Chương 18

1

21 giờ ngày 6 tháng 8, Thượng Đức đang vô cùng căng thẳng thì Hùng nhận được điện của Ngô Qụang Trưởng. Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật cho biết lực lượng cứu viện có thể đến trễ, cố mà giữ bằng được thế trận hiện tại. Đương nhiên, không cần những lời động viên vuốt tóc vuốt má ấy, Hùng cũng biết rằng không thể để Cộng quân chiếm Thượng Đức dễ dàng. Điều đáng nói là phải giữ thế trận bằng cách nào. Y đang vò đầu bóp trán tìm phương án thì tiếng súng tấn công của Cộng quân I khu Bảo an đột ngột yên ắng. Hướng tây, phía Tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng, Lầu điện cho Hùng: Địch đã bị chặn lại ở tuyến lô cốt thứ hai... ở khu vực y đảm nhiệm, Biệt động quân và quân đội Bắc Việt đều tổn thất nặng. Như vậy, việc tạm dừng tấn công của Việt cộng có thể hiểu là chúng cũng mệt mỏi lắm rồi, thiếu người, thiếu súng đạn lắm rồi. Muốn cũng không thể làm gì được hơn. Ơn trời! Nếu chúng biết quân của Hùng cũng đang ở tình trạng sống dở chết dở mà cố lên chút nữa, không biết tình thế sẽ ra sao? Địch dừng lại để cũng cố, mình có thời gian tranh thủ bố phòng.

Y báo cho Lầu, cho Tín về trung tâm. Trong khi chờ đợi, y gọi điện thoại về sở chỉ huy Quân đoàn 1, xin gặp Ngô Quang Trưởng với ý định khoe khoang vớì tư lệnh chút ít, nhưng từ đằng kia đầu dây, gã sĩ quan tham mưu chó chết nào đó cứ gầm lên:

- Có gì anh nói qua chúng tôì. Tư lệnh đâu phải lúc nào muốn gặp là được.

- Biết thế, nhưng việc khẩn thiết, muốn tư lệnh nắm thêm tình hình.

- Anh coi thường chúng tôi quá đó.

“Mẹ kiếp, lúc này mà còn lý sự với nhau nữa chớ” Hùng nghĩ nhưng vẫn cố kìm nén:

- Vậy anh giải quyết đi. Cho cứu viện ngay nếu không Thượng Đức chẳng còn giữ được mấy chốc.

- Thế sao mới hôm qua anh bảo Cộng quân sẽ không làm gì được...

- Không làm gì được với điều kiện quân đoàn chi viện tối đa. Ủa! Các anh không biết sao? Chúng tôi đã cầm cự được đến gần chục ngày nay rồi còn gì. Các ông giữ xe tăng để làm gì mà không cho xuất kích chớ? Máy bay nữa? Biến ở đâu cả. Lúc không cần thì bay rầm trời, còn khi cần lại chuồn đâu sạch.

Gã tham mưu bên kia hình như cũng không chịu nổi cái giọng xúc phạm của Hùng, cáu kỉnh:

- Anh cứ nằm trong cái chi khu quận lỵ đã bị Cộng quân quây kín ấy thì còn biết gì? Bao nhiêu là xe tăng thiết giáp từ Đà Nẵng, từ Ái Nghĩa ầm ầm lên đó giải toả, anh biết không? Bao nhiêu chiếc không về nữa, anh biết không? Bao nhiêu binh sĩ đi cứu các anh đã bỏ mạng, anh biết không? Máy bay à? Không có máy bay oanh tạc từ bữa Cộng quân tấn công đến giờ, cái Thượng Đức của các anh đã thành toa lét của Việt cộng anh nghe chửa? Sáng nay, anh không thấy một chiếc A37 bị cao xạ Việt cộng bắn rơi ngay trong hàng rào hướng tây bắc đó sao?

- Có, sao lại không biết. Một chiếc máy bay chở bom. Sự hy sinh ấy là rất cần thiết. Phải phong anh dũng bội tinh cho phi công lái chiếc máy bay đó. Nghe đâu cả một đại đội Việt cộng đã chết khi chiếc máy bay rơi xuống. Đấy, các anh cứ huy động thật nhiều những chiếc máy bay như thế lao thẳng vào các vị trí của địch quân xem thử...

- Trung tá quận trưởng ơi! Xe tăng, máy bay không phải đưa ra đó để Cộng quân tiêu diệt. Quân lực Việt Nam cộng hoà cũng không thể vì cái chi khu quận ly của trung tá mà đổ của đổ người một cách vô tội vạ. Còn phải nhìn đến các nơi khác, và còn phải tính đến đại cục chớ!

Hùng gác máy vì thấy Lầu và Tín bước vào phòng chỉ huy. Mặt Hùng còn tím tái vì quá giận cái lão cán bộ tham mưu khỉ gió ở đằng kia đầu dây. Hùng phải dịu giọng và chuyển cách nói sang gam khác để Lầu và Tín không biết có cuộc đối thoại quá căng thẳng giữa Hùng với quân đoàn. Họ mà cũng được nghe những cú điện thoại như thế chắc bỏ cuộc từ lâu rồi.

- Thế nào? Quân đoàn định biếu tặng “mắt ngọc” cho Cộng sản chăng? - Lầu hỏi khi Hùng vừa buông máy.

- Quân đoàn cũng đang gặp khó. Cộng quân giăng khắp nơi, tấn công khắp nơi. Quân lực Việt Nam cộng hòa không thể tập trung hết vào Thượng Đức. Tướng Ngô Quang Trưởng nói sẽ chi viện tối đa, nhưng có thể chậm. Thôi, đó là việc của trên, quyết định có giữ được Thượng Đức hay không vẫn thuộc về chúng ta thôi.

- Nói vậy chó cũng nói được. Trung tá quận trưởng gọi thẳng cho ông Ngô Quang Trưởng ấy. Không giữ lấy cái “cánh cửa thép” này, đường sẽ mở thông thống cho Việt cộng vào Đà Nẵng. Lúc đó đừng có trách.

- Ai cũng biết như thế rồi. Khỏi nói, Cộng quân cũng hiểu vậy nên có chịu rút đâu. Thiếu tá Nguyễn Trung Tín, quận phó được Hùng phái tăng cường xuống chỉ huy ở khu Bảo an vẻ mặt bơ phờ, giọng chán nản.

Tín không nói ra nhưng y có cảm giác ông Trưởng chớ bố ông Trưởng cũng chẳng làm gì được. Phía tiểu đoàn Biệt động quân của Lầu ra sao, Tín không biết nhưng bên tiểu đoàn Bảo an, tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó đều “tịch” cả rồi. Việt cộng đã đánh đến gần khu trung tâm. Không hiểu sao lại dừng? Họ dấn lên chút nữa là đi đứt. Có lẽ vụ chiếc máy bay A37 chở bom sáng nay rơi có gây thương vong nặng cho họ, buộc họ phải dừng lại giải quyết hệu quả chăng?

