanh gươm ấy suốt bao năm qua đã theo Người từ đất Lam, từng trải không biết bao nhiêu trận đánh một sống một còn nơi binh lửa, từng kiêu hãnh vung lên trong rực rỡ cờ đào thời khắc Người dấy binh khởi nghĩa, cũng từng ở cạnh những khi nghĩa quân bị vây ngặt lúc nguy nan.

Người trân trọng nó vô cùng.

Lưỡi gươm sắc phản chiếu ánh lửa từ đĩa đèn dầu sở bên cạnh khiến đôi mắt Người cũng như ánh lên một thứ tia sáng nhàn nhạt.

Những tiếng huyên náo ngoài kia đã dần lắng xuống nhường chỗ cho âm thanh tĩnh mịch của núi rừng về đêm, chỉ còn ánh lửa bùng lên sưởi ấm cả một vùng núi rừng hoang lạnh của tiết trời tháng giêng.

Người cũng có nâng rượu cùng mọi người vì không muốn phá đi niềm vui của các tướng sĩ, song chưa bao giờ cho mình được phép quá chén.

Bên này là những chồng sách binh thư các nhà mà Vua vẫn luôn thức tới tận khuya để chú tâm nghiền ngẫm, kia là giá gươm dựng ngay phía sau thư án thấp, bên này là thảm trải chỗ Nguyễn Trãi thường ngồi để soạn văn thư, đây là những hàng ghế mà các tướng ngồi khi cùng Vua dự bàn mưu kín, tất cả đều thân thuộc như một cuốn sách lật giờ chậm rãi trở về trước.

Tất cả…chẳng mảy may thay đổi.

Đến nay ngẫm lại, có lẽ tất cả đều là do mệnh trời.

“Phía Tây Đô kia vẫn luôn có tai mắt khắp nơi nhằm thám thính tình hình quân ta, mọi việc càng cần tiến hành cẩn mật hơi kẻo lại thành vạch áo cho người xem lưng. Tới thời cơ thích hợp ta cũng sẽ cần một vùng đất đóng quân tốt hơn”.

“Thế trận được thua chửa phân, thành lũy Bắc Nam chống đối. Lần này ta ra quân dù hiểm nguy muôn trùng cũng buộc lòng phải chiến thắng..”

“Ức Trai này, theo ngươi thì ta phải làm thế nào tiếp theo đây?”

“Ức Trai ạ, rất nhiều người đều bảo ta phải mau chóng khai triều mở quốc vì đó là ý trời”.

“Nhưng Ức Trai ơi, ngươi lại là văn thần, có thể nhìn thấu cục diện đường lối của quân Lam Sơn nhưng lại chẳng thể hiểu được những vất vả đoạn trường của những người đã theo ta từ những ngày đầu quật khởi..”

“Vì tất cả những người ấy…đều hy sinh vì ta”.

Chẳng biết tự khi nào, tất cả cử chỉ lời nói dù là nhỏ nhất của Người đều đã khảm sâu vào tâm thức y giản dị mà tự nhiên như vậy.

Người ngồi trước mắt, là tia hy vọng le lói trong đêm tối nghìn trùng mà Nguyễn Trãi bất chấp tất cả mà theo đuổi.

Vì cùng chính nhờ Người, Nguyễn Trãi mới có duyên được gặp những con người trung nghĩa và quả cảm sẽ kề bên sớm tối với mình trong suốt một thời gian dài sau này.

Mười năm, Nguyễn Trãi từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý, chấp nhận gánh lấy tất cả những lời hiềm nghi xúc xiểm của người đời lẫn sự ruồng rẫy từ chính những người trong dòng tộc, đến Lỗi Giang yết kiến Người.

Mười năm, Người sống trong vòng vây kiềm tỏa không ngừng từ phía Tây Đô, chấp nhận khoảng trời bình yên ấm no nơi Ái Châu này vẫn quá bé nhỏ, chấp nhận nhìn gia cảnh tan hoang, mồ mả tổ tiên bị quật lên, nhìn bao nhiêu kẻ đã phải nằm xuống cho chí làm trai ngông cuồng của Người năm xưa ấy.

Máu nhuộm thành cao, cận kề sớm tối, đến ngày thành danh, vinh nhục đủ đường. Vị hào trưởng ung dung khoan hòa của núi Lam năm nào, người chúa thượng cùng ngồi lại với y nơi màn trướng với điều kiện thiếu thốn nơi chiến trường hồi trước, nay đã là vị quân chủ đứng trên chín bậc thềm rồng với muôn lời ngợi ca nức lòng.

Người được trời thử lòng mà trao cho mệnh lớn, là niềm mong mỏi lớn nhất của dân chúng trăm họ mà cứu đất nước này khỏi hai mươi năm tận cùng của nô ɭệ và chà đạp.

Họ cưu mang chăm sóc cho Người vào thời khắc nguy cấp nhất nơi cận kề sự sinh tử.

Họ sẵn lòng góp tất cả của chìm của nổi trong nhà ra để giúp Người quyên tiền mộ lính, gây dựng lực lượng chống giặc Minh.

Họ đem cả tính mạng của mình đi theo Người chẳng quản chiến trường khốc liệt, thề rằng trước sau như một tuyệt đối trung thành.

Họ xả thân để Người được thoát cơn nguy khốn, để ngọn lửa mỏng manh được cố sức nhen nhóm chẳng vì bão táp mưa sa mà dập tắt trong tim.

Máu nhuộm thành cao, trăng soi đồng nội. Từng người…từng người ngã xuống…

Họ nhắc nhở Người, tấm thảm đỏ rực trải rộng lối cho Người bước đến điện Kính Thiên chính là máu của không biết bao tướng sĩ và dân thường vô tội, để Người biết rằng từng bước…từng bước của Người hôm nay…

…đều mang nợ với non sông.

