Chương 14

Mấy ngày sau tôi bắt đầu đi làm, nhưng không phải đến công ty Vạn Thịnh mà là theo đoàn lên tận Hà Giang.

Đường lên đó vừa khúc khuỷu vừa khó đi, một bên là vách núi một bên là vực, tôi ngồi trên xe được mấy tiếng thì người đã bắt đầu lâng lâng, muốn nôn nhưng ở trên xe không có túi ni lon, sợ mất mặt nên đành nhẫn nhịn.

Qua đỉnh một con dốc, đột nhiên Trần Lịch Xuyên lại nói dừng lại nghỉ một chút. Người tài xế ngồi phía trước có lẽ chưa từng thấy sếp dừng nghỉ giữa đường bao giờ nên tròn xoe mắt hỏi: “Dừng xe ở đây ấy hả sếp?”.

“Ừ, chọn chỗ nào rộng rãi một chút thì dừng lại, xuống nghỉ ngơi một lúc rồi đi tiếp”.

“Vâng”.

Cậu trợ lý Trung nghe thế cũng quay xuống liếc tôi, sau đó dường như hiểu ra chuyện gì nên đưa cho tôi một chai nước: “Chị Khuê, uống nước đi”.

Tôi gật đầu, cầm lấy nhưng không uống: “Cảm ơn”.

“Lần đầu chị lên Hà Giang à?”.

“Ừ, trước có đi Tam Đảo, nhưng đường ở đó vẫn kém xa đường ở đây”.

“Chỗ này là vùng cao mà, nhiều địa phương vùng sâu vùng xa còn khó đi hơn nữa. Trước tôi đi bản A Tứ phải mất ba ngày mới đến nơi đấy”.

Nhắc đến bản A Tứ, tôi mới kinh ngạc kêu lên: “Bản A Tứ trong sách Mùa Hạ Ở Vùng Cao của tác giả Hà Phương hả?”.

“Đúng rồi, chị cũng từng đọc qua sách đó à?”

“Năm kia tôi về nước có đến triển lãm sách, tiện tay mua cuốn sách đó. Lúc đọc xong cứ nhớ mãi bản A Tứ đó. Cả thầy A Sì Lử và bác sĩ Việt nữa”.

“Em thích truyện đó nhất đấy”.

Mới nói đến đó thì xe dừng lại ở một đoạn đường rộng rãi, mọi người xuống xe đi hít thở, tôi cũng vội vàng chạy xuống, nhưng không phải đi vệ sinh mà là đi nôn.

Tôi chống tay vào một gốc cây ói ra mật xanh mật vàng, ói đến mức bụng òng ọc chẳng còn thứ gì vẫn muốn ói. Lát sau, cảm thấy xuôi xuôi cổ họng rồi tôi mới thở hổn hển đứng dậy, vừa quay đầu lại đã thấy có một tập khăn giấy chìa ra trước mặt tôi.

Trần Lịch Xuyên cụp mắt nhìn tôi: “Say xe sao không nói?”.

“Bình thường không say xe”. Tôi nhận lấy khăn giấy, lau miệng: “Tại đường trên này khúc khuỷu quá, mấy lần tôi nhìn xuống thấy vực sâu nên chóng mắt, rồi mới say xe”.

“Đồ ngốc”.

Tôi bĩu môi, không thèm đáp, anh ta cũng không nói nữa, chỉ yên lặng đứng một bên hứng gió.

Tôi sợ Trần Lịch Xuyên hít phải mùi chua lòm tôi mới nôn ra nên mới kéo anh ta ra một góc khác: “Từ đây đến chỗ xây khách sạn còn xa không?”.

“Hơn hai mươi cây nữa”.

“Đường cũng thế này à?”.

Anh ta nói “Không”, sau đó lại bổ sung thêm một câu: “Đường khó đi hơn nhiều”.

Lòng tôi thầm mắng anh ta là đồ độc ác, vì sáu nghìn đô mà hành hạ tôi. Nhưng đến khi ngẩng lên nhìn đất trời rộng lớn của Hà Giang dưới ánh nắng ban trưa, đón gió l*иg lộng từ những thung lũng trải dài phía trước thổi tới, đột nhiên tôi lại có cảm giác nếu bỏ quãng đường khúc khuỷu kia đi thì nơi đây thật sự quá đẹp, đẹp đến mức chỉ muốn dang tay ra hét to mấy tiếng.