- Ông quận phó nói vậy nghĩa là sao ta? - Giọng Lầu oang oang - Không còn cách chi ngăn cản được Cộng sản phải không? Mẹ kiếp, vậy mắc chi ta còn cứ nhịn đói, nhịn khát ở đây chớ? Mắc chi cứ đánh, cứ hy sinh tùm lum chớ?

Lầu quắc mắt nhìn Hùng như buộc quận trưởng phải trả lời câu hỏi của y. Hùng vẫn tỏ ra điểm tĩnh, gắng giữ nét mặt thanh thản tự nhiên. Bằng các biểu hiện đó, bằng sự gắng gỏi chống chọi vết thương, cũng là cách Hùng động viên binh sĩ chiến đấu giữ trận địa. Sau nhiều lần tấn công vào Thượng Đức không thành, có đến gần một tuần lễ Việt cộng nằm im. Ngô Quang Trưởng điện cho xe hộ tống đưa Hùng về Đà Nẵng chữa trị. Hùng đã không một chút lưỡng lự về việc có đi hay không? Hùng nói dứt khoát với tư lệnh Vùng 1 chiến thuật: “Tôi chỉ ra khỏi Thượng Đức khi cuộc tấn công của Việt cộng bị đập nát. Tôi sẽ chết ở đây cùng với anh em binh sĩ khi không giữ được Thượng Đức”. Hùng thấy quyết định của mình là đúng. Còn ra sao, khi một trung tá quận trưởng rút về thành phố trong lúc đồn trú của ông ta đang bị bao vây. Và còn gì tinh.thần sĩ khí của binh sĩ khi trong những ngày bão táp, người chỉ huy lại không có mặt. Nghe tin Hùng bị thương nhưng không rời trận địa, binh sĩ trong quận đă đánh trả rất bạo liệt các đợt tấn công của Cộng quân. Việt cộng tất phải trả giá đắt cho những bước chân liều lĩnh vào Thượng Đức. Hùng cùng các sĩ quan binh lính đã tỏ rõ là những người trung thành với quốc gia Hùng và các binh sĩ cũng đã hoàn thành trách nhiệm đến cùng đối với lời thề của mình. Nhân dân trong ấp là một nhân dân đầy thương yêu và quý trọng đối với người lính Thượng Đức. Không có họ, cuộc chiến ở Thượng Đức kết thúc lâu rồi. “Mắt ngọc” đã lọt vào tay Cộng quân lâu rồi. Giữa bom đạn, nam nữ thanh niên, ông già bà lão ùa vào trong quận, mang nước uống, thức ăn, thuốc chữa bệnh cho anh em binh sĩ. Thấy Hùng và binh sĩ bị thương, họ đã khóc. Nhiều mẹ, nhiều chị tình nguyện ở lại săn sóc thương binh. Nếu mất Thượng Đức, trách nhiệm không thể thuộc về binh sĩ hoặc nhân dân Thượng Đức. Vậy thuộc về ai?

Trước hết thuộc về sự bảo mạng, bất tài của chỉ huy quân đoàn mà tướng Ngô Quang Trưởng là người phải lãnh đủ. Một quân đoàn binh hùng tướng mạnh như thế mà để Thượng Đức bị Cộng quân quây không lối thoát. Hùng và binh sĩ đã cầm cự gần mười ngày chứ ít đâu? Chẳng những thế đã tiêu diệt, tiêu hao lực lượng binh khí kỹ thuật của Cộng quân rất nặng nề. Hùng còn nhớ hôm Cộng quân chuẩn bị tấn công, tướng Ngô Quang Trưởng gọi Hùng, nói ngon trớn: “Anh cố giữ cho tôi, năm ngày là cùng. Tôi sẽ nhổ sạch Cộng quân ra khỏi khu vực Thượng Đức. Nhớ hỉ? Năm ngày”. Hôm nay đà là ngày thứ chín, chao ôi! Cái lão Ngô Quang Trưởng lắm lời không biết đang ba hoa chích choè ở đâu. Những ngày đầu lão còn ngó tới ngó lui thê trận. Y liên lạc thường xuyên. Y có cho phi pháo, máy bay giải toả, yểm trợ. Đó là một sự động viên kịp thời có tác động rất lớn. Đôi khi người lính sẵn sàng xả thân hy sinh vì nghĩa cử ấy. Hùng cũng đã đề nghị Ngô Quang Trưởng tuyên dương công trạng cho Tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng 79, Tiểu đoàn Bảo an, thăng quân hàm trung tá cho Lầu, cho Tín. Nhưng chẳng hiểu vì sao tư lệnh Vùng 1 chiến thuật lại không giải quyết được. May mà Hùng chưa nói ra, chưa hứa hẹn gì với Lầu và Tín, chớ không tư tưỏng của họ không biết sẽ ra sao? Trong khi Hùng đang suy nghĩ mông lung về những điều trên, Lầu và Tín lại xung khắc với nhau vể triển vọng của cuộc chiến.

Lầu chê Tín đã không động viên được binh sĩ quyết chiến một sống một còn với Cộng quân. Để cho Cộng quân chiếm phân nửa khu Bảo an còn nói cái đếch gì? Tín cho rằng Lầu gặp may. Nói cho cùng, hướng của Tiểu đoàn Biệt động 79, Cộng quân yếu, chớ cứ như bên khu vực Bảo an thử coi.

- Ông nói thối không ngửi được. Hướng tấn công chủ yếu của Việt cộng chính là hướng phía Tiểu đoàn Biệt động quân. Hoả lực địch tập trung nhiều nhất cũng là phía này chớ.

- Ông chỉ được cái ăn tục nói phét. Lấy gì làm bằng cớ Việt cộng mở hướng tấn công chủ yếu ở hướng đó. Và lấy gì chứng minh hoả lực địch tập trung về hướng đó nhất.

- Thôi, thôi. - Hùng đã trở lại với những gỉ đang diễn ra ở nhà hầm chỉ huy - Các anh tranh công đổ lỗi cho nhau liệu ích gì? Tiểu đoàn của anh Lầu, tiểu đoàn anh Tín đều rất anh dũng. Các sĩ quan, các binh sĩ đã làm hết sức mình. Tôi gọi các anh đến đây là để chúng ta bàn xem tình thế sẽ diễn biến thế nào? Kết cục sẽ ra sao? các anh đến đây để cãi nhau chắc?

- Còn bàn với xem cái chó gì nữa? - Tín bực dọc đứng dậy - Có bàn là bàn xem nên đầu hàng Cộng quân, hay cứ vì sĩ diện mà chống cự đến cùng rồi chết ngóm cả mớ với nhau.

- Anh Tín, tình hình ở hướng Tiểu đoàn Bảo an tệ đến thế sao? Không có cách gì cứu vãn được nữa sao? Hùng mở tròn xoe mắt, chờ Tín trả lời.

