Chương 42: Mua Cá

Khương Niệm dọn gạo thóc đã mua vào nhà, cất chứa, vừa ra ngoài đã nhìn thấy Đậu Giá lấy bánh bao trong gói giấy dầu ra chuẩn bị ăn, bánh bao đã nguội lạnh, dầu mỡ ăn vào sẽ bị tiêu chảy.

“Không được ăn.”

Đậu Giá sợ tới mức rụt tay trở về, sợ hãi nhìn Khương Niệm: “Nương…”

“Hôm nay con không nghe lời, việc đã hứa với nương lại không có làm được. Nương cần phải phạt con.” Khương Niệm để bánh bao lên chỗ cao: “Đi úp mặt vào tường.”

“Nương, con mệt mỏi quá.” Đậu Giá bắt đầu làm nũng: “Đôi chân nhỏ của con đau quá.”

“Đau cũng phải bị phạt đứng.” Giọng nói của Đậu Giá vô cùng mềm mại, mang theo vẻ ngây thơ của một đứa bé, đáng yêu không chịu nổi. Nhưng chuyện hôm nay thực sự đã dọa Khương Niệm sợ, cho nên nàng cần phải phạt cho cô bé ghi nhớ, miễn cho sau này bị người khác nói ba câu đã dỗ đi rồi: “Hôm nay con không nghe lời gì cả, trộm chạy đi, nếu thúc thúc kia là người xấu rồi bắt con đi bán thì nương biết chạy đi đâu tìm con hả?”

Trong tâm hồn của trẻ con rất sạch sẽ, rất dễ dàng cảm nhận được người khác có ý xấu với mình hay không: “Thúc thúc đẹp trai không xấu.”

Khương Niệm nghe nữ nhi còn nói chuyện thay đối phương, bực mình không thôi: “Sao con biết hắn tốt? Lỡ như hắn lừa con thì sao?”

Đậu giá cũng nói không rõ, dù sao cô bé cảm thấy thúc thúc đẹp trai không phải người xấu.

Khương Niệm mặc kệ: “Đi đến ven tường đứng phạt, nếu không con vẫn luôn không ghi nhớ”

Đậu Giá có chút sợ nương tức giận, ngoan ngoãn đi đến ven tường, tủi thân hỏi: “Nương, phải đứng bao lâu ạ?”

Khương Niệm nói: “Đến khi nào nương làm xong một bữa cơm.”

Đậu Giá vừa nghe vậy, gương mặt sầu khổ, nương nấu cơm rất lâu, rất lâu. Chờ cô bé đứng xong rồi thì chân của cô bé chắc chắn sẽ rất đau, rất đau.



Lúc này ngoài sân truyền đến tiếng đập cửa, Khương Niệm đi mở cửa, là Lý Tú Nga.

“Tú Nga tẩu tử? Cô tìm tôi có chuyện gì sao?”

Lý Tú Nga nói: “Khương nương tử, không phải lúc trước cô nói nếu còn có cá thì nói với cô một tiếng sao? Hôm nay cha chồng của tôi câu được mấy con cá trong sông, cô có muốn nhìn thử một chút không?”

Khương Niệm thích ăn cá. Cho nên lúc trước nàng có nói với Lý Tú Nga là nếu lại câu được cá thì có thể bán cho nàng: “Được, cô vào đi.”

Lý Tú Nga đi vào sân thì thấy Đậu Giá đang đứng úp mặt vào tường: “Đây là xảy ra chuyện gì?”

“Phạm lỗi, tôi đang phạt nó”. Khương Niệm nhìn hai con cá trắm cỏ lớn được Lý Tú Nga xách tới: “Cá này lớn thật đấy, tay nghề câu cá của Hứa đại gia thật tốt.”

“Lúc không có việc gì cha chồng tôi thường thích đi câu cá.” Lý Tú Nga cười nói: “Vốn định cầm đi huyện thành bán, nhưng nghĩ hôm nay không phải ngày họp chợ. Cho nên tôi đến đây hỏi Khương nương tử một câu”

Nước sông thôn Thanh Hà rất sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Cá bên trong có có hương vị rất tươi ngon, Khương Niệm nhìn cá còn sống, gật đầu: “Tôi lấy cả hai con cá này.”

“Bao nhiêu tiền?”

Lý Tú Nga nói: “Khương nương tử cho mười văn một con là được.”

Xung quanh huyện Trường Dương có khá nhiều sông. Tài nguyên ngư nghiệp tương đối phong phú, giá cả cũng rất rẻ, bình thường là năm văn tiền một cân, giống như hai con cá Lý Tú Nga đưa tới, chắc cũng được chừng ba, bốn cân, nếu cầm đi huyện thành bán thì có thể bán được mười lăm văn.

Khương Niệm nói: “Như vậy có phải tôi chiếm lợi không?”