Chương 12: Gia đình tôi (1)

* Truyện giả tưởng. Tất cả các tên, nhân vật, tình tiết trong truyện đều từ trí tưởng tượng của tác giả, giống với thực tế chỉ là trùng hợp.

Tôi cảm thấy mình rất may mắn vì được sinh ra trong một gia đình khá giả và ba mẹ đều yêu thương tôi.

Nhà tôi có ba người, ba tôi là luật sư, mẹ là bác sĩ và tôi đang là học sinh lớp 10.

Ba tôi đã theo nghề luật gần 20 năm nên có thể nói trong ngành ông cũng khá nổi tiếng. Không chỉ bởi sự thành công hay danh tiếng của mình, ông còn được kính trọng vì nhân phẩm cùng tài ăn nói cực kì khéo léo. Ba tôi là người có con mắt quan sát tinh tường, trí óc nhạy bén cùng một cái lưỡi trơn tru và đôi khi lại xéo sắc đến đáng sợ. Hiển nhiên nó chỉ là nỗi khϊếp sợ trên tòa, bình thường thì ông luôn bảo vệ và bênh vực những người thân của mình.

Bạn bè thích ông vì ông rộng rãi và ngay thẳng, còn tôi thích ông vì ông biết cách dạy tôi những điều đúng đắn mà không cần đòn roi hay trách mắng. Với tôi, ông chính là người cha, người thầy, người anh thân thiết mà tôi hết sức nể phục.

Còn về mẹ, bà là một bác sĩ chuyên khoa xương khớp, cũng là một người mẹ dịu dàng, mẫu mực và yêu thương chồng con nhất mà tôi từng thấy.

Mẹ tôi hiền lắm, trong kí ức của tôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ phải lớn tiếng với ai trong nhà cả. Bà là một người lương thiện và nhân hậu. Bà luôn tìm cách giải quyết những xích mích, cãi vả bằng một cuộc nói chuyện nhỏ nhẹ và những lời hỏi han. Trong nhà thì mẹ luôn yêu thương và chiều chuộng tôi hết mực. Và tôi nghĩ mẹ cũng biết tôi không thể làm bà buồn lòng được nên bà luôn tin tưởng tôi vô điều kiện. Bà là một người mẹ tinh tế và bao dung. Tôi rất rất yêu mẹ.

Vì được sống trong một gia đình đủ đầy vật chất lẫn tinh thần như thế nên con người tôi cũng lỗi lạc và ngay thẳng. Được bảo vệ trong vòng tay của mẹ và sau bóng lưng của ba, tôi lớn lên trong sự chính trực và mạnh mẽ để biết mình chẳng cần làm gì để phải bị hổ thẹn. Tôi yêu bản thân hiện tại và yêu gia đình hiện tại. Và tôi luôn ý thức được mình là đứa trẻ may mắn, hạnh phúc nhất thế gian này.

Nên hôm qua, cho dù bị xe tông trúng vì mãi đọc truyện trong điện thoại, tôi cũng chỉ nghĩ rằng “phiền toái rồi” chứ không thực sự lo lắng hay sợ hãi.

Sáng nay mở mắt dậy tôi thấy mình còn nằm trong phòng bệnh, bên ngoài có tiếng nói chuyện, tôi biết ba mẹ tôi đã tới.

- Con sao rồi? Còn đau nhức hay khó chịu gì nữa không? - Mẹ tôi đi vào với hàng mày nhíu lại đầy lo lắng, tôi hơi chột dạ nên cười toe toét chứng tỏ mình vẫn ổn.

- Con bình thường! Mẹ nhìn này, con chỉ bị trầy da một chút chứ đau đớn gì. Ba đâu rồi? Ba mẹ nói chuyện với chú lái xe chưa?

- Ba con đã gặp người ta tối qua rồi. - Có vẻ mẹ thấy mặt mày tôi tươi rói nên chỉ đành thở dài, có điều gương mặt bà vẫn còn sa sút. - Con đấy, lần sau đi đứng nhìn trước ngó sau vào! Làm gì đến mức bị xe tông…

- Con cũng có biết đâu. - Tôi thở dài chán nản. - Ai mà nghĩ đến đi bộ cũng bị đυ.ng cơ chứ. Cho dù con có bấm điện thoại thì con vẫn nhìn đèn đỏ rồi mới qua đường cơ mà! Cũng tại ông chú đó…

- Suỵt! Con bấm điện thoại?! - Mẹ bỗng hốt hoảng che miệng tôi. - Chuyện này con đừng nói với ba! Ông ấy sẽ tức giận.

Tôi không hiểu ý mẹ là gì, muốn kéo tay mẹ xuống nói tiếp thì đã thấy ba đứng ngoài cửa.

- Chị ngủ dậy rồi à? Đến đi bộ mà phải nhập viện thì tôi cũng chịu.

- Ai tính được đâu ba! Chắc cuộc đời muốn tặng con một chút kinh nghiệm sống. - Tôi quên bẵng những lời mẹ vừa nói, tôi nghĩ ba vẫn chỉ cà rỡn như thường ngày.

