Chương 24: [Truyện ngắn cổ trang] Quẻ Bói Tình Duyên (4)

Điệp Dao không rõ bản thân đã cầm đôi keo rồi gieo xuống đất tất thảy bao nhiêu lần, điều duy nhất nàng nhớ là khung cảnh nhà họ Ngô treo l*иg đèn kết vải đỏ ngoài cửa, là dáng vẻ hoan hỉ của Ngô Văn bên cạnh người nữ nhân xinh đẹp thướt tha sắp trở thành thê tử của chàng, là lúc nàng bật khóc quay lưng bỏ chạy dưới cơn mưa lớn để đến miếu Bà, còn là hình ảnh đôi keo ương ngạnh tàn nhẫn không thể cho nàng một kết quả thuận ý.

Nàng thấy lạnh và đau vô vàn, nhưng sao lệ chẳng tài nào rơi nổi.

Bàn tay run run toan gom lấy đôi keo để gieo tiếp thì nàng ngừng lại bởi đột ngột, một đôi bàn tay ấm áp khác nắm lấy chúng.

Điệp Dao chậm rãi xoay qua, Bách Du đang nhìn nàng, lặng lẽ pha chút thương cảm. Khuôn mặt ấy vô cùng trầm tĩnh, ánh mắt buồn vời vợi hệt như thấu hiểu tâm can đau đớn của nàng ngay lúc này. Chàng nhìn đôi keo nằm ngửa lặng yên dưới đất sau đó quay sang nhìn nàng, xót xa mà rằng:

- Cô nương hãy dừng lại đi... Thế này là đủ rồi.

Đôi mắt nhuốm màu mệt mỏi và thương tâm của Điệp Dao vẫn hướng vào Bách Du thật lâu, thật lâu. Để rồi tiếp đến, cái nhìn chợt nhoè đi, khung cảnh phía trước không khác gì ảo ảnh vô thực. Nàng muốn khóc, muốn được giải thoát khỏi tâm tư đang đè nặng này.

Lệ chảy dài từng dòng, thấm đẫm gương mặt thanh tú nhưng đã mất thần sắc từ lâu rồi. Điệp Dao lướt mắt xuống đôi keo lần nữa, nhận ra dù có gieo bao nhiêu lần thì mọi chuyện cũng không thể thay đổi.

Keo rơi rồi gieo tiếp, rồi lại rơi xuống…

Bấy nhiêu lần mà chỉ duy nhất một lựa chọn. Đó là số mệnh!

Khẽ khàng rút tay ra khỏi tay Bách Du, Điệp Dao nhặt đôi keo để lại trên manh chiếu rồi từ từ đứng dậy. Nàng lảo đảo suýt ngã nhưng vẫn kiên cường đứng vững mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Khẽ cúi đầu chào Bách Du, nàng bình thản rời khỏi điện thờ miếu Bà. Mặc bên ngoài mưa rơi ồ ạt, tàn nhẫn trút xuống thân hình người nữ nhi đang mang nỗi thương tâm ấy, nhưng kể từ thời khắc này nàng sẽ chấp nhận số mệnh, chấp nhận hai từ “an bài”.

Bóng dáng mảnh mai mà đầy khổ đau của Điệp Dao bị màn mưa vùi lấp, ẩn hiện lấp loáng trong đôi mắt thăm thẳm của chàng nam nhân đang đứng trước cửa điện thờ. Cái nhìn đó cũng y hệt những lần trước, khi chàng âm thầm quan sát cô nương mà ngày ngày cứ đến đây gieo quẻ. Nỗi buồn nơi chàng dường như trải dài vô tận.

Và nhiều ngày sau đó, chàng không thấy nàng đến miếu Bà nữa…

***

Cũng phải độ chừng gần một tuần trăng, Bách Du mới gặp lại Điệp Dao. Khi ấy cũng là lúc mặt trời sắp xuống núi, chàng có phần ngạc nhiên vì thấy nàng bước vào nhà “Giải xăm”. Nhác thấy Bách Du, nàng liền chậm rãi bước đến và ngồi xuống. Như biết đối phương sẽ hỏi gì nên nàng tự khắc trả lời:

- Độ mấy ngày qua, nhiều người đến tìm phụ thân tôi chữa bệnh nên tôi bận đến đầu tắt mặt tối, hôm nay mới có dịp ghé qua thăm thầy.

Lẽ nào Bách Du không hiểu lời đấy chỉ là nguỵ biện. Một nữ nhân trải qua nỗi đau khổ từ mối lương duyên không thành, dĩ nhiên cần có thời gian tịnh tâm lại.

- Cô nương lại đến xin quẻ?

Hoạ chăng những lần trước nàng sẽ tìm cách chối, thế mà lúc này lại đáp:

- Người ta cũng đã thành gia lập thất rồi, Điệp Dao này còn vọng tưởng làm chi. Tôi là phận nữ nhi, cũng nên nghĩ đến chuyện hôn sự của mình thôi.

Trông khuôn mặt sáng như trăng rằm ấy mang nét tĩnh lặng, Bách Du bất giác yên lặng. Thoáng nghĩ gì đó, chàng liền lấy giấy bút ra, viết vào đấy mấy từ. Điệp Dao dõi mắt theo từng nét mực lên xuống kia rồi tiếp theo mới nghe chàng nói:

- Tôi xin đề tặng cô nương năm từ này.