Chẳng biết có phải Trần Lịch Xuyên đi guốc trong bụng tôi hay không mà đột nhiên nói: “Đường này là nét đặc trưng riêng của Hà Giang”. Anh ta kéo tay tôi lại, chỉ tôi nhìn xuống bên dưới: “Nhìn thử xem”.

Tôi sợ độ cao, mới liếc một cái xuống vực mà đã sợ đến mức choáng váng đầu óc, vội vàng nhắm mắt lại: “Không nhìn, chóng mặt lắm. Không nhìn”.

“Biết tại sao người ta lại làm đường quanh co không?”.

Núi đèo ở Hà Giang trập trùng, người ta buộc phải làm đường quanh co để giảm tốc độ khi xe xuống dốc, giảm độ ì của xe khi lên dốc. Mấy điều này tôi có thể đọc vanh vách được.

Nhưng Trần Lịch Xuyên lại nói: “Làm đường quanh co để người lên đây có thể ngắm được lâu hơn cảnh đẹp của Hà Giang”.

Hai mắt tôi đang nhắm tịt, nghe thấy câu này thì đột nhiên mở ra, quay đầy nhìn anh ta. Tóc Trần Lịch Xuyên bị gió thổi tung, gương mặt lúc này được ánh mặt trời chiếu vào nên đã bớt vẻ lạnh lùng, thậm chí, tôi còn có cảm giác ấm áp.

Anh ta nói: “Dưới thung lũng có mấy cây hoa ban đang nở, có cả ruộng bậc thang, em mở mắt nhìn thử xem”.

Tôi vẫn dè dặt không dám, Trần Lịch Xuyên ôm hai vai tôi kéo lại, xoay tôi vừa vặn đứng trước ta luy bên đường: “Đừng sợ, nhìn thử xem”.

Cuối cùng, không thể trốn tránh đi đâu được nên tôi đành cúi xuống, ban đầu vẫn thấy chân tay run lẩy bẩy, nhưng đúng như lời anh ta nói, bên dưới có hoa ban trắng nở rực rỡ dưới thung lũng, ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín vàng rộm, cách đó xa xa còn có mấy ngôi nhà đìu hiu bên sườn núi. Con người và thiên nhiên như hòa vào nhau, đẹp đến mộc mạc, đẹp đến yên bình.

Cảm giác lâng lâng vì say xe trong lòng tôi phút chốc bị gió thổi tan hết, chỉ còn lại sự khoan khoái trước sự hùng vĩ của núi non. Tôi hít vào một ngụm gió mát thật sâu, ngửi được cả hương thơm lúa chín, cảm thấy Trần Lịch Xuyên nói rất đúng, người ta làm đường quanh co để ngắm được lâu hơn cảnh đẹp của Hà Giang.

“Anh xây khách sạn trên đỉnh núi à?”. Tôi hỏi.

“Ừ”.

“Bao nhiêu tầng?”

“6 tầng”.

“Nhìn thấy khắp Hà Giang không?”.

Anh ta cười: “Không nhìn thấy, nhưng phần nào đẹp nhất thì nhìn được”.

“Đường đi khó thế này có khách du lịch không?”. Mang vật liệu xây dựng lên tít tận đỉnh núi thì chi phí xây dựng quá lớn, tôi sợ anh ta thất bại nên hỏi.

Trần Lịch Xuyên đáp: “Không có nhiều người say xe như em đâu”.

“Tôi không say xe nữa. Đi vài lần là quen”. Nói đến đây, bỗng dưng tôi quay đầu nhìn anh ta: “Anh chưa bao giờ say xe à?”.

“Có”.

“Lần nào?”

“Ngày xưa ngồi xe bò lên đây”.

“Ngày nào cơ?”.

Anh ta liếc tôi: “Năm 17 tuổi, theo mấy người phu lên Hà Giang khai thác quặng chì. Lúc đó đường khó đi hơn bây giờ, ngồi mấy tuyến xe khách mới lên được đến lưng chừng núi, phải thuê xe bò đến mỏ quặng. Đường nhỏ, bốn bánh xe bò vừa rộng bằng đường, đi trật một cái là rơi xuống núi, tôi ngồi bên vách, nhìn vực suốt nên say xe”.

Lúc trước ở Pháp, vì đi tìm bạn mà tôi phải nhắm mắt nhắm mắt lái xe địa hình leo núi một lần. Đường ở đó cũng hẹp, nhưng vực lại không sâu, tôi lái mà tay chân run lẩy bẩy. Không thể tưởng tượng được một chàng thiếu niên 17 tuổi ngồi xe bò cheo leo trên vực suốt sẽ có cảm giác như thế nào.

