Chương 16

Thời gian trôi nhanh, con gái tôi cũng lên bảy tuổi. Vì bé khá nhỏ so với các bạn cùng tuổi, nên chúng tôi cho bé học muộn một năm, vì vậy mà bảy tuổi bé mới vào lớp một. Vợ tôi kèm chữ cho bé ở nhà thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Bé học nhanh, lại có sự chuẩn bị trước một năm nên khi đi học bé không bị thua kém so với các bạn cùng lớp. Trong lớp một này của bé học. Có một bạn có thể hiểu được ngôn ngữ ký hiệu của bé. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bé hớn hở chạy về giơ tay khoe với chúng tôi rằng có một bạn trong lớp hiểu ngôn ngữ của bé. Thực ra thì cũng không ai xa lánh con, chỉ là mọi người không biết làm sao để giao tiếp cùng con cả.

Anh Nam Dư có xây thêm một khu cho trẻ xa nhà có thể ở nội trú. Các cô ở đấy sẽ nhận chăm sóc các bé. Những trẻ mồ côi có nguyện vọng được đi học cũng sẽ được nhà trường nhận nuôi. Đứa bé có thể sử dụng ngôn ngữ cùng con tôi tên là Thùy Linh, bé cũng học nội trú nên phần lớn thời gian đều chơi cùng Thiên Hạnh. Vì Thiên Hạnh học sau một năm nên lớn hơn bé Thùy Linh một tuổi, nhưng nhìn Thùy Linh còn lớn và chín chắn hơn Thiên Hạnh nhà tôi. Lúc nào bé cũng che trở cho con gái tôi. Trong lớp bé sẽ kéo Thiên Hạnh lại chơi với các bạn, rồi kể lại cho con nghe các bạn nói gì. Rồi những bức tranh Thiên Hạnh vẽ, sẽ đem ra kể cho các bạn nghe vào giờ ra chơi. Mỗi ngày một câu chuyện. Khi chơi trò vận động, con bé ấy sẽ ở nhóm cùng Thiên Hạnh, phần khó bé sẽ chơi, phần dễ thì nhường chỗ Hạnh. Tâm trạng của con gái ngày càng vui vẻ, bé được nghe những câu chuyện tích cực từ mẹ. Bé lại đi kể lại cho các bạn nhỏ nghe. Cô giáo nói con bé như một người chuyền đạt những điều tích cực cho các bạn học cùng.

Thùy Linh ngày càng thân thiết với Thiên Hạnh. Con bé thường xuyên đưa bạn về nhà ăn cơm. Cuối tuần Thùy Linh ngủ lại nhà tôi, để ngày nghỉ ngồi xem con bé vừa vẽ tranh, vừa nói lên những suy nghĩ trong lòng. Thùy Linh nói rằng mẹ con bé cũng bị khiếm thính, nên con bé học ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp với mẹ. Mẹ nó xin làm quét rác trên thành phố, vì không có điều kiện nên mẹ nó được người ta chỉ cho là đưa nó về đây học. Đến hè sẽ đón nó lên thành phố chơi. Nó không có ai thân thích ở đây, nhưng hòa đồng nên ai cũng yêu quý. Con bé như một thành viên trong gia đình tôi. Dần dần con bé ở nhà tôi luôn. Nó học cùng Hạnh, ăn cùng Hạnh, ngủ cùng Hạnh. Hai đứa ở trong phòng của Thiên Hạnh, đồ vợ tôi mua cho con gái cũng sẽ mua cho con bé. Ai mà không biết tưởng vợ tôi sinh đôi. Vợ tôi nói mình thật là may mắn. Thiên Hạnh có thêm một người cùng trò chuyện, em dường như có thêm một đứa con gái. Nhìn Thiên Hạnh ngày ngày vui vẻ, em thầm cảm ơn ông trời đã mang đến cho con bé những người yêu thương nó.

