Chương 25 : Cá Quỷ 11

Những thi thể này ở chỗ chúng tôi làm gây chấn động rất lớn. Trên huyện cũng cử người về điều tra, nhưng tra không ra đầu mối gì hết. Họ vào thôn nghe ngóng nhưng người trong thôn ngậm miệng rất chặt, không hở chuyện Cá Quỷ ra nửa chữ.

Người đứng đầu trong mấy cán bộ huyện về điều tra lần này quen biết ông cố tôi, có đến tìm ông cố tôi nói chuyện mấy lần nhưng cũng không mò ra được tin tức gì nên sau khi khám nghiệm thi thể thì rời khỏi. Chỉ có điều, sau khi khám nghiệm, người cán bộ đó nói với ông cố tôi, việc này có lẽ không đơn giản như vậy, có thể sẽ mời ông cố tôi lên huyện điều tra tình hình. Ông cố tôi nói không vấn đề gì, nhất định sẽ phối hợp hết sức.

Từ đầu đến cuối, ông cố tôi không hề để lộ việc người đàn bà và Cá Quỷ.

Đương nhiên, tất cả đồ đạc trong lán trại của những người kia cũng bị cán bộ huyện tịch thu hết, nói là chứng cứ để điều tra.

Sau khi người trên huyện đi, tin tức trong thôn lại không ngừng không nghỉ, hết người này đến người khác xuống sông tìm Cá Quỷ, mặc cho ông cố tôi khuyên thế nào, bọn họ đều không nghe. Cho đến ngày thứ ba sau khi người phụ nữ cầm đầu những người bên ngoài tới kia tỉnh dậy, những người mặc áo dài đen cầm l*иg đèn kia mới trở lại, lại bắt đi mất mấy người tìm Cá Quỷ đang ở trên sông. Có người tận mắt chứng kiến mọi việc vào trong thôn kể lại, người tìm Cá Quỷ mới từ từ tản đi hết.

Đương nhiên đó là chuyện sau đó rồi.

Nghe ông cố tôi kể xong, người phụ nữ kia lẩm bẩm, chẳng lẽ đây là ý trời?

Ông cố tôi hỏi bà ta họ tên gì, làm nghề gì, ở đâu tới, bà ta đều không muốn trả lời. Ông cố tôi không muốn ép, giao cho bà nội Mã Tư Kì chăm sóc bà ta, quay người rời đi.

Ông cố tôi không kể với người phụ nữ kia rằng, buổi tối ông cứu người phụ nữ đó, ông cố cùng ông nội và cha tôi đã thả Cá Quỷ về lại Nghi Hà.

Lúc thả Cá Quỷ đi, ông cố tôi đặc biệt dặn dò Cá Quỷ, dù không biết nó nghe có hiểu không, rằng thời gian này đặc biệt không được đến đây nữa.

Có điều khiến ông cố tôi tương đối yên tâm là, con Cá Quỷ đó trước khi rời khỏi còn cúi người với ông tôi vài cái, miệng còn đớp đớp nói gì đó, chắc đại ý là hiểu lời ông cố tôi rồi. Sau khi đớp đớp mấy cái, lại cúi lưng với mấy người ông cố một cái nữa rồi nó cúi người, lặn xuống nước bơi đi mất.

Khi Cá Quỷ đi, Mã Tư Kì rất không nỡ, bà nói rằng gần đây ở gần nhau sớm tối, tình cảm chị em đã rất mặn nồng. Ông nội tôi bực mình mắng bà: “Nếu muốn thì bà đi với nó đi.”

Bà nội Mã Tư Kì trợn mắt lườm ông nội mắng: “Tôi biết thứ nhà ông vô tâm vô phế!”

Người phụ nữ đứng đầu đám người kia ở nhà tôi dưỡng thương, hai tháng mới khỏi, lúc đầu ăn bánh chiên còn chê cứng, sau đó quen rồi, còn cảm thấy bánh bột chiên rất ngon. Sau khi vết thương khỏi rồi muốn vào trấn gọi điện thoại, ông nội tôi dẫn bà ta đi. Ngày thứ hai sau khi bà ta gọi điện thoại, có một chiếc xe jeep đến đón bà ta đi.

