Chương 37: Giáo viên bất đắc dĩ

“Bên này! Bên này!”

Lân Nhi từ xa trông thấy hai người Trịnh Thanh Mây và Hứa Định Kiên, liền vẫy tay lớn tiếng gọi.

Trịnh Thanh Mây thong thả bước tới: “Ba người các cậu đến sớm vậy?”

Lân Nhi trực tiếp chứng minh cho cô thấy bằng hành động, lập tức kéo tay cô chạy đi: “Cậu thử tới trễ thêm một phút thôi là khỏi cần đi nữa đấy.”

Ba người nam sửng sốt vội đuổi theo sau.

Bến xe người đông như nêm cối, họ chen chúc, luồn lách, xô đẩy nhau tìm đến các phòng vé.

Lân Nhi đã đặt vé trực tuyến từ trước. Họ vừa đến, xe cũng sắp khởi hành.

Tiếp viên chưa hỏi năm người câu nào đã vội vã giục họ lên xe: “Còn đứng đực ra đó làm gì? Có lên xe hay không? Người sau còn xếp hàng dài chờ tới lượt kìa.”

Nhóm bạn của Trịnh Thanh Mây mơ hồ bị đẩy vào trong. Đinh Quang Lưu lên trước ngồi vào hàng ghế cuối đủ chỗ cho năm người.

Đây là lần đầu tiên họ ngồi xe khách đông người như vậy.

Mùi mồ hôi khó ngửi pha tạp vào nhau, xộc thẳng lên mũi khiến Trịnh Thanh Mây và Lân Nhi tái mặt.

Ba người kia cũng không khá khẩm hơn là bao.

Vì quá mệt mỏi không có kinh nghiệm đi xe đường dài, năm người mơ màng ngủ thϊếp đi.

Lúc Hứa Định Kiên tỉnh lại, hai bên đường chỉ có những cánh đồng ruộng bậc thang bạt ngàn.

Anh hốt hoảng vội lay tỉnh những người còn lại.

Đinh Quang Lưu còn đang ngái ngủ, lấy tay dụi mắt: “Chuyện gì vậy? Tới nơi rồi à?”

Hứa Định Kiên hất cằm ra ngoài cửa sổ: “Cậu tự nhìn đi!”

Đôi mắt lim dim của Đinh Quang Lưu sau khi chứng kiến cảnh tượng bên ngoài, bất giác trừng lớn: “Vãi! Không phải ra đảo à? Sao chúng ta lên núi luôn rồi?”

Những người còn lại bị tiếng hét của anh làm giật mình tỉnh ngủ: “Chúng ta đang ở đâu vậy?”

Vừa dứt lời, tiếp viên đứng ở gần ghế tài xế nói vọng xuống: “Các cô cậu tỉnh lại thì xuống xe đi, đến trạm cuối rồi.”

Họ sửng sốt gấp rút thu dọn ba lô rời khỏi xe khách.

Trịnh Thanh Mây xuống trước quay đầu hỏi tài xế: “Bác cho cháu hỏi đường đến Đảo Xích còn bao xa nữa ạ?”

Tài xế kinh ngạc nhìn cô: “Xe đi khỏi đảo Xích gần 3 tiếng rồi. Giờ các cô cậu có muốn quay lại cũng phải đợi đến sáng mai.”

Năm người nhìn nhau thở dài.

Lân Nhi đảo mắt qua khung cảnh hoang vu phía trước, ở tít đằng xa mới có vài căn nhà.

Cô không nhịn được rầu rĩ lên tiếng: “Giờ chúng ta đi đâu đây?”

“Thầy cô giáo tới rồi!”

Bỗng nhiên dân làng từ đâu tập trung lại, chừng ba mươi người già trẻ lớn bé cầm băng rôn, đứng vây quanh họ.

Một bé gái mặt mũi lấm lem lại gần kéo tay Trịnh Thanh Mây: “Cô là cô giáo ở thành phố mới đến sao?”

Hứa Huân hiểu ý họ liền xua tay giải thích: “Mọi người hiểu lầm rồi! Chúng cháu chỉ là học sinh cấp ba đi lạc tới đây thôi.”

Nghe anh nói vậy, dân làng thoáng thất vọng.

