Quyển 1: Gặp gỡ - Chương 4: Tôi và những gì đã qua (2)

Ngước nhìn đồng hồ treo tường đã điểm ba rưỡi chiều, tôi chậm rãi đứng dậy và nhìn quanh phòng để xem mình còn quên mang theo gì không.

À, còn Kim nữa…

Liếc qua bàn làm việc, tôi chợt nhận ra chiếc hộp đựng cây vĩ cầm đã gắn bó với mình gần hai mươi năm vẫn chưa được đóng nắp lại. Nơi tim chợt bùng lên ngọn lửa đam mê hừng hực rồi hạ dần thành đốm nhỏ cháy âm ỉ. Đôi chân bước tới gần như tự có ý thức, ngón tay vô thức mơn trớn đường nét thanh tú và sợi dây thép có thể phát ra tiếng ca mê hồn.

Cậu không hề yêu nó! Cậu chỉ là kẻ tự phụ vì hơn người ở trời phú!

Tâm trí chợt vang lên giọng nói từ miền kí ức xa xăm đã được chôn sâu dưới đáy lòng, từng chữ như kim châm làm trái tim tôi đau nhói.

Thế nào mới là yêu?

Ngẫm lại những ngày tháng tìm hiểu cảm giác rung động và say sưa với một điều gì đó, tôi không khỏi thở dài:

- Kim thân mến, cậu nên được đối xử tử tế mới phải, xin lỗi vì đã quên cậu nhé…

Nhẹ nhàng đậy nắp gỗ lại và mang nó đến tiệm bảo dưỡng nhạc cụ, tôi trò chuyện vui vẻ với anh chủ tiệm một lúc, nhân tiện nói rõ với anh ta về những thói quen chơi của mình có thể ảnh hưởng đến nơi nào của cây đàn. Bàn giao xong xuôi, tôi hăng hái kéo hành lý đến cổng ga Ban Mai và dáo dác ngó quanh.

Anh ấy vẫn như mọi khi nhỉ?

Những tưởng đã đến sớm lắm rồi, ấy thế mà lại thấy anh trai mình trong bộ Âu phục kẻ sọc màu xám đang nhìn xuống thứ gì đó trên tay ở đằng xa. Vẻ ngoài cao lớn và chững chạc của anh ấy rất thu hút ánh mắt của người đi đường. Mỗi khi ai đó đi ngang qua, họ sẽ ngoái lại vài lần để nhìn kỹ hơn trước khi bước tiếp.

Đúng là người đẹp, mặc gì cũng đẹp!

- Anh!

Như một thói quen, tôi thầm khen gen di truyền nhà mình rồi hào hứng vẫy tay gọi anh ấy. Anh trai nghe thấy tiếng tôi gọi thì ngẩng đầu lên và mỉm cười. Nụ cười như ánh nắng ban mai đó vừa xuất hiện đã lập tức khiến người khác phải điêu đứng. Nhìn thấy khuôn mặt tươi sáng nọ, tôi thoải mái hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười đáp lại. Mang theo tâm trạng hớn hở, tôi kéo hành lý đến gần, tiện thể nghiêng đầu xem anh ấy đang đọc gì trên tay.

À, hóa ra là vé tàu.

Anh Khánh đưa ngón trỏ lên chỉ vào ấn đường và đẩy nhẹ trán tôi ra, trêu chọc:

- Làm sao? Hôm nay có vẻ vui nhỉ?

Xoa xoa trán, tôi cười hớn hở đáp lại anh ấy:

- Đúng là em có tin vui đấy!

Anh ấy cười khẽ, nhét vé vào túi quần, với lấy hành lý trong tay tôi, xoay người đi đến cửa toa xe rồi dừng lại ở chân cầu thang dẫn vào khoang hành khách đặc biệt. Trông thấy anh ấy chuẩn bị xắn tay áo sơ mi trắng và xốc hai túi hành lý nhỏ lên khoang trước, tôi hiểu ý chạy lại gần giữ lấy hai chiếc hành lý lớn vì sợ nó trôi đi trên nền gạch trơn trượt. Đợi anh ấy cất đồ đạc vào trước, tôi dồn lực vào hai cánh tay, lần lượt nâng hai túi hành lý lớn lên cho anh ấy.

- Ô?

