Chương 5: Ván Cược Của Đồng Môn

Quả nhiên bất ngờ! Cái hộp gỗ đó nhìn qua bên ngoài đã thấy được khắc tinh xảo đẹp đẽ, nhìn đâu cũng thấy chính là nơi đựng bảo vật. Thế mà lúc này bác Quy không hề có thái độ gì tiếc nuối, Hồ Kị hỏi:

- Tại sao bác lại nghĩ như vậy?

Bác Quy gọi Hồ Kị lại gần chỗ bức tranh lớn nhất được treo trên tường, bác chỉ vào và hỏi:

- Cậu có thấy gì khác biệt không?

Khác biệt? Có chỗ nào khác biệt ư? Cô gái Nguyệt Nương này vẫn khuôn mặt như cũ, chỉ có điều thay đổi kiểu tóc, chính là kiểu búi tó cài trâm, trong đôi mắt đượm vài sự đau buồn.

Khoan đã! Nét chữ trên bức tranh này cũng hoàn toàn khác với những bức tranh ở chỗ khác. Hồ Kị tuy không đọc được hết nhưng cũng thấy người đề chữ trên đây là một người cẩn trọng, những nét chữ được viết tỉ mẩn chứng tỏ là một người đứng tuổi mà những bức tranh kia đều do người đàn ông Nhật Thanh viết, nét chữ vô cùng phóng khoáng và nhanh gọn.

Bác Quy bảo:

- Tôi đọc cho cậu bài đề này: Năm trước phu nhân bị bệnh nặng chờ mãi cũng không thấy thư của lão gia nên bệnh nặng càng thêm nặng. Hôm nay tiết trời sang hè, nóng nực khó chịu vô cùng, phu nhân Nguyệt Nương mệnh yểu từ giã cõi trần, hưởng dương mười tám xuân xanh.

Vẫn còn một đoạn dài phía dưới nhưng Hồ Kị lúc này bị mất hộp gỗ nên tính nóng nảy, gặng hỏi:

- Như thế thì có liên quan gì tới cái hộp gỗ kia?

- Cậu đừng nóng vội, để tôi kể cho hết câu chuyện đã.

Nói rồi, bác Quy kể câu chuyện đã bị cát bụi chôn vùi hàng nghìn năm, câu chuyện về cuộc đời một tướng có tên mụ là Bát. Bát là một đứa trẻ hiếu động, chuyên nghịch phá trong xóm làng nhưng lại vô cùng hiếu thuận với cha mẹ. Cha mẹ thằng bé lại làm hầu trong nhà một vị hào trưởng, vị hào trưởng ấy có một đứa con gái, gọi là Nguyệt Nương.

Bát nghịch ngợm làm hầu trong nhà ấy thay mẹ, ngày ngày làm việc vất vả trên đồng nhưng đến chiều vẫn luôn đi ghé qua phòng người con gái kia. Từ đấy về sau hai người có tình cảm vô cùng sâu đậm nhưng khi lớn dần lên, cô gái đến tuổi gả chồng, bà mối liên tục đến nhà dò ý hào trưởng. Ông ta cũng rất phân vân vì phải chọn đứa con rể nào phù hợp với gia thế để gả con gái sang.

Bát tất nhiên không hề cam chịu, nhân lúc giặc giã nổi lên bốn phía, cậu xin đi tòng quân. Sau hai năm đã trở thành một người khá được bề trên cất nhắc. Lúc ấy cậu vội vã trở về tìm Nguyệt Nương nhưng đúng vào cái ngày mà nàng lên kiệu theo về nhà chồng. Bát nổi giận dẹp tan đám rước, đằng trai cho là điềm xui xẻo lại chẳng muốn đυ.ng tới tên mặt lì nên cho hủy.

Thế là dâu không gả sang nhà trai, bố của Nguyệt Nương tức giận dùng vàng bạc đút lót quan trên giam Bát trong tù mọt giông!

Bấy giờ ở trong quân doanh đang cần người gấp, bề trên cho cậu trở lại chiến trường đánh giặc. Trước khi đi Bát và Nguyệt Nương có thề non hẹn biển, dưới ánh trăng mà tự kết nghĩa phu thê. Nhưng trần đời lại lắm chông gai, trong lúc chờ người nơi xa trở về thì Nguyệt Nương bệnh nặng mà chết, khi ấy nàng mới chỉ mười tám.

Sau đó Bát được làm tướng quân, lấy hiệu là Nhật Thanh. Những bức vẽ của chàng ta đều là sự yêu thương nhung nhớ đối với người vợ đã khuất. Nhưng trong hầm mộ chôn Nguyệt Nương lại không hề có bảo vật hay thậm chí là tro cốt của Nhật Thanh bởi vì...

- Bởi vì Nhật Thanh chết trận nơi sa trường?

Hồ Kị bất chợt trả lời, bác Quy cũng gật đầu mà rằng:

- Bởi vì chết trận nên không ai tìm được xác của Nhật Thanh cả. Còn Nguyệt Nương thì bị chôn ở đây, trong cái hộp đấy lưu giữ những thứ quý báu nhất của cô ấy, chính là những bức thư mà hai người trao đổi.

