Chương 22: Biến cố

"Chẳng hay anh xui đến đây có việc chi không?"

Bà Hội đồng đã qua cái ngưỡng tứ tuần, cũng đủ hiểu ông Lý Hinh chả rảnh rỗi đến mức đi thăm người khác như vậy. Chắc chắn là ông ấy muốn nhờ vả chuyện chi đó mới đến đây, bà còn lạ gì nữa.

"Chẳng giấu gì chị xui, hôm nay tui mạo muội đến hỏi chút chuyện."

Quả như bà Hội đồng đã nghĩ, ông Lý Hinh cuối cùng cũng nói ra ý muốn của ông rồi. Ban đầu bà nghĩ, hẳn là ông muốn xin nhà bà nói giúp chuyện lên quan cho quan trên. Bởi vậy lòng bà cười mỉa một cái.

Trong cái làng Tô Kiệm này, ai cũng bảo nhà ông Lý Hinh và nhà Hội đồng Bùi là môn đăng hộ đối. Nhưng trong con mắt bà thì nhà của mợ cả chỉ là một kẻ đu bám lấy nhà bà không hơn không kém. Bởi vậy dù là thông gia với nhau, bà vẫn khinh miệt họ ghê lắm.

"Cũng chẳng có chuyện chi to tát lắm. Tui chỉ muốn hỏi chị xui về mợ hai mà chị mua về đó đa."

Nghe ông Lý Hinh nói rõ ràng, lòng bà Hội đồng kinh ngạc. Cái chuyện bé cỏn con này, có việc chi mà phải câu nệ như vậy? Hay là ông ấy có chuyện liên quan đến mà muốn giấu? Một nỗi mơ hồ dâng lên trong lòng bà, khiến bà trầm ngâm suy nghĩ một hồi.

Cái lúc bà mua mợ hai về, là khi gặp gánh hát rong đi qua ở bến sông phía đầu làng. Mợ hai lúc đó thả mái tóc dài đen tuyền ngang hông, đứng trên mũi đò hát dăm ba câu hò đong đưa với mấy gã con trai làng đang tít mắt ngồi hai bên mé sông chật kín. Đàn bà đẹp trong làng này thì thiếu gì, nhưng mợ thì khác. Ngay cả bà lúc ấy cũng mê mẩn cái dung mạo tuyệt trần của mợ, còn cộng thêm cái giọng hát trong trẻo.

Đàn bà hông rộng thì mắn đẻ. Trùng hợp thay, mợ hai lại có ngay cái mà bà cần lúc ấy. Trong đầu bà thời điểm đó, chỉ mong muốn nhanh nhanh có một đứa cháu để ẵm bồng. Nên bà bỏ qua luôn cái thân phận hèn kém của mợ mà rước mợ về. Cốt chỉ mong mợ mau mau đẻ cho bà một đứa cháu, cho nhà họ Bùi một người nối dõi.

Nghĩ ngợi một hồi, bà đành đem sự thật kể ra cho ông Lý Hinh. Dù vậy nhưng trong lòng bà vẫn không hiểu cớ chi ông ấy lại hỏi về mợ hai. Đương định hỏi lại thì mợ cả đã bưng lên một bình trà nóng, vui vẻ mà hỏi.

"Ba với má con nói chuyện chi mà vui thế ạ?"

"Không có chi đâu, ba hỏi chị xui dạo này con thế nào mà thôi."

Trước mặt mợ cả, ông Lý Hinh liền tìm chuyện nói tránh đi. Ông sợ mợ biết được chuyện này thì lại sanh ra nghi ngờ. Cái chuyện đáng xấu hổ này, ông chẳng dám để ai biết cả, nhất là mợ. Cũng may bà Hội đồng không làm khó ông, chỉ bảo mợ lui về nhà sau lo cơm nước tiếp đãi ông.

Chuyện trò đâu đến lúc mặt trời đã lên đến đầu ngọn tre thì ông cũng xin phép bà Hội đồng ra về. Ngồi trên xe ngựa, lòng ông ngổn ngang trăm mối suy nghĩ. Lấy từ trong túi áo ra một mảnh khăn tay sờn cũ, ông Lý Hinh đưa mắt nhìn ra phía cánh ruộng mênh mông cạnh đồng làng. Bóng dáng một người con trai và một người con gái ngồi ở phía trên đường ruộng, rỉ rả với nhau chuyện tương lai hiện rõ mồn một trong đầu ông. Mới đó, đã gần hai mươi năm rồi.

