Chương 42

Một lần là đủ rồi.

***

Đêm nay, Thời Mông mơ thấy một giấc mộng.

Cậu mơ thấy mình nằm trên mặt đất lạnh cứng, mắt bị bịt kín, không nhìn thấy gì.

Trong bóng tối các giác quan khác ngoài thị giác trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, cậu nghe thấy tiếng bước chân đi đến gần, rồi chợt cảm thấy sự nhoi nhói truyền từ tay phải đến tim.

Cậu muốn chạy trốn, nhưng tay chân bị trói cứng không thể động đậy, cậu muốn kêu cứu, nhưng mà há miệng ra lại không thể phát ra âm thanh nào.

Cậu đau đến mức bừng tỉnh, giơ tay phải lên, phát hiện ngay cả ở trong mơ cậu cũng không làm được gì, đến cả bút cũng cầm không vững. Nỗi sợ hãi không thể trốn tránh này dần dần lây lan, nhanh chóng mở rộng thành những vết thương có thể cân đo đong đếm, Thời Mông mở to hai mắt, thở hổn hển, như thể đã đi đến đường cùng, người ta cứ nhắc nhở phía trước là đường chết, cậu vẫn muốn vùng vẫy tiến lên.

Cái tay dùng để vẽ tranh bị thương, sao có thể thờ ơ làm thinh đây?

Giả vờ không để tâm không hẳn là để cho người khác nhìn, mà muốn che đậy chính bản thân hơn cả.

Thời Mông vùi mặt vào lòng bàn tay quấn băng vải, một mặt phỉ nhổ bản thân đã rơi vào kết cục thế này rồi mà vẫn tham sống sợ chết, một mặt khuyên nhủ bản thân rằng nếu đã còn sống thì thôi thì cứ được ngày nào hay ngày ấy.

Dẫu sao cũng đều là lừa gạt, chẳng khác gì nhau.

Sáng nay ngủ dậy Thời Mông xuống dưới nhà, nướng hai lát bánh mì như hôm qua, dùng tay trái chậm chạp rán quả trứng gà, thêm một mảnh rau xà lách, lúc nếm cứ như không thấy mùi khét.

Ăn xong sắc mặt tốt hơn một chút, thân thể cũng không còn run rẩy, như cơn tụt huyết áp đã được giải quyết, cậu lại có lý do để sống tiếp.

Sủi cảo hôm qua gói xong vẫn còn dư một ít, thịt xay vẫn đủ xào một bữa, Thời Mông định mua thêm ít đồ ăn kèm.

Mở cửa đi ra sân trước, Thời Mông nhìn quanh qua hàng rào sắt, sáng sớm người đi đường thưa thớt, mấy ông cụ bà cụ đánh Thái Cực trên khoảng đất trống ven đường, mọi thứ vẫn yên bình như cũ.

Tầm thành lệch về phía bắc hơn so với Phong thành, mùa thu ở đây lạnh hơn rất nhiều. Đi ngang qua quán ăn sáng nóng hổi bên đường, Thời Mông nhìn khói trắng lượn lờ bốc lên, không khỏi quấn chặt áo khoác trên người, được bà chủ quán nhiệt tình mời chào, do dự một lúc rồi đi vào, kêu một cốc sữa đậu nành.

Mặt tiền của cửa hàng không lớn, vài ba vị khách đang ngồi ăn sáng bên trong, trên bàn có nhiều bánh mì và mì sợi.

Bà chủ vừa bưng mì hoành thánh cho một bàn xong, giờ vừa đi về phía quầy thu ngân vừa xoa tay lên tạp dề: "Không gọi chút gì ăn à?"

Thời Mông lắc đầu: "Cháu ăn rồi."

Bà chủ quán đã hiểu, nhấc ấm nước trên bếp lò lên, thành thạo với lấy một cái cốc giấy, thân ấm nghiêng qua, sữa đậu nành nóng hổi chảy từ miệng ấm vào trong cốc, đến khi chất lỏng màu vàng gạo gần chạm đến mép cốc thì đóng nắp, bỏ vào túi, lại nhét thêm một cái ống hút.

Lúc đưa túi qua, trên mặt bà chủ quán vẫn mang nụ cười thân thiết: "Bác nghe thím Thẩm nói cháu biết vẽ đúng không?"

