Chương 24

Rốt cuộc thì Diệp Chi Lan vẫn về. Ngày đầu tiên về nhà, mọi người đều nhiệt tình chào đón cô tân sinh viên đại học Thanh Hoa danh giá, niềm tự hào của gia đình. Diệp Chi Lan lần đầu tiên trong kiếp này gặp lại gia đình mình, nhìn những gương mặt vui tươi rạng rỡ đang đối diện mình, trong một chốc cô đứng lặng thinh, không nói được lời nào.

Mẹ cô trông trẻ hơn nhiều so với lần cuối cùng mà cô gặp bà, những nếp nhăn quanh mắt và rãnh cười vẫn chưa hằn sâu trên da thịt. Mái tóc bà chỉ điểm bạc có vài sợi không đáng kể, vóc dáng nhỏ nhắn của bà thanh mảnh dịu dàng, thần thái tươi tỉnh, ánh mắt không còn những buồn bã triền miên mà sáng ngời linh lợi, lấp lánh niềm vui khi chào mừng đứa con gái giỏi giang trở về nhà.

Ba cô, trông chẳng khác mấy so với hình ảnh cuối cùng trong đêm giao thừa mà ông đã bỏ đi, giờ đây lại một lần nữa tái hiện trước mắt Diệp Chi Lan. Ba Diệp là kiểu người cao to, khuôn mặt ông thuôn dài, rám nắng, ánh mắt khi cười cong cong như vầng trăng khuyết. Ông là người điển trai theo kiểu tài tử, luôn ăn mặc trau chuốt và đường vệ. Khi Diệp Chi Lan còn nhỏ, cứ mỗi lần ông đi họp phụ huynh cho cô và Diệp Bân thì đều sẽ có không ít thì nhiều những bà mẹ khác, hoặc chính những cô giáo xì xào, khen ông đẹp trai, những lúc như thế trông ba Diệp lúc nào cũng có một vẻ gì đó tự mãn. Diệp Chi Lan khi ấy còn cảm thấy rất thích thú, một phần vì ba mình được khen, còn một phần nhiều là vì mọi người thường hay nói cô có khuôn mặt giống ba.

Mẹ Diệp Chi Lan lớn hơn ba cô ba tuổi, ông nội và ông ngoại là hai người bạn thân từ chiến trường. Năm đó nhà ông nội bị lũ lụt, mất trắng cả mùa màng lẫn nhà cửa, ông ngoại cô đã giúp cho ông nội Diệp một số tiền đủ để gầy dựng lại nhà cửa và mở một cửa hàng kinh doanh vải nho nhỏ. Ông nội thành tâm muốn báo đáp ân tình của ông ngoại, nhưng nhà lại chẳng có gì, chỉ có duy nhất một người con trai vừa tròn hai mươi tuổi, vì vậy đã đem con sang nhà ông ngoại xin kết thông gia. Ông ngoại khi ấy là nhà khá giả, mẹ lại kén chọn nên đã hai mươi ba tuổi mà chưa chịu gả cho ai, ông bà ngoại đã sốt ruột phừng phừng. Vừa lúc ấy thì ông nội Diệp đến nhà, ông bà ngoại thấy ba Diệp cao lớn khôi ngô, ăn nói đĩnh đạc, liền lập tức hỏi ý con gái. Mẹ vừa nhìn thấy ba Diệp, đã bằng lòng kết giao.

Nhưng Diệp Hiểu được mẹ nuôi dạy với tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề. Tận trong sâu thẳm, ông là một người tự cao tự đại, đối với ông, kết hôn với Tống Hoài An đã luôn luôn là một nỗi sỉ nhục, ông luôn cho rằng năm đó cha đã bán mình đi chẳng khác nào bán một thứ súc vật để trả nợ. Từ khi con trai kết hôn cho đến tận khi bản thân qua đời, không một lần nào bà nội gặp con trai mà lại không rót vào tai ông những lời oán hận và cay nghiệt. Rằng nếu như năm đó cha ông không đem ông trả nợ cho nhà họ Tống, ông đã có thể có lựa chọn tốt hơn, đã có thể có mối lương duyên xứng đôi hơn, và cuộc đời ông đã có thể tốt đẹp hơn, thay vì làm một kẻ mang danh ăn bám nhà vợ.

