Chương 6: Đời con hát

Chuyện mợ cả nhà ông Hội đồng Bùi có mang được lan ra khắp cái làng Tô Kiệm. Mà nói cũng có gì mà lạ, đàn bà lấy chồng thì cái chuyện mà mang thai với sanh con là lẽ thường. Huống hồ bà Hội đồng lại đang mong ngóng một đứa cháu biết bao nhiêu. Vậy mà cũng có chuyện để đám ngồi lê đôi mách tám chuyện với nhau. Lúc mợ không có thì bảo mợ đàn bà độc, mà lúc mợ có rồi cũng chẳng mừng cho mợ còn đem ra bàn tán. Âu cũng là miệng đời, làm sao tránh khỏi.

Từ cái ngày biết tin mợ cả mang trong mình đứa con của cậu Hai Cảo, bà Hội đồng nom thương mợ lắm. Của ngon vật lạ, bà đều tìm về bằng được để tẩm bổ cho mợ. Ngay cả chuyện trong nhà, bà cũng không cho mợ động tay vào. Bà sợ mợ bị gì thì ảnh hưởng đến cháu của bà, nên bà dặn tụi làm đầy tớ phải săn sóc mợ thật kĩ.

"Con Mấn đâu rồi?"

Đang làm dở tô cháo yến cho mợ cả, con Mấn lật đật chạy ra. Bà Hội đồng ngồi ở cái bàn trà, tay cầm cái quạt mo phe phẩy. Cái miệng bà nhom nhem nhai miếng trầu vừa têm, đỏ au cả lên.

"Dạ bà cho gọi con có chuyện chi không bà?"

Con Mấn lau hai tay lên cái vạt áo bà ba, dè dặt hỏi bà. Có trời mới biết, bà hôm nay tự dưng lại kêu nó làm gì? Trong cái nhà này, cả ông Hội đồng cũng phải nể bà ba phần. Nên bọn người làm sợ nhất là chọc bà giận, chỉ cần bà kêu là bọn nó sợ đến đái ra quần.

"Hầm xong tô cháo yến, rồi đi vô kêu mợ hai ra đây cho tao!"

Hai mắt con Mấn trố ra, không tin nổi nhìn bà. Tự dưng khi không, bà kêu nó đi kêu mợ hai, mà nó với mợ hai có ưa gì nhau đâu. Nghĩ đến người đàn bà lúc nào cũng liếc mắt đưa tình, còn không để ý chút đức hạnh nào mà trèo lên giường cậu Hai thì nó không kiềm lòng mà mắng thầm một câu. Nhưng lệnh bà thì ai dám làm trái, nên nó gắng làm cho xong hết rồi đi gọi mợ hai.

Mới đầu nghe nó nói, vẻ thảng thốt hiện rõ trên mắt mợ hai. Vậy mà chỉ qua một thoáng, mợ lại trở về dáng vẻ bình lặng thường ngày. Lòng mợ hiểu rõ, bà kêu mợ ra ắt có chuyện chi dạy bảo. Vậy mà lòng vẫn không nhịn được dâng lên sự lo sợ khôn nguôi. Thằng Củi vừa từ nhà dưới lên, trên tay còn đang cầm củ khoai lang nóng hổi. Vừa vặn nghe thấy mợ hai cùng con Mấn đang nói gì đó với nhau nên nép sang một góc khuất nghe lén.

"Bà kêu tui ra có chi không Mấn?"

"Mợ hỏi có ngộ không? Bà kêu mợ ra hỏi cái chi thì cũng chi có bà biết. Phận tôi đòi như tui sao mà dám đoán lòng bà."

"Mấn nói chi mà kì khôi vậy. Tui không biết thì mới hỏi, chứ có nói gì quá đáng lắm đâu."

"Tui là kẻ học ít, làm sao hiểu rõ mợ hỏi là có ý gì hay không?"

Đang nói, con Mấn liền nhận ra cái chi là lạ, liền che miệng lại cười. Rồi nó mang cái vẻ khinh khỉnh mà nói.

"Mợ xem, tui quên mất là con hát thì cũng có học hành cao sang gì cho cam mà nói chữ nói nghĩa."

Bàn tay mợ hai siết chặt lại, trong đôi mắt mợ tự dưng lại hiện rõ chút chua xót. Còn thằng Củi đứng ở ngoài, lòng nó giận điên lên, củ khoai lang bị nó bóp nát vụn ra. Ai trong cái nhà hội đồng này đều biết mợ hai là con hát rong được bà dùng tiền mua về, nên ai cũng khinh rẻ mợ. Họ cho rằng mợ không xứng làm chủ, tìm mọi cách sỉ nhục đày đọa mợ.

Con Mấn sau khi nhìn thấy mấy giọt nước mắt rơi trên gò má xinh đẹp của mợ thì nom vui lòng lắm. Chỉ cần nhớ đến mợ cả vì người đàn bà này chịu khổ, nó chỉ hận không thể băm vằm ra cho hả lòng hả dạ. Mợ hai cúi đầu, chẳng dám nói lại nó. Ai bảo phận mợ đã như vậy thì trách làm sao được người ăn kẻ ở cũng chẳng coi mợ ra gì.