Trái tim tôi bỗng dưng cảm thấy chua xót không nói rõ được, hỏi anh ta: “Làm việc ở quặng chì là làm gì?”

“Em đoán xem”

“Vác chì”.

“Ừ”.

“Vác được bao nhiêu cân?”.

“Lần nặng nhất là 70 cân, một ngày vác từ sáng đến tối”.

“Lúc đó anh bao nhiêu cân”.

Trần Lịch Xuyên im lặng không nói, tôi vẫn kiên trì nhìn anh ta, cuối cùng qua một hồi lâu anh ta mới thở dài, đưa tay vuốt tóc tôi, đáp: “38 cân”.

Rút cuộc tôi đã hiểu sự chua xót kia từ đâu mà có, tôi nhắm mắt quay đi, nói: “Sếp, tôi sẽ không say xe nữa đâu”. Bởi vì say xe thật quá ngốc nghếch, Trần Lịch Xuyên khổ như thế còn chịu được, tôi mới đi thế này nhõng nhẽo đòi anh ta dừng lại nghỉ giữa đường làm gì chứ?

Người đàn ông kia cười, đưa nước cho tôi rồi bảo: “Uống đi, lát nữa lên xe đừng nhìn vực, nhìn sang ngang là được”.

Nghỉ ngơi một lúc xong, mọi người lại lên xe đi tiếp. Tôi ngồi ở hàng ghế dưới cùng với Trần Lịch Xuyên, im lặng cầm chai nước nhìn sang ngang, ngắm mãi ngắm mãi, phát hiện ra đúng là nhìn sang ngang không say xe thật, còn có thể ngắm mây, càng lên cao càng như đi máy bay vậy.

Ba tiếng sau thì cuối cùng chúng tôi cũng đến được đỉnh núi, nơi này là một thị trấn nhỏ, dân cũng tập trung đông hơn. Tôi nhìn dọc con phố thấy chẳng có mấy nhà mái bằng, chỉ thỉnh thoảng có một ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu đơn giản, bên ngoài treo tấm biển “Nhà nghỉ”, cách đó xa xa có một tòa nhà cao nhất đang xây dựng. Có lẽ là khách sạn sáu tầng của Trần Lịch Xuyên.

Cậu trợ lý tên Trung hỏi: “Sếp, ăn trưa trước hay đến công trình trước ạ?”.

“Ăn trưa trước”. Ngừng một lát, anh ta lại nói: “Chọn quán sạch sẽ một chút”.

“Vâng”.

Thực ra nói là khu du lịch nhưng nơi này quá cao và xa, các nhà hàng cũng không có nhiều. Xe đi vòng vòng qua mấy con đường cũng tìm được một nhà hàng trông có vẻ sạch sẽ, đồ ăn có sẵn chỉ là cơm, bún, cháo ấu tẩu.

Tôi bị ba chữ cháo ấu tẩu thu hút liền gọi một bát, lúc mang ra thấy giống như hoa quả xay nhuyễn, bên trên bỏ rất nhiều thịt băm. Cậu trợ lý tên Trung thấy tôi cứ nhìn mãi mà không ăn mới bảo:

“Cái này nấu từ củ ấu tẩu nên gọi là cháo ấu tẩu đấy. Vị ngon lắm, giải cảm nữa. Củ này chỉ có trên Hà Giang mới có thôi”.

“Cậu ăn thử rồi hả?”.

Mặt trung hơi ngơ ra: “Ơ… em chưa. Trước đi ngang qua hàng này, thấy biển nên em hỏi sếp. Sếp nói với em thế”.

Tôi quay đầu lại thấy Trần Lịch Xuyên đang cúi đầu ăn cơm, không để ý đến bên này, có lẽ lúc trước anh ta lên đây đi vác chì nên mới biết củ ấu tẩu, hoặc có thể mười mấy năm trước không có cơm ăn, anh ta chỉ ăn cháo ấu tẩu để vác chì cũng nên.

Tôi thu lại tầm mắt, bảo với Trung: “Để tôi thử một miếng rồi nói với cậu”.

“Vâng”.

Lúc ăn một miếng mới thấy cháo vị rất ngọt và bùi, giống như vị của khoai nhưng lại không phải khoai, ăn vào có cảm giác sượng sượng miệng, hơi khó nuốt, nhưng công nhận là rất ngon.