- Thiết nghĩ, trung tá quận trưởng không nên hỏi như thế. Một nửa khu vực Bảo an, Cộng quân đã chiếm. Họ đang đào hào, bổ sung quân, bổ sung súng đạn. Trong lúc ta không còn một nguồn tiếp tế nào. Sớm muộn ta sẽ bị tiêu diệt, họ chiếm thành luỹ của ta là điều không thể khác.

- Xì. Hay ho cho đám lính Bảo an dưới sự chỉ huy của quận phó. Tất cả ở đấy là một lũ hèn nhát bất lực, sẽ phải ra toà án binh. Lầu quắc mắt nhìn Tín.

- Được ra toà án binh đã tốt. Sợ không còn cơ hội. - Tín bỉu môi, lườm lườm nhìn Lầu.

- Kệ mẹ các anh. Tôi về tiểu đoàn của tôi đây. Thằng Lầu còn đây, Cộng sản còn lâu mới bén mảng tới được.

Lầu quay về phía cửa nhà hầm, lắp xắp định đi.

- Anh Lầu, bình tĩnh lại nào. Nóng nảy, tự ái chẳng giải quyết được công chuyện đâu. Tình hình đang bất lợi cho ta. Nhưng Cộng quân không dễ gì chiếm được Thượng Đức. Mà cho dù thua đi nữa, chúng ta cũng chọn con đường thua khiến kẻ thù không thể coi thường.

Nét mặt Hùng bình thản, tự tin.

- Ý của trung tá quận trưởng thế nào nói ngay đi. Chúng ta đâu còn nhiều thời gian để đàm luận. Mẹ kiếp, sự sống còn của Thượng Đức đang ngàn cân treo sợi tóc. - Tín nói.

Hùng xích chiếc xe lăn mời Lầu và Tín ngồi lại gần. Qua câu chuyện giữa Lầu và Tín, Hùng đã đoán biết được tâm trạng của họ. Không đi lại được, chỉ ôm vào lòng một mớ máy móc điện đài, y không thấy rõ những gì đang xảy ra ở các khu vực. Trước lúc gọi Lầu, gọi Tín về đây, những tia hy vọng còn đang lóng lánh đầy mầu sắc trong y. Nhưng y buồn, thất vọng bởi Lầu và Tín là những người trực tiếp tham chiến đã thở ra sặc mùi bi quan. Lầu là tay cứng tựa, một sống một chết với Cộng quân nhưng nghe chùng đã không tin vào sự tồn tại của quận lỵ. Tín thực tế hơn. Đã không thể giữ được Thượng Đức thì nên có phương cách gì đó, khả dĩ bảo toàn lực lượng.

Hùng coi trọng Lầu ở khí phách, thà chết không cúi đầu hàng, thà chết không chịu nhục. Hùng nể trọng Tín ở sự tính toán chi ly, ở từng bước đi cụ thể lợi hại. Làm việc với Tín nhiều, Hùng biết Tín nghĩ gì nói vậy. Tín lo là đúng, nhận định tình hình như vậy cũng không sai. ở cương vị quận trưởng, Hùng phải có những quyết sách thật chuẩn xác. Hùng phải giải được bài toán phức tạp khó khăn. Một cuộc điện đàm với cấp trên, một cuộc tranh luận giữa Lầu và Tín đã bộc lộ khả nâng không thể nào giữ nổi Thượng Đức. Vậy thì nên xử trí thê nào trong giải pháp tiếp theo.

- Nhân danh quận trưởng quận Thượng Đức, tôi muốn nói với hai anh. Thực tình tôi không muốn nói một chút nào.

Ý định cũng chỉ mới nảy ra đây thôi. Hùng dừng lại. Y ngạc nhiên với cả cách nói của mình. Xưa rày, y không bao giờ vào đề một cách lưỡng ước như thế.

- Rất có thể lần này là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau ở đây, nên tôi muốn nói thẳng nói thật. Quận ly Thượng Đức của chúng ta khó giữ nổi nếu cấp trên bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đâu còn đủ người đủ vũ khí để đánh trả địch. Trong lúc đó, địch tăng cường người, tăng cường vũ khí bất chấp mọi khó khăn. Hai đợt tấn công, thương vong là thế mà chúng có bỏ đâu. Vậy là chúng quyết lấy Thượng Đức bằng được. Thôi các anh đừng trách nhau làm gì. Các anh đã làm hết sức mình., Binh sĩ của chúng ta đã quả cảm đánh địch không một chút do dự trước cái chết. Nhưng làm sao chúng ta cầm cự nổi với chủ lực của Cộng quân từ miền Bắc vào. Ta thua cũng là lẽ đương nhiên. Vậy thì chỉ còn một cách để ta không bị Cộng quân tiêu diệt ấy là sự cứu viện của quân đoàn. Quân đoàn có huy động lực lượng để giữ Thượng Đức không? Anh Lầu nói đúng đó. Mất Thượng Đức sẽ mất Ái Nghĩa. Mất Ái Nghĩa là mất Đà Nẵng. Đυ.ng đến đít các cụ rồi, không hành động sao được. Tôi vẫn đinh ninh như thế. Ấy vậy mà họ bỏ chúng ta thật. Khi các anh vào, tôi đang nói chuyện với một gã tham mưu quân đoàn. Họ cố ý nhắc sự hy sinh của quân đoàn như thế là quá nhiều rồi. Bây giờ ta phải tự lực đối phó thôi. Tôi không muốn nói ngay điều này vì sợ các anh buồn.

Tín tỏ ra không lạ lùng, chép miệng:

- Giống như người Mỹ bỏ ông Thiệu vậy thôi.

Còn Lầu thì đứng ngay dậy, vung tay lên như muốn đấm vào mặt ai.

- Mẹ kiếp thằng quân đoàn, mẹ kiếp thằng quân lực Việt Nam cộng hoà. Ra là chúng mày bỏ chúng tao đấy. Chúng mày đem con bỏ chợ đấy. Hừ, rồi sẽ đến lượt chúng mày thôi. Quân với chả tướng, một lũ tráo trở. . .

Tín bỗng bật cười, nói rất điềm đạm:

- Tráo trở nhất vẫn là thằng Mỹ. Chao ôi! Nếu không có sự bảo hộ của nó, cái chính thể Việt Nam cộng hoà chết mất xác từ lâu rồi. Nếu không có thằng Mỹ, ta vào lính làm gì? Vậy mà bao nhiêu hứa hẹn, giờ nó bỏ. Nó đã đánh hơi thấy sự bất ổn. Chao ôi! Cái đồ bỏ của chạy lấy người”. Biết thế theo quách Cộng sản từ đầu cho xong.

Mặt Hùng bỗng sửng sốt. Y đưa mắt nhìn Tín, ánh mắt vừa khó chịu, vừa oán trách. Từ trước đến nay Hùng chưa nghe Tín giở giọng như thế bao giờ. Hùng vẫn tin rằng Tín là người có học, hiểu nhiều, biết rộng, là người thức thời, khó có một ai lay chuyển được lý tưởng mà Tín theo đuổi. Mới hay, thử thách của lòng người phải được đặt vào hoàn cảnh nhất định. Nếu vì Thượng Đức thất thủ, Tín thành người lá mặt lá trái thì y đã chọn nhầm. Chọn nhầm một cán bộ cấp phó cho mình.