Xưa nay Thời Mông không giỏi giao lưu cùng người khác, lòng bàn tay cầm cốc sữa nóng hầm hập, phản ứng đầu tiên của cậu là sững người, chậm một nhịp là bị đối phương cho rằng ngầm thừa nhận.

Bà chủ quán chỉ tầm 40 tuổi có gương mặt tròn trịa, cười lên có hai cái lúm đồng tiền, thân thiện khiến người ta không thể nói lời từ chối.

Bà chủ nhấc tay chỉ vào bức tường trắng trống không có diện tích vừa phải trong cửa hàng: "Cửa hàng đang định sửa sang lại, bác đang lo mặt tường ày quá trống, cả nhà bác không ai có gu thẩm mỹ, hay thôi thì cháu thiết kế cho nhà bác nhé, vẽ một bức tranh để treo lên đây được không?"

Trên đường từ siêu thị về nhận điện thoại của Giang Tuyết, Thời Mông nói chuyện này với cô.

"Người ta nhờ em xong em nhận lời?"

"Ừm."

"Bàn tiền thù lao chưa?"

Thời Mông báo số tiền.

Giang Tuyết dùng giọng điệu trợn trắng mắt để nói: "Chắc chắn bọn họ không biết tranh của em trên triển lãm đấu giá toàn từ 7 chữ số trở lên."

"Không sao." Thời Mông nói, "Bây giờ em vẽ cũng không đẹp được như xưa."

Họa sĩ tay bị phế, cũng như tuyển thủ điền kinh bị gãy chân, có khát vọng nhiều hơn nữa cũng không có đất dụng võ. Đầu bên kia điện thoại trầm mặc một lát rồi nói: "Chỉ cần còn muốn vẽ là được, nhận vài công việc nhẹ nhàng cũng tốt, coi như tập luyện phục hồi chức năng."

Thời Mông biết Giang Tuyết thường xuyên gọi điện thoại cho cậu là muốn xác nhận sự an toàn của cậu, tuy rằng cậu cũng không biết mình từng thể hiện khuynh hướng coi rẻ sự sống bao giờ chưa.

Cậu chỉ có thể nói: "Chị Tuyết, ở đây mọi chuyện đều ổn cả, chị đừng lo lắng."

Giang Tuyết làm bộ như không hiểu: "Bây giờ chị không lo cho em, mà là lo cái người mặt dày gì kia cứ quấn lấy em."

Nhớ lại đủ chuyện của ngày hôm qua, nhất là cuộc đối thoại ngắn ngủi vào chạng vạng tối, một gương mặt thất thần tự dưng xuất hiện trong đầu.

Thời Mông rũ mắt nhìn mặt đất: "Anh ấy đi rồi."

"... Thật không?"

"Ừm."

"Em với anh ta chạm mặt rồi à?"

"Ừm."

"Nói trước nha, hành tung của em không phải do chị để lộ với Cao Lạc Thành đâu, là lão tự tra tự tìm đấy."

"Ừm, em biết rồi."

Hình như cảm thấy vô cùng khó tin, Giang Tuyết lại hỏi thêm: "Nghe Cao Lạc Thành kể, lúc anh ta xuất phát rất chi là kiên định... Em báo cảnh sát thật hả?"

"Em không." Thời Mông trả lời.

Biết cậu không muốn nhắc đến, Giang Tuyết cũng không hỏi thêm nữa, chuyển chủ đề sang hướng khác: "Có điều chị nghe nói trước khi anh ta đi còn gặp mẹ đẻ của em, còn tới nhà họ Thời một chuyến, cái ông này đi một chuyến xa như thế mà không tiện thể cầm cho em cái gì à?"

Giấu sự nghi vấn trong lòng, sau khi về đến nhà Thời Mông đi quanh sân hai vòng, trước bậu cửa sổ, cạnh hàng rào, dưới bộ bàn ghế đá, đến cả vườn hoa được xây tạm bằng gạch cũng tra xét cẩn thận, không thấy gì.

Nhớ là hôm qua người kia hai tay trống trơn, Thời Mông không nghĩ nhiều, chỉ coi là anh nổi hứng chạy một chuyến tới đây.

Dù sao hôm nay cũng đã là chủ nhật.