Trước khi người phụ nữ đó rời đi đã để lại cho ông nội tôi một số điện thoại, nói sau này có việc gì thì đến Bắc Kinh tìm bà ấy. Bà ta họ Nghiêm, tên Hạc Tường. Gia đình tôi không có thói quen nhờ vả người khác, ông nội cứ nghĩ rằng cả đời này cũng không liên hệ với bà ấy, nhưng không ngờ sau này vẫn có việc cần đến. Đương nhiên, đó cũng là việc sau này.

Người phụ nữ đó đi không bao lâu, vừa ăn Tết xong, trên huyện cử người xuống dẫn ông cố và ông nội tôi đi, nói điều tra việc gì đó. Lúc đó bà nội Mã Tư Kì khóc lóc thảm thiết lắm. Ông cố tôi bảo: “Nín đi, đừng khóc, ở nhà coi sóc nhà cửa, không đến hai tuần chúng ta về.”

Lúc đó bà Mã Tư Kì mới đứng dậy lau nước mắt, bám lấy cha tôi nhìn theo ông cố và ông nội tôi bị giải đi.

Nhưng mà khiến ông cố không ngờ tới là, chính là trong khoảng thời gian cha con ông nội không ở nhà, bên chỗ bà nội thật sự xảy ra chuyện.

Sau khi họ đi, mọi việc trong nhà đều do bà nội đảm đương. Đang vào vụ xuân, bà nội Mã Tư Kì làm không hết việc, mệt nhọc không ít, thường trời chưa sáng đã dậy đi làm, tối mịt mới trở về.

Vào một buổi tối, trời đã nhá nhem tối, Mã Tư Kì vác cuốc đi về nhà, đi đến cái ngõ gần nhà tôi, bà nhìn thấy một người đội mũ đứng ngay đầu ngõ, không hề động đậy.

Mã Tư Kì hết hồn, vội hỏi: “Ai đó?”

Ai ngờ bà nội Mã Tư Kì hỏi xong, người kia vẫn đứng bất động như cũ, không thèm trả lời.

Mã Tư Kì lại hỏi tiếp hai câu, vẫn không có tiếng trả lời, bà cứ tưởng có người nhân lúc ông nội không ở nhà muốn giở trò lưu manh, liền giơ cuốc lên. Bà nội Mã Tư Kì vốn chỉ định dọa người đó, ai biết cuốc đã bổ gần tới nơi mà người đó vẫn không chút động đậy.

Mã Tư Kì tức giận, quay cán cuốc lại đánh rơi cái mũ trên đầu người kia. Mũ vừa rơi xuống, bà đã ba hồn bảy vía bay tận mây xanh, chỉ thấy người đó có một cái đầu trơn nhẵn tròn trịa, đến cả ngũ quan cũng không có. Bà nội Mã Tư Kì sợ quá ngã bịch xuống đất, vừa lăn vừa bò về nhà.

Về đến nhà, bà khóc rống lên ầm ỹ. Đúng lúc cha tôi tan học về, nhìn thấy mẹ ổng khóc thương tâm như vậy hỏi có chuyện gì. Bà nội Mã Tư Kì nói: “Đầu ngõ cạnh nhà mình, mẹ thấy một người, trên đầu không có mặt.”

Cha tôi tính tình mạnh bạo, liền vào nhà lấy dao đi tìm một vòng, về nói với bà nội Mã Tư Kì: “Làm gì có ai? Có phải mẹ nhìn nhầm rồi không?” Bà nội thề thốt đủ cả, nói chắc chắn không nhìn nhầm.

