Chương 25: [Truyện ngắn cổ trang] Quẻ Bói Tình Duyên (5)

Sáng hôm sau, Điệp Dao cứ đứng trước cửa miếu Bà với dáng vẻ ngập ngừng. Lần này, nàng không đến xin quẻ mà cốt để gặp Bách Du. Nàng muốn nói vài lời với chàng ta, dù chưa rõ đấy sẽ là những lời gì, nhưng chí ít nàng không thể yên lặng để mọi chuyện trôi qua như thế.

Điệp Dao đã đứng đó đến lúc mặt trời sắp lêи đỉиɦ đầu, thấy người ta ra vào miếu thưa thớt dần, mới can đảm đi vào trong.

Nhưng khi Điệp Dao bước vào gian nhà “Giải xăm” thì người ngồi ở nơi chiếc bàn mộc ngay lối ra vào lại không phải Bách Du mà là một sư thầy cao tuổi.

Nhanh chóng đi đến, nàng hỏi về chàng nam nhân kia và nhận được câu trả lời rằng, Bách Du hôm nay không đến! Khó khăn lắm nàng mới lấy hết can đảm bước vào đây, ấy vậy lại không gặp được người muốn gặp. Cảm tạ sư thầy, nàng thất thểu rời khỏi.

Nheo mắt nhìn ánh mặt trời ban trưa, Điệp Dao tự nhủ, ngày mai sẽ lại đến nữa. Nhưng rốt cuộc là cái chuyện gặp mặt này cũng không thể thành…

***

Điệp Dao biểu lộ rõ dáng vẻ thẫn thờ bên mâm cơm đạm bạc. Tâm tư suốt nhiều ngày qua vẫn chẳng thể yên được, nguyên nhân cũng vì từ bữa đó cho đến hôm nay nàng chưa gặp lại Bách Du lần nào. Cũng mươi ngày rồi chứ ít gì đâu!

Nàng không ngừng tự hỏi, chàng ta vì sao chẳng đến miếu Bà nữa? Là do gặp phải chuyện bất trắc hay bởi chàng định rời bỏ nàng sau khi đã bày tỏ những lời ấy?

- Con đang nghĩ gì mà thơ thẩn như vậy?

Điệp Dao bừng tỉnh, thấy nét mặt phụ thân đầy lo lắng, liền lắc đầu. Thầy lang Điệp ngỡ nhi nữ còn nhớ đến Ngô công tử nên thở dài buồn rầu:

- Công tử đã có thê tử mà con vẫn còn mộng tưởng sao?

- Con đâu có nghĩ về người đó nữa...

- Nếu thế thì tốt! Con cũng nên nghĩ cho hôn nhân đại sự của mình, đừng ở đó nghĩ vẩn nghĩ vơ. Vì con kén chọn mà một người cũng sắp có thê tử rồi đấy.

- Phụ thân nói ai cơ? Là... Bách Du sao?

Thầy lang Điệp trông nét mặt hốt hoảng của nhi nữ, mới cau mày hỏi:

- Bách Du là ai? Phụ thân đang nói đến Đại Lương.

Điệp Dao liền thở phào một tiếng, thế ra không phải là Bách Du. Còn tên Đại Lương kia, hắn thành thân với ai thì liên quan gì đến nàng? Lần trước bị hắn bỏ rơi trong rừng giữa đêm tối là nàng đã chẳng trông chờ gì hắn nữa. Cũng chẳng rõ nữ nhân nào “vô phước” trở thành thê tử của cái tên nhát cấy đó.

Rồi nàng chợt nghĩ, lỡ như Bách Du cũng sắp thành thân với nữ nhân khác thì phải làm sao? Thật là khiến người ta lo lắng đến chết mất thôi!

…Dường như trời lại sắp có mưa, gió thổi lạnh lẽo còn mây đen thì giăng đầy. Điệp Dao đang ngồi thơ thẩn dưới hiên miếu Bà. Chiều muộn rồi mà nàng vẫn chưa muốn về nhà, cách đây nửa canh giờ nàng định ra ngoài chiếc cầu Khuê đổi gió nào ngờ chân bước thế nào cuối cùng lại rẽ vào đây.