Thì ra cái mùi hắc và mốc ấy lại chính là mùi của da trâu bị phân hủy. Cái thời ấy liên lạc khó khăn, tất nhiên những lá thư được làm từ da trâu ấy rất quý hiếm nên mới được Nguyệt Nương trân quý như vậy.

Hồ Kị thở dài, chẳng muốn làm phiền đến thi hài của người đã khuất nữa bởi vật tùy táng cũng chẳng có gì. Cậu bảo:

- Chuyến này uổng công rồi!

Bác Quy cười hiền hỏi:

- Cậu là trộm mộ hả?

Hồ Kị gật đầu, một lúc sau lại lắc đầu. Cậu cũng chẳng biết bản thân mình rốt cuộc là thằng bốc mộ cho người ta hay đúng là đạo mộ, hai cái này thì có gì khác nhau chứ?

- Cậu thanh niên này, cái nghề này nó bạc lắm đừng nên lún sâu vào mà làm tổn hại âm đức.

Câu nói ấy như gió thoảng ngang tai, Hồ Kị nghe tuy nhớ nhưng không thật sự nghiền ngẫm chiêm bao. Hồi ấy còn trẻ, chỉ nghĩ đến làm sao mà phấn đấu kiếm được thật nhiều tiền, có thêm miếng thịt trong bát cơm là thỏa mãn lắm rồi, nào đâu nghĩ được dài như thế?

***

Câu chuyện về ngày đầu trộm mộ của cụ đã kể xong, chú ba quay sang bảo với thằng cháu Phong:

- Chuyện là thế đấy! Cu cậu còn gì để hỏi không?

Phong ngạc nhiên, hỏi chuyện:

- Vậy cuối cùng ông cụ nhà mình có bị xấu mặt trước bạn bè trong quán đạo không ạ?

Bác cả cũng góp chuyện vào, trả lời thay em trai:

- Sau khi ông cụ trở về thì bị thầy trách phạt, từ hôm ấy thầy bắt cụ học chữ Hán chữ Nôm, kể ra cũng đến là khổ.

- Vậy hai người kia thì thế nào ạ? – Phong vẫn chưa thôi tò mò, gặng hỏi.

- Hai người kia ấy à, cũng chẳng tìm được gì cả, tất cả đều chịu phạt của ông thầy. – Chú ba cười xòa nói.

Phong vẫn thấy có điều gì đó kì lạ, kẻ mà đã trộm hộp gỗ kia thế nào? Chiếc hộp ấy chỉ chứa những bức thư tình của Nhất Phong và Nguyệt Nương hay còn điều gì khác? Những suy nghĩ khó lòng giải thích ấy thôi thúc trong trí óc khiến cậu phải mở cuốn nhật kí của ông cụ ra mà vẫn chưa nghiền ngẫm được ý gì cả. Trong cuốn sổ chỉ có ghi lại một số điều lưu ý và kinh nghiệm khi vào các huyệt mộ khác nhau, chuyện về những năm tháng ấy cứ như vậy mà bị xóa nhòa theo cát bụi.

Chuyến xe chở mọi người về thành phố, riêng bà cụ thì vẫn nhất quyết muốn ở quê không đi cùng con cháu. Bác cả cũng vô cùng bất đắc dĩ, bản thân làm nghề buôn bán nay đi đây mai đi đó nên không chăm sóc cụ được bèn gửi tiền nhờ một bà con họ hàng xa ở gần nhà thỉnh thoảng sang chăm sóc bầu bạn.

Trở về trường học, thằng Trí nhìn cả người Phong bơ phờ mệt mỏi thì lấy làm lạ lắm. Bởi lẽ bọn họ là sinh viên trường du lịch, trèo đèo lội suối băng rừng đều đã làm quen cả rồi. Hay tại tâm trạng của người mới trở về từ quê để tang ông cụ vẫn còn nhiều bức bối nên mới thế.

Nào ngờ đâu khi hai người học xong ca sáng, có một người đàn ông đứng ở trước cổng trường, cả người mặc bộ đồ thể thao thoải mái đứng bên cạnh con xe đắt đỏ. Anh ta bước đến chỗ Phong và hỏi:

- Cậu có phải là cháu trai của ông Hồ Kị không?

Phong không ngờ được bản thân bị hỏi trực tiếp như thế? Trong đám tang không hề gặp người đàn ông này cũng như chưa từng nghe chú bác kể đến. Cậu thận trọng trả lời:

- Anh là?

- Tôi là người từng nhờ vả ông cụ chút việc. Nay lại có việc nên muốn cháu trai cụ có thể giúp tôi, tôi sẽ trả thù lao xứng đáng cho cậu.

Người đàn ông đưa danh thϊếp cho Phong rồi rời đi. Cậu và Trí cùng trở về phòng trọ, trong lòng mỗi người đều có suy tính và tò mò đối với người đàn ông kia. Trí hỏi:

- Phong này, trong lớp chỉ có tao là biết nhà mày có nghề trộm mộ. Chuyến này đi thì gọi tao đi nữa, kiếm chút tiền đóng học trả nợ tín chỉ.

