Chương 36

Thu Sương dường như đã hiểu ra vấn đề. Theo cô được biết, ông ngoại cô ngày xưa vốn là một nhạc sĩ, không những rất đào hoa mà lại còn đa tình. Bà ngoại ngày xưa cũng là một thôn nữ đẹp nhất vùng. Đáng tiếc lại yêu phải ông ngoại của cô. Tưởng rằng là duyên trời tác hợp, không ngờ lại là nghiệt duyên. Lấy ông rồi bà mới biết ông không những đã có vợ mà còn rất nhiều vợ. Haiiii.. nếu mà là thời bây giờ còn có thể thưa kiện được, rất tiếc thời đó chưa có luật hôn nhân gia đình. Đàn ông hai ba vợ là chuyện vô cùng bình thường.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dù là thời nào thì đàn ông cũng vậy thôi. Cô cũng không có quơ đũa cả nắm nhưng thực tế là dù là xã hội hiện đại, nam nữ bình đẳng đi nữa thì cũng có khối ông đã có vợ rồi mà vẫn hay ra ngoài lăng nhăng đấy thôi. Bởi thế, mới có nhiều gia đình bị đổ vỡ hôn nhân là vậy.

Tuy nhiên, thời nay còn kéo nhau ra tòa ly dị được, chứ thời bà ngoại thì con gái một khi đã lấy chồng rồi thì coi như là xong. Lúc bà ngoại cô biết mình chỉ là vợ bé thì rất đau lòng. Mà tính bà thì cứng cỏi, thà ở một mình chứ không chịu kiếp chồng chung nên đã mạnh dạn bỏ ông ngoại, mặc dù lúc đó đang mang thai mẹ cô. Cho đến bây giờ đã 40 năm mà bà cũng không muốn gặp lại ông ngoại. Cô cũng không biết là ông ngoại có còn trên đời không nữa. Nhưng mà Thu Sương nghĩ, dù cho ông có còn đi nữa thì cả nhà cô cũng không muốn nhìn lại ông đâu, cả cô cũng không ngoại lệ.

Có lẽ bởi vì ông ngoại là nhạc sĩ nên bà ngoại mới không cho mẹ quen cha, sợ mẹ cũng đi và vết xe đổ của bà. Nhưng thực tế đã chứng minh, đâu phải ai là nhạc sĩ cũng nhiều vợ đâu. Cha cô cũng chỉ có một mình mẹ đó thôi. Chỉ là, cha cô đã chết khi cô mới vừa tròn một tuổi bởi căn bệnh ung thư. Kỷ vật duy nhất cha để lại cho mẹ con cô chính là cây đàn ghi-ta. Cho đến nay mẹ cô vẫn còn giữ nó xem như là báu vật.

Mà mỗi khi nhắc tới cha, Thu Sương thấy mẹ cô tỏ ra vô cùng hạnh phúc nhưng trong ánh mắt lại không dấu được sự mất mát, đau thương. Cô cũng không muốn gợi lên sự đau lòng của mẹ nữa, bèn nói sang chuyện khác.

- Mẹ à! Trước nhà mình đã mở đường lớn rồi mẹ có nghĩ sẽ dời tiệm về nhà cho tiện không ạ?

Bà Ngọc Loan đáp.

- Mẹ cũng từng nghĩ tới vấn đề này. Nhưng mà suy đi tính lại cũng thấy hiện tại còn chưa thể dời về được.

- Tại sao ạ?

- Tại vì chị em con còn đi học! Chị con lại sắp vào đại học tốn cả khối tiền nữa. Hiện tại tiệm mình đang đắt, khách quen hầu như đều ở chợ này hoặc gần gần đây. Nếu dời về thì sẽ bắt đầu lại từ đầu, khách quen cũng đâu ai rãnh đâu mà đi xa mấy cây số để ủng hộ mình chứ.

Thu Sương lại nói.

- Nhưng mà con thấy mẹ cực quá! Ngày nào cũng bốn năm giờ sáng đã phải ra đây tới tám chín giờ tối mới về. Thậm chí có bửa còn ngủ luôn ở ngoài này. Con thấy thương mẹ gì đâu á!

Bà Ngọc Loan tươi cười.

- Chà! Có phải thương tui thiệt hôn đó? Hay là muốn xin mẹ cho tiền mua cái gì mới nói ngọt cho mẹ mát ruột đây?

Thu Sương lắc đầu.

- Đâu có! Con nói thật lòng mà! Con thấy nhà mình cũng đâu thiếu thốn gì. Hai chị em con cũng đâu có ăn xài phung phí, còn biết bán hàng online kiếm thêm, mẹ làm nhiều chi cho mệt thân.

Thế nhưng, bà lại lắc đầu nói.

- Mẹ biết hai chị em con rất giỏi, nhà mình cũng không nghèo. Nhưng trên đời ai biết trước được chữ ngờ hả con. Bây giờ mẹ đang làm đắt nhưng đâu biết có một ngày sẽ ế đâu. Ở chợ này cũng đâu phải có một tiệm của mình mở uốn tóc. Cho nên lúc nào làm được thì cứ cố gắng mà làm thôi con ạ.

Nói thì nói vậy thôi, chứ Thu Sương biết mẹ cô lao đầu vào công việc là để không phải nhớ cha của cô. Tuy ông đã qua đời rất lâu nhưng mẹ vẫn nhớ mãi không thể nào quên được.

Chợt mẹ cô hỏi.

- Tiểu thuyết của con viết thế nào rồi?

Thu Sương khựng lại, ngạc nhiên hỏi.