Chương 34:

Bà cụ Trình hỏi: “Bác sĩ, có nghiêm trọng lắm không ạ?”

Bác sĩ cười nói: “Không sao hết, chăm mấy ngày là khỏe thôi.”

Lúc này người nhà họ Trình mới yên tâm ôm Mễ Dương về, bà cụ Trình vô cùng tự trách, cho nên tự mình trông Mễ Dương cả đêm không dám chợp mắt, hết phe phẩy chiếc quạt hương bồ thì lại tới dùng nước trong lau người cho cậu, sợ cậu vô ý gãi trầy da trong lúc ngủ sẽ để lại sẹo.

Trình Thanh khuyên cách mấy cũng không được, lúc nửa đêm dậy còn thấy bà cụ đi pha sữa bột cho cháu.

Cô ấy qua hỏi thử mới biết thì ra là Mễ Dương kêu đói bụng, Trình Thanh vừa tức giận lại vừa sốt sắng: “Mẹ à, mẹ chiều thằng bé quá, bác sĩ nói nó chỉ bị dị ứng thôi mà, không sao hết…”

Bà cụ Trình không nghe, khoát tay bảo cô ấy đừng xen vào, sau đó tự mình pha một bình sữa cho cháu ngoại của mình, nhìn Mễ Dương uống, bà ấy lại hỏi: “Dương Dương, cháu còn khó chịu không?”

Mễ Dương tròn xoe mắt, như thể đang cảm nhận, sau đó nói: “Bà ngoại ơi, cháu hết ngứa rồi, hình như uống xong là hết đó.”

Nhìn chẳng khác gì một con cáo con đi lừa ăn lừa uống của người khác.

Mễ Dương uống xong lại giơ tay kéo kéo bà cụ: “Bà ngoại ơi cháu buồn ngủ quá, cháu muốn bà dỗ cháu ngủ cơ, bà cũng ngủ ở chỗ này luôn nha bà.”

Bà cụ Trình cười nói: “Rồi rồi, bà ngoại cũng ngủ ở đây với cháu.”

Trình Thanh dở khóc dở cười đứng một bên nhìn cảnh này, cô ấy khuyên cả đêm thế mà cũng không bằng một câu của thằng nhóc hư kia.

Bởi vì Mễ Dương bị bệnh cho nên mấy ngày nay cậu cũng không được ôm đi ra ngoài chơi nhiều. Từ lúc về trấn Sơn Hải tới nay, hai cái đùi của cậu cứ như thành vật trang trí, bởi vì mấy người dì trong nhà cứ tranh nhau ôm cậu, làm cậu gần như không có cơ hội tự đi đường.

Chờ đến khi Mễ Dương gần như khỏe hẳn cũng là lúc nhà họ phải về bộ đội.

Ngày cuối, khi Trình Thanh đang gói ghém hành lý thì Trình Xuân tới, Mễ Dương rất thích người dì hai có chất giọng mềm mại ấm áp này, thế là vội vàng nhào qua tặng cho cô ấy một cái ôm.

Trình Xuân cầm một cái túi xách lại đây, bên trong là hai bộ đồ mới, một món trong đó là chiếc áo khoác bằng len Cashmere vừa hợp mốt lại vừa dày dặn vô cùng bắt mắt, vừa nhìn đã biết là không hề rẻ. Trình Xuân đẩy túi quần áo cho chị cả của mình, nói muốn cô ấy mang vào bộ đội mà mặc, Trình Thanh đương nhiên là không chịu, vội vàng đẩy lại: “Em đừng vớ vẩn, đây là quần áo đính hôn của em đấy, người ta mang tới tặng cho em mà em lại đưa cho chị thì còn ra thể thống gì…”

Tính tình của cô hai nhà họ Trình tuy dịu dàng nhưng cũng không kém phần kiên trì, cô ấy cười nói: “Chị à, chị cứ lấy đi, chị phải qua đó đi làm mà, cho nên phải chú ý ăn mặc một chút, tránh để cho những người thành phố đó khinh thường, chứ để em mặc nó rồi ở nhà thì có ích gì đâu.”

Thời buổi này, chênh lệch giữa hộ khẩu nông nghiệp và hộ khẩu phi nông nghiệp là rất lớn, tất cả mọi người đều muốn thoát khỏi nông thôn, nếu đi ra ngoài kiếm được việc làm khác thì sẽ là một chuyện nở mày nở mặt để khoe khoang. Trình Xuân thật lòng mong chị cả của mình có thể sống tốt hơn ở bên ngoài, hai người là chị em ruột, nếu có thể giúp nhau được cái gì thì cô ấy tình nguyện bỏ ra hết.

Trình Thanh nghe xong đỏ cả vành mắt, trước khi đi, hai chị em còn biết bao điều chẳng thể nói hết.

Mễ Dương đứng một bên nghe, trong lòng than thở lại là vấn đề về hộ khẩu nữa rồi.

Năm đó mọi người đều không muốn hộ khẩu nông nghiệp, một phần là vì không muốn làm nghề nông nữa, một phần thì có liên quan đến thuế nông nghiệp. Sau này thuế nông nghiệp được bãi bỏ, cũng không còn hạn chế về hộ khẩu, đi đâu cũng có thể tìm được việc làm, hộ khẩu phi nông nghiệp cũng không còn quý hiếm gì, mà tương lai bởi vì việc phát triển đất đai, nông thôn lại trở nên nổi tiếng hơn, đặc biệt là nơi gần với thành cổ như trấn Sơn Hải nhà bọn họ, sau khi mở rộng và quy hoạch thì giá đất cũng tăng vùn vụt, chỉ trong hai ba năm mà đã tăng gấp mấy lần.

Khi đó hình như chỉ có người không rời khỏi trấn Sơn Hải như dì ba là đổi đời, chỉ riêng biệt thự thôi dì ấy đã có hai căn rồi.

Loại chuyện này, thật đúng là không thể nói trước được mà.