- Còn nói! - Đột nhiên ba quát lên, rồi ông lại cau mày xoa mi tâm. - Con lo dưỡng nhanh rồi về đi. May mà người ta tốt bụng chi tiền viện, không thì nhà mình chỉ có chết.

Nói rồi ông đi ra, để mặc tôi ngơ ngác ngồi đấy. Ba thậm chí còn không thèm hỏi han tôi.

- Ơ kìa là sao?! - Tôi bỗng thấy uất ức, phụng phịu nói với mẹ. - Bỗng dưng ba giận ai rồi đổ lên con kìa mẹ! Nay ba bị sao vậy?

- Được rồi, ba con hơi mệt chút. Con cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi.

Mẹ tôi ở lại căn dặn tôi một chút thì cũng rời đi. Tôi hơi buồn bực vì thái độ hờ hững của ba mẹ nhưng cũng đành chịu. Tôi biết tính chất công việc của ba mẹ tôi, những khi bận thì họ bận thật, và tôi có thể lại xui xẻo bị tai nạn trong cái giai đoạn bận bịu này của họ.

Cho dù vậy, cả một tuần tôi ở bệnh viện để quan sát não bộ thì tôi chưa thấy mặt ba thêm một lần nào nữa. Trừ những buổi tối muộn mẹ đến hỏi thăm và đưa chút đồ ăn, ba tôi dường như không còn đếm xỉa đến tôi nữa.

Tôi cảm thấy tức tức trong lòng. Tôi có nhắn tin cho ba mấy lần, ông chỉ trả lời hai chữ “ba bận” rồi biệt tích. Tôi lại hỏi mẹ, mẹ thì bảo dạo này công việc có hơi không ổn làm ba mẹ không có thời gian, tôi đành im lặng sống hết một tuần trong bệnh viện.

Mãi đến hôm tôi xuất viện, về nhà và được gặp mặt ba thì đã thấy người ra người vào ồn ào vận chuyển đồ đạt đặt ngoài cửa.

Tôi vừa thấy liền giật mình, quên hết những điều định nói, chạy vội đến hỏi ba tôi:

- Ba! Ba! Nhà mình chuyển nhà à? Sao con lại không biết?

Không hiểu sao lúc đó tôi lại có cảm giác ba như tránh né tôi. Ông chỉ gật đầu rồi đi sang chỗ khác, chỉ đạo nhân viên lấy cái này cái kia.

Việc ông làm lơ tôi khiến tôi hoàn toàn tức giận. Tôi cúi đầu đi thẳng lên phòng mình, định bụng mấy ngày nay sẽ chiến tranh lạnh với ba. Chỉ là vừa mở cửa, tôi liền thấy cả căn phòng trống hoắc, chỉ còn lại cái bàn học cùng một tấm đệm ngủ. Tôi liền hốt hoảng chạy ra gọi lớn tiếng:

- Ba! Ba! Phòng con bị sao vậy? Tủ kệ đâu hết rồi?

- Ồn ào quá Nhiên. - Câu thứ hai ông nói sau bao ngày gặp nhau. - Ba đã chuyển hết rồi. Mai ta sẽ sang nhà mới. Con cứ ngủ tạm đi.

- Nhưng cũng phải cho con tủ đồ để con thay áo quần nữa chứ! - Tôi bỗng thấy uất ức, sóng mũi đã cay cay. - Ba lại bị sao vậy? Ai lại chuyển nhà vào mấy ngày trong tuần?

- Được rồi, im đi Nhiên!

Tôi hoảng hốt nhìn ba, đây là lần đầu tiên tôi thấy ông quát tôi như thế. Và hình như ông cũng biết ông lỡ lời, ông quay đầu lên muốn nói gì đó, nhưng tôi không còn muốn nghe ông nói nữa, tôi quay lưng chạy vào phòng đóng sầm cửa lại.

Sau đó, tôi còn nghe thoang thoảng tiếng ông vọng lên trách mắng. Nhưng tôi không muốn ra, tôi đang bận khóc.

Hôm sau tôi ngủ dậy, đi xuống nhà thì quả nhiên toàn bộ đã dọn sạch. Tôi không thấy ba mẹ đâu, cả cô giúp việc cũng không. Tôi đi vào bếp thì chỉ còn dĩa cơm được bịch bóng bọc lên ở đó, tôi không ăn, xách cặp đi học.

Trường học và nhà tôi không xa, chỉ cách vài phút đi bộ.

Trường tôi học là một trường quốc tế có tiếng trong thành phố. Lúc trước khi tôi đậu trường này ba mẹ tôi đã mua căn nhà ở đây để tiện cho tôi đi học, nhưng giờ họ lại đột ngột chuyển đi mà tôi còn chẳng hiểu tại sao. Và bằng một cách nào đó, tôi hơi thấy bất an trong lòng, không biết có phải tại hành vi kì lạ của ba tôi không.

