Chương 52

Mẹ tôi sống trong ngôi nhà xinh xắn mang kiến trúc thời Victoria tại một khu phố lịch sử của thị trấn Pico Mundo. Bố được thừa kế nó từ ông bà nội.

Khi li dị, mẹ nhận được nơi ở đẹp đẽ này cùng mọi thứ bên trong và khoản trợ cấp đáng kể điều chỉnh theo mức giá sinh hoạt. Vì mẹ chưa bao giờ và gần như không bao giờ tái hôn nên sẽ không được trợ cấp khoản tiền đó suốt đời.

Hào phóng không phải cơn bốc đồng thứ nhất, thứ hai hay cuối cùng của bố. Bố dàn xếp một cuộc sống thoải mái cho mẹ chỉ đơn thuần vì sợ mẹ. Bực tức trước việc phải chia bớt thu nhập hàng tháng từ quỹ ủy thác cho mẹ nhưng bố không có can đảm để làm ngay cả chuyện thương lượng với mẹ, thông qua luật sư. Mẹ nhận được khá nhiều mọi thứ bà yêu cầu.

Bố trả tiền để được yên thân và để có cơ hội mới tìm hạnh phúc (như bố nói).

Và ông bỏ tôi lại sau lưng khi tôi mới tròn một tuổi.

Trước khi bấm chuông, tôi quét tay quay xích đu ngoài hiên để chắc chắn là nó sạch sẽ. Có thể trong lúc trò chuyện, mẹ sẽ ngồi trên xích đu còn tôi ngồi lên hàng rào ngoài hiên.

Mẹ và tôi luôn gặp nhau ngoài trời. Tôi tự hứa với lòng sẽ không bao giờ bước chân vào ngôi nhà đó lần nữa, cho dù tôi sẽ sống lâu hơn mẹ.

Sau khi bấm chuông hai lần không ai trả lời, tôi đi vòng ra sân sau.

Khu đất sâu vào trong. Hai câu sồi California to lớn đứng sừng sững ngay sau nhà, cùng xòa bóng rộng khắp nhưng không che phủ hết. Xa xa phía cuối khu đất, mặt trời chiếu thẳng xuống vườn hồng.

Mẹ tôi đang lúi húi giữa mấy bụi hoa. Như quý bà thời xưa, mẹ mặc đầm màu vàng và đội mũ rộng vành cùng tông.

Tuy vành mũ che mặt mẹ nhưng tôi có thể thấy vẻ đẹp hiếm có của bà không lu mờ trong suốt bốn tháng qua, kể từ lần cuối tôi ghé thăm.

Mẹ lấy bố khi bà mười chín, còn ông hai mươi bốn tuổi.

Hiện giờ bà bốn mươi nhưng nhìn như mới hơn ba mươi.

Bức ảnh chụp ngày cưới cho thấy một thiếu nữ mười chín trông như mới mười sáu, đẹp mê hồn, cực kì dịu dàng trong chiếc áo cô dâu. Những cô nàng sau này của bố không ai sánh kịp với vẻ đẹp của mẹ tôi.

Thậm chí giờ đây, khi mẹ đã bốn mươi, nếu để mẹ ở chung phòng với Britney, bà mặc đầm còn cô ả mặc đồ tắm thiếu vải thì hầu hết đàn ông sẽ ùa đến chỗ mẹ trước tiên. Và nếu khi đó mẹ có tâm trạng, bà sẽ khiến bọn họ mê mệt đến độ tưởng như bà là người phụ nữ duy nhất nơi ấy.

Tôi đến gần trước khi bà kịp nhận ra có người. Bà ngẩng lên, đứng thẳng dậy và chớp mắt nhìn tôi giây lát như thể tôi là ảo ảnh do sức nóng tạo ra.

Và rồi bà nói, “Odd, con trai cưng, kiếp trước con hẳn là mèo mới rón rén đi khắp sân như vậy được.”

Tôi gắng gượng nặn ra một nụ cười thoáng qua. “Chào mẹ. Mẹ đẹp tuyệt.”

Mẹ cần lời khen, nhưng thực tế chưa bao giờ trông bà dưới mức tuyệt đẹp.

Nếu mẹ là người xa lạ, biết đâu tôi còn thấy bà xinh đẹp hơn bội phần. Đối với tôi, quá khứ chung giữa hai mẹ con đã làm giảm bớt vẻ lộng lẫy của bà.

“Đến đây nào, con yêu, nhìn những đóa hoa rực rỡ này xem.”

Tôi bước vào vườn hồng, lối đi lát đá phủ đầy bụi và kêu lạo xạo dưới chân.

Vài bông hoa trưng ra mấy cái cánh đỏ chót. Các đóa hoa khác như những cái bát màu cam, cái tách màu vàng chứa đầy nắng hè. Sắc hồng, sắc tím, hồng phớt, khu vườn không ngừng được trang hoàng dành cho tiệc tùng.

