Chương 31

Ông ta cười nói: "Thiếu gia không biết đấy thôi, theo quy định thì chỉ có hiệu sách có thư hào mới được phép thuê học sinh chép sách, bởi vì sợ học sinh dốt nát sao chép sai lệch nội dung, gây nhầm lẫn cho người đọc. Nhưng toàn châu phủ của chúng ta chỉ có hai hiệu sách là có quyền sao chép, còn trong huyện thì không có. Huyện thành lớn như vậy, người đọc sách thì nhiều, ai cũng thiếu sách để đọc. Lão đây sống gần học viện mấy năm nay, được học sinh trong viện chiếu cố không ít, cũng có một số học sinh nghèo chép sách tìm lão đây để đổi bút mực. Lão đây biết bọn họ tài giỏi nhiều mặt, phẩm tính hơn người, khó lòng từ chối, cũng đổi cho bọn họ ít bút mực. Nhưng cũng chỉ dám thu một ít thoại bản mà thôi, tuyệt đối không bao giờ dám làm lẫn lộn người đọc sách trong thiên hạ!”

Lư Hủ nghe xong liền hiểu, không phải triều đình không cho chép sách mà người chép sách phải có tư cách, nếu không thì chép sai, làm ảnh hưởng đến người khác thì phải làm sao? Bởi vậy nếu muốn sao chép thì trước tiên phải vượt qua cuộc thi viện thí trở thành tú tài!

Nhưng nếu đã đỗ tú tài, được miễn thuế ruộng đất, thì còn ai thiếu tiền nữa chứ?

Nhưng nếu càng ngày càng ít người chép sách, chẳng phải sẽ xuất hiện khoảng cách hay sao? Huyện của bọn họ chỉ là một địa phương nhỏ, dân chúng không lên tiếng thì quan lại không điều tra, hiệu sách muốn kiếm tiền thì ngấm ngầm tìm học sinh sao chép. Dù sao thì chỉ cần không phạm sai lầm, ai biết có phải tú tài sao chép hay không? Loại chuyện này nói chung là có lợi cho người dân, quan phủ biết cũng mắt nhắm mắt mở làm ngơ cho qua.

Sau khi tiễn cậu nhóc còn mang vẻ mặt lơ ngơ khi vừa được phổ cập khoa học đi xong, Lư Hủ thậm thà thậm thụt nghiêng người lại gần hỏi chưởng quầy: “Nếu đệ đệ ta muốn sao chép một ít sách thánh hiền thì ta nhờ ông tìm người có nhu cầu được không?”

Chưởng quầy: "..."

Tiểu tử này quả nhiên thật là thông minh.

Ông ta chỉ đứng giữa hỗ trợ nên không tính là mua bán, không phạm pháp. Hai bên kia ngươi tình ta nguyện, một bên bằng lòng tặng sách, bên kia nhận xong tự nguyện đáp lễ chút quà mọn, cũng xem như không có quan hệ mua bán. Còn ông là người trung gian, cho dù hai bên có trả cho ông một ít tiền phí thì cũng hợp tình hợp lý mà thôi.

Chưởng quầy vuốt râu lẩm bẩm nói: "Có thể, nhưng có một số điều kiện."

Lư Hủ: "Nói đi."

Chưởng quầy nói: "Chữ viết phải rõ ràng, không nguệch ngoạc qua loa, không bị lỗi, trong vòng mười trang nếu có một hai lỗi sửa vẫn được, nhưng nếu sai nhiều thì sợ là không tìm được người chấp nhận.”

Lư Hủ: "Hiểu."

Chưởng quầy: "Cần dùng giấy và bút mực chỉ định."

Lư Hủ khó hiểu: "Không biết ngươi muốn giấy bút loại nào?"

Chưởng quầy bảo tiểu nhị mang tới, Lư Hủ nhìn qua một lượt, được rồi, cùng loại giấy như sách chính văn trên giá sách, làm giả cũng phải chuyên nghiệp như vậy!

Sao chép bằng giấy này rồi đóng thành quyển, sau đó để trên giá sách, ai có thể phân biệt thật giả được nữa?

Lư Hủ có chút khâm phục chưởng quầy. Trước kia y mua sách sợ mua phải bản lậu, hiện tại trước mặt y là người buôn bán sách lậu, không chỉ bán sách, còn thuê người làm.

Lư Hủ hỏi: “Giấy mực này có đắt không?”

Chưởng quầy cẩn thận đánh giá y, nhìn bộ quần áo y đang mặc là biết nhà y nghèo, nên nói thẳng luôn: “Nếu gia cảnh nhà huynh đệ hàng xóm cũng như nhà ngươi thì giấy mực này khó mua đấy.”

Lư Hủ: "..."

Thấy y có chút phiền muộn, hưởng quầy cười nói: "Lần sau ngươi tới nhớ mang một ít chữ viết của cậu ta cho ta xem, nếu như chữ đẹp, ta có thể cho ngươi mượn trước, sao chép xong sẽ khấu trừ tiền mua giấy mực.”