Đón lấy hai chiếc túi lớn mà tôi đưa qua, anh Khánh giả vờ tròn mắt ra vẻ ngạc nhiên lắm rồi lại làm như chợt hiểu ra điều gì đó, gật đầu mấy cái như thể rất hài lòng với biểu hiện của tôi và cười trêu:

- Chẳng biết em trai anh đã lớn thế này từ bao giờ nữa. Còn nhớ năm đó, anh phải tự lo liệu hết mọi thứ khi chúng ta về quê đấy!

- He he.

Tôi gãi đầu, cười ngượng ngùng.

Anh ấy đã nói câu này đến nay đã hơn mười năm, nghe đi nghe lại vẫn thật bất đắc dĩ làm sao…

Ngồi trên chuyến tàu từ Bắc vào Nam, tôi ngẩn người nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ đang chạy ngược về sau. Dẫu cho sáng nay nhận được tin mừng, nhưng việc phải thức trắng cả đêm để làm cho xong mọi thứ đã bòn rút hết sức lực của tôi rồi và hiện giờ tôi chỉ muốn ngủ mà thôi.

- Em chợp mắt một lát nhé, chút nữa đến thì anh gọi em được không?

- Ừ.

Anh trai tôi gật đầu, kéo tấm rèm cửa sổ xuống để che bớt ánh nắng hanh khô khiến da thịt nứt nẻ rồi lấy điện thoại di động từ trong túi quần ra và xem thứ gì đó trên nó.

Theo như tôi suy đoán, ngoài việc đọc tài liệu từ công ty gửi đến ra, anh ấy chưa bao giờ để lộ dáng vẻ muốn làm một cái gì đó chăm chú đến vậy.

Hé mắt liếc trộm anh ấy rồi duỗi người một cái, tôi chống tay lên thành ghế để đỡ cái đầu nặng trịch của mình.

Anh trai tôi tên Đông Khánh, hiện đang là Giám đốc công ty phân phối mỹ phẩm Hàn Quốc có chi nhánh tại miền Bắc Việt Nam. Cả hai chúng tôi đều sống cùng nhau từ nhỏ nên rất thân thiết. Chẳng qua vào năm nhất Đại học, do tính cách bốc đồng, độc lập và thích tự chủ nên tôi đã quyết tâm dọn ra ngoài ở riêng.

Ngày ấy, anh trai vừa nghe chuyện thì rất lo lắng, sợ tôi không thể tự chăm sóc bản thân nên đã ngăn cản tôi chuyển ra ngoài. Chúng tôi đã to tiếng với nhau suốt mấy ngày trời cho đến khi bà giúp việc nói với anh ấy rằng, tôi đã học nấu ăn và học cách tự lập trong khoảng thời gian anh ấy đi công tác thì cuộc chiến giữa chúng tôi mới dừng lại.

Tôi đã dọn ra ngoài ở được hơn ba năm. Trong ba năm Đại học đó, ngày nào anh trai cũng gọi điện hỏi thăm tôi. Anh ấy thường hay hỏi mấy câu như: “Khi nào em về nhà?”;Phòng trọ có thiếu thứ gì không để anh mua rồi mang đến cho?”;Anh mang món em thích ăn đến nhé?”, hay đại loại thế.

Vừa nghe là biết anh ấy muốn đến xem tôi sống ở ngoài thế nào.

Thật tốt khi có một người anh trai luôn lo lắng và quan tâm đến mình nên tôi cũng không ngại việc anh ấy hay phàn nàn mấy chuyện như: “Ăn đồ ngoài quán không hợp vệ sinh lắm đâu!”;Sống riêng cô đơn lắm về nhà đi em.”; “Ở ngoài nguy hiểm lắm”, vân vân.

Tôi ở lúc ấy cũng chỉ biết cười trừ cho qua chuyện mà thôi.

Khi đang nghĩ vẩn vơ thì chợt nghe thấy anh trai hỏi:

- Em ngủ chưa?

- Dạ, chưa ạ.

Tôi xoa mi mắt, vuốt mặt một cái rồi uể oải trả lời.

- Em lớn rồi mà vẫn giữ thói quen chỉ thích đi tàu mà không thích đi xe hơi hả?

- Mùi ô tô khó chịu lắm, đã thế còn phải ở trên xe tận mấy ngày trời, thà ở nhà còn hơn.

