Chương 2

Buổi chiều…

Chiếc chuông gió treo đầu hồi đong đưa vang lên những tiếng leng keng, trời vào chớm thu càng trở nên trong xanh và cao vời vợi. Những tia nắng chiếu xuyên từng vệt vàng óng qua những kẽ lá, đơm tơ bên thềm.

Những cây thông vững chãi vươn tán chọc thẳng đứng lên trời như bãi chông năm xưa dựng dưới lòng nước thẳm.

Mỗi khi có cơn gió lớn ào qua, thông reo nghe như tiếng mưa rơi lào rào trên mái hiên uốn cong hình đao quật, khi lại nghe dữ dội cuộn trào như lòng người giận dữ, khi thì nghe trầm bằng u uất như tiếng thở than của hồn muôn năm cũ.

"Thầy! Thầy ơi!"

Giọng một đứa trẻ trạc độ năm sáu tuổi vang lên, nó lúi húi nhìn dưới chân để chú ý bước qua những tảng đá cuội nhấp nhô chìm trong dòng nước cạn, thỉnh thoảng rêu trơn làm nó trượt chân một cái, chúi người xuống như vẫn gượng lại được không để bị ngã.

Bên dòng suối trong vắt nước róc rách chảy, có những tảng đá cuội phủ rêu bị nước bào mòn trở nên trơn nhẵn.

Nguyễn Trãi nằm trên bờ đá, mắt nhắm nghiền thoải mái, vài chiếc lá thông theo gió nhẹ rơi xuống trên mái tóc đã điểm màu hoa râm. Những hạt nước ly ti bám đọng trên nếp áo phản chiếu ánh mặt trời.

Nghe tiếng gọi, Nguyễn Trãi từ từ mở mắt, ngồi dậy nhìn gương mặt rạng rỡ của đứa trẻ.

"Con biết thầy lại ra đây mà!"

Y cười xoa đầu nó, ngước nhìn bầu trời xung quanh khi hoàng hôn buông màu mực cam đỏ chở nặng trên đôi cánh chim chiều:

"Các bạn con đã tới rồi sao, chúng ta mau về thôi."

Đứa trẻ nở nụ cười hớn hở mà gật gật đầu, Nguyễn Trãi phủi áo đứng dậy, nắm tay nó dắt về trên con đường mòn hai bên dựng đầy tán thông.

Côn Sơn mùa vào thu, lá vàng rơi lả tả như hoa tuyết bay phủ đầy lối đi, khẽ chạm lên vai người lữ khách dáng người mảnh khảnh, trông con đường phía xa như một thảm hoa lốm đốm, thật đẹp.

Áo lụa Tam Giang màu chàm, tóc bới sau đầu được cố định bởi khăn xếp. Vài sợi tóc lạc xõa ra tùy hứng trên gương mặt, ngữ khí trong trẻo mà kiên định.

Trời đã se se lạnh, gió bắt đầu về với những lời than thở ảo não, y thấy trong người lành lạnh, nhưng cho dù có choàng thêm áo, vẫn không sao ấm lên được.

Suốt những năm tháng ấu thơ cơ cực, lưu lạc bốn phương, rồi lại bao lần phải cơn nguy khốn, bao lần từ biệt gia đình ngỡ rằng mình sẽ chẳng còn có thể chôn nắm xương tàn ở cố hương.

Ấy thế mà y vẫn sống qua cơn tao đoạn ấy, sống rất tốt nữa là đằng khác.

Sống, để mà chứng kiến một triều đại vàng son dần sụp đổ chỉ còn nắm tro tàn, sống mà nghe tiếng khóc lầm than khi ngàn dặm non sông tan nát dưới vó ngựa quân giặc, sống để thấy từ trên đầu ngọn giáo, một triều đại mới lại hình thành. Đài cao gác ngọc dựng lên, tiếng sáo mục đồng lại văng vẳng dìu dặt trên chính mảnh đất còn chưa tan màu tang tóc.

20 năm ấy là quãng thời gian rất dài, khi Đại Việt ba lần đổi chủ.

Giữa rừng thông cao bị nhuộm vàng bởi ráng chiều, có một ngôi nhà tranh nhỏ bên vườn cây, có ao cá cùng hòn non bộ.

Qua mùa hè, nước cạn, sen tàn, đám lục bình cuối mùa đã được vớt lên để cấy muống ven đìa.

Trước sân có kê chiếc chõng tre thấp cùng mấy cái chiếu cói xếp thành hàng, trên đó đã có bày bút nghiên, sách vở. Lũ trẻ mải miết nô đùa vì tranh giành nhau một vật mà chạy tán loạn cả trên nhà dưới bếp, chúng nghịch ngợm phá phách làm đổ cả hàng rào ngoài cửa, làm Nguyễn Trãi không khỏi bực mình:

"Thế này là thế nào hả?"