Trung ngồi bên cạnh thấy tôi nhâm nhi mãi thìa cháo mà không nói gì mới sốt ruột: “Sao rồi, vị thế nào hả chị Khuê?”.

“Cậu gọi một bát đi”.

“Hả?”.

“Gọi một bát đi, ngon lắm”.

Kết quả là Trung gọi một bát, cậu lái xe cũng háo hức gọi một bát, ba người chúng tôi ăn cháo ấu tẩu, chỉ có Trần Lịch Xuyên ăn hai bát cơm cùng với mấy miếng thịt kho.

Giải quyết xong bữa trưa cũng đã gần bốn giờ chiều, mọi người chỉ kịp nghỉ một lúc rồi lại đi lên khách sạn kia. Lúc đến tận nơi tôi mới phát hiện ra khách sạn này ở vị trí đắc địa nhất thị trấn này, đất đai rộng rãi, thiết kế hiện đại, phòng nào cũng có ban công và cửa sổ thật lớn để ngắm đất trời Hà Giang.

Mấy người kỹ sư giám sát xây dựng thấy Trần Lịch Xuyên đến thì vội vàng chạy đến: “Sếp ạ”.

“Tiến độ xây thế nào?”. Anh ta gật đầu, đi thẳng vào bên trong: “Vẫn tốt chứ hả?”.

“Tạm thời thì vẫn theo đúng kế hoạch, nhưng nếu ngày nào chú kia cũng sang đây ăn vạ thì em sợ phải chậm tiến độ sếp ạ”. Kỹ sư giám sát thấy có phụ nữ đi cùng mới quay đầu nhìn tôi, nhưng không hỏi: “Cứ đến giữa trưa là ông ấy trèo lên tầng thượng dọa nhảy, đòi công ty mình phải bồi thường gấp đôi tiền giải phóng nhà đất của ông ta lúc trước. Mấy người công nhân ngày nào cũng phải lôi ông ta xuống”.

“Ông ta đòi bao nhiêu?”.

“Một trăm hai mươi triệu ạ”.

Bước chân Trần Lịch Xuyên hơi chậm lại, tôi nghĩ số tiền này với anh ta rất nhỏ, có thể bỏ ra cho người kia để bớt rắc rối. Nhưng anh ta lại dứt khoát nói: “Một xu cũng không trả”.

“Vâng, em biết. Nhưng mà…”.

Trần Lịch Xuyên nhìn tôi: “Cô ấy là luật sư của công ty. Ngày mai cô ấy sẽ đến nói chuyện với ông già đó. Cậu nói ngày nào ông ta cũng đến lúc 12h phải không?”.

“Vâng ạ”. Người kỹ sư kia như vỡ lẽ, gật đầu chào với tôi, tôi cũng mỉm cười coi như chào lại: “Ông ấy đến là leo thẳng lên tầng thượng, em khóa thang máy thì ông ta leo thang bộ, không cản được”.

Nói là tòa nhà sáu tầng nhưng vì địa hình xây trên vách núi, bên dưới còn có một tầng hầm nữa, tính đúng ra là bảy tầng, cao ơi là cao. Trần Lịch Xuyên theo mấy người kỹ sư vào thang máy, lên kiểm tra từng tầng, tôi thì vẫn sợ độ cao nên chỉ lên đến tầng ba là dừng lại, bảo muốn ở đây ngắm cảnh.

Anh ta nhìn tôi rồi nói: “Đừng chạy lung tung. Đi đến những chỗ tường xây vững rồi, chỗ công nhân đang xây thì đừng vào, biết không?”.

Tôi gật đầu, vừa định đáp đã bắt gặp ánh mắt không thể tin nổi của người kỹ sư, đành xấu hổ nói: “Vâng sếp. Tôi biết rồi ạ”.

Sau đó thì vội vàng ra khỏi thang máy rồi co giò chạy biến!

Lang thang ở mấy tầng dưới gần hai tiếng thì Trần Lịch Xuyên cũng xong việc, ngày mai vẫn còn phải lên đây, mà công trình này thì toàn công nhân nam nên không thể mắc màn chiếu ngủ lại luôn như họ được, rút cuộc mấy người chúng tôi phải đến nhà nghỉ tồi tàn cách đó nửa cây số.

Đi cùng người khác, tôi ngại nên muốn ở phòng riêng, nhưng thời gian này đang vào mùa du lịch nên đông khách, mấy nhà nghỉ bé tý đã full phòng hết, chỉ còn lại một nhà nghỉ dư hai phòng do khách đặt nhưng không đến.