Hai người lại nói những chuyện khác, ngày hôm đó cứ thế trôi qua. Nhưng ngày thứ hai, thì bà nội Mã Tư Kì xảy ra chuyện. Lúc bà đi về cũng là buổi chiều chập choạng tối, một mình đang trên bờ ruộng về bỗng không hiểu sao lại ngã lộn vào mộ một người nào đó. Sau khi ngã xong đứng dậy, lúc về đến nhà mới phát hiện eo rất đau. Cha tôi vừa nhìn đã hỏi bà Mã Tư Kì: “Sao eo của mẹ lại có dấu tay màu đen thế này?”

Bà nội Mã Tư Kì nói: “Mẹ không biết.” Sao lại có dấu tay màu đen được?” Nói xong còn nghĩ cha tôi nói đùa, sau đó thìm thím và cô út tôi gần đó, hai người cũng nói phía sau eo của bà có một cái dấu tay màu đen, lúc này bà nội Mã Tư Kì mới hoảng hốt lên.

Đặt một chiếc gương phía trước một chiếc phía sau nhìn một cái, thấy sau eo quả nhiên có một dấu tay màu đen. Bà Mã Tư Kì nhớ đến việc tối nay bị ngã trên mộ, bấy giờ mới kể ra.

Bà thím cũng sợ, hỏi có cần tìm người xem không. Bà nội Mã Tư Kì nói: “Nhà chúng tôi là người xem cái này, giờ tìm ai bây giờ?” Vậy là cũng bỏ qua, không tìm người xem giúp nữa. Nhưng chỉ mấy ngày sau, bà nội Mã Tư Kì cứ cảm thấy đau tim, ho ra vài ngụm máu rồi cứ thế mà nằm liệt giường không dậy nổi nữa. Đợi đến khi ông cố và ông nội về thì bà nội Mã Tư Kì đã sắp không xong rồi, chỉ thấy hơi thở ra mà không thấy hít vào nữa rồi.

Ông cố vừa bắt mạch thì lập tức lạnh cả người, thầm nghĩ chết chắc rồi. Ông nội vừa nhìn sắc mặt ông cố, nước mắt đã chảy ra đầm đìa. Ông hỏi đi hỏi lại ông cố, bây giờ phải làm thế nào? Ông cố từ đầu đến cuối không nói tiếng nào, nhưng ông nội đã biết, ông cố cũng hết cách rồi.

Buổi tối hôm đó khi đi ngủ, ông cố tôi mơ một giấc mơ. Ông mơ thấy một người phụ nữ có đuôi cá đến hành lễ với ông, nói biết được bệnh tình của em gái, đến để chỉ cách chữa trị. Nói xong, người phụ nữ mang đuôi cá kia đọc phương thuốc cho ông cố tôi.

Ông cố tôi sau khi tỉnh dậy, phương thuốc đó vẫn còn nhớ như in trong đầu. Chỉ có một vị duy nhất, không biết là chuyện gì, vị thuốc đó gọi là Kim Ngân Hoàn.

Cha tôi ngây ngốc hỏi, Kim Ngân Hoàn có phải là mấy viên trân châu phát sáng kia không?

Ông cố tôi vỗ đùi cái đét, chính là nó rồi. Ông xoa đầu cha tôi một lúc nói: “Khá, khá lắm. cháu tôi đúng không phải thằng ngốc.”

Ông cố tôi theo phương thức mà người phụ nữ đuôi cá đó đưa, nấu thuốc rồi cho bà nội Mã Tư Kì uống. Qua ngày hôm sau, bà đã từ từ lấy lại được chút khí sắc.

Nghe bà nội Mã Tư Kì kể chuyện hôm đó xong, ông cố nói, có lẽ là gặp phải tiểu quỷ rồi.

Ông cố tôi làm phép bốn góc nhà, không ngờ bắt được một tên tiểu quỷ thật, hơn nữa là do người khác thả vào nhà chúng tôi. Còn rốt cục do ai thả, ông cố không biết, cũng không đi điều tra tìm hiểu thêm nữa.

Câu chuyện về Cá Quỷ tới đây là kết thúc, sau này cũng không xuất hiện thêm lần nào nữa. Có điều, chuyện về Nghi Hà vẫn chưa hết…