Mấy đứa trẻ vừa nhìn thấy Nguyễn Trãi về thì mặt tái mét đứng im một chỗ, chúng liền lùi lũi đứng tụm lại thành hàng ngang, còn giấu giấu giếm giếm truyền tay nhau thứ gì đó.

"Ta đã dặn các con không được tùy ý vào thư phòng của ta rồi mà!"

Chúng lấm lét nhìn nhau rồi cũng biết là không thể giấu được nên lóng ngóng chìa ra, quả nhiên là một cuốn sách, vì chúng tranh nhau mà bị nhàu hết cả rồi. Cứ thế chẳng ai bảo ai, đám nhỏ lại ùa đổ tội lẫn nhau nhao nhao cả lên.

Nguyễn Trãi cầm lấy cuốn sách, miết tay cho giấy phẳng lại, mặc dù có giận đi chăng nữa nhưng nhìn bọn học trò cúi đầu tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, lại không nỡ trách phạt chúng, chỉ xua tay:

"Thôi không quậy nữa, mau vào học đi."

Mấy đứa trẻ chỉ nghe tới câu đó liền thở phào nhẹ nhõm, hăng hái ngồi vào chiếu lấy sách vở ra học bài. Nhìn chúng lúi húi nằm bò ra chiếu cói nắn nót từng nét chữ, thỉnh thoảng lại nô đùa cạnh khóe nhau, dây mực lung tung làm Nguyễn Trãi không nhịn được mà bật cười.

Chõng tre làm sập, nhành trâm bầu làm thước, y chăm chú dạy chúng đọc sách viết chữ, mới nhận thấy nghề gõ đầu trẻ này cũng rất vui. Từ ngày Nguyễn Trãi từ quan tới nay, nhẩm đếm chắc cũng hai năm rồi.

Thị Lộ đã tìm cách đánh tiếng cho những người họ hàng lân cận để đưa con em họ tới theo học. Dần dà thành quen, Nguyễn Trãi đã thuộc lòng những câu cửa miệng của người ta như “Trăm sự nhờ thầy” khi họ đem con tới gửi.

Lắm lúc nhìn sắp nhỏ chạy lăng xăng trong sân, lòng cũng nhẹ đi phần nào. Có vẻ chúng cũng rất hứng thú với các điển tích xưa cũ, thường hay nhanh nhảu đòi y kể chuyện, đôi lúc lại nảy ra những suy luận chẳng giống ai. Trẻ con mơ mộng, chúng luôn bị cuốn theo những câu chuyện về ông trạng nọ, công chúa kia, về những cậu học trò nghèo như chúng mà vượt qua hết hiểm nguy nơi cung cấm, chinh chiến sa trường để có kết thúc viên mãn.

Những chuyện kinh thành phồn hoa, lầu son gác tía hay thành cao máu đổ, tranh quyền đoạt vị kia Nguyễn Trãi đều đã nếm trải.

Những con người tài hoa hay thấp hèn, quyền quý hay khốn khó y cũng đều đã gặp.

Trải qua rồi, mới thấy tất cả tựa hồ chỉ như một bức tranh tĩnh lặng.

Gặp gỡ rồi, mới biết có nhiều việc không tự nhiên giản dị như lời kể của người xưa, rằng cô Tấm rồi cũng về làm hoàng hậu. Mà thấy rằng, đôi lúc không cần níu giữ chiếc hài vốn không vừa chân mình.

Chuyện kể rằng nơi núi rừng Chí Linh năm ấy, có những con người ôm mộng gầy dựng non sông, cùng nằm gai nếm mật, rượu hòa nước suối, thiếu thốn trăm bề mà ý chí vẫn rực lên trong tim mỗi người.

Chuyện kể rằng Đông Kinh năm ấy ca khúc khải hoàn, triều đình ngổn ngang trăm mối. Những con người cùng vào sinh ra tử kia đã sớm quên đi những lý tưởng xưa. Chỉ còn vòng xoáy tranh quyền đoạt vị, chỉ còn kẻ thù và người cùng hội cùng thuyền.

Đám trẻ chưa từng nghe cổ tích nào như vậy, chúng nhao nhao đoán này đoán nọ, cãi cọ không dứt.

Nguyễn Trãi bật cười xoa đầu mấy đứa trẻ làm chúng tưởng mình nói sai điều gì, xấu hổ cúi đầu. Nguyễn Khuê, con trai trưởng của y đột nhiên bước vào, nói rằng có khách tới hỏi thăm.

Tán lá thông rụng khắp con đường nhỏ chợt vang lên tiếng xào xạc làm Nguyễn Trãi chú ý, phía cổng rào tre đơn giản có một người nam khoác tấm áo sa phủ ngoài áo dài trang, đứng nhìn y nở nụ cười.

Nguyễn Trãi ngẩn ra nhìn người nọ một lúc rồi nhẹ xua lũ trẻ chạy ra sân chơi, phủi quần áo đứng dậy bước ra phía cổng.

