Chương 30

Trước tiên Lư Hủ đi tới cửa hàng tạp hóa Lưu Kí, bên trong có hai người phụ nữ đang mua kim chỉ. Lư Hủ liền đứng cách xa một chút để quan sát bên trong cửa hàng tạp hóa bán những món gì.

Có bốn loại đường phổ biến, nguyên khối trắng, mảnh vụn trắng, nguyên khối vàng và mảnh vụn vàng. Trong thị trấn của họ chỉ bán loại đường vàng, ngày lễ tết đến thăm người thân thì mua nguyên khối để tặng, còn bản thân thì chỉ mua loại mảnh vụn. Loại mà Nhan Quân Tề mua cho Văn Trinh chính là loại mảnh vụn.

Trong cửa hàng tạp hóa còn có mấy khối rất giống đường phèn được nhuộm màu, không biết có trộn với nước hoa quả hay không, chẳng lẽ đây là kẹo hoa quả?

Ngoài ra, ở đây còn có nước tương và trà dấm, mỗi món chia thành nhiều loại khác nhau nhưng không ghi giá.

Trong cửa hàng tạp hóa cũng bán một số đặc sản địa phương, Lư Hủ nhìn thấy rong biển khô, tảo tía, mộc nhĩ, nấm hương, hạt sen, cẩu kỷ, táo đỏ, thậm chí còn có long nhãn thì hết sức ngạc nhiên!

Trứng thì có các loại trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng.

Có thể nói là khá đầy đủ!

Còn lại là các loại ngũ cốc linh tinh, nhu yếu phẩm hàng ngày và đồ may vá. Muối thì phải mua tại các cửa hàng muối do quan doanh điều hành. Những loại lương thực chính chỉ được bán ở những cửa hàng lương thực đặc biệt.

Cửa hàng tạp hóa còn có xoong nồi, quạt chổi, đèn dầu nến, đèn l*иg và tranh vẽ, nói chung cái gì cần có thì có hết! Trong góc còn có một số băng ghế nhỏ chất đống lên nhau.

Có thể nói, chim sẻ tuy nhỏ nhưng đầy đủ nội tạng!

Hai người phụ nữ chọn mua chỉ phàn nàn với chưởng quầy: “Sao mới mấy ngày mà giá lại tăng lên vậy?”.

Chưởng quầy: "Ngài lấy lương thực đổi thì vẫn tính giá gốc."

Hai người kia lẩm bẩm: “Lương thực cũng mắc!”.

Chưởng quầy: "Cũng không hẳn, tùy ngày thôi. Nếu không thì ngài lấy bạc đổi cũng được, vẫn tính giá gốc."

"Mua kim chỉ thôi mà dùng bạc làm gì!"

Hai người chọn xong kim chỉ rồi thanh toán tiền, hậm hực ra về.

Vật giá tăng, đồng tiền cũng theo đó mà giảm giá, quan lại quy định một lạng bạc đổi được một ngàn văn, nhưng một ngàn văn lại không đổi được một lạng bạc. Lư Hủ đổi bạc vụn với những con bạc ở quán mì với tỉ giá 1200 văn lấy một lạng bạc, đau lòng chết mất thôi!

Nhưng nếu không đổi thì mang trên người quá nặng. Có lẽ chỉ cần để yên vài ngày là có thể lấy 1300 văn đổi một lạng bạc.

Lư Hủ nhân cơ hội hỏi: "Hiện giờ một lạng bạc có thể đổi được bao nhiêu văn?"

Chưởng quầy lắc đầu, "Ta không chắc nữa, ít nhất là 1300 đấy."

Lư Hủ cạn lời.

Chưởng quầy: "Ngươi muốn mua gì?"

Lư Hủ: "Ta mua kẹo cho đám tiểu hài tử trong nhà."

Chưởng quầy: "Vậy ngươi mua loại mảnh vụn đi, giá hời đấy. Đường trắng 60 văn, đường nâu 45 văn."

Vẫn còn khá đắt, nhưng so với thị trấn của họ thì rẻ hơn 5 văn.

Lư Hủ hỏi: "Còn đường màu này bán thế nào?"

Chưởng quầy: "Món mới từ miền nam ấy mà, nước pha với nước trái cây, đường cũng ngọt, dễ ăn lắm! Ở đây ta bán rẻ thôi, 1 cân nửa lượng.”

Lư Hủ xấu hổ, y không mua nổi kẹo trái cây!

Lư Hủ lại hỏi thêm về giá của hàng khô và các loại ngũ cốc, cuối cùng mua đường và một gói rong biển. Rong biển không cân mà bán theo gói, một gói chỉ 30 văn, dùng được rất lâu! Nấu canh trứng rong biển, bốn bỏ lên năm xem như là được ăn hải sản!

Lúc Lư Hủ trả tiền, thấy đống chỉ màu trước quầy thì sực nhớ mẹ của Nhan Quân Tề cũng thêu thùa nên nhìn kỹ hơn, mới phát hiện ở đây bán chỉ màu còn đa dạng phong phú hơn so với trấn của họ.