Vài phút sau, một ông lão đột nhiên chống gậy bước tới hỏi anh: “Này cậu nhóc, cậu biết viết chữ chứ?”

Hứa Huân gật đầu.

Ông quay sang hỏi bốn người còn lại: “Các cô cậu biết làm toán không?”

Họ chẳng hiểu ông lão hỏi vậy có ý gì nhưng vẫn thành thật gật đầu.

Người dân thấy vậy, thái độ mừng rỡ trở lại.

Một người phụ nữ mặc đồ địa phương phấn khích nói: “Cô cậu dạy bọn nhỏ học cho tới khi rời đi được không? Chúng tôi bao mọi người ăn ở?”

Năm người đúng cảnh buồn ngủ gặp chiếu manh.

Nhưng Lân Nhi vẫn muốn thành thật với họ trước: “Bọn cháu chỉ có thể ở đây đến sáng mai. Mọi người vẫn chấp nhận chứ?”

Dân làng thở dài tiếc nuối, nhưng cũng lấy lại tinh thần rất nhanh: “Được ngày nào hay ngày đó vậy.”

Trưởng thôn dẫn bọn họ vào nhà mình cất đồ. Người dân ở đây gọi ông là Lão Kỳ.

Nơi họ ở chỉ có mỗi chiếc giường gỗ đơn sơ. Giữa phòng có đặt bàn đá được đẽo gọt thủ công, phía trên thắp một ngọn đèn dầu.

Sau khi rửa mặt qua loa, năm người được Lão Kỳ dắt tới trường học của thôn để dạy bọn trẻ.

Nói là trường học, thực ra chỉ là căn nhà gỗ được đóng tạm đủ để che mưa chắn gió.

Bên trong có vài bộ bàn ghế mục nát và một tấm bảng đen cũ kỹ, không còn dễ viết phấn như xưa.

Lân Nhi nắn nót viết vài từ đơn giản lên bảng, dạy lũ trẻ đọc theo.

Thời tiết lạnh lẽo, nhiệt độ hạ xuống chỉ còn vài độ C, nhưng bọn trẻ vẫn mặt quần áo phong phanh ngồi chăm chú nghe cô giảng bài.

Bị hơn mười đôi mắt nhìn chòng chọc mình, Lân Nhi thoáng mất tự nhiên nhưng cũng thích ứng rất nhanh.

Bốn người còn lại ở bên dưới quan sát, hướng dẫn các bé chép bài vào vở.

Lớp học yên tĩnh đột nhiên vang lên giọng nói ngây ngô của một cậu bé: “Cô ơi, sao chữ của cô không giống cô giáo trên kia vậy? Chữ của cô ngoằn ngoèo thật đấy! Còn khó hơn chữ trên bảng nữa. Có phải ở trường cô học giỏi lắm, đúng không?”

Trịnh Thanh Mây lần đầu tiên bị một đứa trẻ hồn nhiên phê bình chữ của mình, ngượng chín mặt chỉ muốn lập tức tìm một cái lỗ chui xuống.

Ấy thế mà lũ trẻ tò mò chụm đầu vào xem: “Đâu? Đâu? Cho tớ xem nữa!”

Bốn người còn lại cố nén cười, nhưng cuối cùng không nhịn được nữa liền ho sặc sụa.

“Các thầy cô sao vậy ạ?”

Một đứa bé chớp chớp đôi mắt long lanh, nghiêng đầu thắc mắc.

Trịnh Thanh Mây sau khi lấy lại trấn tĩnh, mặt không đỏ tim không đập mở miệng nói dối: “Các em đừng xem nữa. Các em mới tập viết, còn lâu mới học được chữ của chị. Các em cứ học theo cách viết đơn giản trên bảng là được rồi.”

Cậu nhóc ban nãy đột nhiên phấn khích đem vở khoe với cô: “Cô ơi, cô xem này! Em viết được giống cô rồi! Cô xem em có lợi hại không?”

Khóe môi Trịnh Thanh Mây co giật, cô không muốn thừa nhận nét chữ nguệch ngoạc xấu như gà bới này lại được mô phỏng từ chữ của mình.

“Ha ha ha!”

Bốn người bạn được dịp cười bể bụng khi chứng kiến một ngày đội quần của Trịnh Thanh Mây.