Trong gian nhà nhỏ, Nguyễn Trãi ngồi xuống ghế từ từ rót nước vối ra chén đặt về hướng đối diện mình, hạ giọng nói:

"Không ngờ nay còn có người tới thăm, lại không báo trước một tiếng"

Nguyễn Mộng Tuân (2) ngước nhìn xung quanh căn phòng, mỉm cười:

"Nhất điều thủy lãnh tri tam quán, tứ bích gia bần phú lục kinh. (bốn mặt trống trải xác xơ, chỉ có sách là giàu thôi). Không ngờ quan Hành khiển vẫn chẳng thay đổi gì cả, quanh năm vẫn chỉ có sách bầu bạn"

"Tôi không còn là mệnh quan triều đình nữa, anh quên rồi ư? Kể từ lúc ta cùng thi đỗ Tiến sĩ nhà Hồ tới nay đã mấy chục năm, giờ anh cũng là Tế Tửu Quốc Tử Giám rồi, còn sợ tiếp đón không chu đáo"

Nguyễn Trãi lấy chiếc cơi gỗ nhỏ, trong đựng những miếng trầu được têm rất khéo, đặt bên cạnh khay nước. Nguyễn Mộng Tuân ngồi xuống ghế nhìn chén nước nhỏ trước mặt:

"Bệ hạ gần đây bệnh nặng lắm" Hắn ngừng lại một lúc, chú ý tới tâm trạng Nguyễn Trãi "Ngài phong Quận vương Lê Tư Tề lên làm Quốc vương để thay mình lãnh đạo trăm họ, lập Lương Quận công Lê Nguyên Long lên làm Hoàng thái tử. Sau đó trước sức ép của một số đại thần, ngài lại bất ngờ giáng Lê Tư Tề xuống trở lại làm Quận vương, đưa Thái tử Nguyên Long lên ngôi như lời hứa"

Bàn tay Nguyễn Trãi bỗng ngừng lại một lát ngay giữa không trung, nụ cười trên môi ban đầu cũng nhạt dần rồi ngừng hẳn lại, ngữ điệu trở nên gượng gạo.

Không có âm thanh nào khác ngoài tiếng giọt thời gian trôi, chén nước đặt trên bàn hơi gợn lên một vòm sóng nhỏ lan xa rồi ngừng hẳn lại, lắng đọng phẳng gương soi, hệt như bóng trăng loang láng chìm trong đáy nước bên bờ Hưng Nguyên năm ấy.

Lặng, mà như thấy từ đó hình ảnh binh khí rực sáng khói lửa chiến trường, khi sinh mạng con người cũng mỏng manh như tiếng máu chảy.

Hai năm, Côn Sơn ở xa kinh thành, Nguyễn Trãi từ dạo ấy cũng bặt tin về Vua lẫn bọn họ, những bức thư gửi từ bên kia cung thành hoa lệ cũng thưa dần và một ngày kia bỗng biền biệt tăm hơi, chẳng ai đoái hoài.

Lặng, mà như mặt băng mỏng, khi mỗi bước chân qua đi đều có thể cảm nhận được những đợt sóng trào đang không ngừng cồn lên dưới chân, rất gần rồi, khiến lòng mình không lúc nào ngơi như ngồi trên đống lửa.

"Ức Trai ơi, hay anh nghe tôi này, trở về triều đi"

"Tôi có về thì làm được gì đây?" Nguyễn Trãi lắc lư đầu cười "Từ lúc người tước bỏ quốc tính, cho tôi về Côn Sơn nghỉ ngơi, người vẫn chưa từng một lần gọi tôi về, cũng chẳng thèm giao cho bất cứ công việc gì nữa…"

"Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần thì kèn cựa mà gϊếŧ đi, oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát… Vậy mà anh định ở đây mãi ư?"

Nguyễn Trãi thở dài đưa mắt lên nhìn những tầng thông nằm gọn trong khung cửa sổ, lắng nghe tiếng âm vang của núi rừng, của thiên nhiên bao la hùng vĩ, chợt thấy bản thân mình cũng như cuộc đời của một con người so với cây cỏ bỗng trở nên nhỏ bé hẳn.

Rất nhiều năm qua đi, người thân bạn bè trong quá khứ, không phải đã chết thì là tha hương, sau loạn lạc tiêu tán chẳng còn lại bao nhiêu. Đến khi đã trải hết thảy thăng trầm truân chuyên của đời người, đến cuối cùng vẫn trở lại chốn này.

Nguyễn Trãi mỉm cười, bắt đầu suy xét ngần ấy năm mình mưu cầu gì? Chỉ thấy đến cuối cùng, ánh dương vẫn còn chiếu rọi lên thân thể này là may mắn rồi, đâu còn mong đợi gì hơn?

Dù có là quân thần, tri kỷ hay đồng bạn, mười năm sau khi gặp lại dưới bầu trời Đông Kinh, tất cả đã hóa thành tro, chỉ còn có thể như vậy.