Trên thực tế, ông bà ngoại vô cùng quý trọng Diệp Hiểu. Cho dù là ở nhà vợ, ông bà ngoại chưa từng một lần nặng lời với con rể, Tống Hoài An cũng hết lòng tôn trọng và yêu thương chồng, ông chính là tình yêu cả đời của bà.

Nhưng trong lòng Diệp Hiểu chỉ toàn là độc địa, đầy ung nhọt ẩn sau vẻ ngoài tao nhã.

Giờ đây mỗi khi nhìn vào gương, Diệp Chi Lan lại không nhịn được cảm thấy có một chút phiền chán. Nhưng phải đến khi một lần nữa nhìn thấy ba mình, cô mới biết sự chán ghét trong lòng mình đối với ông mạnh mẽ đến nhường nào.

Và còn có cả lòng thương hại.

Ông là một tác phẩm hoàn mỹ dưới sự nhào nặn vặn vẹo của mẹ mình. Song chính sự tự đại, kiêu mạn và ích kỷ của ông đã làm tan nát tất cả mọi thứ. Diệp Chi Lan tự hỏi, nếu như ba biết được những sự việc sau khi ông rời đi, liệu ông có cảm thấy chút nào phần tội lỗi của bản thân trong chuỗi bi kịch của gia đình họ hay không.

Cô thật lòng nghi ngờ điều đó.

Đứng trong vòng ôm của ba mẹ, Diệp Chi Lan cảm thấy trái tim mình cùng một lúc vừa cuộn trào, lại vừa trống rỗng.

Qua bờ vai của mẹ, cô thấy ở trong phòng khách, Diệp Bân đang lẳng lặng cúi đầu bấm điện thoại.

Lúc này Diệp Bân chỉ mới mười bốn tuổi. Khuôn mặt cậu vẫn còn nét bầu bĩnh của trẻ con, nhưng cơ thể bắt đầu dậy thì đã cao vọt, chân tay dài lêu khêu của cậu sạch sẽ, rám nắng, lành lặn.

Cậu tỏ vẻ hờ hững như thế, hẳn là vì giận người chị là cô đã không thèm nhắn tin với cậu câu nào kể từ khi nhập học đại học. Giận dỗi là thế, nhưng rồi cậu cũng không nhịn được mà liếc mắt về phía Diệp Chi Lan, rồi nhanh chóng giật mình quay ngoắt đi khi phát hiện ra chị cũng đang mỉm cười nhìn mình.

Một cơn giận rất chính đáng, rất bộc trực, ngay thẳng, và trong sáng.

Diệp Bân vẫn còn đang năm ba sơ trung, vẫn còn là một cậu bé năng động xông xáo, có nhiều bạn bè, có cuộc sống tươi sáng lành mạnh đúng với lứa tuổi. Và vẫn chưa phát hiện ra xu hướng của mình.

Việc bị cô lập và nỗi u ám trong vô thanh vô tức kéo thành mây đen trên đầu Diệp Bân có lẽ là đã xảy đến khi cậu vào cao trung. Có một đoạn thời gian, Diệp Bân không còn nhắn tin nói chuyện với Diệp Chi Lan nữa, nhưng cô lại quá bận rộn với cuộc sống sinh viên và mối tình thầm lặng của mình với giáo sư Thẩm, nên đã không suy nghĩ nhiều về điều ấy.

Bây giờ nghĩ lại, đó hẳn là thời gian mà cậu phát hiện ra bản thân thích con trai, đồng thời cũng là lúc mà quan hệ của ba mẹ bắt đầu xuất hiện rạn nứt. Những giằng xé về bản thân cũng như những trận cãi vã không dứt đã làm tổn thương Diệp Bân, khiến cậu khép mình, vậy mà lại chẳng có ai trong những người được gọi là người thân quan tâm đến cậu.

Nỗi hối hận và tội lỗi làm lòng Diệp Chi Lan quặn thắt.

Cô đã luôn cảm thấy biết ơn vì bản thân có cơ hội để sống lại thêm một lần nữa. Nhưng chưa bao giờ cảm xúc hàm ơn đó lại mãnh liệt như bây giờ, khi cô gặp lại Diệp Bân, và hiểu rằng cô vẫn còn có cơ hội để bù đắp cho tội lỗi của mình.

Tội lỗi của cô, đâu phải chỉ dừng lại ở cuộc đời của Thẩm Bạch