Chương 32:

Chương 32:

Lúc Yến Tư Không và Lương Tuệ Dũng chạy tới cổng thành, liền bị đại quân đen nghịt, không thấy điểm cuối làm bàng hoàng đến mức thốt không nên lời.

Ký ức hai mươi mốt năm trước hiện ra trước mặt. Khi đó, họ đứng trên thành lầu y như này, đối mặt với kẻ địch y như thế, thề phải bảo vệ quê hương y như vậy. Đây có phải luân hồi hiện thế không, bằng không, tại sao những bi kịch đẫm máu này cứ lặp đi lặp lại chứ?

Yến Tư Không còn nhớ rõ ràng, lần đầu thấy đại quân áp sát, y sợ đến mức nhũn cả hai chân. Nhưng Nguyên Mão dùng bàn tay mạnh mẽ nắm vai y, dùng giọng điệu trầm ổn nói với y rằng, người có thể sợ nhưng không được chùn bước.

Thế là Nguyên Mão chỉ huy cô binh quả thành đẩy lùi mượn vạn địch quân của Trác Lặc Thái, dù thân trúng tên lạc vẫn nửa bước không lùi.

Trác Lặc Thái hiện tại hừng hực ngọn lửa báo thù, dẫn đến nhiều binh hơn. Mà Quảng Ninh cũng đã trở thành một tòa thành kiên cố. Năm đó họ bảo vệ được Quảng Ninh thì hôm nay cũng sẽ không để man di dây máu ăn phần với giang sơn và bách tính của bọn họ.

Vì ngày này, địch ta đã chuẩn bị sẵn sàng.

Lương Tuệ Dũng trầm giọng nói: "Tồn vong nằm hết ở đây. Tư Không, ta tin Nguyên tướng quân trên trời có linh ắt sẽ phù hộ Quảng Ninh, phù hộ Liêu Đông."

Yến Tư Không ngẩng đầu nhìn trời cao, lẩm bẩm: "Cha, chúng con không chỉ muốn bảo vệ thành trì, mà còn muốn kết thúc với Trác Lặc Thái, kết thúc nỗi khổ trăm năm của bách tính Liêu Đông. Phù hộ chúng con..." Cũng phù hộ Phong Dã có thể vượt qua kiếp nạn này.

Bấy giờ, một tên lính Kim cưỡi ngựa ra khỏi hàng ngũ, vọt tới bờ thành hào, nói vọng lên trên: "Hoàng đế Đại Kim ta có lệnh, hàng thì không đυ.ng cây kim sợi chỉ, không hàng thì đồ sát toàn thành nhà ngươi!"

Yến Tư Không nhìn tên lính từ trên cao xuống, sắc mặt đầy âm hàn: "Hay cho khí diễm phách lối, khẩu khí ngông cuồng, xem ra Trác Lặc Thái rất nắm chắc trận chiến này."

Từ Phong mắng: "Man di nhỏ bé các ngươi mà cũng dám xưng đế, ta nhổ vào!"

Lính truyền lệnh cười to: "Một đứa nhóc quấn tã còn xưng đế được, đám người Hán các ngươi mới đáng cười."

Lương Tuệ Dũng quát: "Bắn tên."

Mấy mũi tên đồng thời bắn ra, người dưới thành lập tức bị đâm thành con nhím.

Quân Kim gõ trống tiến công, đầu tường Quảng Ninh cũng không chịu yếu thế, tiếng trống vang dội đánh vào lòng người nghe.

Yến Tư Không nhìn ba gò "tường Sơn" mà mình đốc công xây dựng như ba thanh kiếm sắc bén chĩa thẳng vào quân Trác Lặc Thái. Ngực y sôi sục, máu nóng cuộn trào, hai tay siết đến mức vang lên tiếng răng rắc.

Đến đi, lần này, ta muốn xé tan các ngươi thành từng mảnh!

Trác Lặc Thái dẫn ít nhất mười lăm vạn binh mã. Ngoài hai vạn bị tổn thất trong trận tập kích doanh và truy bắt Phong Dã thì số còn lại được bố trí để thủ doanh. Năm đó gã bị đánh lén đại doanh, buộc phải cay cú rút lui. Lần này chắc chắn sẽ không chủ quan khinh địch.