Bữa trưa làm món ớt xanh xào thịt, tay trái không quen nên bỏ hơi nhiều muối, nhưng ăn với cơm lại rất vừa miệng, Thời Mông ăn nhiều hơn nửa bát.

Chợp mắt một giấc, chiều ngủ dậy dì Phan hàng xóm qua gõ cửa, đưa cho một quả bưởi tròn vo.

"Gia Vĩ nhà bác đem về đấy, tươi rói, da mỏng mọng nước, cháu ăn thử xem."

Gia Vĩ là con của dì, khoản chừng hai mươi tuổi, nghề chính là nghiên cứu sinh của đại học thành phố Tầm, nghề phụ là tay chơi nhạc Rock n" Roll, cứ vào ngày nghỉ ngày lễ là Thời Mông nghe thấy tiếng hát tan nát cõi lòng của cậu ta.

Hai tay nhận lấy quả bưởi nặng trĩu, Thời Mông nói câu cảm ơn, dì Phan cười nói: "Khách sáo gì nha. Với lại dì cũng không ngờ bà chủ quán ăn sáng lại mở miệng nhờ cháu vẽ thật, còn tưởng bả nói đùa."

Hóa ra là vì chuyện này.

Sống ở một thành phố nhỏ cỡ thị trấn này, đặc điểm rõ rệt nhất chính là tình hàng xóm láng giềng, sáng có chuyện thì đến chiều cả dãy phố biết hết.

Thời Mông đáp: "Bác ấy có trả tiền cho cháu."

"Có phải đưa cho cháu một tệp phiếu ăn sáng để chống chế không?" Dì Phan nhìn vẻ mặt Thời Mông là biết, "Mụ kẹt sỉ này, uổng công bác khen cháu vẽ đẹp với bà ta cả buổi."

Thời Mông đoán có lẽ dì ngại với cậu, cảm thấy gây phiền phức cho cậu nên cậu đành phải giải thích thật lực rằng không phiền chút nào.

"Giấy vẽ to khoảng chừng này." Thời Mông dùng cánh tay vẽ một vòng tròn, khoa tay nói, "Cháu đã phác thảo được một nửa rồi."

Dì Phan không có chút khái niệm nào về việc vẽ tranh, nghe cậu miêu tả xong mà líu cả lưỡi: "Một tờ giấy to bằng đấy thì phải vẽ đến bao giờ?"

Hai người với hai tư duy hoàn toàn khác nhau dì một câu cháu một câu, kiên nhẫn nói cho nhau hiểu mãi rồi cũng giải quyết được vấn đề.

"Ý của cháu là, giá vẽ hiện tại không đủ để vẽ?"

Thời Mông gật đầu: "Đúng vậy, nhưng cháu mua cái mới rồi, sắp đến rồi."

Lúc này dì Phan mới yên tâm: "Một tờ giấy to bằng nhường ấy thì giá vẽ cũng không phải nhỏ đâu nhỉ? Nếu không tiện thì để dì kêu Gia Vĩ qua bê giúp cháu!"

Thời Mông nói không cần, cậu cảm thấy một mình mình có thể chuyển được vào trong nhà.

Nhưng khi nhân viên giao hàng khiêng cái thùng giấy cao bằng người đến để trước cổng, Thời Mông thử dùng một tay để bê nhưng hoàn toàn thất bại, bấy giờ mới hiểu lời nhận xét "Nặng lắm" của những khách hàng khác để lại dưới khu bình luận cụ thể ra sao.

Đã chập tối, nhân viên giao hàng đang vội đi gửi nốt cho xong, đặt đồ xuống cổng rồi đi mất. Thử mấy cách khác nhưng không thể nhấc nổi cái thùng lên, Thời Mông xoay người đi vào nhà, định lấy xe đẩy nhỏ ra thử xem sao.

Xe đẩy này cũng là do Giang Tuyết chuẩn bị cho cậu, nói tay cậu không khỏe, đi mua đồ ăn hoặc đi dạo phố dùng cũng tiện. Trước kia Thời Mông ngại lôi ra, giờ thực sự đã hết cách nên nghĩ bụng thôi dùng tạm.