Sau khi Ngô Văn thành thân, nàng tự hứa không xin quẻ hỏi chuyện tình duyên nữa nhưng vì tâm tư đang rối bời nên cuối cùng nàng cũng vái lạy và gieo một quẻ.

Người giải xăm hôm nay cũng là sư thầy cao tuổi, lúc đón lấy mảnh giấy Điệp Dao thoáng nhiên bất động. Rồi nàng chẳng nói chẳng rằng mà đi ra ngoài, chưa về nhà vội chỉ muốn ngồi đây chờ đợi một người dù không rõ người ấy có đến.

Do mải nghĩ ngợi mà Điệp Dao không hay biết có một nam nhân tay cầm ô vừa bước vào cửa miếu. Trông thấy nàng thì đôi chân khựng lại, nhưng sau đó liền tiến đến chỗ nàng rồi ngừng bước, cất giọng điềm đạm:

- Cô nương đang chờ tôi sao?

Điệp Dao lập tức ngẩng mặt, vừa trông thấy Bách Du thì đã vui mừng đứng dậy.

- Bách Du, huynh đã đi đâu suốt những ngày qua?

- Nhà có việc nên tôi không đến miếu Bà. Giờ Ngọ hôm nay, sư thầy tạt ngang qua nhà nói rằng có một vị cô nương ngày ngày cứ đến hỏi về tôi.

- Đúng vậy, tôi chẳng biết huynh đã đi đâu, có gặp phải chuyện bất trắc gì không nên rất lo lắng, ngày nào cũng đến đây.

- Bây giờ gặp được rồi cô nương có điều gì muốn nói?

Đang mừng rỡ thì Điệp Dao mau chóng chuyển qua ngập ngừng. Kể cũng kỳ lạ, nàng vì lo lắng mà đến miếu Bà mỗi ngày, lòng chỉ sợ Bách Du rời khỏi làng không từ mà biệt. Nhưng khi đã gặp được chàng ta rồi thì nàng lại chẳng biết phải nói gì. Suy cho cùng, nàng có nhiều chuyện muốn nói chỉ là không rõ nên bắt đầu từ đâu.

- Trời sắp mưa rồi, để tôi đưa cô nương về nhà.

Lần nữa, Điệp Dao nhận ra Bách Du vừa ý nhị giải vây cho nàng. Có thể trên đường về, nàng sẽ dễ dàng bộc bạch tâm sự hơn. Lúc Bách Du quay lưng đi trước, nàng đã âm thầm nhìn theo bóng dáng ấy, lòng có chút xao động.

Mỗi người cầm một chiếc ô đi song song, vừa lúc qua cầu Khuê thì trời đổ mưa lớn. Tiếng mưa rơi lộp độp xuống mặt đất phần nào khoả lấp đi sự tĩnh lặng giữa hai người họ. Rõ ràng, người nào cũng có điều muốn nói nhưng lại chẳng thể mở miệng giãi bày với đối phương.

Cứ ngỡ họ cứ như vậy cho đến lúc về đến nhà thầy lang Điệp, nào ngờ thời may lại xảy ra một sự việc.

Đó là sấm sét.

Tiếng sấm vang động nghe thật lớn khiến Điệp Dao giật mình, hoảng hốt thế nào lại buông rơi chiếc ô đồng thời nép sát vào người Bách Du. Sau khi định thần lại, nàng mới phát hiện mình đang ôm một người nam nhân.

Nam nữ thọ thọ bất thân, cái chuyện thân mật này thật chẳng phải chút nào, nên nàng ngượng ngùng buông tay ra. Nhưng nàng chưa kịp quay qua tìm kiếm chiếc ô bị rơi thì thình lình Bách Du nắm lấy tay nàng giữ lại.