- Anh Tín, anh hối tiếc là đã vào quân ngũ, là đã phục vụ cho quân lực Việt Nam cộng hoà sao? Làm đến thiếu tá, quận phó mà anh nói vậy không sợ binh sĩ cười cho sao? Cộng sản có lý tưởng của Cộng sản, chúng ta có lý tưởng quốc gia của chúng ta. Mỗi người khi vào quân ngũ đã thế thốt thế nào anh còn nhớ không? Biết thế theo quách Cộng sản cho xong”. - Hùng cười gằn - Anh nói thật hay nói giỡn vậy?

Tín đứng dậy, nhếch mép cười. Y nhìn quận trưởng bằng con mắt thương hại. “Giờ cáo chung đã đến mà quận trường còn mang lý tưởng ra tranh luận thì ngô nghê quá. nực cười quá. Cười ra nước mắt mất thôi. Một chi khu quận ly, một cái đồn trú quan trọng, một cụm cứ điểm hùng mạnh như Thượng Đức mà ông Thiệu bỏ, ông Trưởng bỏ, còn ra thể thống gì nữa. Họ đang đùa giỡn vói chính tính mạng của quận trưởng mà quận trưởng không biết. Cộng sản sẽ thắng chế độ ông Thiệu, Cộng quân sẽ thắng quân lực Việt Nam cộng hoà của ông Cao Văn Viên bắt đầu bằng chính trận đánh này. Trận đánh không còn lính Mỹ. Đấy, lý tưởng mẹ gì? Chỉ dựa vào thằng Mỹ mà sống hưởng vinh hoa phú quý. Thằng Mỹ bỏ đi là xong”. Tín đã định không tranh luận với Hùng, nghĩ rằng những điều mình nghĩ chỉ làm Hùng đau thêm. Nhưng Hùng nhắc:

- Anh Tín trả lời tôi đi chớ?

- Tôi nói thật đó, thưa trung tá quận trưởng. Đúng là bên nào cũng có lý tưởng chớ sao? Chưa vội nói cái lý tưởng của Cộng quân làm gì. Lợi thế của họ là đánh đuổi quân xâm lược. Quân Mỹ rút rồi chứ sao, nhưng vũ khí Mỹ còn đây. Tiền của Mỹ vẫn đổ vào đây cho cuộc chiến. Mỹ vẫn là người chỉ đường dẫn lối cho ông Thiệu, ông Cao Văn Viên. Mỹ chỉ thay màu da cho xác chết. Ai chả biết thế. Cộng sản đã có sự khởi đầu tốt đẹp đánh cho Mỹ cút rồi. Đến lượt ta nhào thôi. Chúng ta đừng tự huyễn hoặc mình nữa trung tá quận trưởng à. Thằng Mỹ rút, cái thể chế Việt Nam cộng hoà còn đứng được mấy nỗi đây. Nhưng Cộng sản có chiếm cả miền Nam thì mất nhiều nhất đâu phải chúng ta. Chúng ta vì miếng cơm manh áo cho mình, cho vợ con mà vào lính. Không vào lính thì chẳng những bản thân ta mà gia quyến cũng bị liên luỵ. Rốt cuộc, ta đi vì thế chứ lý tưởng gì nào? Đám những ông lớn bà lớn trên chính quyền trung ương kia mới là mất nhiều. Họ giữ được chế độ nghĩa là giữ được nhà lầu, máy bay, xe hơi, vợ đẹp, con khôn. Họ giữ được chế độ là giữ được đô la, vàng bạc châu báu. Họ giữ được cái gì quận trưởng biết không? Một đám nguời làm thuê, một lũ lính đánh thuê như chúng ta. Thế thôi! - Còn Tổ quốc, còn nhân dân, còn trách nhiệm danh dự của người lính?

Hùng vẫn kiên nhẫn lắng nghe Tín nói mặc dù mặt đỏ au như người say rượu.

- Người ta khoác lên cái sự thật trên bằng những từ hoa mỹ đấy, quận trưởng ạ. Bên nào cũng có Tổ quốc, có nhân dân, người lính bên nào cũng có vinh dự trách nhiệm. Quân nhân nào cũng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân hết. Mà thật kỳ cục, chỉ là vậy thôi mà cả hai phía lôi kéo được biết bao nhiêu nam thanh, nữ tú ra ngoài mặt trận. Ta cũng là một thủ nhân dân chớ, cấp trên của ta cũng nói vì nhân dân đấy. Vậy mà họ mặc xác chúng ta cho Cộng quân. Hay ho thay hành động của những người luôn giáo huấn chúng ta về tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, trách nhiệm và vinh dự...

Hùng bưng lấy đầu. Hai thái dương giật thon thót. Y có cảm giác viên đạn đâu đó vừa bắn vào tim, buốt nhói.

- Anh Lầu, anh nói một điều gì đi chớ? - Hùng nhìn Lầu, ánh mắt khẩn khoản.

- Tôi đếch thích dây vào cái trò tranh cãi lý tưởng của các anh. Là thằng thanh niên, đất nước có chiến tranh tôi buộc phải cầm súng, không bên này thì bên kia. Thế thôi. Và đã là thằng lính, chọn lấy một bên, hoặc quốc gia, hoặc Cộng sản. Trung thành, sống chết đến cùng với cái mình đã chọn. Bắt cá hai tay là thằng hèn.

- Vậy sao anh không chọn phía bên kia? - Tín hỏi, môi tím rịm.

- Bên kia ấy à? Khổ bỏ mẹ. Nhẫn nhục chịu đựng những thứ Việt cộng thì vái chào thôi. Có chăng là chọn đám chủ lực ngoài Bắc nhưng cũng khổ. Tôi đồ rằng vì khổ quá họ phải sinh ra chiến tranh. Chiến tranh để giải quyết nghèo khó, để hy vọng mảnh đất con người ở phía Nam này đem lại cái gì đó, ít ra cũng đỡ khổ hơn.

- Nói như anh, đơn giản quá. Không có chiến tranh, hàng triệu thanh niên tập trung cho đồng ruộng, cho công xưởng nhà máy, cho các vùng rừng vùng biển. Họ sẽ tự giàu có. Họ giàu có thì đất nước giàu có. Chiến tranh, nhân dân phải nuôi không họ, lại còn vũ khí trang thiết bị, biết mấy là tiền. Không phải thế đâu. Chiến tranh là do không chịu nhau về ý thức hệ. Cái mà họ vẫn gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa. Họ tôn thờ lý tưởng của họ và họ căm thù chế độ của ta, chế độ họ cho là ôm chân đế quốc, là bán nước, là bất công, là mị dân, do đó cần phải tiêu diệt.