Đi vào nhà dọn dẹp gọn gàng, gỡ phần túi bên trên xe đẩy ra, nhường chỗ cho thùng hàng, kéo xe ra cửa, vừa mở cánh cửa khép hờ ra, chỉ thấy cái thùng cậu khiêng không nổi kia được một người đàn ông thân hình cao lớn vác trên vai, hai người đυ.ng mặt trực tiếp.

Thật ra Phó Tuyên Liêu rất luống cuống.

Anh đang canh giữ bên bức tường ngoài sân, nhìn thấy nhân viên chuyển phát đến, Thời Mông mở cửa ra nhận, lại nhìn thấy Thời Mông loay hoay quanh cái thùng vài vòng, cả buổi không ôm lên được, anh đã muốn xắn tay áo đi tới hỗ trợ từ lâu, nhưng vẫn chờ Thời Mông đi vào nhà mới dám bước tới.

Nghĩ bụng tranh thủ cửa không khóa, vác đồ để vào nhà rồi chạy luôn, không ngờ Thời Mông quay ra nhanh như vậy, một cái chân vẫn lửng lơ chầm chập hạ xuống đất, suy nghĩ của Phó Tuyên Liêu xoắn lại, nói một câu không đầu không đuôi: "Tôi tới rồi."

So với Phó Tuyên Liêu đang hoảng loạn, Thời Mông có vẻ bình tĩnh cực kỳ. Cậu nhìn thoáng qua người trước mặt, lại nhìn về phía cái thùng được khiêng trên vai anh một cách dễ dàng, cậu rũ mắt xuống như đang cân nhắc thiệt hơn, chỉ khoảng vài giây đồng hồ, cuối cùng cậu nghiêng người nhường đường, làm trống đường vào nhà.

Mãi đến khi đặt cái thùng ở giữa phòng, đứng thẳng người dậy, Phó Tuyên Liêu mới nhận ra lúc nãy mình nói lời ngu ngốc đến nhường nào.

"Hôm qua anh ở tạm trong xe một đêm." Nói rõ tình hình xong anh vội vàng bổ sung, "Còn vài thứ quên đưa cho em."

Thời Mông không để ý, lấy một con dao gấp trong ngăn kéo tủ bên cạnh, ngồi xổm xuống để mở thùng.

Mới đầu Phó Tuyên Liêu còn lo lắng cậu cắt phải tay, muốn giúp cậu nhưng khổ nỗi không tìm thấy dụng cụ, nên anh đứng bên cạnh quan sát một lát, xác định cách khui đồ của Thời Mông khá thông thạo, anh bèn nói cho cậu biết mình ra xe lấy ít đồ rồi đi ra ngoài.

Xe của Phó Tuyên Liêu đỗ ở một bãi đỗ xe thu phí trên con phố gần đó, đi đi lại lại cũng phải mất hơn 10 phút kể cả là chạy. Cũng may lúc về cửa vẫn còn mở, Thời Mông vẫn ngồi xổm ở vị trí cũ, giơ tờ giấy hướng dẫn cách lắp ráp, nhìn đến ngây người.

Nói tóm lại là không quá phức tạp, nhưng cần đến sức của hai cái tay.

Phó Tuyên Liêu bỏ đồ xuống, đi tới nhìn thử, hỏi: "Giá vẽ à?"

Thời Mông vẫn không đáp, Phó Tuyên Liêu không hỏi nữa, nhanh chóng đọc lướt một lần cách lắp ráp, vén tay áo lên ngồi xuống, cầm lấy cái vặn vít dưới đất.

Cấu tạo của giá vẽ khá đơn giản, nhưng một số bộ phận lại rất nặng, lúc đặt khung tranh đã được lắp xong lên kệ, vì dồn sức vặn ốc vít, hai bên chịu lực không đều, Phó Tuyên Liêu không dư tay để đối phó, thế là Thời Mông đi tới, đạp một chân lên để giữ phần chân đỡ đang bị kểnh, tạo điều kiện cho động tác của anh.

Chưa đến 10 phút là lắp xong, dựng thẳng toàn bộ giá vẽ lên để nó cân bằng, lại điều chỉnh độ chặt lỏng ở vài chỗ để đứng vững vàng hơn, vặn chặt chiếc ốc vít cuối cùng rồi Phó Tuyên Liêu ngẩng đầu lên, anh nhìn thấy Thời Mông khôi phục tư thế ngồi xổm, đang cúi đầu nhìn túi giữ ấm để dưới đất.

