Chương 16

Lý Ung tuấn tú như ngọc, Lý Diệu dũng mãnh như hổ, đều là cao thủ dùng thương thực sự.

Đừng nhìn Lý Diệu trẻ tuổi còn có sức lực hơn người, nhưng dù sao Lý Ung cũng luyện thương nhiều hơn hắn 20 năm, dựa vào thân thủ nhanh nhẹn và nhãn lực lão luyện, cuối cùng Lý Dung dùng thương chặn cổ họng của con trai vào lúc người trong phòng bếp nghiêng đầu ra nhìn lần thứ năm.

Lý Diệu thở hổn hển, đột nhiên ném cây thương trong tay xuống đất.

Lý Ung cười với y: "Nhóc con, không chịu thua sao?"

Lý Diệu hận nói: "Con bị cha chọc tức rồi, khả năng dùng thương tốt như vậy, sao lại không dẫn binh được chứ hả!"

Trong hơn một tháng qua, không chỉ mẹ con Vân Châu bị lời ra tiếng vào bên ngoài, ngay cả Lý Diệu cũng nhận được không ít ánh mắt đầy ẩn ý từ các quan văn võ và thậm chí cả cung nữ thái giám ở trong triều. Nếu không phải hắn đã từng bị ông nội phạt úp mặt vào tường suy nghĩ quá nhiều lần, thì với tính cách thuở thiếu thời của hắn, hắn đã túm bọn chúng đánh cho một trận để bọn chúng khỏi nhìn lung tung!

Lý Ung: "... Có thể thấy những gì ông nội nói đều đúng, ta đã học được bài học lý thuyết suông, con ở bên ngoài cũng phải sửa cái tính hấp tấp của mình đi, việc gì cũng phải làm theo đúng quy củ."

Lý Diệu: "..."

Vân Châu nghe cha anh dạy dỗ, đột nhiên nhớ người em trai làm bạn cùng đi học với Thái tử ở Đông cung.

Ông nội đã nói, đều không trông cậy được vào cả cha và anh, vinh quang của phủ Ninh Quốc công còn phải trông vào người em trai.



Trong cung.

Tuyết rơi dày nhưng không có gió, Nguyên Khánh Đế sai ngự thiện phòng làm lẩu, ăn một mình thì chẳng có vị gì, nên đã gọi ba người con trai và một người con gái đến ăn cùng.

Là một Hoàng đế 40 tuổi, chỉ có bốn người con thì quá ít.

Chẳng qua là khi còn trẻ, y quá tốt tính, hết sức cưng chiều các phi tần, kết quả là làm cho những phi tần trở nên kiêu ngạo, dùng đủ mọi thủ đoạn chỉ vì tranh sủng, thậm chí cả hoàng tự cũng dám tính kế lẫn nhau. Hôm nay mi âm mưu hại chết đứa con mới sinh của ta, ngày mai ta sẽ dùng mọi thủ đoạn để khiến đứa con trai bốn năm tuổi của mi phải đền mạng.

Hậu cung ô uế, Nguyên Khánh Đế không muốn chịu đựng nữa, xử tử những phi tần đó luôn, những ai nên cho vào lãnh cung thì cho vào lãnh cung, không chừa một ai.

Trong bốn đứa con hiện tại, ngoài Đại hoàng tử bị què chân may mắn sống sót khi đó, thì Nhị hoàng tử, Tam hoàng tử, Nghi An công chúa đều là do các phi tần trẻ tuổi vào cung sau này sinh ra, điều này khiến tuổi tác của các hoàng tử chênh lệch khá nhiều. Đại hoàng tử đã 18 tuổi, Nhị hoàng tử mới 12 tuổi, Thái tử do Hoàng hậu đích thân sinh ra thì chỉ mới 10 tuổi.

Đông cung gần nhất, Thái tử đến trước(*).

(*Đông cung gần nhất, Thái tử đến trước: được sử dụng để mô tả tình huống khi một người đang cố gắng dụ đối phương vào bẫy bằng cách tỏ ra yếu đuối hoặc dễ bị tấn công.)

Người ta thường nói cháu ngoại trai giống cậu, Nguyên Khánh Đế có thể nhìn thấy vài phần bóng dáng của Tào Thiệu trên khuôn mặt non nớt của Thái tử, rất tuấn tú.

Đến khi Nhị hoàng tử đến, Nguyên Khánh Đế cũng nhìn kỹ vài lần.

Mẹ ruột của Nhị hoàng tử là Thục phi cũng xuất thân từ Tào gia, là em gái cùng cha khác mẹ với Tào Huân. Thục phi vào cung sớm hơn Hoàng hậu Tào hai năm, xinh đẹp dịu dàng, đáng tiếc là hồng nhan bạc mệnh, không qua khỏi cửa tử khi sinh con. Để bày tỏ sự cưng chiều đối với Tào gia, Nguyên Khánh Đế mới tiếp tục đón một người con gái khác của Tào gia vào cung. Vì người đó là con gái cả do vợ kế sinh ra, nên được phong làm Hoàng hậu luôn.

Nguyên Khánh Đế cảm thấy Nhị hoàng tử giống mình hơn, mà có lẽ cũng giống như người cậu lớn Tào Huân?

Chỉ là Tào Huân đã mười mấy năm không về kinh, Nguyên Khánh Đế cũng không còn nhớ rõ dung mạo của chàng nữa.

Mọi người đã đến đông đủ, Nguyên Khánh Đế bảo các hoàng tử thoải mái ăn uống, nhân cơ hội hỏi các hoàng tử dạo này đang làm gì.