Lười biếng đáp lại anh ấy rồi ngáp một cái, tôi chép miệng dựa hẳn người vào ghế.

Mặc dù không phải là người dễ say xe, nhưng tôi khá khó chịu khi phải ngồi trong một chiếc xế hộp kín mít và bầu không khí bí bách lúc đóng kín cửa vẫn luôn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Đó là loại cảm giác khiến tôi muốn nôn mửa và nó ngay lập tức xuất hiện trong tôi mỗi khi nhìn thấy một chiếc xe hơi đậu trên phố. Còn hơn thế nữa, điều đó xảy ra với tôi mỗi ngày vì nhà trọ nằm gần khu ẩm thực sầm uất nhất thành phố cổ với lối kiến

trúc thời Pháp thuộc.

Lý do tôi chọn trọ ở khu đó rất đơn giản. Xung quanh có nhiều quán ăn và cửa hàng tiện lợi nên khá thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi lại. Con phố này cũng nằm không xa ngôi trường Đại học của tôi. Chẳng qua giá nhà ở gần khu đó rất đắt đỏ. Với tôi, số tiền đó khá chát, còn cha mẹ, anh trai thì chỉ bình tĩnh liếc qua dãy số khiến người ta trợn mắt há hốc mồm và bản thiết kế phòng ở rồi đáp lại một câu rất ngắn gọn: “Chuyển vào đó đi”.

Đúng là người một nhà, nói chuyện y chang nhau.

Tôi ước mình có thể nhìn vào những số không tròn trĩnh với vẻ điềm tĩnh như những người trong gia đình mình, nhưng tôi không thể!

Đấy, tôi khác biệt với gia đình của mình ở chỗ đó đấy.

Ngày bé, tôi khá kỳ thị chuyện tiền bạc vì mọi ký ức về nó luôn khiến tôi nghĩ rằng, đó là thứ đã cướp đi cha mẹ mình và những gì liên quan đến nó chỉ đem lại khổ đau. Vài năm sau, khi đã trưởng thành, đã qua cái tuổi để hiểu những vật chất có thể khơi dậy đặc tính tham lam mà xã hội đang tiêm nhiễm vào đầu con người và khiến họ quay cuồng với nó ấy dường như đang từng bước đυ.c khoét giá trị tốt đẹp trong con người mình.

Thật may mắn vì mình đã tỉnh táo lại ngay lập tức.

Vào khoảnh khắc thảng thốt nhận ra, mình cũng đang dần sa lầy giống như bao người, tôi đã thẫn thờ nhìn chằm chằm vào đôi tay mình rất lâu.

Con người ta không thể sống mà không ăn, nhưng muốn ăn thì phải có tiền. Bộ não của con người và các loài sinh vật khác đều có chung mục đích duy nhất là sinh tồn. Ý chí sống sót ấy khiến con người ta phải làm ra những điều sai trái chỉ để tồn tại.

Thật điên cuồng…

Thậm chí, khi được chứng kiến cảnh nhiều người tìm mọi cách để có tiền nuôi gia đình mà không từ thủ đoạn, nhắm mắt làm ngơ hoặc không quan tâm trước việc làm của mình có thể gây tổn hại đến người khác, nước mắt tôi bỗng dưng trào ra. Cảm xúc xúc động nhất thời ấy không phải vì xót thương thay những số phận lam lũ, mà là vì tôi đang phải đấu tranh để níu giữ những giá trị tốt đẹp còn sót lại của ý chí luôn tồn tại trong trí tuệ của mình.

Đã từng là một kẻ giống như muôn người, ích kỷ và độc ác vì muốn được sống sót, tôi có tư cách ghét họ đến mức bật khóc ư?

Chua chát làm sao…

Tôi chỉ có thể căm ghét chính bản thân mình và những người đang kham khổ ngoài kia chỉ đang phản ánh đúng bản chất của một loài động vật bậc cao. Vào thời điểm nhận ra những ai có thể làm bất cứ điều gì vì vật chất là những kẻ điên rồ nhất thì khi ấy, tôi cũng đang dần đánh mất bản chất là một con người của mình.

Đó là cái giá của sự phát triển mà xã hội vẫn luôn đề cao cho đến ngày hôm nay.

