Chương 3: Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Mùa thu năm ấy, một trái tim yêu thương đã hồi sinh Thụy Vũ.

Cô bé trở lại trường học sau một năm dài vắng bóng. Tuy học trễ hơn các bạn đồng trang lứa một năm nhưng Thụy Vũ không để trong lòng. Được trở lại trường lớp, cô bé đã mừng rỡ như sáo sổ l*иg.

Hai mẹ con tiếp tục nương vào nhau mà sống. Thụy Vũ vốn khéo tay lại siêng năng, thường học hỏi cách gấp giấy thủ công hoặc cách thắt ruy băng độc lạ làm vật trang trí để bán cho bạn học cùng trường. Cô bé còn nhỏ đã có thể kiếm thêm ít tiền trang trải phụ giúp gia đình.

Ngoài ra Thụy Vũ còn phát hiện sau khi thay tim, sức lực của cô đặc biệt khỏe mạnh, có thể khuân vác vật nặng gấp vài lần trọng lượng cơ thể của mình. Nhưng mẹ Hồ cấm không cho cô làm việc nặng, vì bà sợ bệnh tim của con gái lại tái phát.

Dạo này mẹ Hồ đã hết bị phân tâm chăm sóc Thụy Vũ nằm viện như năm ngoái. Sự siêng năng cần mẫn và thành thật đã giúp bà thăng chức trở thành trưởng nhóm trong siêu thị. Công việc thuận lợi nên cuộc sống hai mẹ con dư dả hơn một chút. Mọi việc đang dần dần tốt lên.

Lắm lúc Thụy Vũ thấy mẹ chưng diện trước khi ra ngoài, cô bé trêu chắc mẹ đang quen bạn trai. Mẹ Hồ xấu hổ mắng yêu con gái nhưng cũng không phủ nhận. Suốt cả tháng đều thấy gò má mẹ đỏ hây hây, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười hàm tiếu, e ấp của một người phụ nữ đang yêu.

Thụy Vũ không ngại chuyện mẹ Hồ có bạn trai. Mẹ đã cực khổ đủ rồi, nếu tìm được một người tâm đầu ý hợp cùng bà trải qua ngày tháng bình yên hạnh phúc thì tốt biết mấy.

Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang.

Mùa hè năm ấy, Thụy Vũ chưa kịp đón sinh nhật mười ba tuổi thì mẹ Hồ bất ngờ qua đời trong một tai nạn lao động thương tâm. Bà bị kẹt trong kho trữ đông của siêu thị một đêm. Ban đêm, đã quá giờ tan ca Thụy Vũ vẫn chưa thấy mẹ về, bèn chạy đến siêu thị tìm bà. Nhưng siêu thị đã đóng cửa tắt đèn, không còn ai ở đó. Cả đêm cô bé lo lắng bất an, gọi điện thoại mãi mà mẹ không nhận máy.

Trày trật chờ đến tờ mờ sáng, Thụy Vũ liền đạp xe đến sở cảnh sát trình báo vụ mất tích của mẹ Hồ. Cảnh sát phái người tìm kiếm, bắt đầu từ nơi làm việc của nạn nhân. Lúc được cảnh sát tìm thấy thì thi thể của mẹ Hồ đã đông cứng lại.

Cảnh sát điều tra sơ bộ rồi đóng hồ sơ. Trong camera quan sát, mẹ Hồ tự đi vào kho lạnh, không có ai theo sau hay bắt ép bà. Bọn họ cho rằng bà không may khi cánh cửa bị kẹt, không thể mở ra được từ bên trong. Cơ thể nạn nhân bị sốc nhiệt trong thời gian dài dẫn đến tử vong.

Siêu thị nơi mẹ Hồ làm việc thoái thác trách nhiệm, tìm cách ép nhẹm vụ việc, ngoài chịu tiền tang ma cho bà thì không chịu thêm phí tổn gì nữa. Một đứa trẻ mười ba tuổi thân cô thế cô như Thụy Vũ không thể làm gì để đòi lại công bằng cho mẹ.