Mẹ hôn lên má tôi. Môi bà không lạnh như tôi luôn mong đợi.

Kể tên đủ loại, mẹ nói: “Đây là hoa hồng John F. Kennedy. Cực đẹp đúng không?”

Dùng một tay, mẹ nhẹ nhàng nâng đóa hoa nở rộ nặng đến mức nghiêng xuống thân cây oằn cong.

Trắng bệch như bộ xương bị mặt trời tẩy rửa, thoáng chút sắc xanh mờ nhạt, những cánh hoa lớn này không mỏng manh mà dày mịn khác thường.

“Chúng trông như nặn từ sáp,” tôi nói.

“Chính xác. Chúng thật hoàn hảo phải không con? Mẹ yêu tất cả hoa hồng, nhưng mấy đóa này thì mẹ yêu hơn hẳn.”

Không phải vì mẹ yêu thích loại hoa hồng này nên tôi thích chúng ít hơn so với những loại khác.

Sự hoàn hảo của chúng gây cho tôi cảm giác giả tạo. Những nếp gấp của cánh hoa đập vào mắt hứa hẹn điều bí ẩn và vui thích ẩn trong nhụy hoa bị che khuất chính giữa, nhưng có vẻ đó là lời hứa giả dối, vì màu trắng bệch lạnh lùng cùng vẻ cứng nhắc như sáp kia, và thiếu hẳn hương thơm, gợi nên không phải sự thuần khiết hay đam mê mà chỉ toàn là chết chóc.

“Một cành cho con,” mẹ nói, rút ra khỏi túi áo đầm một cây kéo nhỏ dùng để cắt hoa.

“Không, mẹ đừng cắt. Cứ để nó mọc ở đó đi. Đưa cho con phí lắm.”

“Vớ vẩn. Con phải tặng nó cho bạn gái. Nếu trao đúng lúc, một đóa hồng đơn lẻ có thể bày tỏ tình cảm của chàng trai rõ ràng hơn cả một bó hoa.”

Bà cắt ra cành hoa dài hơn một tấc.

Tôi để tay bên dưới cách đế hoa không bao xa, kẹp cành hoa bằng ngón cái và ngón trỏ, giữa những cái gai cao nhất.

Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, tôi thấy ánh mặt trời tạm lắng và những bông hoa ngát hương chỉ khiến thời gian dường như trôi qua lề mề, trong khi thực chất nó đang phóng vù vù.

Biết đâu thậm chí ngay lúc này, tên đồng bọn của Robertson đang lái xe đến điểm hẹn tội ác.

Đi dọc vườn hoa với dáng yêu kiều như bà hoàng và nụ cười hiền hậu vương giả, thích thú ngắm nhìn những cái đầu cúi chào của đám thần dân đủ màu sắc, mẹ cất giọng, “Mẹ rất mừng con đã ghé chơi, con yêu. Nhân dịp gì vậy?”

Đi lùi một bước sau lưng mẹ, tôi nói, “Con không biết chính xác. Con có vấn đề này...”

“Chúng ta không cho phép vấn đề nào ở đây,” bà nói bằng giọng phản đối dịu nhẹ. “Từ lối đi phía trước cho đến hàng rào phía sau, ngôi nhà và mảnh đất này là vùng miễn lo âu.”

Nhận thức được rủi ro nhưng dù sao tôi đã đưa mẹ và tôi vào vùng nguy hiểm. Lớp đá dưới chân như biến thành cát lún trì níu.

Tôi không biết cách nào khác để tiếp tục câu chuyện. Tôi không có thời gian chơi đùa theo luật của bà.

“Có chuyện con cần nhớ ra hay một chuyện lẽ ra con nên làm,” tôi nói, “nhưng con gặp vướng mắc. Trực giác đưa con đến đây vì... con nghĩ bằng cách nào đó mẹ có thể giúp con phát hiện ra điều gì bỏ sót.”

Về phần mẹ, những lời của tôi chỉ dễ hiểu hơn những câu lắp bắp sai ngữ pháp. Giống như bố, mẹ chẳng biết gì về năng lực siêu nhiên của tôi.

Khi còn nhỏ, tôi đã nhận ra rằng nếu phức tạp hóa cuộc đời của mẹ bằng sự thật về tình trạng của tôi thì sự căng thẳng quá mức của hiểu biết ấy sẽ là cái chết của mẹ. Hoặc cái chết của tôi.

Bao giờ cũng vậy, mẹ theo đuổi một cuộc sống tuyệt đối không căng thẳng, không tranh cãi. Mẹ không thừa nhận bổn phận đối với ai, không gánh vác trách nhiệm đối với ai khác ngoài bản thân mình.

Bà chẳng bao giờ gọi đó là ích kỉ. Với bà, như thế là tự bảo vệ, vì bà thấy thế giới đòi hỏi khắt khe quá sức, hơn mức bà có thể chịu đựng.