Đã nói là mang đến cho cậu, mà cậu chỉ nhìn xem, rõ ràng rất tò mò bên trong là cái gì nhưng ngay cả khóa kéo cũng không chạm vào thử.

Trái tim Phó Tuyên Liêu thắt lại. Rất lâu trước đây, rất nhiều lúc, Thời Mông luôn lặng lẽ đứng ngoài quan sát như thế này, muốn cũng không dám nói.

Rõ ràng những thứ này vốn là thuộc về cậu.

Phó Tuyên Liêu đứng lên, đi tới, nhấc túi giữ ấm và cả ánh mắt của Thời Mông để lên mặt bàn, lanh lẹ mở túi, lấy lần lượt từng món đồ ăn bên trong ra.

"Đây là đồ ăn chín mà dì Lý và dì Phương chuẩn bị cho em." Anh giải thích, "Trong xe không mở máy sưởi nên túi đá lạnh bên trong không bị tan, bỏ vào lò vi sóng rã đông là có thể ăn được."

Nói rồi cầm một túi khác lên: "Đây là quần áo và đồ dùng mùa thu đông của em, trong nhà cái nào có thể mặc là mang hết đến đây."

Thời Mông liếc qua, rồi ánh mắt lại rơi xuống chỗ đồ ăn, như thể không nghe ra chữ "nhà" trong miệng Phó Tuyên Liêu chính là chỉ nhà họ Phó họ từng ở chung.

Dù có bị lạnh nhạt nhưng Phó Tuyên Liêu cũng không nhụt chí, anh hỏi: "Em định để giá vẽ ở đâu?"

Căn cứ theo ánh mắt chỉ thị của Thời Mông, Phó Tuyên Liêu mang giá vẽ từ phòng khách ra ban công.

Ban công hướng về phía nam, hẳn là vào ban ngày hứng sáng rất tốt. Điều chỉnh giá vẽ đến một vị trí đón nhiều ánh sáng mà không bị nắng rọi, Phó Tuyên Liêu hài lòng đứng thẳng người dậy, vô tình nhìn thấy hộp giữ ấm in chú thỏ hoạt hình để trên bệ cửa sổ, bên trong có thịt bò khô.

Nhớ Lý Bích Hạm từng nói hồi còn nhỏ Thời Mông thích những thứ này, Phó Tuyên Liêu không kìm được, cong khóe môi, nghĩ thầm quả nhiên cậu không hề thay đổi.

Kinh nghiệm ghi nhớ một sự kiện nào đó nằm ở việc so sánh hai hình ảnh, trong quá khứ Thời Mông dùng việc thường xem một phim hoạt hình, thường ăn một món ăn để bày tỏ sự yêu thích, thì hiện tại Thời Mông dùng ánh mắt, dùng hành động để thể hiện sự quan tâm, dường như đã có một sự hỗ trợ nào đó giữa những mốc thời gian và không gian khác nhau, khiến hai người nhìn có vẻ hoàn toàn khác biệt ấy l*иg vào nhau.

Tại sao giờ anh mới phát hiện, thật ra cậu vẫn luôn đáng yêu như vậy chứ.

Vì muốn kéo dài thời gian, Phó Tuyên Liêu đứng trong phòng vệ sinh, rửa tay những ba lần.

Đến lúc anh đi ra, ngửi thấy mùi đồ ăn thơm phức, nâng cổ tay nhìn đồng hồ, chợt nhận ra đã đến giờ ăn bữa tối.

Phòng bếp ở chỗ này được thiết kế mở, một bóng lưng cao cao gầy gầy bận rộn đi qua đi lại trước bếp khiến Phó Tuyên Liêu không khỏi dừng chân.

Mãi đến khi Thời Mông bưng đĩa xoay người lại, anh mới vội vàng thu hồi tầm mắt, cúi người cầm áo khoác ban nãy tiện tay ném lên ghế trong lúc lắp giá vẽ, vắt trên khuỷu tay.

"Vậy thôi anh..."

"Ăn không?"

Một câu không phải lời thật lòng bị hai chữ cắt ngang, Phó Tuyên Liêu ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn Thời Mông, người kia cũng đang nhìn anh, chỉ là vẫn không có biểu tình gì như cũ.