Vì sao tôi khẳng định nhận định phát triển của họ là sai lầm?

Tôi đã từng nghe nói đến cuốn sách “Những đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn” của Nguyên Anh, nhưng tôi đã không đọc nó vì tựa đề đã nói lên cách suy nghĩ của người viết.

Suy nghĩ của con người phản ánh xã hội nơi họ đang sinh sống.

Hiểu chuyện không phải xuất phát từ bản năng tự nhiên, hay từ “nhân chi sơ” mà nó đến từ lòng tốt đã trải qua tôi luyện.

Một đứa trẻ có bề ngoài không hề mong muốn có được càng nhiều, luôn yên lặng để không khiến cha mẹ phải bận tâm là một đứa trẻ đã học được tinh túy của lòng tốt được dạy dỗ trên trường lớp và trong xã hội. Chúng biết chịu đựng và kìm nén bản tính của mình để không gây rắc rối cho những người khác.

Đó là dấu hiệu của những đứa trẻ thông minh.

Đừng nhìn bề ngoài ngoan ngoãn của trẻ mà lầm tưởng chúng không giống như bao đứa trẻ khác, không muốn có được thứ nọ, thứ kia. Chúng không đua đòi chỉ vì sợ cha mẹ chúng khổ sở. Chúng không nhận quà cáp là vì chúng cảm thấy sẽ có những người cần thứ đó hơn chúng. Chúng không nghịch ngợm là vì sợ liên lụy đến những người xung quanh.

Con cái yêu thương cha mẹ và những người xung quanh theo cách giữ im lặng, không muốn suy nghĩ của bản thân khiến mọi người mệt mỏi, khó chịu hoặc áp lực. Chúng sẽ để những người xung quanh không phải lo lắng quá nhiều về mình và cố gắng thực hiện nguyện vọng của những người chúng yêu thương cho dù đó là điều chúng không thích hay thậm chí là căm ghét. Tuy nhiên, trong thế giới người lớn, ít ai thấu hiểu được những điều tinh tế đó từ trẻ con vì họ chưa bao giờ thật lòng yêu thương chúng và thật sự hiểu được tình yêu thương khờ dại nhưng lại rất đỗi trong sáng mà một đứa trẻ dành cho họ.

Cách người lớn cư xử trước trẻ em hay bất kỳ người nào khác sẽ được coi là một phần con người họ. Tư tưởng và hành động của người nuôi dạy đều có sức ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đứa trẻ. Chúng có đi đúng đường hay lầm đường đều được đánh giá dựa trên mối quan hệ xã hội xung quanh chúng.

Con người cao đẹp thì những người xung quanh họ cũng như thế và ngược lại cũng vậy.

Tính thiện vốn được hình thành từ những giá trị cốt lõi của bậc bề trên truyền dạy lại cho thế hệ sau kết hợp với cách nhìn nhận sự việc của cá nhân trước xã hội tạo thành. Vậy nên, làm sao một đứa trẻ lại biết được cách làm người tốt, biết nhường nhịn nếu chúng không thể nhìn nhận và không được chỉ dạy kia chứ?

Khi người khác cổ vũ chúng ta phải tham lam hơn, phải làm việc chăm chỉ hơn, phải cống hiến thật nhiều, phải thật giàu có mới đạt được thứ mình muốn, mới có được hạnh phúc. Nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa của những người luôn sống giản đơn, lặng lẽ, không ganh đua với người đời và luôn nhận phần thiệt về mình là xuất phát từ đâu.

Xã hội nói, những kẻ ì ạch chỉ dừng chân tại chỗ sẽ làm nền kinh tế sụp đổ.

Nhà trường lại nói tính cách không muốn tranh giành với ai của họ xuất phát từ lòng thương người.

Còn những đứa trẻ hiểu chuyện thì chẳng cần đến của cải vật chất vì điều chúng mong muốn nhất chính là nụ cười của mọi người.

Hiểu chuyện không chỉ là nét đặc trưng của trẻ có trí tuệ cảm xúc (EI) cao, mà còn là nhân tố tạo nên một tâm hồn trưởng thành biết đồng cảm, biết yêu thương, biết nghĩ cho lợi ích chung của mọi người, không bao giờ mắc sai lầm lớn đến mức khiến những người khác phải cảnh giác và nhắc nhở để phòng ngừa những hành vi sai lệch của chúng.