Nếu ôm trọn cuộc sống này với toàn bộ những mâu thuẫn của nó, mẹ sẽ mắc chứng suy nhược. Thế nên, mẹ chế ngự thế giới bằng mọi trù tính lạnh lùng của một người chuyên quyền nhẫn tâm, đồng thời gìn giữ sự minh mẫn bấp bênh bằng cách bọc quanh mình cái kén thờ ơ lãnh đạm.

“Có thể nếu mẹ con ta nói chuyện một lát,” tôi nói, “sau đó con có thể hiểu ra tại sao con đến đây, tại sao con lại nghĩ mẹ có thể giúp con.”

Tâm trạng của bà chuyển biến nhanh trong chớp mắt. Quý bà yêu hoa hồng quá yếu đuối đến mức không thể xử lí thách thức này và nhân vật hớn hở rút lui nhường chỗ cho một nữ thần điên tiết.

Mẹ nhìn tôi với ánh mắt cay cú, đôi môi mím chặt và tái mét, như thể chỉ cần một cái nhìn dữ tợn là có thể tống cổ tôi đi.

Trong các tình huống thông thường, mỗi cái nhìn đó thôi thật sự cũng khiến tôi chuồn gấp.

Thế nhưng ánh mặt trời gay gắt gần đứng bóng, nhanh chóng đẩy chúng tôi đến gần hơn giờ nổ súng. Tôi không dám quay trở ra đường phố oi nồng của thị trấn Pico Mundo mà không có một cái tên hay mục đích nào để tập trung sức hút siêu linh.

Khi nhận thấy tôi sẽ không lập tức bỏ đi để bà yên ổn hưởng thú điền viên, bà cất giọng lạnh tanh rôm rốp như nước đá, “Ông ta bị bắn vào đầu, con biết mà.”

Lời tuyên bố này khiến tôi hoang mang, nó hãy còn có cả mối liên kết thần bí với vụ thảm sát đang đến gần mà tôi mong có thể chặn đứng.

“Ai cơ?” tôi hỏi.

“John F. Kennedy.” Mẹ đưa ra cái tên trùng tên hoa hồng. “Chúng bắn vào đầu ông ấy làm não phọt ra.”

“Mẹ,” tôi lên tiếng, dù hiếm khi dùng cụm từ đó trong cuộc trò chuyện với bà, “chuyện này khác. Lần này mẹ phải giúp con. Nếu không mọi người sẽ chết.”

Có lẽ đó là điều tệ hại nhất mà tôi thốt ra. Mẹ không động lòng trước việc phải có trách nhiệm với mạng sống của người khác.

Bà chộp lấy cành hoa hồng đã cắt cho tôi, tóm chặt vào bông hoa và tước nó khỏi tay tôi.

Vì không nhanh tay buông ra kịp nên cành hoa cào xước giữa mấy ngón tay tôi và một cái gai chọc thủng mặt trong ngón cái, lấy đi mẩu da.

Bà vò nát bông hoa rồi quẳng xuống đất, quay đi và sải bước vào nhà.

Tôi không bỏ cuộc. Tôi đuổi kịp bà, đi bên cạnh, nài xin vài phút trò chuyện để có thể làm đầu óc tôi sáng ra và giúp tôi hiểu lí do đến đây, trong số mọi địa điểm, vào giờ phút nguy cấp này.

Mẹ vội vã, tôi vội vã theo. Lúc đến bậc thềm ngoài hiên sau, bà bỏ chạy, phần váy đầm bay sột soạt như đôi cánh, một tay bà giữ cái mũ trên đầu.

Cánh cửa lưới đóng sầm lại khi bà biến mất vào nhà. Tôi dừng bước ngoài hiên, miễn cưỡng không muốn vào trong.

n hận đã làm phiền mẹ nhưng tôi cảm thấy chính mình phiền muộn và tuyệt vọng.

Tôi nói vọng qua cửa lưới, “Con không đi đâu. Lần này con không đi được. Con chẳng còn chỗ nào để đi.”

Mẹ không trả lời. Phía bên kia cửa lưới, gian bếp có màn che nằm trong bóng tối, im ắng đến mức không thể che giấu người mẹ đau khổ của tôi. Bà đã vào sâu hơn trong nhà.

“Con sẽ ở ngoài hiên này,” tôi hét to. “Con sẽ đợi ở đây. Suốt cả ngày nếu buộc phải làm vậy.”

Tim đập thình thịch, tôi ngồi bệt xuống dưới hiên, chân đặt lên bậc trên cùng, quay mặt khỏi cửa bếp.

Sau đó, tôi nhận ra ắt hẳn mình đến nhà mẹ, trong tiềm thức chưa ý định khơi ra chính xác phản ứng này và nhanh chóng dồn bà đến thái độ phòng thủ cơ bản trước trách nhiệm. Súng ống.

Thế nhưng giây phút ấy, cơn hỗn loạn là bạn đồng hành của tôi còn sự tỉnh táo dường như đã vượt khỏi tầm tay.