Hệt như chiến trường Xương Giang năm ấy khi một ngày xuân nọ, hoàng hôn đỏ rực tang tóc phủ lên lớp lớp giáo chìm gươm gãy thành con đường máu dẫn vào thành, thây người như ngả rạ, chẳng biết đâu là nơi đồng bạn mình nằm.

Bước chân mỏi mệt tìm về, khắp một vùng mây đen kịt dáo dác tiếng quạ đàn, não nề xé ruột, chỉ còn ánh trăng bàng bạc xoa dịu nỗi nỗi lòng vỡ vụn khô cằn.

Khi lưỡi gươm đã nhuốm đủ máu, khi con người đã nếm trải đủ thương đau, sinh ra hay chết đi cũng chỉ còn là dĩ vãng.

Trăng mọc mờ mờ trên màu ráng chiều đỏ sậm như lửa cháy, tí tách tiếng giọt rồng của thời gian dần trôi, hay là dập dờn nhịp phách tiền trầm vang tiếng hát vào ngày ca khúc khải hoàn, khép lại tất cả đau thương hi vọng lẫn cừu hận một đời nằm gai nếm mật.

Dù rằng được đi trong tiếng tung hô vạn tuế và mừng reo xao động khắp ngàn dặm Nhị Hà lộng lẫy bóng cờ, Lê Lợi vẫn thấy và cảm nhận được rất rõ nét cười buồn vương trong đáy mắt Nguyễn Trãi lần những ẩn ức căm thù không thể tả được bằng lời qua nét mặt đanh lại như thép của Vấn, Sát Ngân.

Hắn cùng họ phất cờ dấy nghĩa bao nhiêu năm, sao không hiểu rõ được sự trái tính trái nết, tài lẫn tật của những người đồng liêu luôn cận kề mình trước sau sớm tối?

Tại sao phải tha thứ cho những kẻ đã hai mươi năm dày xéo non sông ta, đã gϊếŧ hại những người thân anh em tướng sĩ của ta, đã khiến cho dân chúng trăm họ phải lầm than đói khổ?

Tại sao không quyết một trận để lá cờ đào ngạo nghễ này thay máu để an ủi những đêm trường tận cùng của tuyệt vọng, ngậm cay nuốt đắng, để được trở về quê hương Lam Sơn trong những lời ca tụng nức lòng?

Thế nhưng tới giây phút cuối cùng, hắn đã chọn tra lại lưỡi kiếm của mình vào vỏ.

Hắn hiểu cho Nguyễn Trãi ngày đêm cận kề dốc lòng trù hoạch mưu lược cho ngày thắng lợi, với những canh cánh khắc khoải chẳng bao giờ nguôi làm sao cho dứt được cơn binh đao khói lửa về sau, hắn thương những người anh em chí cốt của mình đã đánh đổi quá nhiều cho mộng tưởng ngây thơ và nông nổi của mình ngày xưa ấy, đã vĩnh viễn đánh mất đi những lí tưởng và sự thành thật thuở ban sơ.

Thế rồi những điều giản dị gần gũi khi xưa nay bỗng chốc trở nên xa vời vợi. Chẳng có gì là mãi mãi, Người bước vào chốn cung đình xa hoa ấy trước tất cả.

Khoảng trời bình yên hiếm hoi, lòng nhiệt thành năm ấy hóa ra cũng chỉ như mây trời.

“ Kể từ sau ngày hôm nay, sẽ không còn kẻ nào dám thách thức quân quyền nữa”.

Tới khi công thành danh toại rồi thì màu hoa râm đã hằn in trên mái tóc, chẳng kịp kể chuyện xưa lắm thăng trầm.

Thuở nào, tướng sĩ một lòng phụ tử, ngoài kia, triều đình đã trăm mối ngổn ngang.

Có quá nhiều việc đã xảy ra, hiểu lầm, toan tính, thất vọng, khiến cho những vết thương âm ỉ suốt những năm nằm gai nếm mật ngày càng trở nên lan rộng đến mức chẳng thể chữa lành.

Ruồng rẫy, ganh đua, ích kỷ, đã làm nhiều mà cũng sai nhiều, để rồi năm lần bảy lượt đối đầu hãm hại lẫn nhau, bước vào một ván cờ tàn của quyền lực mà ngay từ ban đầu bản thân đã chẳng phải là người cầm quân.

Những áp lực cứ đè nén trên vai, niềm thất vọng khi bao nỗ lực tự dưng thành Dã Tràng xe cát, những nỗi uất ức cứ cồn lên để đến một buổi chiều nọ bước ra khỏi cấm thành hoa lệ xây khói biếc, y buông xuống tất cả ước vọng canh cánh bấy lâu trước mặt vị quân chủ mình dốc lòng phù trợ một đời.

Đợi một ngày mai khi ánh trăng vằng vặc kia lại một lần nữa phủ khắp Đông Kinh, xương máu đã tàn, khói hương đã lạnh, lòng người cũng đã đổi thay.

Ánh lửa ấm đêm đông xa rồi, người cũ như cơn gió trôi. Những dấu chân khi nào đã mờ nhạt khắp lối đi và những con người cùng quây quần với nhau nâng chén rượu mời năm nào giờ đã chẳng còn cùng chung chiến tuyến, nụ cười thân tình khi ấy giờ cũng chỉ còn đọng lại ánh mắt vô hồn lạnh lẽo.

Người cũ một thời đói sẻ no chung…

Giờ cũng chỉ tạ ơn phút giây tương phùng.