Điệp Dao chớp mắt nhìn gương mặt thanh tú đang ẩn dưới chiếc ô, đôi mắt hướng vào nàng trông đượm buồn nhưng bừng sáng.

- Lỡ tay bỏ đi, âu cũng là điều tốt, sao cứ phải ngoái đầu nhìn? Đã buông được rồi thì hà cớ gì nhặt lại làm chi cho lòng thêm nặng nề?

Phải một hồi sau Điệp Dao mới hiểu Bách Du vừa nói đến điều gì. Khẽ khàng, nàng xoay qua nhìn chiếc ô mở đang nằm dưới màn mưa buốt giá. Là của Ngô Văn từng tặng nàng…

Nhớ lại khoảnh khắc ban nãy, khi vừa nghe sấm sét, nàng đã vô tình buông tay để chiếc ô rơi xuống. Liệu có phải cũng là vì nàng đã chấp nhận buông bỏ thật sự? Nàng thấy trong lòng dâng lên nỗi xúc động và thiết nghĩ, bỏ được thì bỏ chẳng nên vấn vương nữa.

- Ta về nhà thôi.

Chất giọng trầm tĩnh của Bách Du lại cất lên, êm đềm như một cơn gió nhẹ.

Lạ lùng quá đỗi, lương duyên của Điệp Dao luôn bắt đầu dưới những cơn mưa. Giống như buổi sáng thanh minh lần đó, và cả ngay lúc này. Nàng nhìn nam nhân bên cạnh mình lần nữa, người đang đứng cùng nàng dưới chiếc ô “duyên kỳ ngộ” này không phải công tử họ Ngô mà là Bách Du.

Điệp Dao mỉm cười gật đầu, cùng nắm tay chàng bước tiếp dưới cơn mưa lạnh.

Nàng sẽ nói chàng nghe về quẻ xăm xin được trong miếu Bà, là “Thượng kiết”, một quẻ cát. Lời giải rằng, người xin quẻ này sẽ gặp được lang quân như ý, ví như nàng Thôi Oanh Oanh gặp gỡ chàng thư sinh Trương Quân Thuỵ, trong vở kịch mang tên “Tây sương ký”, viết bởi Vương Thực Phủ thời nhà Nguyên…

---------------

Câu chuyện kết thúc, người thanh nữ nọ đảo mắt qua một lượt các thiếu nữ vẫn đang nhìn nhau với vẻ nghi ngại. Mối lương duyên giữa nàng đến miếu Bà xin quẻ và chàng giải xăm nghe kể thì chẳng rõ thực hư thế nào.

Người thanh nữ cũng hiểu những suy tưởng trong đôi mắt của họ. Thiết nghĩ, câu chuyện tình mang cái kết có hậu như thế phải chăng rất khó tin?

Nàng đã định nói thêm điều gì đó thì bỗng dưng, từ xa có tiếng gọi của một người nam nhân: “Nương tử à!”. Nhác thấy phu quân đứng trên chiếc cầu Khuê, nàng ta liền đứng dậy mỉm cười chào các muội tại đây.

Đi được vài bước, nàng chậm rãi quay lại nói một lời rằng:

- Nhân tiện, tỷ tên Điệp Dao, ái nữ của thầy lang Điệp...

Chẳng để các thiếu nữ kia biểu hiện sự bất ngờ là nàng đã rời khỏi quán nước.

Điệp Dao đến bên cạnh Bách Du, chàng hỏi nương tử vừa gặp lại bằng hữu ư? Nàng nhẹ nhàng quàng tay qua tay phu quân, nghiêng đầu mỉm cười:

- Chỉ là thϊếp hàn huyên với các muội thôi.

- Chắc nàng lại kể chuyện của phu thê chúng ta cho họ nghe nữa à.

- Thế có gì không tốt?

- Không sao, miễn nàng thích là được rồi.

Nói rồi Điệp Dao cùng Bách Du cất bước trở về nhà, để lại phía sau lưng chợ phiên đã tan và trời đã quá trưa.

Hết.

Võ Anh Thơ