Lầu:

- Tôi thì vẫn nghĩ đơn giản thế thôi. Chế độ hử? Cần gì tiêu diệt nhau chớ? Cộng sản bảo chế độ Cộng sản tốt chớ gì? Không bóc lột, không có bất công, dân tự do, giàu có… Anh chứng minh đi. Tập trung sức người sức của mà xây dựng cái miền Bắc kia hơn hẳn quốc gia ông Thiệu đi. Không khéo dân ở đây lại kéo theo ra đó ầm ầm. Có gì mà phải đổ người đổ vũ khí vào đây tiêu diệt người ta.

Tín:

- Bắt đầu thì không phải thế. Quân Mỹ đến xâm lược đất nước người ta. Lãnh đạo miền Bắc, nhân dân miền Bắc nổi khùng lên, quyết chống lại Mỹ, chống lại những ai ủng hộ Mỷ. Do ý thức dân tộc cả thôi. Đấy là cái cớ để họ vùng dậy. Để Hà Nội đưa quân vào miền Nam. Dân miền Bắc đồng tình với lãnh đạo của họ cũng là lẽ đó.

- Mẹ kiếp! Ông nói vậy mà nghe được sao? Chúng ta dựa vào Mỹ thì Bắc Việt dựa vào Liên Xô, vào Trung Quốc chớ khác gì nhau.

- Có khác đấy. - Tín có vẻ không muốn tranh luân nữa. Giọng buồn chán - Kẻ nhóm lửa và người dập lửa. Khỏi xưóng cuộc chiến đâu phải họ. Thậm phí, tôi và anh có nhìn thấy ông Liên Xô, Trung Quốc mẹ nào đâu. Nhưng Mỹ à, năm mươi vạn quân đã vào đây, đã tham chiến quyết liệt. Ta đã phó thác vận mệnh đầy tin cậy, đã dựa vào đó như cái bùa hộ mệnh. Nhưng họ đã lẹ chân cuốn gói bỏ chạy, mặc xác chúng ta.

Hùng không còn ôm lấy đầu. Y tự đẩy xe lăn đi lại trong cần hầm hẹp, mắt suy tư, y nhích lai gần Tín.

- Thế theo anh, cái sai thuộc về chế độ ta chớ không phải là chế độ Bắc Việt?

- Cái sai của ông Diệm, ông Thiệu là ở chỗ tưởng có thể dựa vào Mỹ để xây dựng một Tổ quốc giàu có hùng mạnh. Họ tưởng có Mỹ bên cạnh, thì Cộng sản chẳng làm gì được. Họ biết đâu Mỹ là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến. Mỹ cũng là nguyên nhân sâu xa để chế độ Việt Nam cộng hoà sụp đổ.

- Nhưng anh biết đây, Mỹ đã ký kết hiệp định rút quân.

- Muộn quá rồi. - Tín lắc đầu, mặt ngán ngẩm - Hai mươi năm nay họ đổ vào đây biết mấy tiền của. Hàng vạn lính Mỹ cũng đã tham chiến với lính Bắc Việt. Họ huy động cả lính chư hầu nữa. Thế mà đành chịu thất bại. Đành ngậm đắng nuốt cay, ê chề rút khỏi miền Nam. Họ rút vì chính họ không trụ nổi nữa chớ không phải có lý do gì khác. Mỹ còn vậy, làm sao chế độ Việt Nam cộng hoà của ông Thiệu...

- ủa trời! - Hùng kêu lên, giọng lạc đi - Vây ra anh không chỉ nghĩ là Thượng Đức thất thủ, mà cả cái chế độ Việt Nam cộng hòa cũng sẽ thất thủ.

Tín đứng dậy, điềm nhiên trả lời:

- Chỉ còn là thời gian. Thôi tôi về. Chắc sắp đến giờ nó tấn công rồi đây…

Tín lùi lũi ra khỏi căn hầm. Lầu nhìn theo căm uất:

- Hắn sẽ đầu hàng Cộng sản mất thôi. Trung tá quận trưởng xử lý đi chớ?

Hùng nhìn Lầu khó hiểu:

- Ý ánh là...

- Đúng! - Lầu khoát tay, cử chỉ ấy cũng có nghĩa là thủ tiêu ngay.

Mặt Hùng bỗng xệ xuống, buồn thiu:

- Đừng! Chúng ta đã hao tổn quá nhiểu sĩ quan binh sĩ. Với kẻ thù thì không khoan nhượng, càng gϊếŧ được nhiều càng tốt, nhưng với anh em mình phải độ lượng nhân ái, ông ấy là thiếu tá quận phó...

Một vài giọt nước mắt khẽ lăn nhẹ trên đôi má tóp vào của Hùng. Lầu chợt nhận ra mới mấy ngày thôi mà tóc quận trưởng bỗng trổ muối tiêu nhiều đến thế, mặt hốc hác đến thế. Y định quát vào mặt Hùng rằng đã là người chỉ huy trận mạc thì không được mềm lòng, rằng dù là thiếu tá quận phó, hay tướng của quân lực Việt Nam cộng hòa đi nữa nhưng đã dao động thì còn nguy hiểm hơn kẻ địch. Chính hắn sẽ dẫn Cộng quân quay vào cắt cổ quận trưởng. Rằng đã yếm thế, không làm được việc đó thì hãy giao cho người khác...

Nhưng không hiểu sao hắn kìm lại được. Hình như trong lòng hắn cũng đang nhen nhóm một chút trác ẩn:

- Trung tá quận trưởng tưởng tôi muốn làm việc đó lắm sao? Không đâu. Nhưng có những tình huống người chỉ huy phải cắn răng lại mà làm. Trung tá quận trưởng đã giao cho thiếu tá quận phó chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an, thì trung tá quận trưởng phải có trách nhiệm. Chỉ huy một tiểu đoàn như ông Tín mà thở ra cái giọng ấy là chết mẹ rồi. Đâu phải chỉ là việc của ông ấy nữa. ông đầu hàng, tất binh sĩ sẽ làm theo. Vậy thì căn cứ Thượng Đức thà dâng nạp trước cho Cộng sản.

Dâng cho Cộng sản? Câu hỏi như con dao quắm cứa vào lòng Hùng. Không bao giờ. Hùng sẽ quyết chiến đến cùng. Đứa nào nhút nhát đầu hàng Hùng sẽ bắn bỏ. Thượng Đức có thể lọt vào tay Cộng sản nhưng người lính thì không. Là giả thiết như vậy. Thượng Đức làm sao mất. Y đâu đã chịu bó tay. Mất Thượng Đức còn mặt mũi đâu để nhìn nhau. Không bao giờ. Đằng nào quân tiếp viện cũng sẽ tới. Có thể vì lý do nào đó họ đến chậm. Nhưng nghĩ rằng Thượng Đức vĩnh viễn sè bị Cộng quân chiếm đóng là viển vông, ảo tưởng. Cộng sản có tức thời chiếm được Thượng Đức cũng phải bước qua xác Hùng và sẽ phải trả giá đắt. Trong đầu Hùng còn thủ một phương án cuối cùng. Phương án dành cho số phận những kẻ nào muốn đi theo Cộng sản. Không. Hùng chưa tin rằng Tín kém cỏi đến thế, hèn hạ đến thế.