Mà số quân thủ thành Quảng Ninh, chỉ còn bảy vạn.

Tuy nhiên, họ vẫn bừng bừng chí chiến đấu. Quảng Ninh xưa kia từng dùng một thành nhỏ dự bị và mấy ngàn binh mã chặn đứng mười vạn đại quân của Trác Lặc Thái. Quảng Ninh ngày nay có thành cao, hào sâu, còn có bảy vạn đại quân, lo gì không thể đánh lui quân địch? Đây cũng là nguyên nhân mà họ nghĩ trăm phương ngàn kế để dụ Trác Lặc Thái công thành.

Ngay dưới tòa thành này, bọn họ sẽ nghiền nát đại quân của Trác Lặc Thái và lòng cầu thắng của gã.

Đầu xuân, thời tiết vẫn cực kỳ rét buốt. Để đề phòng nước ở hào thành bị đóng băng, họ đã sớm rút cạn nước từ khi bắt đầu vào đông, bây giờ chỉ còn lại phần khe sâu trở thành lá chắn đầu tiên cho Quảng Ninh vệ. Dù vậy, vì con hào này sau này mới được đào, chịu hạn chế về mặt địa lý nên nó rộng chưa đến bốn trượng.

Trên tường thành, đội cung và đại bác đã sẵn sàng nghênh đón địch, những người còn lại thì nhìn đại quân tới gần, trong lòng suy đoán Trác Lặc Thái định dùng cách gì để vượt hào.

Thang mây? Lấp hố? Niên Hãn pháp*? Người Kim không chế tạo được máy móc tinh vi, mà Niên Hãn pháp lại cần xe lấp hào, kỹ thuật phức tạp, kích thước khổng lồ, không dễ vận chuyển, ngay cả bọn họ cũng rất ít dùng. Trong hào thành không có nước, cầu nổi cũng không phát huy được tác dụng. Vậy rốt cuộc chúng định dùng thang mây hay dùng người lấp hào?

· Niên Hãn pháp: là một chiến thuật quân sự được sử dụng bởi Niên Hãn, một vị tướng tài của nhà Kim.

Dựng thang mây trên hào thành chẳng khác nào dâng cho họ vô số bia sống. Đến cuối cùng thứ lấp hào kỳ thực chính là thi thể các tướng sĩ. Xưa nay, cách lấp hào này không phải là hiếm. Mặc dù tàn nhẫn nhưng lại vừa nhanh vừa hiệu quả.

Phương pháp thường gặp hơn là vận chuyển đất cát tới lấp hào. Các tướng sĩ đẩy Hà Mô xa* được buộc lá chắn, rồi đẩy từng xe đổ vào hào thành. Cách này có thể giảm thương vong, nhưng muốn lấp đầy hào thì ít cũng phải mất từ mười đến mười lăm ngày.

· Hà Mô xa: Loại xe gieo hạt thời cổ của Trung Quốc.

Yến Tư Không suy đoán, Trác Lặc Thái lấy nhiều băng từ sông Hoàng như thế, khả năng cao sẽ dùng băng để lấp hào.

Bọn họ nhìn trận hình quân địch tách ra làm hai, quân trung lộ di chuyển ngay ngắn về phía trước.

Trên cổng thành, mọi người kinh ngạc nín thở.

Yến Tư Không chỉ đoán đúng một nửa. Quân Kim quả thực đẩy Hà Mô xa tới lấp hào, nhưng thứ đựng trong xe không phải đất cát, cũng chẳng phải đá lạnh, mà là những vật thể màu vàng nâu, được thổi phồng lên như mặt trống, to cỡ một người, mặt ngoài còn mơ hồ lọt ánh sáng nên có lẽ bên trong rỗng ruột. Chúng được buộc thành từng nhóm bảy tám cái bằng dây thừng, đặt nằm ngang trên Hà Mô xa, nhìn như vậy chứng tỏ rất nhẹ.

Đây là thứ gì?

Yến Tư Không và Lương Tuệ Dũng liếc nhau, đều khó hiểu.

