Chương 23: [Truyện ngắn cổ trang] Quẻ Bói Tình Duyên (3)

Điệp Dao nói một tiếng cảm tạ, chàng ta đến nhà thầy thăm nom, chí ít cũng biết đường xuống núi. Thế rồi hai bóng người đi trong đêm tối nơi rừng sâu, Bách Du dẫn đường phía trước, Điệp Dao nhanh nhẹn theo sau.

Đến đoạn kia thì đột nhiên Bách Du kêu lên một tiếng rồi ngã xuống đất, Điệp Dao chưa rõ chuyện gì là đã nghe âm thanh “loạt soạt” khe khẽ trong bụi cỏ gần đấy. Giống như con gì đang trườn bò, phản xạ của người hành nghề y báo nàng biết đó là rắn!

- Thầy bị rắn cắn sao?

Điệp Dao thấy Bách Du dùng tay ôm chặt bắp chân, gật khẽ. Nguy quá, trời tối hơn hũ nút, ban nãy nhìn không rõ là rắn độc hay không! Thôi thì trước mắt cứ hút máu nơi vết thương ra trước. Nàng kéo giỏ thuốc ở sau lưng lên, may là chiều nay có hái vài lá mã đề, loại lá chuyên trị rắn độc cắn rất công hiệu.

- Đây, thầy mau nhai kỹ lá mã đề, nuốt phần nước còn bã lá thì đưa cho tôi!

Bách Du đưa nhúm lá vào miệng nhai, có vị ngọt, cảm giác thanh mát. Rồi chàng ngạc nhiên thấy Điệp Dao vén nhanh ống quần mình lên, mới hỏi nàng định làm gì? Nàng đáp, rủi thay là rắn độc thì phải mau hút máu độc ra.

- Nam nhân sao có thể để nữ nhân làm việc nguy hiểm như vậy? Vết thương lại nằm ở bắp chân tôi, làm thế thật mạo phạm cô nương!

- Hành nghề y như tôi không phân biệt nam nữ hay vết thương ở vị trí nào! Đến lúc nguy cấp thì phải dốc lòng cứu người!

Dứt lời và không để Bách Du ngăn cản thêm, Điệp Dao dứt khoát cúi xuống hút máu độc trên chân chàng ta. Không thể làm gì hơn, Bách Du chỉ đành ngồi yên, chốc chốc lại nhăn mặt vì đau.

Quan sát hành động không do dự của Điệp Dao, chàng tự thấy cảm phục người nữ nhi quả quyết này. Bất giác lòng tự hỏi, rốt cuộc người nam nhân nào đã khiến nàng cứ ngày ngày đến miếu Bà xin xăm?

Nhờ Điệp Dao hút máu độc và đắp bã lá mã đề mà Bách Du có thể đi xuống núi bình an. Canh khuya, tiếng người gõ mõ vang vọng. Chàng đưa nàng về đến tận nhà.

Thầy lang Điệp nhác thấy bóng nhi nữ đứng ở cửa, liền vội vội vàng vàng chạy ra. Trông thế, chàng chẳng thể nói gì nữa ngoài việc xin cáo từ.

***

Điệp Dao có ý định đến miếu Bà, không phải xin xăm mà là gặp Bách Du để hỏi thăm tình hình vết thương. Trùng hợp thế nào, nàng lại gặp chàng ta ngay trên chiếc cầu Khuê.

Dường như Bách Du có ý chờ nàng nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên trước sự chạm trán tình cờ này. Nghe nàng hỏi về vết thương do rắn cắn thế nào, chàng bảo thời may là nó đỡ nhiều rồi.

- Cũng có thể đấy không phải rắn độc... - Điệp Dao bảo - Thấy thầy bình an, tôi cũng yên lòng. Bây giờ tôi phải ra chợ phiên, chào thầy.

- Gượm đã, tôi muốn cảm tạ cô nương vì đã cứu giúp.

- Cứu người là việc của thầy lang, há gì phải ơn nghĩa hả thầy.

- Thôi thì nếu cô nương không từ chối tôi muốn mời cô một bát vằn thắn.

Trước dáng vẻ chân tình của Bách Du, Điệp Dao thấy khó lòng từ chối. Dù gì cũng chỉ là một bát vằn thắn, đâu có to tát gì. Thế là nàng khẽ gật đầu.

Chọn cái quán tranh ở đầu chợ phiên, Bách Du và Điệp Dao ngồi vào bàn chẳng bao lâu thì ông chủ mang ra hai bát vằn thắn bốc khói thơm phức.

Tách đũa, Điệp Dao cắm mặt vào bát ăn ngon lành. Được một lúc lại thấy phía đối diện, bát vằn thắn kia vẫn chưa ai ăn, nàng liền ngước mặt lên định hỏi Bách Du. Kỳ lạ thay, chàng ta đang ngồi yên nhìn nàng, dáng vẻ vẫn điềm đạm trầm tĩnh. Đôi mắt ấy tựa hồ như đã quan sát nàng khá lâu rồi, mang chút gì đó rất dịu dàng ân cần.

- Bát của thầy sắp nguội rồi.

Trông Điệp Dao hồn nhiên chỉ vào bát vằn thắn của mình, Bách Du khẽ cười.

- Cô nương cứ ăn xong phần mình, đừng bận tâm đến tôi.

- Nhưng thầy không đói sao?

- Trông thấy cô nương ăn ngon lành như vậy, tôi cũng thấy no.

- Nhìn người khác ăn mà bản thân vẫn thấy no bụng ư?