Thở dài thườn thượt, ông nhìn xuống mảnh khăn tay một cách âu sầu. Người đàn bà năm đó ông ruồng rẩy, bây giờ đang ở chốn nào, có sống tốt không. Rồi ông lại nhớ đến cái khuôn mặt đẫm nước mắt của cô ấy, cái dáng vẻ sợ hãi khi ông đòi bỏ đi. Cô ấy van ông, xin ông để mong ông có thể ở lại bên cạnh cô.

Môn đăng hộ đối, bốn chữ nhưng khiến đời người con gái tên Ngọc Mỹ ấy tan nát. Ông Lý Hinh của hơn hai mươi năm về trước, là con của phú hộ Lý trong làng. Còn cô Ngọc Mỹ chỉ là đứa con gái của thầy lang ở cuối làng.

Cơm chỉ vừa đủ ăn, áo chỉ vừa đủ mặc, nhưng trời lại phú cho cô cái nhan sắc mặn mòi của một người con gái đôi mươi. Bởi vậy đám con trai trong làng, dù chỉ là thằng tá điền hay một công tử nhà giàu, cũng đều muốn được cô nâng khăn sửa túi. Mà đặc biệt hơn, giọng hát của cô lại trong trẻo ngọt ngào như tiếng chim hót, bởi vậy mà càng có thêm mấy người chết mê chết mệt cô. Xinh đẹp là thế, tài năng là thế, nhưng đâu ai ngờ phận cô lại bèo bọt như nhánh bèo mà người ta thường ví von

"Thân em như thể bèo trôi

Sóng dập, gió dồi biết tựa vào đâu?"

Người con gái xinh đẹp ấy, cuối cùng cũng có cho mình một mảnh tình con con sâu thẳm bên trong lòng. Ông Lý Hinh năm đó nổi tiếng là người hay chữ, nên có mấy cô tiểu thơ cao sang quyền quý muốn được sánh đôi cùng ông. Vừa vặn thay, trong một lần đi bốc thuốc cho ba, ông đã bị hớp hồn bởi người con gái ấy. Chuyện gì đến sẽ đến, sau một thời gian sáng thì giả vờ đến lấy thuốc để gặp, tối thì đứng ngoài ngâm thơ chòng ghẹo, cô đổ ông hồi nào chẳng hay.

Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang thì ba má ông Lý Hinh phát hiện. Họ đến nhà cô làm rùm beng lên, chửi cô rù quến, bỏ bùa mê thuốc lú ông. Rồi họ bắt ông lấy tiểu thơ của một nhà khác,tức má của mợ cả bây giờ.

Ngày rước dâu của ông, đầu trên xóm dưới tưng bừng cả lên. Duy chỉ có nhà ông thầy lang, ba cô thì đóng cửa im lìm. Sau cái lần ba má ông đến chửi, ba cô muối mặt nên đánh mắng rồi đuổi cô đi. Từ một người con gái biết bao chàng trai theo đuổi, Ngọc Mỹ trở thành kẻ không ra gì. Vậy nên từ đó về sau, cô chẳng còn một lần nào bước về làng này.

Đã mấy bận ông sai người đi tìm cô, nhưng đều là bặt vô âm tín. Nhiều lần như vậy nên ông cũng nản, chẳng còn muốn lục lại những trang ký ức đã phai màu. Chỉ đến lúc gặp mợ hai Hồng, nỗi nhớ thương của ông dành cho cô mới chực trào dâng lần nữa. Mợ giống cô như hai giọt nước, từ cách liếc mắt, cách mỉm cười,... và cả giọng hát ấy. Làm sao ông có thể quên được cơ chứ?

Nắng chiều đã ngả vàng trên con đường làng, tiếng xe ngựa vẫn cộc cạch lướt đi. Ở bên trong chiếc xe, một người đàn ông đã quá tứ tuần cầm lấy mảnh khăn tay nhìn ra phía xa xăm. Mong chờ, ngóng trông, hy vọng, tuyệt vọng,...dù chỉ trong một khắc thôi nhưng đã biểu lộ biết bao cảm xúc hỗn tạp trong ông. Siết lấy mảnh khăn tay ấy, môi ông mấp máy, giọng tựa như bồi hồi và bâng khuân, lại tựa như đang gọi ai đó trong vô thức:

"Ngọc Mỹ..."

**********

Đêm thứ ba sau ngày ông Lý Hinh đến thăm mợ cả thì nhà Hội đồng Bùi xảy ra chuyện. Đêm đã vào canh ba, canh tư nhưng chẳng ai dám ngủ. Bà Hội đồng đứng bên ngoài cửa buồng, đi đi lại lại không yên, miệng thì cứ lặp đi lặp lại:

"Chắc chắn giữ được, không được mất...không được mất..."