Chỉ thấy quân Kim giơ tấm khiên lên, che kín mít Hà Mô xa, bảo vệ thứ trên xe. Mấy ngàn quân Kim cứ thế đẩy xe tới gần hào thành.

Lương Tuệ Dũng lòng thầm run sợ hỏi: "Tư Không, ngươi hiểu sâu biết rộng, ngay cả ngươi không biết sao?"

Yến Tư Không cau mày đáp: "Đợi tới gần ta nhìn kỹ hơn xem." Cuộc đời y đã đi vô số nơi, đã đọc vô số sách, không dám nói không ai sánh bằng, nhưng chắc chắn cũng thuộc hàng hiếm thấy trên thế gian. Song y nghĩ nát óc vẫn chưa thể nghĩ ra ngay rốt cuộc đó là cái quái gì.

Sự bí ẩn luôn khiến con người ta sợ hãi, dù các tướng sĩ không nói nhưng Yến Tư Không có thể cảm giác được sự thay đổi rất nhỏ của bầu không khí xung quanh.

Lương Tuệ Dũng quát: "Đội cung."

Tất cả cung thủ kéo căng dây cung, chờ đợi khoảnh khắc quân Kim tiến vào tầm bắn. Lương Tuệ Dũng nghiêm giọng hô: "Bắn--"

Tên từ trên trời giáng xuống như mưa.

Hai mươi mốt năm trôi qua, Trác Lặc Thái và Quảng Ninh, lại khai chiến lần nữa.

Mũi tên đen kịt trời trút xuống, phần lớn găm vào những tấm khiên, số còn lại thì xuyên qua da thịt hoặc cắm vào những vật thể kỳ lạ màu vàng. Chỉ thấy vật kia lập tức xì hơi, dần xẹp lép.

Lúc đẩy đến rìa hào, quân Kim thả dây thừng ra, những vật kia liền tiến vào khe hào.

Đại não Yến Tư Không bỗng lóe linh quang, la lên: "Là phao da cừu!"

Phao da cừu ban đầu được bách tính chui vào trong để nổi qua sông, sau này người ta chế tạo thành bè da, có thể chở vài người qua sông tạm thời.

Để tạo phao da cừu, cần lột da một con cừu đực nguyên tấm từ cổ trở xuống, phải hoàn hảo không có một vết xước. Sau khi lấy hết phần lông cừu thì buộc chặt đầu đuôi và tứ chi nó lại, thổi cho thật phồng. Cuối cùng, ngâm và phơi nhiều lần cho đến khi da cứng và dai. Buộc mấy phao da cừu này vào khung gỗ là có thể nổi ở trên mặt nước, tạo thành 'bè da*'.

· Hình ảnh 'bè da':Trục Vương (Theo Đuổi Nghiệp Đế Vương) - Chương 32:Phao da cừu rất nhẹ, lúc chưa bơm khí thì dễ vận chuyển, lúc khí căng lại đủ chứa một người. Mấy ngàn năm qua người Kim dùng cừu và bò làm thức ăn, thứ không thiếu nhất chính là da cừu, nhưng dùng phao da cừu qua sông lại là phát minh của người Hán. Chúng có thể nghĩ ra cách này để lấp hào, thật sự khiến người ta bàng hoàng!

Lương Tuệ Dũng cũng bừng tỉnh: "Đúng là phao da cừu rồi, sao người Kim lại nghĩ ra được diệu pháp như vậy? Chẳng nhẽ..."

"Không thể nào." Yến Tư Không lạnh lùng nói: "Nếu Hàn Triệu Hưng có não như thế thì đã không phá hoại Liêu Đông ra nông nỗi này. Bên cạnh Trác Lặc Thái nhất định có mưu sĩ lợi hại, am hiểu sâu sắc văn hóa Trung Nguyên."

Mũi tên như dệt, bọn họ cố gắng ngăn cản quân Kim tới gần hào thành, nhưng nhóm này ngã xuống thì lại có nhóm khác tiến lên. Phao da cừu đã nhẹ còn lớn, một người đẩy một Hà Mô xa nho nhỏ có thể chở được mấy cái. Với tốc độ như thế, sợ rằng muốn lấp hào thành trước mặt chỉ mất một ngày là xong!