Chưởng quầy đưa gói đường cho y rồi khoe khoang: "Muốn mua chỉ thì đến nhà chúng ta mua, ở Quan Dương chỉ có nhà chúng ta là đầy đủ nhất, thợ thêu giỏi trong huyện đều mua ở đây, còn phong phú hơn cả mấy cửa hàng vải nữa."

Lư Hủ hỏi ra thì biết giá cả cũng ngang ngửa như ở thị trấn, không chênh lệch là mấy, vì vậy y cảm ơn rồi đi đến phố tây.

Qua huyện nha, lượng người đi bộ trên đường giảm đi rõ rệt, cũng có nhà giàu mang theo kiệu đi mua sắm. Lư Hủ thủng thỉnh đi dạo trên phố, trước tiên bước vào hiệu sách.

Hiệu sách này được chia làm hai bên, một bên bán giấy, mực, bút mực, còn bên kia bán sách, hai bên chung một nhà, nhìn tổng thể thì khá đầy đủ so với trấn bọn họ.

Lư Hủ lật vài trang sách, phát hiện một nửa đều là in ấn và sao chép, in ấn đắt hơn nhiều so với sao chép, gần gấp đôi giá.

Về phần viết cái gì thì y hoàn toàn không hiểu, chữ chen chúc dày đặc đọc mà đau hết cả đầu, nội dung đại khái cũng giống như Tứ Thư Ngũ Kinh hay sách dạy hiền nhân gì gì đó.

Có một thư sinh bộ dáng nhóc con choai choai cầm quạt đi vào, vừa vào cửa liền hỏi: “Đã có 《 ngộ tiên ký 》chưa?"

“Có rồi, có rồi ạ.” Tiểu nhị nhanh nhẹn lấy hai quyển sách từ trên kệ xuống, “Có cả bản in và bản chép tay, thiếu gia muốn bản nào?”

Vị tiểu thiếu gia kia nhìn cũng chẳng thèm nhìn, trả lời dứt khoát: "In!"

Tiểu nhị: "Dạ, bản in 600 văn, để ta lấy cho ngài cuốn mới."

Tên nhóc kia thậm chí không buồn chớp mắt, thẳng tay móc bạc vụn ra.

Lư Hủ trợn mắt.

Một cuốn sách mỏng dính như vậy mà 600 văn!

Đợi lúc tiểu nhị đang đóng gói sách, Lư Hủ tranh thủ hỏi tên nhóc kia: “Bản chép tay rẻ hơn một nửa, sao ngài lại không mua?”

Tên nhóc nhìn y, có chút khó hiểu, nhưng vẫn đáp: "Sao chép hay bị lỗi lắm, ngươi cũng đọc sách à? Ngươi học ở học viện nào? Sao ta chưa gặp qua ngươi?"

Ra là vậy! Lư Hủ cười trả lời: "Không phải ta đọc sách mà là đệ đệ hàng xóm nhà ta cơ, cậu ta thi đậu đồng sinh rồi, hiện giờ đang chuẩn bị thi tú tài!"

Tên nhóc kia cũng là kiểu người hoạt bát nói nhiều, nghe y nói vậy liền thắc mắc: "Đã đỗ đồng sinh vì sao không đến học viện chúng ta?"

Lư Hủ: "Học viện của các ngươi?"

Cậu nhóc tỏ vẻ tự hào: “Đúng vậy, nó nằm ở phía bắc của phố tây, cách đây hai con phố, sân lớn nhất là học viện của chúng ta đó. Phu tử của chúng ta xuất thân là cử nhân, hầu như tất cả những người đã khảo qua viện thí trong huyện đều đã từng học trong học viện của chúng ta."

Lư Hủ nghe xong liền hiểu ngay, trường trọng điểm đây mà! Lại còn có thầy giáo nổi tiếng!

Y hỏi, "Quà nhập học bao nhiêu tiền?"

Cậu nhóc: “Năm lượng một năm”.

Đắt vãi cả nồi!

Lư Hủ liền nói thẳng: “Nhà cậu ta nghèo, ngày thường còn phải tiết kiệm bút mực.”

Cậu nhóc tỏ vẻ cảm thông, “Vậy à.”

Cậu nhóc suy nghĩ một chút rồi đưa ra ý kiến cho Lư Hủ, "Ngươi kêu hắn chép sách đi, ta thấy học sinh nghèo đều chép sách để đổi lấy bút mực."

Lư Hủ chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, nhưng y không ngại hỏi: "Nghe nói chỉ có hiệu sách có giấy phép mới có thể tìm người sao chép?"

Cậu nhóc: "Ủa thế à?"

Cậu ta cũng ngơ ngác nhìn ông chủ hiệu sách, trên mặt chưởng quầy lộ ra vẻ ngượng ngùng.