Bố mẹ vợ tôi đưa nhau đi du lịch thường xuyên. Thỉnh thoảng mới về nhà, khi đó chúng tôi sẽ đưa cháu lên thành phố chơi với ông bà. Chúng tôi cũng muốn đưa Thùy Linh lên thăm mẹ nhưng con bé không đi, nó nói lên gặp rồi về lại nhớ mẹ, mẹ cũng nhớ nó sẽ không nỡ xa nhau. Vợ tôi ôm lấy con bé an ủi. Cô cũng muốn đón mẹ con bé về trường chăm sóc các bé nội trú, như vậy còn bé vừa được gần mẹ vừa được gần Thiên Hạnh. Thực ra một đứa trẻ con nếu nói với nó quá nhiều có lẽ nó sẽ không hiểu được. Hơn nữa, nó chỉ nói hay viết thư cho mẹ kể về gia đình tôi thôi. Nên tôi bàn với vợ, hè mẹ nó về đón con, vợ tôi sẽ thuyết phục mẹ nó ở lại.

Mỗi lần lên thành phố, Thiên Hạnh sẽ được bác Nam Dư đưa đi siêu thị mua đồ. Lần nào nó cũng chỉ lo mua quà cho ông bà nội và Thùy Linh. Chả nhớ mua đồ cho mình. Con bé luôn như vậy, lúc nào cũng mong manh, yêu thương mọi người, đến đồ vật thôi, Thiên Hạnh cũng sợ làm chúng bị tổn thương. Bé chỉ có vài con gấu bông, đêm nào cũng ôm chúng ngủ. Bé nói nếu mua thêm những con gấu khác, giường của bé sẽ chật những em gấu không được nằm cùng sẽ bị lạnh. Có lần bé mải chơi để quên gấu ở phòng khách. Nửa đêm bé dạy khóc. Thùy Linh hỏi thì bé bảo gấu bị bỏ rơi ở ngoài sẽ lạnh, chắc sẽ buồn lắm. Làm con bé nửa đêm phải lén lút ra ngoài lấy gấu vào. Bị vấp ngã sưng trán. Cả đêm đấy Thiên Hạnh chỉ ngồi khóc vì thấy mình có lỗi với bé gấu và Thùy Linh. Vợ tôi và Thùy Linh phải dỗ dành mãi bé mới chịu ngủ. Ở nhà ông bà có thịt gà làm cỗ gì đó là phải đưa con bé đi chỗ khác. Nó không nỡ nhìn thấy bất kỳ một sự sát sinh nào trong cuộc sống. Vậy nên, mọi người cũng luôn che trở cho bé sợ bé sẽ bị tổn thương.

Anh Nam Dư được bà mai Tưởng Thanh nhà tôi tích cực đẩy thuyền nên cũng đã về chung một nhà với cô thư ký Quỳnh Anh. Lần gần nhất chúng tôi lên chơi, họ báo tin vui đã có thai được ba tháng. Ai cũng vui mừng vì sắp có thêm thành viên mới trong đại gia đình của chúng tôi.

Thiên Hạnh hỏi mẹ là sao mẹ không sinh em cho bé. Bé thấy nhiều bạn của bé đều đã có em hết rồi. Nên Thiên Hạnh thấy tủi thân vì mình chưa có em. Vợ tôi nói bé rằng nếu con thích em thì mẹ sẽ sinh em cho con.

Đêm đó vợ tôi nói với tôi rằng:

- Trước giờ em cữ nghĩ rằng, đôi mắt không thể tập trung nhìn về hai phía, nên em muốn dành trọn tình thương cho Thiên Hạnh, nhưng Thiên Hạnh nói rằng, nó sẽ cùng chúng ta dành tình yêu cho em bé nếu mẹ sinh em. Chứ không dành tình yêu của bố mẹ với em. Con của chúng ta ngày một lớn, ngày một hiểu chuyện.