Chương 2: Niềm vui của người này là nỗi đau của người khác

Lý Lam Hiên thất thần ngồi trước cửa phòng cấp cứu.

Quỳnh Như đã qua đời, người yêu của anh đã mất rồi!

Cô đã hứa dù thế nào cũng sẽ nắm tay anh, cùng anh vượt qua mọi chông gai của cuộc đời. Hiện tại bọn họ còn chưa được ba mẹ anh đón nhận, vì sao cô thất hứa một mình ra đi chóng vánh. Đến tạng và thi thể cô cũng ký giấy quyên tặng bệnh viện từ lâu, mà anh chẳng hề hay biết. Người nhà của cô còn không thể từ chối, người chỉ có danh xưng bạn trai như Lý Lam Hiên càng không thể làm gì được.

“Không được, tôi muốn gặp Như lần cuối!”

“Cậu đừng như vậy, bác sĩ đã đưa cô ấy vào phòng phẫu thuật rồi.”

“Cô ấy đang thực hiện sứ mệnh cứu người mà cô ấy hằng mong muốn. Cậu đừng làm phiền cô ấy nữa!”

“Cẩn Y, Tư Nhiên.” Tinh thần Lý Lam Hiên vô cùng bất ổn, nước mắt lăn dài trên má. Lấy kính ra khỏi sống mũi, nước mắt tự động chảy xuôi. Anh cắn răng, vỗ mạnh vào nơi ngực trái: “Chỗ này của tôi đau, đau quá!”

Trần Cẩn Y và Tư Nhiên cau mày nhìn nhau thở dài. Hai người bạn thân chia nhau ngồi xuống hai bên Lý Lam Hiên, vì bạn tốt dốc hết tâm can, hết lòng an ủi.

Bọn họ chưa biết yêu, không thể thấu hiểu cảm giác âm dương cách biệt cùng người yêu. Chẳng qua Lý Lam Hiên vốn là một thanh niên lạnh nhạt, hai mươi ba năm qua không dính chút khói lửa nhân gian. Hiện tại mở miệng than đau, có lẽ nỗi đau ngày hôm nay sẽ trường tồn mãi mãi.

Một năm trước Lý Lam Hiên gặp gỡ Quỳnh Như trong khi theo đuổi học vị tiến sĩ kinh tế. Hai người đồng thời học cùng một khóa nhưng cô lớn hơn Lý Lam Hiên những hai tuổi. Cho nên mới xảy ra việc ba mẹ Lý thuộc dòng dõi thư hương không muốn con trai quen phụ nữ lớn tuổi hơn. Nhà họ Lý mấy đời chuyên khoa văn, tính tình khá là cổ hủ. Đến đời Lý Lam Hiên đột nhiên bức phá chuyển sang học kinh tế.

Lý Lam Hiên giận ba mẹ không chấp nhận Quỳnh Như nên vác ba lô bỏ nhà ra đi được một năm. Hiện tại anh đang tá túc ở chỗ Trần Cẩn Y. Đêm nay trùng hợp sếp Nguyễn đến tìm Trần Cẩn Y bàn chuyện kinh doanh, nên mới có chuyện ba người đàn ông cùng chạy đến bệnh viện khi hay tin dữ từ gia đình Quỳnh Như.

Ba mẹ Quỳnh Như chịu không nổi cú sốc, đau lòng khóc ngất ở hành lang bệnh viện. Vì không đành lòng nhìn thi thể bị mổ xẻ do hiến tạng và hiến xác cho y học của con gái lớn, đành nén đau thương bấm bụng đưa con gái nhỏ về nhà trước. Lý Lam Hiên ở lại bệnh viện giúp họ hoàn thành các thủ tục còn lại.

Vì lý do người hiến xác đã yêu cầu từ trước, không ai được vào nhìn mặt cô lần cuối. Quỳnh Như yêu cái đẹp, cô sợ những người thân yêu thấy giây phút cuối đời của cô sẽ hoảng loạn ám ảnh, nên lúc còn sống đã viết giấy đề nghị sau khi hiến tạng thì không gặp ai nữa. Các bác sĩ đành giúp cô thực hiện nốt tâm nguyện cuối cùng.