Trên đường đi tôi vẫn cố điều chỉnh lại tâm trạng. Sau cả tuần nghỉ tôi biết bạn bè tôi cũng lo lắng nên không muốn bày cái vẻ ủ dột này ra. Lúc đến lớp là tôi đã cười nói vui vẻ như không có chuyện gì.

- Ơ nhiên đi học được rồi! Có bị gì không mà sao thấy đi học sớm thế? - Lam đón tôi đầu tiên với gương mặt rạng rỡ

- Tớ bình thường. Khỏe như trâu chứ nhiêu đó nhằm nhò gì. - Tôi cười cười trêu lại.

- Mấy ngày vắng cậu cái lớp buồn chết mất! Cậu mà nghỉ thêm nửa ngày nữa chắc tớ vào chung trị trầm cảm thôi. - Nhi tiến đến ôm lấy tôi uốn éo, cô bạn là bạn cùng bàn với tôi.

- Cái ngày mày không ở lớp nhìn mặt con Nhi héo rũ. Mày mà không đến thì tao với Nhi, Lam hẹn hôm cúp tiết ghé mày đấy. - Trường từ xa đi lại.

- Gớm, gang vậy! - Tôi bật cười. - Vậy là suýt nữa tao được ra mắt các anh chị rồi. Có cần về nhà diễn lại chờ mày lên không?

- Thôi đến rồi thì học luôn đi! Mày thì có viện cớ làm biếng.

Chúng tôi ghẹo nhau mấy câu thì cũng có nhiều bạn nữa tiến lại hỏi hang. Có thể nói tôi vẫn giữ được mối giao hảo khá tốt với các bạn trong lớp. Trừ những thành phần đặc biệt ra thì tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống học đường thế này.

- Ngã có chút mà làm gớm! Không thấy còn tưởng mới sống lại.

Tôi quay đầu nhìn sang bên kia, con Uyên liếc tôi rồi tỏ vẻ điềm nhiên lấy tập bỏ lên bàn, tôi cười khẩy, tôi không giống nó, muốn hỏi thăm tôi sẽ nói trực tiếp:

- Không có tao coi bộ cái lớp buồn quá nhỉ? Tao mới đến đã hân hoan chào ra mặt.

- Cả một tuần mất tích làm người ta còn nghĩ mày hấp hối. Ai ngờ cái mặt vẫn nguyên đó. Hay thật sự không được ở nữa?

Con Uyên nó đá xéo lại tôi, mấy đứa xung quanh nó liền cười theo. Không hiểu sao hôm nay nó vênh váo lạ thường, cái vẻ ngông nghênh của nó cứ khiến tôi khó chịu, liền phán lại:

- Ở đó chán thật. Thiếu mày trong viện cứ bình yên.

- Thật không? Chứ không phải người ta không cho mày ở nữa à. Mày vẫn ở phòng vip mà nhỉ. Đến vậy rồi mà vẫn biết hưởng thụ đấy.

- Ý gì? Có gì mày nói mẹ đi. Bớt dông dài.

- Còn giấu diếm cái gì? Mày tưởng không ai biết?

- Biết gì? Mày nói quỷ gì thế?

- Ba mày bị đuổi việc rồi chứ gì. - Đột nhiên con Uyên lớn tiếng. - Nghe nói còn dính nợ nữa cơ! Mày tính giấu mãi à.

- Cái gì?

Lần này tôi tức giận thật sự, không thèm nhịn nữa, tôi xô bàn đứng lên.

- Mày điên rồi à? Bình thường cứ tưởng chỉ có cái mỏ mày là sưng sỉa. Giờ thì đến cái chó cũng dám nói?

- Mày vênh vênh cái mặt làm gì? - Con Uyên cũng đứng lên muốn sấn tới thì bị mấy đứa kia cản lại, nó cao giọng nói mỉa tôi. - Dù sao thì từ từ ai rồi cũng biết thôi. Không phải chỉ cái nết cao thượng của mày, cái vẻ bóng bẩy của ông già mày sẽ bị lột ra hết!

Vẻ mặt khoái chí lẫn câu nói chọc khóe của nó làm máu trong người tôi sôi lên. Tôi muốn lao tới túm tóc nó thì liền bị đám đông kéo lại. Có đứa cất giọng hòa giải, có tiếng hò reo phấn khích, cũng có cả những lời xì xào bàn tán. Cả lớp thoáng chốc trở nên ồn ào nhưng tôi không quan tâm, tôi chỉ cảm thấy có một nỗi bất an rất lớn đang chầm chậm dâng lên ở trong lòng.

Tan học, tôi chạy vội về nhà, vừa lao đến cái cổng trắng, tôi phát hiện nó đã bị quấn xích và khóa bằng một cái ổ xanh đen chắc nịch. Tôi thấy trái tim mình trùng xuống, đầu cứ hiện lại những lời Uyên đã nói. Tôi bật điện thoại lên kéo đến số của mẹ, tôi cố giữ giọng mình bình tĩnh nhất có thể, ráng hít thở sâu…

- Mẹ, nhà mình đâu rồi?

- À, để mẹ tới đón con.