Chương 29

“Đinh đinh” hai tiếng, đồng hồ treo trên tường điểm mười giờ sáng.

Bức tường treo chiếc đồng hồ được sơn màu xanh lam, chính giữa treo đầy tranh thiếu nhi, chỉnh tề ngay ngắn, cùng với những món đồ trang trí hình trăng sao, đâu đâu cũng tràn ngập sắc thái trẻ thơ.

Đồ Nam ngồi trên chiếc ghế dài đối diện bức tường, một tay cầm điện thoại trả lời tin nhắn của Phương Nguyễn.

Tối qua Phương Tuyết Mai tiễn Đồ Canh Sơn lên xe, Phương Nguyễn sợ cô không yên tâm nên nhắn tin cho cô, nhưng “nhờ” Thạch Thanh Lâm mà cô về nhà rất muộn, đến nỗi giờ mới đọc được tin nhắn.

Cũng chẳng có gì để nói, cô chỉ trả lời một từ “ừ”.

Gửi tin đi chưa được hai giây, Phương Nguyễn liền hỏi lại: “Em gái Nam của anh ơi, cô đang làm gì đấy?”

Dạo gần đây, anh chàng có vẻ quan tâm hơi thái quá về hành tung của cô. Đồ Nam gõ ba chữ rồi gửi sang: “Đang tìm việc.”

“Tìm việc? Cô định tìm việc gì cơ!!!”, có vẻ anh chàng rất kinh ngạc, đến ba dấu chấm than kèm theo cũng bộc lộ sự kinh ngạc ấy.

Đồ Nam trả lời: “Sao mà anh phải hết hồn như thế, làm được gì thì tìm việc nấy thôi.”

Bên kia đột nhiên gửi định vị đến, Đồ Nam tiện tay bấm vào, nhưng rồi lại thoát ra, cô gõ chữ: “Sao, anh còn định đến xem em phỏng vấn à?”

Phương Nguyễn không trả lời cô nữa.

Vừa đúng lúc có người đi qua trước mặt, Đồ Nam cất điện thoại, thu hai chân lại nhường đường cho người ta, lại nhìn mấy đứa nhỏ chừng năm sáu tuổi đang được bố mẹ dắt tay đi vào.

Phía đó là hai dãy phòng học vẽ, khắp dãy hành lang dài cũng treo những món đồ trang trí giống trên tường.

Hôm nay là Chủ nhật, là ngày nghỉ, nhưng lại là ngày bận rộn nhất của các trung tâm bồi dưỡng năng khiếu, huống hồ đây lại là trung tâm dạy vẽ có tiếng, rất nhiều phụ huynh gửi con đến học, vô cùng tấp nập.

Đồ Nam chẳng mấy xa lạ với nơi này, hồi nhỏ, cô vẫn luôn học vẽ ở đây suốt một thời gian dài, không có ngày nghỉ. Khi ấy, nơi này vẫn chưa được trang hoàng đẹp như hiện giờ, chỉ có mấy gian phòng mộc mạc.

Sau này lớn hơn một chút, cô bắt đầu được bố cho theo học một số vị thầy nổi tiếng, nên không còn đến đây nữa.

Lũ trẻ đều đã vào phòng học, mấy người giáo viên đi ra từ văn phòng ở góc đối diện, trong đó có một người thầy trung niên đi thẳng về phía băng ghế đằng này, “Cô đến phỏng vấn à?”

Đồ Nam đứng dậy, “Vâng ạ.”

Thật ra cô chỉ đi mua đồ rồi tạt ngang qua đây, nhìn thấy thông báo tuyển dụng, lại nghĩ dù sao bây giờ cũng đang thất nghiệp, nên cô mới ghé vào.

Đi vẽ một thời gian dài, cô đã quen với công việc ở cường độ cao, giờ nhàn quá lại không quen, sớm muộn gì cũng phải tìm việc để làm.

“Ấy, em là…”, đối phương nhìn kĩ cô một lúc, rồi đột nhiên hỏi: “Em là Đồ Nam phải không?”

Thầy ấy vừa nói, Đồ Nam liền nhận ra luôn, “Thầy Lý.”

“Đúng là em rồi.”