Cậu hai Cảo đứng ở phía sát với cửa, lâu lâu lại muốn hé vào xem mợ cả thế nào rồi lại thôi. Tự dưng cậu đang ngủ cùng mợ thì nửa đêm cậu bị mợ gọi dậy. Tay mợ ôm lấy cái bụng, trán thì đầm đìa mồ hôi sắp ngất đi. Hoảng quá, cậu la ầm lên khiến cả nhà một phen náo loạn.

Thầy lang đã được mời đến từ lâu, mà chẳng rõ vì sao lại chưa ra. Bụng dạ cậu lo sợ khôn nguôi, nhỡ có khi nào mợ bị cái chi đó. Mất con thì còn có đứa khác, mất mợ rồi thì cậu phải làm sao đây?

"Thầy ơi thầy, vợ tui sao rồi?"

Cánh cửa buồng vừa bật mở, cậu đã vội vàng chạy đến bên chỗ thầy lang mà hỏi. Bây giờ trong bụng cậu giống như có ngàn ngọn lửa thiêu đốt, khó chịu vô cùng. Chỉ thấy thầy lang lắc đầu trong tuyệt vọng, rồi quay sang nói gì đó với bà Hội đồng. Đôi mắt cậu thoáng chốc, chỉ còn sự trống rỗng vô hồn, không còn chút sinh khí nào tồn tại.

Gương mặt bà ấy tái mét dần, chân tay run lẩy bẩy. Hai chân bà khụy xuống, giọt nước mắt trào ra từ nơi khóe mắt đầy vết chân chim. Từ rấm rứt, rồi bà bật khóc đến xé lòng, miệng cứ luôn mồm gào lên:

"Cháu tui...chời ơi, đứa cháu của tuiiii!!!"

Mợ hai đứng ở phía sau bà, cũng chẳng buồn đỡ bà dậy, cứ để mặc cho bà khóc lên khóc xuống. Trong cái lúc cả nhà ngập tràn trong sự đau đớn tột cùng, chẳng ai để ý được trên mép của mợ nhếch lên một cái. Vậy là chuyện mợ làm đã thành công một nửa rồi, chờ ngày mai thôi thì mọi việc sẽ thành toàn.

Nhà họ Bùi đã mong chờ đứa cháu nối dõi này sinh ra đời bao nhiêu lâu, bây giờ mất đi rồi, chắc chắn họ sẽ không sống vui vẻ nổi. Nhìn thấy bà Hội đồng, kẻ gây bao tai ương cho mợ phải chịu cái cảnh mất cháu khiến bụng dạ mợ thoải mái ghê lắm.

Lúc này, ông thầy lang đi lướt qua mợ để về nhà. Trong một khắc chẳng ai để ý, mợ hai nhét vào tay ông ta một mảnh giấy và ít tiền. Cũng may mợ đã tư liệu trước vì sợ họ phát hiện ra chuyện mợ làm, nên mợ đã tìm đến thầy lang của nhà. Có tiền thì mua tiên cũng được, mợ chỉ cần bỏ ra một xíu đồng bạc thì ông ta đã chấp nhận cùng mợ nói láo lừa cả nhà.

Bên trong buồng vọng ra tiếng khóc của mợ cả. Hình như mợ đã tỉnh, và đã nhận ra chuyện chi xảy ra với mình. Tiếng khóc của mợ gào lên thảm thiết, như tiếng của con thú bị thương đau đớn. Xen lẫn trong tiếng khóc của mợ, có thể nghe được tiếng mợ gọi con và ... gọi cả cậu nữa.

Nhưng người đàn ông mà mợ cần, giờ đang đứng như trời trồng trước cửa buồng. Cậu hai Cảo muốn chạy vào ôm lấy mợ, an ủi mợ, nói rằng sau này cả hai sẽ sanh những đứa con khác. Vậy mà khi nghe thấy mợ gọi, cậu lại đứng chựng lại, không dám bước tiếp.

Cậu sợ, nỗi sợ ấy như con thú dữ ăn mòn lấy lòng cậu. Chỉ cần cậu nhìn thấy mợ đau đớn vật vã, cậu cũng sẽ đau đớn theo mất. Cậu còn sợ, khi nhìn thấy ánh mắt kinh sợ, những giọt nước mắt đắng cay của mợ, cậu sẽ không thể nào kiềm nén bản thân mà bật khóc. Vậy nên cậu chỉ đứng trước cửa hồi lâu, rồi lại quay lưng bỏ đi. Chạy trốn, hệt như một kẻ hèn nhát...