Họ hàng bên ngoại nghe nói mẹ Hồ mất, ai nấy đều trốn tránh, sợ tránh nhiệm nuôi Thụy Vũ rơi xuống đầu bọn họ. Lần đầu tiên trong cuộc đời Thụy Vũ phải đối mặt với cuộc sống không còn mẹ, người thân yêu duy nhất của cuộc đời cô.

Trong nhà trọ nhỏ, vật dụng gì có thể giữ thì giữ lại, không thể giữ thì đều phải bán đổ bán tháo. Thụy Vũ mang theo hành lý dọn vào làng tình thương Tâm Đức.

Làng tình thương Tâm Đức là một cô nhi viện ở Cố Đô. Bên trong có nhiều ngôi nhà cấp bốn được thiết kế hệt như nhau. Mỗi một ngôi nhà trong làng Tâm Đức là một gia đình, mỗi gia đình có một người mẹ và năm đứa con.

Ngày Thụy Vũ dọn vào mái ấm tình thương, tay kéo theo một chiếc va ly đã cũ, quần áo trên người giản dị, trên ngực áo cài một mảnh vải đen. Cô mặc áo sơ mi màu trắng, sợi dây chuyền kỉ vật duy nhất của mẹ Hồ được giấu trong cổ áo.

Một cậu thiếu niên hơn cô vài tuổi đứng đợi ở cổng lớn làng Tâm Đức, hấp háy ánh mắt sau chiếc kính cận. Vừa thấy Thụy Vũ xuống xe, cậu vội đi lên giới thiệu: “Anh là Khoa Vũ, sau này chúng ra là người một nhà. Để anh giúp em mang hành lý.”

Thụy Vũ còn nhỏ tuổi đã biết trước biết sau, lễ phép cúi đầu cảm ơn Khoa Vũ. Cậu thiếu niên đỏ mặt xua tay, một bên kéo va ly của Thụy Vũ, một bên dẫn đường và giới thiệu cho cô các ngôi nhà, nội quy, cũng như cách thức sinh hoạt tập thể ở làng Tâm Đức.

Cô được phân vào nhà số mười tám của mẹ Thoa. Trong nhà đã có bốn đứa trẻ, đứa lớn nhất mười lăm tuổi, bé nhỏ nhất vừa ba tháng tuổi. Thụy Vũ vừa vào nhà thì được phân vai làm chị hai.

Anh cả chính là cậu thiếu niên mười lăm tuổi Khoa Vũ đeo kính cận, người đã đón cô vào làng tình thương. Thụy Vũ mười ba tuổi vào vai chị hai. Em ba là bé trai nghịch ngợm bảy tuổi tên Minh Vũ. Em tư Duy Vũ là cậu bé con bốn tuổi. Bé út gái mới được ba tháng, được đặt tên là Hồng Vũ.

Mẹ Thoa rất thích cái tên này, cho rằng đó là điềm lành. Các đứa trẻ được phân vào căn nhà số mười tám đều được bà đặt tên Vũ cho. Khi Thụy Vũ được phân vào mái ấm của bà, bà liền cười không khép miệng.

Thụy Vũ nghĩa là cơn mưa mang đến điềm lành, cái tên thật là ý nghĩa. Mà tên Vũ của cô cũng hợp ý bà, không phải nhức óc tìm tên mới cho con gái.

Thụy Vũ chưa kịp hồi phục tinh thần sau sự cố mẹ ruột qua đời, đột nhiên phải đón nhận một người mẹ mới và bốn anh em khác. Mỗi ngày cô đều ở lì trong phòng cùng em út ba tháng tuổi, không nói chuyện cùng ai.

Trời Cố Đô chiều nay mưa phùn rả rích.

Thụy Vũ ngồi trong phòng lặng lẽ nhìn mưa rơi ngoài cửa sổ, trong lòng nhớ mẹ da diết. Cô đã rất ngoan, rất hiếu thảo, luôn hướng đến làm một người tốt trong xã hội. Vậy tại sao ông trời lại tàn nhẫn cướp đi người thân duy nhất của cô. Như vậy công bằng ở đâu, thiên lý ở nơi nào?

Thụy Vũ bật khóc!

Nếu năm mười một tuổi cô bị bệnh tim chết đi thì tốt rồi. Như vậy sẽ không phải hiu quạnh sống trên đời này nữa.