- Liệu ông ta có theo Cộng sản thật không? Đâu đến nỗi thế. - Hùng tự hỏi rồi tự trả lời.

- Trung tá quận trưởng tin người quá. Thật thà quá. Để coi. - Lầu nói và cất một tiếng cười khẩy.

- Lạy chúa! - Hùng kêu lên - Nếu vậy thì cái mất của chúng ta còn lớn hơn cả việc thất thủ Thượng Đức. Chúa ơi! Tôi phải làm gì chớ?

Hùng gục đầu trên chỗ vịn tay xe lăn. Mái tóc rối bời, xoã tung, rung rung. Tiếng khóc tức tưởi bật ra làm héo úa cả căn phòng xếp đầy súng đạn máy móc. Một thoáng u tối đâu đó ập đến phủ lên gương mặt Lầu. Lầu đi cạnh chiếc xe lăn, đặt một tay lên vai Hùng:

- Đừng buồn trung tá quân trưởng! Cộng quân chưa thể chiếm được Thượng Đức. Còn Lầu, còn Tiểu đoàn Biệt động biên phòng 79 thì Thượng Đức vẫn còn. Trung tá quận trưởng điện cho cấp trên hay quyết tâm của chúng ta. Bảo họ cho chỉ viện ngay. Không thể chậm trễ thêm được đâu. Trung tá quận trưởng lệnh cho toàn bộ Tiều đoàn Bảo an không một ai được rời căn cút. Đứa nào nhúc nhích bắn bỏ. Tôi sẽ còn quay lại đây với trung tá quận trưởng. Xin chào.

Lầu khom người, chui qua cửa nhà hầm. Tiếng cua Hùng đuổi theo:

- Nhớ còn phương án trái cam, phương án trái cam.

Sau câu nói ấy, Hùng thấy đầu óc chợt tính táo. Y hối hả lệnh cho thông tin mở điện đài liên lạc với cấp trên, cấp dưới. Một niềm hy vọng bỗng dưng sáng lên như một tia nắng trên mặt y.



2

Hùng lăn xe vào căn phòng riêng của mình. Căn phòng nhỏ, khiêm nhường ăn thông với phòng chỉ huy bằng một vuông cửa hẹp. Nước mắt Hùng bỗng ứa ra. Kỷ niệm đâu đó ùa vào căn phòng. Y cảm thấy như vợ và con gái đang ngồi chờ ở kia. Người vợ hiền dịu đang mỉm cười nhìn y âu yếm. Hai đứa con gái chạy lại với ba. Y không chỉ sờ thấy mà còn nghe thoảng mùi thơm ngọt của da thịt vợ con.

Hùng gạt nước mắt như gạt đi một mộng ảo rồi lăn xe tới chiếc bàn làm việc. Trên bàn còn thư vợ, thư hai con gái. Góc kia, y cầm lấy một phong bì khác rút ra một tấm ảnh. Tấm ảnh chụp bốn người: vợ chồng y và hai đứa con. ảnh chụp dịp tết nguyên đán vừa rồi. Ôi chao, Hùng yêu cái gia đình bé nhỏ của mình biết chừng nào. Sinh ra trong một gia đình quyền quý ở Đà Nẵng, vợ Hùng được cha mẹ, các anh chị nuông chiều. Hồi mới đến với nàng, Hùng nghĩ cuộc tình duyên của mình và nàng khó thành. Nàng như tơ, óng ánh mềm mượt. Học xong đại học, cha mẹ muốn đưa nàng đi tu nghiệp ở Mỹ nhưng nàng từ chối. Nàng tiếp thu của cha mẹ một xưởng dệt nhỏ. Nàng nói: “Em cũng chỉ lo làm sao cái xưởng của em không đổ bể. Tiền lời đủ để xài cho một đời sống bình thường”. Đúng là nàng không mơ màng chi sự giàu sang phú quý, cũng không kén chọn chi một đức ông chồng tài ba có địa vị cao sang trong xã hội. Khi đã yêu nhau, Hùng hỏi nàng: “Yêu anh, em có gì băn khoăn không?”. “Chỉ không yêu cái nghề của anh”. Hồi đó Hùng có thể dựa vào uy lực của bố nàng để không phải theo nghiệp nhà binh. Một lần Hùng nói với nàng: “Đất nước đang có binh đao, tuổi thanh niên, anh muốn làm một người lính, thực hiện nghĩa vụ công dân. Một mai nếu còn sống mới lo công việc. Nhưng em không thích vậy, anh sẽ chiều”. Nàng dúi mớ tóc dày mượt vào ngực y, ngước đôi mắt to sắc sảo thăm thẳm nhìn lên: “Sao lại chiều em? Người con trai trước hết phải chiều ý thích của mình đã”. Nàng nói nàng chúa ghét những chàng trai yếu đuối. Nàng là người yếu đuối rồi nên mơ ước chồng mình là người cứng rắn quả quyết.

Mới dứt tuần trăng mật, y đã bị điều lên cái vùng rừng núi hoang vu Đại Lộc. Hồi đó, Thượng Đức không như bây giờ. Rừng trập trùng bí hiểm. Muỗi vắt, những thứ làm nàng chết khϊếp, đυ.ng đâu cũng hàng đàn hàng lũ. Thi thoảng, y mới xin phép đơn vị về Đà Nẵng. Mỗi lần bước chân vào nhà, nàng ôm chầm lấy y, khóc râm rứt. Y biết những chiều thứ bảy, những tối chủ nhật, không có ai đi dạo cùng nàng bên bờ sông Hàn. Nàng sống trong cô đơn, hiu hắt. Nỗi nhớ và cả sự ngùi tủi ấy chồng chất và trút thành những dòng nước mắt. Giá như mỗi tuần y có thể về với nàng một ngày, hay một buổi hay chỉ một giờ, hẳn là tâm trạng u buồn của nàng sẽ vơi đi phần nào. Một lần, nghe y ước ao như thế, nàng đã nhìn y bằng sự ngỡ ngàng: “Thương là thương anh thôi. Em ở thành phố, có bạn bè, có gia đình. Anh trên đó chỉ nhiều gió và cây rừng”. Về sau, để y khỏi nhớ, khỏi buồn, mỗi tuần một lần, nàng lên Thượng Đức với chồng. Nàng bảo: “Anh không về vì kỷ luật nhà binh thì em đến với anh cũng được chớ sao?”. Y bỗng thấy càng ngày càng yêu vợ hơn. Và càng ngày y càng phát hiện ra ở vợ những điều thật mới mẻ. Nhưng càng vì thế, y càng không muốn vợ phải khổ. “Nếu chỉ vì anh thì em đừng quá vất vả như thế”. “Vì em nữa chớ”. Nàng cười. Nàng là người rất mẫn cảm, tế nhị. “Ngày trước em sợ muỗi, Sợ vắt lắm mà?”. “Yêu anh. Nghĩ đến được gần anh là hết sợ”. Không thể ngăn được nàng, y bèn doạ nàng bằng lý do an ninh. “Đường lên Thượng Đức, Cộng quân vẫn ra mai phục, nguy hiểm lắm. Thôi để hàng tháng sẽ đi một lần”. Nàng cười: “Thế sao? Dễ sợ. Vậy anh đừng ham về thành phố đó nghe. Để em. Anh là lính. Thứ em họ rình phục làm chỉ”. Và thế là tình yêu thương đã khiến nàng quên hết hiểm nguy. Nàng vẫn đều đều đến thăm y cho đến khi mang thai và đứa con gái đầu lòng ra đời... Hai năm sau, nàng lại ban tặng y một cô con gái nữa. Với y còn gì vui hơn. Con trai con gái đều tốt cả. Trong lòng y thực sự quý con gái hơn. Mỗi lần y về, hai đứa xí phần ngủ với ba. Y dang hai tay làm gối cho chúng. Y thấy thích thú vô cùng được nằm cạnh con. Mùi thơm trên miệng, làn da mềm mát của con đưa y vào giấc ngủ thật yên bình.