Xã hội loài người ở thời đại của tôi có rất nhiều điểm đáng buồn. Họ lợi dụng những người hiểu chuyện để đạt được mục đích cá nhân chứ không phải vì cộng đồng nên mới khiến nhiều người sợ hãi. Những trí tuệ độc hại chiếm phần lớn trong cuộc sống thường nhật cũng là nguyên nhân chính khiến tôi rời xa xã hội. Trong mắt tôi, xã hội hiện nay đang phát triển theo xu thế từ chối những giá trị tốt đẹp để đi lên quá trình tha hóa. Họ u mê và luôn tự tin khẳng định, khởi đầu của hạnh phúc đều bắt nguồn từ vật chất. Họ đã quên mất, rằng chỉ có con người mới định nghĩa được hạnh phúc và chính con người mới là kẻ biến vật chất thành thứ mang lại hạnh phúc cho mình.

Cha mẹ thương tôi nên cũng khuyên tôi đừng quá tin tưởng người khác, đồng thời cũng dặn tôi đừng đối xử quá tốt với những người mình không hiểu rõ. Họ sợ lòng tốt của tôi bị phản bội và lo lắng trong tương lai, tôi sẽ phải chịu dựng rất nhiều đau khổ.

Tôi thông cảm cho sự chai sạn của họ, đồng thời cũng đau khổ trước một xã hội theo chủ nghĩa tư bản đã dạy nên những linh hồn phải đánh mất đặc điểm tốt đẹp mà một sự sống trí tuệ cần phải có chỉ để tồn tại.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội coi trọng vật chất hơn vẻ đẹp tâm hồn nên cha mẹ của tôi mới trở thành mẫu người đánh đổi thời gian vun đắp tình cảm với con cái để lựa chọn con đường lo cho tương lai đủ đầy của con. Được cái nọ thì mất cái kia nên từ rất lâu rồi, tôi đã không còn trách móc cha mẹ mình nữa vì tôi đang sống bằng sức lao động của họ và tôi nên ngoan ngoãn đi học, không nên phàn nàn gì nhiều. Sau này, để tránh việc đội sổ và nằm trong tầm ngắm của các giảng viên nên một đứa hay ngủ nướng như tôi mới “miễn cưỡng” chọn sống trong một căn hộ nhỏ gần trường Đại học và mọi chi phí đều được gia đình lo hết từ đầu đến chân.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn chưa thể tin được rằng, mình lại buông thả và nuông chiều bản thân đến vậy.

Cha mẹ và anh trai còn chiều tôi hơn cả chính tôi nữa!

Giờ nghĩ lại, tôi cũng thấy may mắn sao vì từ lúc tự nhận thức được hành vi của mình, tôi đã không có tính cách lợi dụng việc được mọi người yêu quý để thực hiện hành động tổn thương người khác, đua đòi hay thậm chí là gây sự vô cớ. Tôi biết ơn vì cha mẹ đã cho tôi học ở những nơi có môi trường giáo dục tốt. Hiện tại, tôi vẫn luôn ý thức được bản thân đang đi đúng hướng nên tôi lại càng cảnh giác và tỉnh táo hơn để không làm liên lụy đến cha mẹ vì những hành động dại dột của mình. Đó cũng là cách duy nhất để tôi bảo vệ những người tôi kính trọng khỏi những lời gièm pha đầy ác ý.

Tôi đã yêu gia đình của mình theo cách mà một đứa trẻ hiểu chuyện yêu người thân của chúng.

Vị đắng chát nơi đầu lưỡi và thời khắc đắm mình trong mật ngọt hòa quyện vào nhau giống như cốc cà phê sữa sáng nay làm tôi chẳng thể hiểu mình nên vui hay buồn. Mệt mỏi xoa hai bên huyệt Thái dương, cơn buồn ngủ đánh úp làm tôi mơ màng nhắm mắt lại và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say.

Nếu như biết mình có thể mơ đến mức nhập vào một nhân vật phụ trong cuốn tiểu thuyết do chính tay mình viết ra, lại còn là nhân vật phụ yểu mệnh thì tôi đã cố gắng thức cho đến lúc lên chuyến tàu tiếp theo rồi!