Chương 22

Cơm nước xong xuôi, Lư Hủ múc một chén cá cho Tịch Nguyệt đem qua nhà Tam nãi nãi. Đợi Lư Chu ăn xong và dọn dẹp bàn ghế, y mới báo cáo chuyện bán ốc đồng cho Nguyên Mạn Nương nghe.

Nguyên Mạn Nương mở to mắt tròn xoe, Lư Chu đang lau bàn cũng ngừng tay.

"Nhiều tiền như vậy?"

“Nửa lượng này là khách trả dư, nếu bán năm văn một chén thì có lẽ là còn thiếu một ít.” Hôm qua Lư Hủ đã ước lượng đại khái, một vại khoảng 100 chén, hôm nay bán thêm được 43 chén, tổng cộng được 215 văn. Nếu tính một trăm chén được 500 văn, tức là nửa lạng, thì chỉ đủ để mua dầu, muối, gia vị.

Lư Hủ chậc lưỡi, trầm giọng nói: "Giá vẫn còn thấp quá."

Nguyên Mạn Nương vẫn chưa tiêu hóa xong "5 văn một chén", "bán hết rồi", "tổng cộng được 715 văn" và "con mua dầu, muối, gia vị tốn hết 500 văn". Nàng mua dầu muối gia vị cả năm còn chưa đến 500 văn!

Lư Hủ ném cho nàng thêm một quả bom nữa, “Ngày mai con định bắt thêm ốc đồng để ngày mốt đem lên huyện bán.”

Lỗ tai Nguyên Mạn Nương ù đi, run giọng nói: "Lên huyện?"

Lần gần đây nhất nàng lên huyện là năm ngoái để mua hàng hóa năm mới!

"Hủ Nhi, thức ăn trong huyện rất tinh xảo, liệu bọn họ có chịu ăn ốc đồng xào không?"

Lư Hủ quả quyết nói: "Ăn!"

Trước khi tôm hùm đất xào cay nổi tiếng cả nước thì chợ đêm nào mà không bán ốc xào? Người hiện đại bọn họ ăn uống tinh tế hơn người trong huyện gấp trăm lần, chẳng phải vẫn thích ăn ốc xào hay sao?

Nguyên Mạn Nương vẫn lo lắng, cứ luôn cảm thấy món ốc đồng quê mùa này không xứng bán ở huyện, "Đi thuyền đến huyện tốn 30 văn..."

“Cho nên con tính bán giá cao hơn.” Hai mắt Lư Hủ tỏa sáng, giọng điệu sặc mùi gian thương: “Bán 10 văn có hơi quá không?”

Nguyên Mạn Nương: "..."

Nguyên Mạn Nương thầm nghĩ, tuy rằng người trong huyện sẵn sàng tiêu tiền, nhưng bọn họ cũng không phải xem tiền như rác, sao có thể định giá cao như vậy!

Người gan chết vì no, kẻ hèn chết vì đói, Lư Hủ quyết định cứ bán trước đã, được hay không sẽ tính sau.

(*) Nguyên văn: 饿死胆大的吓死胆小的

Sáng hôm sau, y mang theo sọt dẫn Lư Chu ra sông.

Ven sông có rất nhiều ốc, từ bờ xuống nước trong vòng ba thước là những bụi thực vật thủy sinh rộng lớn, cá tôm ốc ẩn nấp đầy bên trong, nhưng bãi bồi sâu, Lư Hủ không dám để cho Lư Chu xuống sông.

“Không cho phép chơi ngoài bờ sông, trừ phi ta dẫn đệ đi, biết không?” Lư Hủ cởi giày cùng tất, xắn ống quần đi xuống.

“Dạ.” Lư Chu ở trên bờ, nhặt giày và tất của y bỏ vào sọt.

Chỗ nước cạn đến đùi, chỗ sâu đến eo, xuống sâu nữa thì qua ngực, cứ vài năm lại phải nạo vét sông mới đi được thuyền. Người trong thôn ai cũng quen thuộc với con sông nên không dám ra xa. Nước và cỏ dưới sông um tùm, rất có khả năng móc chân nên Lư Hủ chỉ tìm kiếm ở vùng nước nông gần bờ.

Đáy sông có phù sa, đứng lâu sẽ lún xuống, dưới bùn lại có đá, bước đến đâu cộm chân đến đó. Mấy vỏ hến nhỏ đã chìm xuống đáy chưa mục nát, tuy không cứa đứt chân nhưng dẫm vào vẫn có hơi khó chịu khiến Lư Hủ thật hoài niệm đôi giày xăng đan của mình.

Y thả chiếc giỏ sậy nhỏ xuống nước, bắt mấy con ốc từ đám thực vật dưới nước rồi ném vào trong, Lư Chu bên kia cũng đang nhặt những con ốc đồng bám vào đá trên bờ.

Hì hục cả buổi sáng bắt những con to nhất, hai anh em đã bắt được hơn phân nửa sọt.

Trong lúc bắt, Lư Hủ nhìn thấy rất nhiều tôm cá nhỏ, nhưng không có lưới thì không thể bắt được.

Lư Hủ bỏ ống quần xuống, đi giày, ném rổ vào trong sọt, cùng Lư Chu khiêng trở về.

Hôm nay bả vai của y đóng vảy cứng ngắc rồi, không muốn gánh nặng thêm nữa.

Lư Chu kiễng chân, dùng cả hai tay cố gắng hết sức để nắm mép sọt, tận lực để giữ sọt thăng bằng, giảm tải cho Lư Hủ.

Lúc này đây Lư Hủ cảm thấy người em trai này thật ra cũng không tồi.

Lư Huy và Lư Hiên kéo xe bán lương thực trở về, nhìn thấy hai anh em từ xa, Lư Huy liền bảo Lư Hiên kéo xe, còn mình thì chạy đến giúp Lư Hủ khiêng sọt.

Lư Hủ lập tức đuổi Lư Chu đi, "Được rồi, đệ về nhà múc nước rửa chân tay trước đi, nhớ kỳ cọ sạch sẽ đó."

Lư Chu ủy khuất, vẻ mặt buồn bực rời đi.

Bắt nạt em trai xong, tâm trạng Lư Hủ tốt lên hẳn, y hỏi Lư Huy: "Bán hết lương thực chưa?"