Đón lấy mảnh giấy thẳng thớm từ tay chàng, Điệp Dao đọc lên năm từ: “Trân trọng người trước mắt”. Nàng khẽ cau mày, đuôi mắt nheo lại thành một đường cong. Vẫn chưa hiểu ra ngụ ý trong đó, nàng ngước nhìn Bách Du, hệt muốn hỏi đây có nghĩa là gì? Chàng thư sinh họ Bách chăm chú nhìn nàng, tỏ bày:

- Lang quân như ý mà cô muốn tìm lắm khi chẳng ở đâu xa xôi mà gần ngay trước mắt. Nếu đã có người ở bên cạnh thì hãy nên trân trọng.

- Tôi nhìn trước nhìn sau cũng đâu có thấy nam nhân nào...

Điệp Dao vừa dứt lời thì bỗng dưng nghe giọng Bách Du trầm hẳn:

- Thế tôi không phải là nam nhân sao?

- Thầy nói gì...?

- Bách Du tôi đang ngồi ở trước mặt cô nương không phải là nam nhân ư?

Lúc đầu còn mơ mơ hồ hồ, mãi một thoáng sau Điệp Dao mới hiểu ra “ngụ ý” qua câu hỏi trầm giọng kia đồng thời cũng hiểu tâm tư mà Bách Du muốn truyền đạt đến nàng. Cứ như ban trưa nghe phải sấm sét, nàng trong phút chốc ngồi ngẩn người, cảm giác đường đột vô cùng.

Dáng vẻ thẫn thờ của nàng khiến lòng Bách Du càng thêm trĩu nặng, sau cùng đành lên tiếng:

- Cô nương về đi.

- Nhưng ý thầy là...

- Tôi bảo cô nương về đi! Hôm nay tôi không có nhã hứng giải xăm cho cô...

Trước cảnh Bách Du mắt không nhìn mình còn miệng thì buông lời hờ hững, Điệp Dao chẳng còn cách nào khác đành đứng dậy, khẽ cúi đầu rồi xoay gót. Đi ra đến cửa mà đôi chân vẫn cứ ngập ngừng, dù vậy nàng biết lúc này không tiện để hỏi thêm gì nữa. Rất nhanh, bóng nàng khuất sau cánh cửa khép hờ.

Bên tai nghe tiếng bước chân xa dần, bấy giờ Bách Du liền nhìn qua mảnh giấy nằm lặng lẽ trên bàn, năm từ “Trân trọng người trước mắt” sao xót xa quá đỗi.

Trên đường trở về, tâm trí Điệp Dao không khỏi liên tưởng đến những lời bộc bạch của Bách Du. Thế hoá ra, chàng ta vốn từ lâu đã có ý với nàng ư? Còn nàng thì vô tư chẳng biết gì, một phần cũng bởi lòng nàng luôn nghĩ về Ngô Văn.

Nàng tự hỏi, là từ khi nào Bách Du đã thầm thương trộm nhớ nàng? Có lẽ là lúc chàng thay thầy đến miếu Bà làm người giải xăm chăng.

Vừa hay, Điệp Dao lại hồi tưởng đến cái hôm hai người cùng ăn vằn thắn. Khi đó, ánh mắt Bách Du dành cho nàng đã rất khác lạ rồi. Và hẳn lúc này, bản thân nàng cũng đã hiểu ra cái chuyện “ngồi nhìn người khác ăn thôi mà bản thân cũng thấy no bụng”.

Tự dưng lại nghĩ, Bách Du có tâm ý với Điệp Dao nhưng biết rõ nàng có ý trung nhân, hẳn chàng ta cũng tự thấy đau lòng lắm.

Vừa nãy Điệp Dao còn hớ hênh buông một câu vô ý không khỏi làm Bách Du tức giận, thẳng thừng đuổi nàng về nhà… Buông tiếng thở dài, bỗng dưng Bà Thiên gieo cho nàng một “quẻ bói” khó lường thế này thì biết phải làm sao đây?

Trong khi Điệp Dao còn chưa rõ bản thân nên đối diện với chuyện này ra sao thì buổi tối hôm ấy, Bách Du đột nhiên đến nhà nàng. Lúc nàng bước ra đã thấy chàng ta đứng yên lặng trước cửa vườn nhà với dáng vẻ trông rất trầm tư, cơ hồ đang nghĩ ngợi điều gì đấy. Bóng chàng in xuống nền đất thật cô liêu.

- Khuya thế này, thầy đến tìm tôi có chuyện gì?

Trước câu hỏi có đôi phần ngập ngừng đó, Bách Du nghĩ mình có hơi hồ đồ vì chiều nay khi không tỏ vẻ hờn trách nàng. Suy cho cùng là tự chàng tương tư, người ta không biết âu cũng là lẽ thường tình. Chàng chậm rãi đưa một mảnh giấy.

- Đây là giấy giải xăm của cô nương... Thật có lỗi vì tôi đã hành xử không đúng. Cô nương cứ xem như chưa từng nghe gì. Trời đã khuya, tôi xin cáo từ.

Điệp Dao còn chẳng kịp lên tiếng là Bách Du đã quay lưng, loáng cái đã đi xa rồi. Nàng cúi xuống nhìn vào mảnh giấy, là một quẻ “Trung kiết”, lại hay có một dòng thơ “Phi vân vọng nguyệt” mang hàm nghĩa “Vén mây nhìn trăng”. Nghĩa là trước mắt có thể vẫn còn gặp nhiều chuyện không hay nhưng sau đó sẽ trời quang mây tạnh, mở ra một tia hi vọng mới. Phải chăng, khép lại mối tương tư không thành kia thì nàng sẽ gặp được lương duyên mới…?

Điệp Dao đưa mắt nhìn vào màn đêm, bóng người nọ đã mất hút từ lâu rồi.