Lớn lên, hai đứa giành nhau nhổ râu, nhổ tóc sâu cho y. Chúng ngoan, học giỏi, bi bô với ba suốt ngày. Hè năm ngoái, nàng đã dẫn cả hai đứa lên Thượng Đức. Suốt ngày, chúng nhảy nhót, đi hái sim, hái ổi. Chú công vụ còn dẫn chúng đi bắt chim ra ràng trong rừng... ở thành phố, tù túng, được lên đây sống với “rừng thẳm” với vẻ đẹp “mắt ngọc” của Thượng Đức, chúng mê mẩn không muốn về. Nhưng trái tim y thì se thắt. Chiều vợ, thương con, y không đành từ chối, chứ ở đây thấp thỏm không yên. Mìn của cả hai phía gài khắp nơi. Vùng kiểm soát được nới rộng, nhưng càng nới rộng bao nhiêu càng không an toàn bấy nhiêu. Hôm đưa vợ và con về thành phố, y đích thân lái xe. Không làm thế, y không thể yên tâm. Hú hồn hú vía, xe đi được dăm bảy cây số, cối 60 ly của Việt cộng dội tới tấp. Mảnh đạn xiết sàn sạt sau xe. Đến giờ, nghĩ lại, y vẫn còn thót tim. Bữa đó mà vợ con có mệnh hệ gì, không biết y sẽ sống thế nào? Liệu có tồn tại đến bây giờ? Hai đứa con gái, hai nàng công chúa, hai viên ngọc của y đấy. Y thương, y quý đến thế, vậy mà bữa nàng sinh đứa thứ hai, nàng đã khóc đầm đìa nước mắt... Hai mẹ con đang trong viện, y vào thăm, thấy nàng khóc, y không hiểu đầu đuôi thế nào. Hay nàng tủi thân vì phải vượt cạn một mình. Y ghé ngồi xuống cạnh, định an ủi thì nàng đã chúi đầu vào lòng y nức nở: “Lần sau em sẽ sanh cho anh đứa con trai”. “Sao vậy em, con gái cũng tốt chớ sao?”. Nàng ngưóc lên như thể câu nói đó không phải là của y. Dẫu thế, mắt nàng cũng vụt sáng long lanh, “Anh nói xạo. Không có con trai, lấy ai nối dõi nghiệp nhà binh của anh?”. “Em buồn cười, vì chuyện sinh con gái mà em khóc đó à? Cần gì phải nối nghiệp nhà binh chớ? Em chả từng không thích đó sao?”. “Em nói bao giờ?”. “Có lần...”. “Hồi chưa lấy nhau phải không? Bây giờ thì em thích rồi đó. Em thích một đứa con trai sau này như anh à”.

Hùng biết là nàng không nói dối. Nhưng có lẽ vì quá yêu y, thương y mà nàng nói vậy thôi. Hơn ai hết, nàng là người nếm trải đắng cay xa xót của việc xa chồng. Hơn ai hết nàng là người chịu bao thiệt thòi khi chồng mình là lính. Hùng không ân hận con đường mình đã chọn. Nhưng mong có một đứa con để rồi lại làm một người lính như y thì không bao giờ. Có một con đường binh nghiệp. Có những người lính sinh thời cho đến khi ngã xuống đã trọn đời trong quân ngũ nhưng y không muốn thế hệ sau vẫn phải đi tiếp con đường của cha chú họ. Chiến tranh không thể là mãi mãi. Con người sinh ra là để được sum họp gia đinh, để được hưởng hạnh phúc. Con y không còn phải lo âu khi nghe thấy tiếng đại bác đâu đó, tiếng mìn nổ đâu đó, tiếng súng lớn súng nhỏ đâu đó. Có những tiếng sột soạt đâu đó làm ,ỵ, giật thót trong giấc ngủ sẽ không bao giờ đến với các con y nữa...

Nhưng đấy là chuyện của ước mong. Thực tế phũ phàng hơn. Dù muốn hay không, y phải tính đến chuyện xa vợ con. Không phải xa như những năm tháng đã qua mà là xa vĩnh viễn. Nếu phải vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời để đem lại hạnh phúc cho vợ con, y sẽ sung sướиɠ biết bao nhiêu. Nhưng phũ phàng thay là cái chết của người lính. Vợ con y sẽ đau khổ, sẽ khóc đến khô cạn nước mắt. Đời sống gia đình sẽ xáo trộn, và y đã hình dung ra cái thảm kịch của bố mẹ, vợ con khi mình mất đi. Gia đình y sẽ được tôn vinh, có sự bảo lãnh của xã hội, nếu thể chế chính trị Việt Nam cộng hòa đứng vững, quân lực Việt Nam cộng hoà đè bẹp được Cộng quân. Sẽ là nỗi sỉ nhục, nỗi ê chề khốn nạn khốn khổ cho gia đình y nếu Cộng sản thắng, chế độ ông Thiệu sụp đổ.

Không biết những người lính bên kia có nghĩ như y không? Hẳn là khi xa vợ con, họ cũng nhớ thương quặn thắt. Rồi họ cũng như y, vinh quang và cay đắng phụ thuộc vào thắng hay bại trong cuộc chiến hôm nay... Vậy thì hà cớ gì họ phải từ miền Bắc vào đây, chịu đói rách, chịu gian khổ hy sinh. Hoá ra những điều Lầu và Tín tranh luận không giống như y hằng nghĩ. Lý lẽ của cả hai người chưa thuyết phục được y nhưng làm y hoang mang. Chưa bao giờ y nghĩ Thượng Đức có thể lọt vào tay Cộng quân, cũng chưa bao giờ y ngờ tới chế độ y đang sống sụp đổ. Ấy vậy mà sĩ quan dưới quyền y đã không ngần ngại nói trắng phớ. Còn tiếc là đã không theo Việt cộng ngay từ đầu. Có thêm một ý tưởng vừa mới nảy sinh trong y khi nghe Lầu và Tín tranh luận với nhau... ấy là sự vô lý, rất vô lý cho những kẻ cầm súng, như y và cả bên Cộng sản kia. Lợi lộc đâu chẳng thấy, thua thiệt trăm đường, bi thương trăm đường...