Phong lắc đầu bảo:

- Chú và bác tao không muốn tao liên quan đến cái nghề này đâu.

- Ầy, mày không nói thì ai biết đâu. Nếu không liên lạc một thời gian thì cứ nói là chúng ta đi du lịch, lên Tây Bắc chỗ sóng yếu nên không tiện liên lạc. Có gì tao sẽ đỡ lời cho!

- Xì, bác tao thừa biết cái tính mày rồi.

Nhưng tấm danh thϊếp ấy quả nhiên như có ma lực nào đó khiến Phong cả đêm không ngủ được. Cái người tên Trần Khải đó là nhà sưu tầm cổ vật để buôn lậu ra nước ngoài, mỗi lần xuống mộ huyệt là kiếm được hàng trăm triệu. Anh ta không sợ Phong báo cảnh sát vì chính gia đình nhà Phong cũng chẳng làm ăn sạch sẽ gì. Cậu vắt tay lên trán thở dài, đi hay là không đi?

Cậu nhấc máy lên ấn số, chẳng mấy chốc ở đầu dây bên kia đã có tiếng đáp lời:

- Cậu Phong đấy à?

Phong nói:

- Tôi muốn biết anh muốn tôi làm gì? Căn mộ mà anh muốn đấu ở đâu? Có niên đại như thế nào?

Đầu bên kia im lặng vài giây, sau đó thoải mái nói:

- Cậu chỉ cần đi cùng đoàn chúng tôi mở huyệt mộ. Cậu biết đấy, chúng tôi có tiềm lực tài chính tốt, tất nhiên sẽ chuẩn bị mọi thứ tiên tiến nhất để có thể vừa bảo vệ cả đoàn vừa hành động dễ dàng nhưng các mộ huyệt đã lâu đời được xây dựng theo những kinh nghiệm của người xưa, có những thứ bom mìn không giải quyết được.

- Thế nên? – Phong tiếp lời.

- Căn mộ mà chúng tôi muốn cậu đi cùng nằm trên Tây Bắc, địa điểm cụ thể thì tôi không thể nói rõ chi tiết được. Thời gian xây dựng ngôi mộ ấy cách đây có lẽ khoảng hơn một nghìn năm rồi.

Phong hít vào một hơi, trong tim cậu như có ngọn lửa bừng bừng ý chí. Cậu thực sự muốn đi cùng đoàn người đó, cậu muốn xuống mộ huyệt kia để được đi thử khám phá. Có lẽ bác cả nói đúng, duyên nợ tìm hiểu về những bảo vật để lại vẫn còn ẩn trong tâm trí của từng người trong gia đình nên ngoại trừ bố cậu thì bác cả đã đi buôn trầm hương, chú ba lại đi theo nghề của ông nội.

Tuy nhiên Phong thắc mắc tại sao bọn họ lại không mời chú ba mà lại mời cậu, xét về năng lực thì cậu ba chính là một con chuột chũi tài cán nhất, cái danh không mấy văn vẻ này được người trong giới đặt cho, không ai là không biết cả.

- Tại sao anh không tìm chú tôi mà lại tìm đến tôi?

Câu hỏi hóc búa này quả là làm người bên kia đầu dây im ắng trong giây lát. Nhưng rồi người kia cũng thoải mái mà trả lời rằng:

- Bởi vì tôi nghe nói cậu được thừa kế cuốn nhật kí của ông cụ Hồ Kị.

- Cuốn nhật kí đó sao? Đúng là cuốn nhật kí đó đã được ghi lại vô cùng tâm huyết nhưng chú ba tôi cũng đã từng đọc qua rồi, vả lại đó chỉ là vật chết, làm sao so với sự nhanh nhẹn và linh hoạt của chú ba được? Câu trả lời này hoàn toàn chẳng thuyết phục chút nào!

Trần Khải nói:

- Cậu có điều không biết, cuốn sách ấy nếu người thừa kế mà giữ được thì sẽ đọc hiểu tất cả những giá trị uyên thâm trong đó.

Phong bặm môi suy nghĩ, sau một hồi, cậu nói:

- Tiền thù lao anh trả là bao nhiêu?

- Ít nhất là tám số không.

Ít nhất là một trăm triệu ư? Như thế có phải quá hời cho cậu rồi không? Phong tuy hứng thú nhưng cũng không biết bản thân có thể thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ này trót lọt? Cậu nói:

- Tôi muốn đưa một người bạn đi cùng, là người mà hôm trước anh gặp. Còn nữa, tôi muốn anh đảm bảo an toàn cho chúng tôi trong suốt hành trình.

Đầu dây bên kia vang lên tiếng cười hào sảng, người đàn ông chắc nịch nói:

- Được.

Xong chuyện, Phong gọi cho Trí, khỏi phải nói là cậu ta vô cùng hào hứng, lăng xăng chạy ra ngoài chợ đen mua ít vật dụng “nhà nghề” để chuẩn bị cho một cuộc săn lùng đầu tiên trong đời.