Chương 17

Cô mím môi nói: "Không, không, không cần đâu dì ạ, nằm trên kháng thì một cái chăn cũng đủ rồi ạ, không sao đâu, cháu cũng có mang theo chăn mà."

Da Lâm Thư trắng nõn, mặt chỉ hơi ửng đỏ lên cũng không giấu được.

Dì Hồ còn cho rằng cô đang xấu hổ nên cũng không ép cô, chỉ quay sang nói chuyện với con dâu Chu Tú Hồng, bảo cô ấy về nhà lấy thêm hai cái chăn cùng với một ít vật dụng hàng ngày mang đến đây, lần này Lâm Thư không từ chối ý tốt của bà nữa, chỉ lặng lẽ ghi nhớ ở trong lòng mà thôi.

Sắp xếp đồ đạc xong, dì Hồ bảo Lâm Thư về nhà mình cùng ăn cơm.

Lâm Thư đồng ý, lấy ra hai túi sữa bột, hai túi đường đỏ và một túi kẹo sữa lớn từ trong ba lô rồi đi đến nhà họ Lương.

Nhà họ Lương cũng không có nhiều người, vợ chồng ông Lương và Hồ Anh Chi cũng chỉ có hai đứa con trai.

Con trai lớn là Lương Tiến Lập, là đội trưởng đội sản xuất của thôn, vợ là Chu Tú Hồng, con gái nhà họ Chu ở công xã Thạch Than bên cạnh, hai người có hai đứa con trai, chính là Trụ Tử và Thạch Đầu mà dì Hồ đã nói, một đứa mười tuổi một đứa tám tuổi.

Con trai thứ hai là Lương Tiến Tích, cũng chính là "người yêu" mà Lâm Thư còn chưa từng gặp bao giờ, hiện tại đang đi bộ đội.

Người nhà họ Lương đều thật thà chân chất.

Dì Hồ thì xởi lởi hiếu khách, ông Lương trước kia là đại đội trưởng của đại đội Thanh Hà, vừa mới về hưu được mấy năm, tính tình trầm lặng và nghiêm túc, làm việc gì cũng nề nếp đâu ra đó, còn Chu Tú Hồng thì hiền lành đôn hậu.

Trụ Tử và Thạch Đầu ngoan ngoãn hiếu động, dù cuộc sống của người dân trong thôn này phần lớn đều không dư dả là bao, nhưng lại rất đầm ấm hạnh phúc.

Bọn họ cực kì nhiệt tình với Lâm Thư.

Nói thật, ông bà Lương cũng rầu thúi ruột vì chuyện cưới xin của thằng con thứ hai đã lâu.

Lương Tiến Tích năm nay cũng đã hai mươi sáu tuổi rồi, không còn nhỏ nữa.

Ở trong thôn, người bằng tuổi anh ai mà chẳng có con cái đề huề chứ?

Thế mà đến cả người yêu anh cũng chưa có.

Mấy năm trước anh vẫn còn ở trường quân đội, còn đang đi học, tuy rằng bọn họ cũng sốt ruột, nhưng cũng không dám sắp xếp bậy bạ, bây giờ anh tốt nghiệp cũng đã được hai năm rồi, thế mà vẫn không có tí tin tức nào, mỗi lần gọi điện thoại hỏi thăm, anh đều đáp lại: "Ba mẹ không cần lo lắng đâu, con tự tính toán của mình.", tính toán mấy năm trời rồi mà đến cái bóng của người ta còn chưa thấy đâu, có thể không lo lắng được sao?

Cho nên dì Hồ với ông Lương đều tính nếu như đến Tết năm nay mà anh còn không mang người yêu về ra mắt nữa, thì sẽ lôi anh đi xem mắt, chọn luôn cho anh một cô vợ.

Ai mà ngờ tự nhiên lại lòi ra một cô người yêu thế này?!

Đã thế lại còn là người quen nữa chứ.

Là cháu gái nhà cô họ, lúc bé họ còn từng bế cô nữa, đúng là duyên phận mà!

Lúc trước dì Hồ cũng sợ thằng con mình lấy con gái thành phố, người ta sẽ khinh thường đám nhà quê như bọn họ, chuyện này cũng chẳng hiếm, chẳng phải đâu xa, như Đông Thăng trong thôn đi làm công nhân trên huyện, cưới một cô gái thành phố, cô ta còn đuổi cả mẹ chồng ra khỏi nhà!

Nhưng dì Hồ đã nói chuyện với Lâm Thư cả buổi chiều, càng nhìn lại càng thấy thích cô!

Điều kiện gia đình tốt, lại còn xinh đẹp, không hề tỏ ra mình là gái thành phố nên giỏ thói đỏng đảnh, xuống nông thôn, thấy điều kiện ký túc xá của thanh niên trí thức tệ như vậy mà cô cũng không hề tỏ vẻ khó chịu, lúc quét dọn thì có vẻ lọng cọng, nhưng cô vẫn nghiêm túc quét dọn, cũng không hề tỏ ra ghét bỏ hay kiêu căng ngạo mạn với người khác, ngược lại còn rất đỗi cởi mở và chân thành.

Hơn nữa ánh mắt cô cũng rất điềm tĩnh, cái này không thể giả vờ được.

Dì Hồ cũng nhìn ra được điều này.

Cô bé này được nuôi dạy rất tốt.

À mà đương nhiên là phải tốt rồi, đâu phải bà không quen biết gì ông bà cha mẹ của cô bé này, ai mà không nhiệt tình và thành thật cơ chứ?

Dì Hồ cực kỳ vui mừng.

Nhưng trái ngược với tâm trạng hồ hởi của dì Hồ, Lâm Thư lại rầu thúi ruột.