Bách Du đáp lại câu hỏi của Điệp Dao bằng một nụ cười ẩn tình khác. Chàng nhận thấy, cô thiếu nữ này hoá ra vẫn còn trong sáng lắm. Dù nàng cứ đến miếu Bà xin xăm hỏi về tình duyên, đoán rằng đã có ý trung nhân rồi, ấy vậy nàng vẻ như chưa hiểu hết được chữ “tình” và tâm tư con người.

Về phần Điệp Dao, nàng chỉ mơ hồ nghĩ rằng cái lý luận “nhìn người khác ăn mà mình cũng tự khắc no bụng” thật là khó hiểu! Vừa hay thế nào, nàng chợt nghe hai người ở bàn bên cạnh trò chuyện rất ồn ào.

- Nghe nói nhà họ Ngô đã định ngày lành tháng tốt để Ngô công tử thành thân.

- Là với ái nữ của nhà họ Giang phải không? Đúng là trai tài gái sắc.

L*иg ngực Điệp Dao trở nên nặng nề, tay cầm đũa bất giác buông lơi. Những làn khói cuối cùng của bát vằn thắn bốc lên, phải chăng vì vậy mà làm nhoè mắt nàng?

Thế ra, chuyện thành thân của Ngô Văn cũng đã định đoạt, mà có lẽ sẽ diễn ra sớm thôi. Vì sao lại để nàng nghe được tin này khi đang ăn vằn thắn ngon lành chứ? Và vì sao, sự thật rành rành ra như thế nhưng nàng vẫn không muốn tin? Nàng liền cúi mặt ăn tiếp, vằn thắn bỏ vào miệng chỉ thấy vị mằn mặn xót xa.

Hiển nhiên, Bách Du dễ dàng phát hiện dáng vẻ khác thường của Điệp Dao. Chàng cũng biết, nàng trở nên như vậy là khi nghe hai người nọ đề cập đến cái hôn sự lớn sắp diễn ra giữa hai dòng họ giàu có nhất làng.

Một nam nhân tinh ý như Bách Du, dường như bắt đầu hiểu ra sự tình. Lại còn vừa hay thế nào, ánh mắt chàng bắt lấy hình ảnh chiếc ô dưới chân ghế nơi Điệp Dao ngồi. Có dòng chữ thư pháp vẽ lên đó, qua những nếp gấp của chiếc ô, đọc rõ ra chữ “Ngô”.

Rời khỏi quán tranh, Điệp Dao vẫn cúi mặt bước đi, tay cầm theo chiếc ô quý giá. Lẳng lặng đi bên cạnh, Bách Du âm thầm nhìn nàng, đến khi hai người dừng ngay trước cửa miếu Bà. Chàng trông nàng hình như buồn lắm, liền hỏi:

- Cô nương có vào xin một quẻ xăm...?

Điệp Dao thoáng lặng yên, lát sau thì lắc đầu. Thiết nghĩ, người ta đã định ngày thành thân rồi thì còn gieo quẻ hỏi làm gì nữa?

Đối diện, Bách Du muốn hỏi câu: “Ý trung nhân của cô nương có phải là Ngô công tử?” nhưng nhìn nàng thất thần như vậy, chàng chẳng nỡ hỏi điều ấy. Giả sử là đúng thì chỉ khiến nàng thêm đau lòng, còn chàng thì lại nặng lòng.

Chuyện ái tình từ ngàn xưa nào đâu dễ được như sở nguyện… Để rồi chàng chỉ còn biết dõi theo bóng nàng hoà vào dòng người đang qua lại trong chợ phiên.

Và hôm ấy khi mặt trời sắp xuống núi thì trời đột ngột đổ mưa lớn. Bách Du không khỏi kinh ngạc bởi thấy Điệp Dao bước vào điện thờ miếu Bà với một tấm thân ướt rũ, hẳn là nàng đã dầm mưa từ nhà đến đây. Thần sắc trắng bệch, vải áo thấm đẫm nước và mỗi bước chân ấy cứ loạng choạng.

Với đôi mắt trống rỗng thất thần, nàng dường như chẳng hề nhận ra sự hiện diện của Bách Du, chỉ lẳng lặng quỳ xuống trước bức tượng Bà Thiên, đôi tay run rẩy cầm đôi keo lên.

Hình ảnh Điệp Dao phản chiếu trong đáy mắt Bách Du trông đầy đau khổ, thê lương, bờ môi trắng tái không ngừng run lập cập lẩm bẩm khấn vái.

Đôi tay run lẩy bẩy bởi cơn mưa đầu mùa lạnh lẽo liền buông nhẹ, đôi keo rớt xuống nền đất.

Miếu Bà lúc này vắng lặng tĩnh mịch, chỉ nghe mưa rơi dữ dội ngoài sân. Ấy vậy cũng không lấn át được tiếng đôi keo va chạm xuống mặt đất, kêu lên thành một thứ thanh âm não nề. Và, cả hai đều là sấp.

Nếu không phải một sấp một ngửa thì nghĩa là, không được phép xin quẻ.

Yên lặng thoáng chốc, Điệp Dao khẽ khàng gom đôi keo lại rồi tiếp tục gieo. Lần thứ hai, ông trời vẫn không toại nguyện cho nàng khi lại cho ra đôi keo ngửa. Không từ bỏ, nàng vẫn cố chấp gieo keo lần ba, lần bốn, lần năm…

Là vì Bà Thiên không ưu ái cho người thiếu nữ đang mang trái tim khổ đau kia hay bởi Bà muốn nói với nàng rằng: “Mọi thứ đều được an bài, chớ nên chấp niệm làm gì nữa”?