Chương 3: Đi vòng quanh nhà 3 vòng

Tôi vội vàng đi ra ngoài, phát hiện ánh sáng truyền ra từ tầng một. Tôi sốt ruột chạy xuống lầu, lại thấy sàn nhà dưới bếp cũng tỏa sáng trong đêm tối. Tôi kinh ngạc nhìn sàn nhà, không hiểu sao nó lại tỏa sáng, bèn vội vàng gọi điện cho bố mẹ. Lúc này họ còn chưa ngủ, nhưng biết xảy ra chuyện như vậy nên nói sẽ tới đây ngay.

Tôi ngồi ngoài sân chờ, không lâu sau, bố mẹ tôi đã đến, còn có một người đàn ông trung niên đi cùng, nhưng tôi không biết ông ấy. Thấy bộ đồ chú rể trên người tôi, bố mẹ nôn nóng hỏi thế này là thế nào? Tôi chỉ còn cách ăn ngay nói thật. Bố tôi tức giận măng tôi mấy câu, sau đó run cầm cập đi vào bếp, chỉ vào sàn nhà tỏa sáng, nói với người đàn ông trung niên kia cái bọc ở chỗ này.

Lúc này tôi mới nhớ ra, lúc trước xây nhà, bố tôi đã chôn một cái bọc màu vàng ở đây nên căn nhà này mới được xây xong.

Người đàn ông trung niên kia nhìn kỹ một lát, thở dài nói đập ra xem thử. Bố mẹ tôi ngày thường tiết kiệm, vậy mà lúc này lại nhanh chóng cầm cuốc ra đập lên sàn nhà, Chúng tôi đào lên một cái bọc. Thấy nó, cả nhà chúng tôi đều sững sờ, bởi vì lớp vải bên ngoài đã không phải là màu vàng mà là màu đỏ tươi như máu. Thấy vậy, người đàn ông trung niên thở dài, nói với bố tôi: “Xem ra con trai ông không trốn được rồi. Kéo dài hôn sự đi, chờ giải quyết xong rồi tính.”

Tôi sững sờ nhìn cái bọc màu đỏ, hỏi bên trong là thứ gì. Người đàn ông trung niên kia đáp: “Trong đó là ngày sinh tháng đẻ của cậu và cô gái kia. Trước kia bố cậu không cho cậu ra sau núi là vì sợ cậu có duyên phận với cô ta, nhưng cậu không nghe lời. Tôi bèn đặt ngày sinh tháng đẻ ở đây, làm vợ chồng trên danh nghĩa. Nhưng bây giờ xem ra... cô ta không chịu, chắc là không muốn thấy cậu kết hôn với cô gái khác.”

Tôi cả kinh. Cô gái mà ông ấy nói... chính là chị gái xinh đẹp ư? Người ta với tôi là vợ chồng?

Tôi biết ở nông thôn có chuyện đính hôn từ nhỏ, thậm chí có mấy người bạn của tôi cũng kết hôn vì đã hứa hôn từ nhỏ trong thời đại mới này. Nhưng bố mẹ tôi chưa bao giờ đề cập với tôi, nói tôi có một cô vợ xinh đẹp như thế. Tôi hỏi bố thế là thế nào? Ông ấy khoát tay, không kiên nhẫn kêu tôi đừng hỏi nữa, thái độ còn rất hung ác. Lần đầu tiên tôi thấy bố hung dữ như vậy nên không dám hỏi thêm.

Người đàn ông trung niên cầm vai tôi, nghiêm túc nói: “Mai là ngày lành giờ đẹp, nay cái bọc này cũng đã biến thành màu đỏ, rõ ràng là sắp có hỷ sự. Ngày mai cũng coi như là ngày lành, tôi đoán cô ta sẽ đến nhà.”

Tôi ngơ ngác hỏi: “Vậy thì có phải... tôi sẽ có một cô vợ xinh đẹp không?”

Bố tôi mắng: “Đồ ngu, mày sắp gặp họa thì có!”

Nghe vậy, tôi rất bất mãn, bực bội nói có cô vợ xinh đẹp như thế mà sao bố mẹ còn ngăn cản đủ đường, có chuyện gì cứ nói thẳng không được hả? Cứ úp úp mở mở. Không phải con trai không thông cảm cho bố mẹ, chẳng qua là bố mẹ không chịu nói gì hết, cứ giấu con trai làm gì?

Sắc mặt bố mẹ thay đổi, mẹ tôi xin tôi đừng hỏi nữa. Tôi nhận thấy họ có lời khó nói, thật sự khiến tôi rất khó tin.

Lúc này, người đàn ông trung niên nói: “Nếu cô ta đã muốn tới thì cũng không ngăn cản được. Ngày mai tôi sẽ chủ trì hôn sự này, lúc đó có thành công hay không còn phải xem số mệnh.”

Tôi giật mình... ngày mai, tôi còn được gặp cô ấy nữa ư?

Sáng sớm hôm sau, bố mẹ tôi đi chợ mua một con gà trống. Tôi với người đàn ông trung niên kia tán gẫu với nhau, cũng biết được thân phận của ông ấy.