Trợ lý Trung biết ý nên kéo anh lái xe vào một phòng, tôi với Trần Lịch Xuyên một phòng, bình thường ở nhà vẫn ngủ chung giường, nhưng lần đầu tiên ‘đi nhà nghỉ’ ở cùng thế này tôi cứ có cảm giác quái quái làm sao ấy, đóng cửa lại xong mặt bắt đầu nóng ran lên.

Anh ta vào kiểm tra phòng tắm xong mới bảo tôi: “Không có nước nóng, đợi chút, tôi đi mượn ấm siêu tốc thử xem”.

Đang là giữa hè, dù buổi tối nhiệt độ trên núi giảm xuống hơi sâu, nhưng tôi cũng chẳng phải tiểu thư đài các gì nữa, nước lạnh vẫn tắm được. Tôi xua tay: “Không cần đâu, tôi tắm nước lạnh cũng được”.

“Buổi tối nước ở đây không giống như nước ở Hà Nội đâu”. Trần Lịch Xuyên xắn tay áo: “Sương xuống, nước buốt”.

“Vẫn tắm được mà, hồi ở Pháp tôi đi làm về muộn, lười bật nước ấm nên vẫn tắm nước lạnh giữa mùa đông ấy chứ”. Tôi cười cười, nhìn bộ dạng cẩn thận và chuyên chú kiểm tra phòng của anh ta, tự nhiên lại muốn nói đùa: “Tôi còn trẻ hơn chú nhiều, sức khỏe tuổi xuân phơi phới, tắm nước lạnh vẫn tốt”.

Anh ta dừng động tác liếc tôi, tôi thì coi như không thấy, cầm cả túi đồ vào phòng tắm đi tắm.

Nhưng đúng là nước ở đây lạnh thật, vừa xả ra một cái thì tôi suýt nữa nhảy dựng lên, rón rén một lúc mới dám nhào vào tắm, kết quả chưa được bao lâu đã hắt xì.

Tôi lau nước mũi, thầm mắng mình đúng là không biết tự lượng sức, tuổi xuân phơi phới có lẽ đã qua từ lâu rồi, thế mà tôi vẫn tưởng mình còn trẻ!

Một lát sau, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Tôi giật mình quay ra thấy có một bóng người đứng ngoài đó, giọng Xuyên vọng vào: “Nước nóng, mở cửa ra lấy đi”.

“À… dạ”.

Nói xong thì anh ta bỏ đi, tôi nhìn mấy lần không thấy bóng anh ta in lên cửa kính nữa mới dè dặt mở cửa, thấy ở ngay dưới đất có một ấm siêu tốc vẫn còn bốc khói nghi ngút, liền vội vội vàng vàng lấy vào pha nước tắm.

Lát sau đi ra thấy ga giường đã được Trần Lịch Xuyên trải thẳng lại, vỏ gối cũng được lột ra, lộn phần ố vàng mùi mồ hôi vào bên trong. Thấy tôi lau mãi mái tóc ướt rượt bằng khăn lông, anh ta mới nói: “Chịu khó ở chỗ này một đêm, ngày mai về Hà Nội”.

Tôi cười, xách ấm nước đặt vào trong bệ cắm: “Không sao đâu, tôi pha nước nóng, anh chuẩn bị vào tắm đi”.

Trần Lịch Xuyên nói không cần nước nóng, anh ta bước vào bên trong, lúc nghe tiếng xả nước tôi mới liếc qua cửa kính phòng tắm, sau đó mặt đỏ bừng lên vì xấu hổ!

Ban nãy tôi không để ý cửa phòng tắm làm bằng kính mờ, người bên ngoài vẫn có thể lờ mờ thấy dáng người của người tắm bên trong. Như tôi bây giờ có thể thấy được tấm lưng rộng lớn cùng vùng eo không một chút mỡ thừa của anh ta, còn mơ hồ thấy được cả đường cong vểnh của vòng ba nữa.

Nhưng sao anh ta không quay lại để tôi nhìn thấy phía trước nhỉ?

Nghĩ tới đây, tôi lập tức ôm đầu đầy đau khổ. Tôi nhìn thấy anh ta nghĩa là anh ta cũng nhìn thấy tôi, mà ban nãy tôi còn đứng ngược hướng vòi hoa sen, nghĩa là quay mặt lại với cửa kính mờ này. Thứ ở trước ngực, thứ ở giữa chân, có lẽ anh ta cũng đã nhìn thấy hết rồi.