Còn có chuyện ngon ăn như vậy sao?

Nhưng nghĩ kỹ lại, nếu mua giấy trước, bọn học sinh nghèo muốn chép sách kiếm tiền có lẽ cũng không mua nổi!

Chưởng quầy muốn thuê người chép sách cho mình, đương nhiên phải tự mình bỏ ra số vốn ban đầu. Nhưng trước đây ông ta chỉ toàn tìm học sinh của học viện, chưa từng gặp Lư Hủ, mới nói vài câu mà đã sẵn lòng cho mượn giấy mực thì xem như cũng có vài phần thiện ý.

Loại giấy này không rẻ, nếu y cầm giấy chạy, chưởng quầy cũng không biết đi đâu tìm được y.

Lư Hủ trịnh trọng cảm ơn, hứa lần sau sẽ mang chữ mẫu đến. Y không đủ tiền mua sách nên sang vách bên cạnh nhờ tiểu nhị chọn một cây bút lông thỏ có chất lượng tương đối.

Bút của Nhan Quân Tề đều bị tòe đầu thì sao có thể viết được chữ đẹp? Muốn chẻ củi phải mài đao, đầu tư một cây bút nhỏ thôi thì y vẫn trả nổi tiền.

Lư Hủ bỏ bút trong túi rời khỏi hiệu sách, lúc đi ngang qua tiệm bánh Tô Ký, y đứng bên ngoài hồi lâu, ngửi thấy mùi bánh ngọt ngào ngạt bên trong nhưng cuối cùng vẫn bước đi.

Trong nhà vẫn còn nợ nần, đất cũng chưa mua lại, anh trai như y không đủ tiền mua trái cây và bánh ngọt.

Trời còn sớm, trong sọt Lư Hủ trống rỗng, y muốn tiết kiệm mười lăm xu nên thay vì đi thuyền, y vác sọt đi bộ trở về.

Trong trí nhớ của nguyên thân Lư Hủ, trước kia y đến huyện học nghề cũng đi đường bộ.

Từ huyện thành đến thôn Lư Gia thì gần hơn so với trấn Uống Mã, nhưng phải đi đường vòng qua núi. Sau khi đi bộ khoảng 3, 4 giờ, qua hai ngôi làng nhỏ là sẽ đến thôn Lư gia.

Mùa hè trời tối muộn, đường bộ cũng không quá khó đi, Lư Hủ hạ quyết tâm, cõng cái sọt ra khỏi thành.

Lúc đi quay lưng về phía mặt trời, khi trở về cũng quay lưng về phía mặt trời, không có điện thoại di động, không có đồng hồ đeo tay, Lư Hủ cũng không biết mình đã đi bao lâu, thấy mệt thì tìm tảng đá nghỉ chân một chút rồi lại đi tiếp. Đi đến khi mặt trời đã lặn đằng tây cũng không biết còn lại bao xa.

Con đường nhỏ trong núi nhiều năm đã có người qua lại, từ huyện thành trở về, con đường càng lúc càng hẹp, chỗ rộng nhất chỉ hơn một mét, chỗ hẹp chưa đến một mét, mặt đất đầy cát, sỏi và cỏ dại.

Đầu mùa hè, quần áo Lư Hủ ướt đẫm mồ hôi.

Chốn hoang vu đồng không mông quạnh không người, núi non xanh tươi, phía tây bắc của bọn họ núi non trùng điệp, dõi mắt nhìn về nơi xa, núi non tầng tầng lớp lớp như tranh thủy mặc. Lư Hủ ngồi ở ven đường lau mồ hôi trên đầu, xoa xoa hai chân vừa sưng vừa đau, thở dài nói: "Đẹp vậy mà đáng tiếc không có điện thoại di động!"

Đợi bớt mồ hôi, Lư Hủ lại tiếp tục đi bộ. Một mình đi bộ trong núi cảm thấy quả thực quá tĩnh mịch, y bèn cất giọng hát lớn: "Một ngày tiết kiệm mười lăm, mười ngày là một trăm năm mươi, hơn một trăm ngày là hơn một ngàn —— đường về nhà —— ôi thật cô đơn!"

Tiếng gào rú làm cả đàn chim giật mình bay tứ tán

Lư Hủ cười lớn, vui quá hóa buồn, thiếu chút nữa là bị sặc nước miếng của chính mình, y vịn hòn đá ven đường ho khan thì chợt nhìn thấy mấy quả màu đỏ tím rơi trong bụi cỏ.

Lư Hủ cúi người nhặt lên, đây chẳng phải là quả dâu buổi sáng y muốn ăn mà không mua được sao?! Y ngẩng đầu nhìn lên, trên vách núi cao hai mét ngay trên đầu y có hai cây dâu mọc xiêu vẹo!

Tác giả có lời muốn nói:

Lư Hủ: Không mua nổi điểm tâm, lại còn tiếc tiền ngồi thuyền, thật đau lòng!