Ông ấy tên là Giang Tu, vốn là hàng xóm nhà tôi, nhưng từ nhỏ bố mẹ ông ấy chết sớm, lại không có sức làm ruộng, hồi đó chính bố mẹ tôi đã chia lương thực cho ông ấy nên mới vượt qua thời kỳ thơ ấu, sau này rời khỏi làng làm đạo sĩ.

Đạo sĩ hòa thượng tôi còn hiểu biết một chút, hơi hâm mộ. Nghe nói bây giờ đạo sĩ hòa thượng kiếm được rất nhiều tiền, nhưng không có bằng cấp chính quy thì cũng không được, hơn nữa còn phải giỏi tiếng Anh. Giang Tu thuộc loại may mắn vào nghề sớm.

Ông ấy buộc một cái ruy băng màu vàng trên cổ gà trống, bên trên viết tên và ngày sinh tháng đẻ của tôi. Tôi khó hiểu hỏi làm thế để làm gì? Ông ấy bảo lúc đó sẽ biết.

Sau đó, ông ấy còn dán chữ hỷ màu trắng lên cửa phòng tôi, khiến tôi hơi buồn bực. Nhà khác đều dán màu đỏ, sao tôi lại dán màu trắng?

Tôi buồn bực ăn trưa, sau đó nghe thấy tiếng hô: “Giang Thành, làm hỷ sự đấy hả? Thực ra cậu không cần làm đâu, ngày mai vợ cậu sẽ bị tai nạn xe cộ đấy!”

Giọng nói này nghe rất quen thuộc, tôi ra ngoài xem thì nhất thời tức giận sôi máu.

Trước cửa nhà là một gã đàn ông lôi thôi, người làng bên, tên là Đàm Đông Vũ, một tên vô lại cả vùng đều biết. Gã này hết ăn lại nằm, đầu tiên là ăn bám bố mẹ, sau này còn trộm cả tiền dưỡng lão của bố mẹ đi ăn nhậu, khiến hai cụ tức giận đến mức đuổi gã ra khỏi nhà.

Bao nhiêu năm qua, gã chưa từng làm việc, mỗi khi nhà ai có chuyện vui thì gã lại tới nhà nói chuyện xúi quẩy.

Có người cưới vợ, gã nói cô dâu đã bị người khác ngủ trước rồi. Có người làm lễ tang, gã bảo ngày mai cả nhà sẽ cùng chết. Có người tổ chức tiệc trăng tròn cho con, gã nói trong vòng hai ngày đứa bé sẽ chết. Chẳng còn cách nào khác, phải trả tiền thì gã mới chịu rời đi, giống y như tên lừa đảo. Hơn nữa không thể làm gì được gã, nếu không gã sẽ báo cảnh sát, nói mình muốn đền bù tổn thất tinh thần, người trong vùng thấy gã đều ghê tởm.

Tôi đang định đuổi Đàm Đông Vũ đi thì Giang Tu nói: “Cử để cậu ta mắng tiếp đi, mắng nhiều vào.”

Tôi buồn bực, sắp làm chuyện vui mà còn để cho Đàm Đông Vũ tùy tiện mắng?

Nhưng Giang Tu lại cười híp mắt nhìn Đàm Đông Vũ nói xui.

Tới tối, Đàm Đông Vũ vẫn chưa chịu rời đi. Có lẽ đây là lần đầu tiên gã gặp phải khúc xương cứng thế này, mắng đến mức trợn mắt. Có mấy lần Đàm Đông Vũ muốn bỏ cuộc, Giang Tu sẽ kêu lên: “Đừng đi, hôm nay thằng nào chịu thua thì ngày mai sẽ bị bệnh đậu mùa chết trên đường.”

Thế là mặt trời đã xuống núi, Đàm Đông Vũ vẫn còn mắng, không chịu rời đi.

Sau khi trời tối, Giang Tu kêu tôi ôm con gà trống, nghiêm túc nói: “Tôi biết cậu không tin một vài chuyện, nhưng tốt nhất hãy nghe lời. Bố mẹ cậu nuôi cậu lớn chừng này tuổi rồi, làm bộ làm dáng cho họ yên lòng cũng được. Cậu ôm con gà trống này đi vòng quanh nhà ba vòng, nhớ kỹ không được lên tiếng, không được chạy, không thể quay đầu lại, hiểu chưa? Nhớ kỹ, cậu còn phải đếm xem mình đã đi được bao nhiêu bước.”

Tôi nói đã biết, sau đó ôm gà trống đi ra ngoài. Thấy tôi, Đàm Đông Vũ tiếp tục chửi: “Vợ mày chính là gà!” (tiếng lóng, gà ý nói làm gái)

Tôi không bận tâm tới gã ta, ra ngoài đi vòng quanh sân nhà. Đi được vòng thứ nhất, tôi cảm thấy không có gì, cứ như bình thường đi đường thôi. Nhưng tới vòng thứ hai, tôi bắt đầu thấy là lạ. Bởi vì tôi thấp thoáng cảm thấy hình như nhà tôi to hơn bình thường một chút. Vốn dĩ chỉ cần đi được mười hai bước thì có thể rẽ ngang, nhưng đến vòng thứ hai, tôi phải đi mười tám bước mới được rẽ. Hết một vòng, tôi đi nhiều hơn vòng thứ nhất hai mươi bước.

Chuyện này thật kỳ quặc! Cũng như lần trước, đều là đi vòng quanh nhà, sao số bước chân lại khác nhau?