Thời Mông giơ cái đĩa trong tay, hỏi lại lần nữa: "Ăn không?"

Dù hôm qua bị chặn họng hết đường chối cãi đến giờ hãy còn sợ hãi, nhưng đứng trước lời mời của Thời Mông, Phó Tuyên Liêu không có lý do gì để từ chối.

Bữa tối là sủi cảo còn từ hôm qua, lại cắt một miếng thịt bò kho trong túi giữ ấm, chỗ chưa ăn đến bỏ vào bát pha lê, bọc kín cho vào tủ lạnh cất.

Phát hiện sủi cảo trong đĩa của mình nhiều hơn đĩa của Thời Mông, lúc bấy giờ Phó Tuyên Liêu mới nhận ra mình được giữ lại ăn cơm chỉ vì anh đã giúp một tay và mang đồ đến cho cậu, đây chỉ là cách Thời Mông bày tỏ sự cảm ơn.

Cảnh tượng này trùng hợp với giao thừa năm ngoái ở nhà họ Phó một cách bất ngờ, nhớ Thời Mông để hết hai quả trứng gà còn sót lại vào bát của anh, nguyện để thứ trân quý cho người mình trân trọng, sau giây phút mất mát, một cảm giác hoài niệm ê ẩm căng trướng ùa lên như thủy triều.

Anh dùng đũa sạch gắp sủi cảo đặt vào bát của Thời Mông, lý do là: "Tôi không đói bụng, không ăn được nhiều vậy đâu."

Lại khen ngợi từ tận đáy lòng: "Thật sự rất ngon, vẻ ngoài cũng bắt mắt. Đến cả mì gói em cũng nấu giỏi hơn tôi."

Chủ yếu là ngại phiền phức, Thời Mông không từ chối.

Ăn sủi cảo xong, Phó Tuyên Liêu chủ động đứng lên thu dọn bát đĩa. Trong phòng bếp có lắp máy rửa bát, lấy điện thoại lên mạng tra cứu cách sử dụng một hồi, rồi bỏ hết nồi niêu xoong chảo vào, ấn nút khởi động, Phó Tuyên Liêu thở phào một hơi, xoay người lại, thấy Thời Mông đứng bên cạnh bàn đảo cách bàn nấu ăn không xa, đang lúi húi với máy pha cà phê.

Tư thế cúi đầu khiến phần cổ cậu giấu dưới cổ áo len lộ ra một đoạn, trắng ngần, thon gầy, Phó Tuyên Liêu từng bóp từng siết, cũng từng hôn lên vô số lần.

Đáng lẽ chỉ nên hôn mà thôi, cậu tốt đẹp như thế, sao lại có người nỡ đối xử tệ với cậu?

Phó Tuyên Liêu liên tục tự chất vấn bản thân.

Ngay lúc ý muốn bước lên ôm lấy thân thể mảnh khảnh ấy sắp leo đến đỉnh điểm, anh nhìn thấy Thời Mông quay người lại, giơ một tách cà phê, vẫn là giọng nói trong trẻo lạnh lùng kia: "Anh uống không?"

Phó Tuyên Liêu đáp không cần nghĩ: "Uống."

Nhận được câu trả lời khẳng định, thoáng chốc Thời Mông run lên, sau đó khẽ động đậy khóe môi, lộ ra một nụ cười rất nhạt.

Thật ra cậu rất ít khi cười, hoặc là nói rất ít khi cười vì vui vẻ. Cũng như bây giờ, cậu biết rõ Phó Tuyên Liêu có chuẩn bị mà đến, anh giấu mục đích và kế hoạch trong lòng, nói không chừng đến cả thời cơ cậu dao động cũng đã được tính toán kỹ càng.

Nhưng cậu đã từng thua một lần.

Một lần là đủ rồi.

Cậu không có ý định cho bất kỳ ai bất kỳ kẻ nào cơ hội để lợi dụng.

Nâng chiếc tách trong tay lên, Thời Mông nhìn về phía Phó Tuyên Liêu, nụ cười lạnh lùng nhưng giọng nói mỉa mai: "Anh không sợ tôi lại bỏ thuốc vào bên trong hả?"

Hết chương 42.