Chương 4: Kiếp Trước 1

Mẹ của cô còn không có sữa, đến mức thiếu chút nữa không nuôi nổi Tiểu Vũ, cho dù sau cùng sống tiếp được cũng ốm yếu từ nhỏ, thi thoảng lại bị bệnh.

Trong nhà có hai người ốm đau, cuộc sống nhà bọn họ sao có thể tốt hơn được?

Lúc mẹ của cô sinh Tiểu Vũ, anh trai cô vừa mới vào làm ở công xưởng trên công xã, bởi vì anh cô làm việc trong xưởng nên trong nhà dư dả một chút, chị cô có thể lên trấn học cấp hai, mà cô đang học năm tư tiểu học.

Anh trai và chị gái cô đều không ở nhà, chuyện trong ngoài nhà đều cần cô gánh vác, mẹ cô và Tiểu Vũ vừa ra đời cũng cần đến cô chăm sóc, hai năm cuối tiểu học, cộng lại cô chưa học được một tháng.

Khi đó vốn dĩ rất ít người có thể học lên cấp hai, cô đương nhiên không có cơ hội học lên.

Có thể nói Tiểu Vũ là do một tay cô nuôi nấng, đối với cô mà nói, Tiểu Vũ không khác gì con cô.

Có thể nghĩ đến về sau Tiểu Vũ mất tích, bặt vô âm tín, cô đau thấu tim gan đến mức nào.

Tóm lại, sau khi sinh Tiểu Vũ, bởi vì muốn chữa bệnh cho mẹ cô, mặc dù anh cả cô đi làm ở lò ngói công xã, nhà bọn họ vẫn rất nghèo như cũ.

Cô cần tiền, cô muốn có cuộc sống tốt hơn, ngay khi 16 tuổi, mặt dày mày dạn đến nhà máy làm ghế sofa trong đại đội giúp đỡ miễn phí, giúp đỡ giúp đỡ… cô trở thành một công nhân trong nhà máy làm ghế sofa.

Mà năm nay chính là năm 1987, bởi vì trong nhà không có tiền, anh trai cô chia tay với người yêu đầu của mình, chị hai cô vừa gả cho anh rể có IQ không cao, mà cô cùng với người chồng kiếp trước Tạ Tổ Căn cũng đã có tiếp xúc.

Cái tên “Tổ Căn” này đủ nhìn ra được Tạ Tổ Căn được trong nhà coi trọng bao nhiêu.

Quả thực, cha Tạ Tổ Căn là con trai độc đinh, Tạ Tổ Căn lại là đứa con trai độc đinh mà cha anh ta đến tận năm 30 mới có, ở nhà nhận hết cưng chiều.

Người trong thôn đều nói, sau khi gả cho Tạ Tổ Căn, cứ chờ hưởng phúc là được.



Cô gả.

Cha Tạ Tổ Căn là kế toán của lò ngói công xã, Tạ Tổ Căn cũng được sắp xếp vào đội vận chuyển của lò ngói công xã, xét về điều kiện gia đình, cô kém xa Tạ Tổ Căn, cô có thể gả cho Tạ Tổ Căn, hoàn toàn là vì điều kiện bản thân Tạ Tổ Căn không được tốt cho lắm.

Tạ Tổ Căn béo núc béo ních, còn cực kỳ lười.

Những chuyện này cô đều có thể chấp nhận được.

Sau khi kết hôn, Tạ Tổ Căn không thích làm việc, cô bèn làm nhiều việc một chút, hai người chung sống cũng khá hài hòa.

Cuối năm 1989, sau khi cô sinh con trai, ngay cả mẹ chồng vốn luôn soi mói ghét bỏ cô cũng đối xử với cô tốt hơn.

Chớp mắt một cái đã đến thập niên 90, xung quanh cô bắt đầu phát sinh biến hóa nghiêng trời lệch đất.

Lại thêm có đứa nhỏ…

Cô thề nhất định phải kiếm nhiều tiền để con mình muốn cái gì thì có cái đó, đừng giống như cô lúc nhỏ sống quá vất vả.

Nhà máy ghế sofa trong thôn gần như đóng cửa không phát được tiền lương, cô tìm một nhà máy sản xuất sợi hóa học có tiền lương cao làm ba ca, thời gian còn lại lên trấn bày quầy bán hàng, bán măng, bán cá.

Cô không kiếm lời được nhiều, nhưng đến năm 1993, cô cũng đã để dành được hơn một vạn.

Cô nghĩ chỉ cần mình đủ nỗ lực, cuộc sống của cô nhất định sẽ càng ngày càng tốt hơn, cô còn nghĩ đến chuyện đưa con mình lên thị trấn, đến huyện thành đọc sách.