Nhưng Quỳnh Như nào biết, chính vì không thể gặp mặt người yêu lần cuối nên hơn nửa cuộc đời Lý Lam Hiên cứ mãi day dứt không yên.

Trong một đêm, một gia đình đau khổ vì mất đi con gái lớn, một gia đình hoan hỉ vì cứu được con gái duy nhất. Còn thứ Lý Lam Hiên mất đi không chỉ là một người con gái, vì người nọ đã mang theo trái tim anh xuống đáy mồ lạnh lẽo.

Qua mấy ngày điều trị tích cực tại khoa hồi sức của trung tâm tim mạch và l*иg ngực, Thụy Vũ đã có thể vui vẻ cười, ngồi dậy chơi đùa và nhận biết mọi người xung quanh. Cô bé ăn được ngủ được khiến ai nấy đều cảm thấy bớt lo.

Mẹ Hồ chải tóc cho cô, yêu thương thì thầm: “Năm nay Thụy Vũ nhận được món quà lớn, con phải luôn nhớ ơn người đã tặng con quả tim quý báu này nhé!”

Cô bé rạng rỡ mỉm cười, khoe ra hai cái đồng tiền sâu hoắm trên má, khẽ gật gù đáp: “Dạ mẹ ơi, con sẽ sống thật tốt. Không uổng phí trái tim của vị ân nhân đã ban cho con cuộc sống thứ hai.”

Mấy ngày nay Thụy Vũ thấy mẹ Hồ chỉ ăn rau dưa không ăn thịt cá, cô bèn hỏi ra thắc mắc trong lòng. Mẹ Hồ đầy yêu thương ngắm nhìn con gái: “Từ nay mẹ sẽ ăn chay trường để cầu phước cho người đã hiến tạng cứu con. Chỉ mong kiếp sau ân nhân có cuộc đời tốt đẹp hơn, có thể sống lâu trăm tuổi.”

“Vậy con cũng ăn chay cùng mẹ nhé!”

“Con còn nhỏ, cơ thể vừa phẫu thuật cần bồi bổ nhiều hơn, không ăn chay được đâu con gái.”

“Khi con khỏe lại sẽ cùng mẹ ăn chay cầu phước cho ân nhân.”

Mẹ Hồ nghĩ con gái chỉ nói suông, lời nói gió bay rất nhanh sẽ quên đi. Dù sao con nít dễ thèm thịt cá, sao có thể nói bỏ là bỏ được.

Một năm sau, Thụy Vũ tròn mười hai tuổi.

Bác sĩ thông báo sức khỏe Thụy Vũ đã trở lại bình thường, cô bé liền quyết tâm cùng mẹ trường chay cầu phúc cho ân nhân đã chuyển nhượng sự sống cho cô. Lần này mẹ Hồ không ngăn nổi, thế là bà đổi sang phương thức bổ sung chất đạm bằng các loại hạt, sữa, đậu, ngũ cốc cho Thụy Vũ.

Cũng bắt đầu từ năm này, mỗi dịp sinh nhật Thụy Vũ mặc dù không có tiền mua bánh sinh nhật nhưng mẹ Hồ vẫn làm một mâm cơm chay tươm tất để tạ lễ ân nhân vô danh. Hai mẹ con chờ nhang tàn đèn tắt, quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm đạm bạc, hát bài ca chúc mừng sinh nhật Thụy Vũ.

Sau này Thụy Vũ vẫn tiếp tục noi theo gương mẹ Hồ. Đôi lúc cuộc sống chật vật không có khả năng làm cả mâm cơm, cô cũng lấy ít kẹo bánh hiếm hoi có được chân thành tri ân vị ân nhân vào mỗi dịp đón thêm tuổi mới.