Chẳng trách nãy giờ Trần Lịch Xuyên chưa từng quay đầu lại!

Mặt tôi càng lúc càng nóng, cuối cùng đành dứt khoát không nhìn nữa, đứng dậy mở cửa sổ hít gió trời bên ngoài.

Có lẽ không khí lạnh ở trên núi đủ khiến lòng tôi nguội lại, cũng tỉnh táo lại. Tôi nhìn gia đình nhỏ đang ăn thắng cố trên vỉa hè, người mẹ đút cho con trai, vừa cha đút cho con gái, thỉnh thoảng còn có tiếng cười đùa của người anh khi giật tóc đứa em, tự nhiên không nhịn được, lại nhớ đến gia đình hạnh phúc của tôi vào khoảng thời gian trước.

Tôi không ngừng nhắc nhở mình rằng Trần Lịch Xuyên là kẻ thù của tôi, là người khiến cuộc sống ấm êm của tôi tan vỡ, đẩy người thân của tôi vào cảnh tù tội, khổ sở và phá sản. Tôi dù là vợ anh ta cũng không thể thân thiết với anh ta, càng không thể yêu một người như Trần Lịch Xuyên.

Nhưng tại sao mỗi ngày ở bên anh ta, tôi lại cảm thấy trái tim ấm áp nhiều hơn một ít như vậy chứ?

Có người lặng lẽ đến gần tôi, cơ thể của anh ta có mùi xà phòng của nhà nghỉ, nhưng vẫn trong lành bình dị theo một cách rất riêng. Hai tay Trần Lịch Xuyên chống bên hông tôi, vây tôi lại giữa l*иg ngực của anh ta:

“Nhìn cái gì thế?”.

“Nhìn đường”. Tôi cười, không trốn tránh, chỉ dời mắt khỏi gia đình kia: “Chú không lạnh à?”.

“Cũng bình thường, không đến nỗi hắt xì như ai đó”.

“Hôm nay tại say xe mất sức quá thôi. Tuổi xuân của tôi vẫn còn phơi phới”.

Anh ta cũng cười: “Lúc trước ở Pháp ngày làm việc mấy tiếng?”.

“Có ngày 12, có hôm cao điểm nhất là 17 tiếng liên tục không nghỉ”. Tôi liếʍ môi, cảm thấy hình như mình lại quên uống đủ nước nên đôi môi khô khốc: “Lúc đó nhận một vụ kiện án g.iế.t người. Bị hại vừa bị c.ưỡ.ng bức vừa bị g.iế.t, còn bị ch.ặt mất đ.ầu. Cô ấy là con gái duy nhất, bố mẹ lúc nhận được th.i thể thì ngất lên ngất xuống”.

“…”

“Anh biết hung thủ bao nhiêu tuổi không?”.

“18?”.

“16 tuổi. Thằng nhãi ấy đến hoocmon sinh d.ục còn chưa giải phóng hết, thế mà dám làm những chuyện kinh khủng như thế”.

Trần Lịch Xuyên nhìn tôi: “Ở Pháp không có hình phạt t.ử hì.nh nên em làm việc 17 tiếng liên tục không nghỉ là để tìm cách bắt thằng nhóc ấy phải chịu mức án cao nhất?”.

Tôi gật đầu: “Cho nên mới nói, phải có hình phạt t.ử hì.nh như Việt Nam mới có tính răn đe”.

“Tiền công bao nhiêu?”. Anh ta đột nhiên hỏi một câu không liên quan.

“Gì cơ?”.

“Tôi hỏi tiền công cho vụ kiện đó là bao nhiêu”.

Kỳ thực, nhiều năm nay khi nhắc đến vấn đề kiện tụng, những người xung quanh tôi chỉ quan tâm tôi thắng hay thua, chưa một ai hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền cho vụ kiện đó. Lần này Trần Lịch Xuyên hỏi như vậy, tôi nghĩ anh ta không quan tâm đến tiền, mà là quan tâm đến công sức của tôi.

Lòng tôi có cảm giác xúc động chưa từng có, cúi thấp đầu thật lâu mới đáp: “Tôi không lấy tiền của họ. Nhà họ mất con cái, lại không giàu có gì. Nhận tiền của họ tôi cầm không nổi”.

Nụ cười của anh ta lại càng sâu hơn, Trần Lịch Xuyên cúi đầu hôn lên tóc tôi, nói: “Luật sư vợ tôi, em giỏi lắm”.