Hứng chịu từng đợt gió rét, trên trán Yến Tư Không toát mồ hôi lạnh.

Bọn họ đã coi thường Trác Lặc Thái.

Hai mươi mốt năm trước, Trác Lặc Thái vẫn còn là đại hoàng tử nước Kim, dẫn theo mười vạn đại quân xâm phạm Liêu Đông, kết quả thảm bại trở về, khiến họ từ đó chưa từng để tên mọi rợ này vào mắt. Mà Trác Lặc Thái hiện tại đã ở tuổi lục tuần, dần dần già đi, không biết thiên mệnh sẽ giáng xuống ngày nào, lại vẫn đích thân cầm quân chinh phạt, đủ để thấy gã cố chấp với Quảng Ninh ra sao. Gã dành bao năm âm thầm nuôi binh, làm gì có chuyện không chuẩn bị.

Từ Phong chạy đến trước mặt Yến Tư Không: "Đại nhân, tốc độ lấp hào quá nhanh, cứ tiếp tục như thế, chúng ta không thể chờ viện binh của Phong tướng quân mất."

Yến Tư Không nhìn phao da cừu liên tục chất vào khe hào, sắc mặt sầu lo.

Bọn họ vốn tính Trác Lặc Thái ít nhất phải mất vài ngày mới vượt được hào thành. Đến khi họ đánh tơi bời tan tác Trác Lặc Thái dưới chân thành Quảng Ninh, cũng là vừa lúc viện quân của Phong Trường Việt tới, chặt đứt đường lui của chúng, đánh Trác Lặc Thái thương vong nặng nề.

Nhưng với tốc độ lấp hào trước mắt, chậm nhất là ngày mai Trác Lặc Thái sẽ công thành. Bọn họ chỉ còn cách chống trả trực diện, mấy ngày tới, không biết có thêm bao nhiêu tướng sĩ phải hy sinh.

Yến Tư Không trầm giọng nói: "Đổi hỏa tiễn."

Lương Tuệ Dũng ra lệnh, cung thủ liền đổi sang hỏa tiễn. Tuy nhiên, bấy giờ gió Bắc thổi dữ dội, bọn họ lại đứng ở nơi cao đón gió, lửa vừa bùng lên đã tắt ngúm, càng chưa nói tới lúc bắn ra còn mấy tên giữ được lửa.

Nếu dùng đại bác bắn hào thành thì quả thực có thể hủy phao da cừu, nhưng đồng thời nó cũng bắn sập phần đất bị đóng băng, trực tiếp lấp đầy hào thành, thậm chí còn lấp nhanh cả hơn phao da cừu.

Bọn họ chỉ đành trơ mắt nhìn quân Kim ồ ạt đổ phao da cừu vào hào.

Kế này của Trác Lặc Thái muốn thành cần hội tụ đủ thiên thời địa lợi, kỳ diệu thay tất cả đều thuận theo ý gã. Bầu trời trên đầu họ là trời của người Hán, mà tại sao trời lại không giúp Quảng Ninh?

Một bên hào thành, trống trận vang trời, từng tiếng như nện thẳng vào trái tim mỗi người. Bên phía còn lại, xác Kim thành đống, cùng phao da cừu ngày một chất cao.

Yến Tư Không nhìn chiến trường hoang tàn, nghĩ đến trong phòng của Phong Dã trong thành, có phải cũng đang diễn ra một trận chiến đẫm máu khác – trận chiến với Diêm vương chăng?

Trước có tử địch không đội trời chung, sau có Phong Dã chưa rõ sống chết, Yến Tư Không đứng trên cổng thành chỉ cảm thấy tiến thoái đều là vực thẳm.

Cuộc chiến này kéo dài từ bình minh tới tận khuya. Xác lính Kim chết như ngả rạ, đổi lấy hào thành Quảng Ninh đã bị lấp kín hoàn toàn. Đại quân mang xe bắn đá, xe thang mây và đại bác mua từ chỗ của người Hán, dồn dập tiến về chân thành Quảng Ninh.