Thầy Lý là thầy dạy phác họa của Đồ Nam hồi nhỏ, trung tâm dạy vẽ này cũng do thầy mở. Nhiều năm không gặp, mái tóc thầy đã điểm trắng, không ngờ là vẫn đến đây dạy cho học sinh.

Thầy vô cùng ngỡ ngàng, “Sao em lại đến đây phỏng vấn thế? Hai năm trước thầy có gặp bố em, nghe ông ấy bảo em làm việc trong tổ chép bích họa, công việc đấy lại chả tốt hơn nhiều dạy học cho lũ trẻ à?”

Đồ Nam khẽ cười, “Công việc nào mà chả giống nhau ạ.”

Thầy Lý lắc đầu cảm thán, “Nhân tài như em ở cái chỗ bé tí này của thầy thì không có đất để phát huy đâu.”

“Thầy đừng đề cao em quá, hồi đầu em cũng học từ đây ra mà.”

Có lẽ câu này nghe rất bùi tai, thầy Lý nhoẻn miệng cười đến nỗi lộ hết cả nếp nhăn trên mặt, “Thế còn cần gì phỏng vấn nữa, em muốn thì cứ thử xem sao.”

***

Đồ Nam vào phòng vẽ tham quan trước, bên trong có khoảng mười mấy đứa trẻ ngồi ngay ngắn xung quanh một cái bàn vuông dạng mở, trên người đứa nào đứa nấy đều đeo tạp dề, chốc chốc lại nghịch đống thuốc màu trước mặt. Cô quan sát một lát rồi về văn phòng chuẩn bị.

Cô không có kinh nghiệm dạy trẻ con, cũng khó trách thầy Lý chỉ nói sẽ để cô thử.

Các thầy cô khác đều đã lên lớp, có một cô giáo trẻ rất nhiệt tình, lúc gần đi còn cho cô mượn giáo án để tham khảo.

Đồ Nam ngồi xuống ghế, giở ra xem qua, lại cảm thấy không còn sớm nên không xem nữa.

Vốn tưởng rằng mãi vẫn không có giáo viên, lũ trẻ sẽ quậy tung trời, lại không ngờ đi đến cửa lớp rồi mà chẳng nghe thấy động tĩnh gì.

Đồ Nam nhấc chân đi qua cửa, đưa mắt nhìn, rồi chợt sững sờ.

Không phải là không có đứa nào quậy, mà có lẽ là không dám quậy.

Thế giới của lũ trẻ đột nhiên có một người lớn xâm nhập, làm sao mà dám quậy ồn ào chứ.

Cạnh cái kệ để đồ trang trí, có một người đang khoanh tay, ngả lưng ngồi tựa vào thành ghế.

Đồ Nam nhìn anh, anh cũng nhìn Đồ Nam.

Quái lạ, sao anh lại tìm được đến đây?

Đồ Nam đanh định quay người đi tìm thầy Lý, nhưng còn chưa ra khỏi cửa thì thầy Lý đã tiến vào, trong tay cầm một cái ghế, “Nào, ngồi đây đi, ghế của bọn trẻ khó ngồi lắm.”

“Cảm ơn thầy.”, Thạch Thanh Lâm đón lấy, ngồi xuống cuối lớp.

Đồ Nam lại nhìn anh lần nữa, rồi theo thầy Lý ra cửa lớp, “Thầy Lý, sao lại thế ạ?”

Thầy Lý đáp: “Em hỏi về người đàn ông kia hả? Thầy còn đang định hỏi em xem có phải hai người quen nhau không, cậu ta nộp học phí, lại chỉ đích danh lớp em dạy, thầy cũng không thể đuổi người ta đi được.”

“…”, Đồ Nam không còn gì để nói.

Cô quay về phòng học, Thạch Thanh Lâm đã đổi dáng ngồi, một tay thoải mái đặt trên đùi, một tay lướt điện thoại, kể cả trước mặt là một đám trẻ, thế nhưng vẫn có cảm giác như anh đang ngồi trong văn phòng của mình vậy.

Có lẽ cảm giác được Đồ Nam đã quay về, anh ngước lên nhìn, cũng thu điện thoại lại.

Đồ Nam không nhìn anh, cô cầm một bức tranh màu nước dán lên tường, rồi bảo bọn trẻ chép lại.