Hùng vội ôm lấy đầu. Không phải vì những trăn trở về lẽ sống, về chiến tranh, vì lẽ y chưa tìm được câu trả lời thoả đáng mà là vì những tràng đại bác khủng khϊếp của Cộng quân nã vào đồn. Sau đại bác là bộ binh sẽ tràn lên. Quả nhiên, phía khu vực Tiểu đoàn Bảo an phập phành tiếng B40, B41 và cả tiếng AK inh tai. Không thấy tiếng súng bắn trả. Thôi chết. Khéo mà Tín đẩu hàng Cộng quân thật rồi. Hùng lắng tai về phía Tiểu đoàn Biệt động quân. Lầu đang cho quân tham chiến. Súng hai bên đang giao nhau, ở phía ấy, không còn đường thoát. Lính của Lầu chỉ có một con đường: thắng hoặc chết. Chính vì vậy họ sẽ đánh đến cùng. Họ sẽ thắng. Cộng quân chưa làm gì được Thượng Đức. Hùng vội vã lăn xe qua nhà hầm chỉ huy. Y lệnh cho thông tin mở các loại máy liên lạc với cấp trên. Mẹ kiếp, trên quân đoàn vẫn chỉ cái giọng cáo cầy của lão tham mưu. Hùng xin gặp Ngô Quang Trưởng, gã bảo gọn lỏn: “Tư lệnh đi Sài Gòn”.

- Thế còn Thượng Đức, các anh mặc xác nó sao?

- Trước khi đi, tư lệnh dặn: Các anh phải ráng giữ bằng được Thượng Đức, chờ huy động lực lượng chỉ viện. Phải giữ! Sẽ có lực lượng cứu viện.

Không có thứ mệnh lệnh nào đểu giả như cái mệnh lệnh ấy. Giữ làm sao khi lực lượng tham chiến chỉ còn phân nửa. Số phế binh nằm ngổn ngang khắp hầm hào, không được chữa chạy. Giữ làm sao khi súng đạn không tự đẻ ra, đã hao hụt tới mức phải bắn dè chừng. Niềm hy vọng cuối cùng là Cộng quân cũng thiếu người, thiếu vũ khí, phải kéo dài thời gian chuẩn bị như đợt đầu. Nhưng rõ ràng thế và lực của họ đang vượt trội. Súng lớn súng nhỏ của Cộng quân dồi dào thế kia. Hẳn là họ đã được bố sung người, bổ sung vũ khí rất nhanh. Trong khi đó, Vùng 1 chiến thuật, nơi đẻ ra, nơi nuôi dưỡng cái quận lỵ Thượng Đức chỉ trả lời suông: “Phải giữ” chờ lực lượng chỉ viện. Còn chờ đến bao giờ nữa khi tiếng chuông báo tử đã điểm. Vào thời khắc định mệnh khắc nghiệt gõ cửa Thượng Đức mà tướng tư lệnh bỏ đi Sài Gòn. Ô hô!

Cái Hùng chờ đợi không phải những thứ y vừa nghĩ. Những thứ y vừa nghe là những tiếng sét kinh hoàng dội xuống Thượng Đức. Cái y chờ đợi là xe tăng đại bác nườm nượp tiến từ Đà Nẵng ra. Cái y chờ đợi là máy bay bỏ bom rợp trời, là hàng bầy hàng đàn trực thăng chở lính dù, lính thủy quân lục chiến đến ứng cứu. Lạy Chúa, họ bỏ chúng con thật rồi. Đức mẹ ơi!

Lẽ ra, vẫn phải ngồi ở nhà hầm cầm lấy điện thoại, chỉ huy quân qua các thứ điện đài, Hùng lại gục đầu trên xe lăn. Vô ích. Chẳng để làm gì. Chỉ huy ai? Một sĩ quan tác chiến chạy tọt vào nói với Hùng:

- Ông Tín điện xin pháo bắn vào ấp Hà Tân, đế binh sĩ mở đường máu thoát ra ngoài.

- Thì vẫn bắn đó thôi, cứ bắn đi.

Người sĩ quan tác chiến trố mắt nhìn Hùng như nghe nhầm:

- Thế trung tá quận trưởng có đồng ý cho thiếu tá quận phó dẫn quân chạy ra ngoài không ạ?

- Cho hay không làm sao được chớ? Vỡ trận rồi. Vỡ trận rồi. Nghe chưa?

Viên sĩ quan tham mưu chạy về hầm mình, một nhoáng lại chạy qua:

- Báo cáo trung tá quận trưởng, thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lầu báo về Cộng quân đã chiếm được khu trung tâm. Binh sĩ hiện đang dạt về phía đông nam căn cứ. Ông đề nghị máy bay bỏ bom hủy diệt.

- Không có máy bay bỏ bom. Không có pháo, chỉ còn phương án trái cam. Nói lại với ông Lầu thế nghe chưa?

- Rõ ạ!

3

Phương án trái cam chỉ có Hùng và Lầu biết. Đó là phương án diệt toàn bộ quân của y và Cộng quân ở Thượng Đức. Một khối bộc phá lớn đã được bí mật đặt ở trung tâm. Ở đó có trạm y tế, thương phế binh nặng, nhẹ nằm la liệt. Ở đó có các kho súng đạn, có hầm chứa lương thực, thực phẩm, nước uống. Ở đó có phòng họp lớn cho lính, cho các hội đồng... Phút chót, nếu Thượng Đức thuộc về tay Cộng quân, Hùng sẽ lệnh cho tất cả mọi người về trung tâm. Tất cả sẽ cầm súng, cầm lựu đạn chống trả đến cùng. Các cánh quân của Cộng quân sẽ phải dồn lại đây. Chúng sẽ hoan hỉ cất mẻ vó cuối cùng. Và đúng lúc đó khối bộc phá phát lửa. Khối bộc phá sẽ kích các loại đạn khác nổ theo. Thượng Đức chỉ còn là một đống đổ nát, chôn vùi tất cả. Đây, Thượng Đức có mất cũng sẽ mất như thế. Mất nhưng mãi mãi để lại sự thất đảm kinh hồn cho những kẻ nào còn sống ở phía bên kia. Và Quân đoàn l, Vùng 1 chiến thuật và toàn bộ quân lực Việt Nam cộng hoà sẽ lấy đó làm gương. Gương về sự giáng trả Cộng quân lẫn sự quên thân của những người được giao trấn giữ Thượng Đức.