"Con Mấn đâu rồi? Sao tao kêu mày đi kêu mợ hai ra đây mà giờ vẫn chưa thấy mặt?"

Giọng bà Hội đồng oang oáng cả lên, làm cả con Mấn và mợ hai giật mình. Mợ lau vội hàng nước mắt, sau đó nhanh chóng cùng con Mấn ra ngoài. Lúc đi ngang cửa buồng, vừa vặn nhìn thấy thằng Củi đang núp ở gần đó. Nó tỏ ý muốn đi cùng mợ, nhưng mợ lại xui tay bảo thôi. Lần này bà bảo mợ ra, trong lòng chắc mẩm đến chín phần là có chuyện xấu xảy đến. Mợ hiểu rõ tính của thằng Củi, nhỡ nó không nhịn được mà gây ra nhiều điều không hay nữa.

Lúc vừa ra nhà trên, mợ hai đã phải chịu cái nhìn soi xét của bà Hội đồng. Lòng mợ run run, cúi đầu đi vào rồi lễ phép hỏi

"Má cho gọi con có chuyện chi không má?"

"Cũng không có chuyện gì lớn lắm. Bây biết con cả đang mang thai, là đứa cháu đích tôn của cái nhà này, mà cái buồng của nó lại chật hẹp quá. Nom buồng bây rộng rãi thoáng đãng hơn, nên tao định kêu bây dọn ra cho nó vào ở."

"Dạ má nói sao thì con nghe vậy..."

Cái buồng đó là sau cái lúc mợ hai và cậu làm lễ ra mắt được bà cho dọn dẹp lại vào ở. Trong cái nhà Hội đồng này, không có cái buồng nào rộng hơn nó. Còn nói lúc thuở sanh thời, má của ông Hội đồng cũng từng dọn vào ở. Trong lúc cả dàn vợ lớn vợ nhỏ của ba ông Hội đồng không sanh nổi một mụn con, thì bà vừa dọn vào đã mang thai ngay tắp lự. Bởi vậy người trong nhà rất xem trọng cái buồng này, chỉ có đặc cách lắm mới được vào. Bà Hội đồng cho mợ hai vào ở, tất sẽ mong mợ hưởng cái phúc khí từ đó mà mong chóng có thai. Nào ngờ mợ ở chưa được bao lâu, thì mợ cả lại đậu thai. Người làm kẻ ở trong nhà đồn đoán, nói rằng do phận mợ hai thấp kém, nên không có phước hưởng cái phúc đó. Nào ai nghĩ, sau cái đêm lần đầu đó thì cậu có lúc nào chạm vào mợ nữa đâu.

"Vậy con sẽ dọn vào buồng chị cả hả má?"

Theo cái lẽ thường, buồng của mợ giờ nhường cho mợ cả thì nghĩ mợ sẽ dọn vào buồng còn lại. Bà Hội đồng trề môi, ánh mắt sắc lẹm nhìn mợ mà đáp:

"Săp tới, con của quan thầy trên tỉnh về làng mình chơi mấy hôm. Theo lệ thì sao để khách ở nhà dưới được? Nên tao định kêu bọn người làm sắp xếp dọn dẹp lại cái phòng đó cho khách vào ở."

"Vậy con ..."

Mợ vừa định hỏi, lại bị cái nhìn đáng sợ của bà Hội đồng làm cho hoảng mà cúi đầu xuống. Tay bà phe phẩy quạt, mồm nhổ phẹt ra một bãi bã trầu xuống đất. Bà gác một chân lên ghế, ngồi rung đùi thong thả. Một lúc lâu sau, mợ hai thấy hai chân đã mỏi nhừ, mắt hoa lên khó chịu. Lúc này, bà mới lên giọng mà đáp

"Tao kêu tụi người làm dọn cho mày cái buồng gần với gian bếp. Tuy hơi chật hẹp nhưng cũng phải ráng mà chịu, để khi nào khách về thì tao lại chuyển bây lên."

Cái buồng mà bà Hội đồng vừa nói, ai trong nhà chẳng rõ là nó dơ, hẹp, mà còn gần gian bếp nên mấy bận họ nấu ăn thì khói cũng mịt mù cả lên. Mấy năm nay, ngay cả kẻ ăn người ở còn không thèm ở đó. Giờ bà cho mợ hai vào ở đó, khác nào nhắc mợ nhớ là mợ còn không bằng cả con hầu trong nhà. Hai mắt mợ rưng rưng, nhưng mợ chỉ dám đưa tay quệt vội đi chứ không dám để bà thấy. Đành lòng là bà mua mợ về cái nhà này bằng vài đồng bạc lẻ, nhưng mợ cũng là mợ hai, là vợ của cậu. Sao bà chưa chi đã đổi lòng mà đang tâm đẩy mợ vào cái tủi cái nhục này.

Rồi mợ nghĩ về đời mợ gần hai chục năm nay. Tám tuổi bị ba má ruột bán vào gánh hát, bị hết kẻ này người kia đày đọa. Lớn lên một chút thì cùng đoàn rong ruổi rày đây mai đó, kiếm chút miếng cơm qua ngày. Xướng ca vô loài, người nào nhìn mợ cũng thốt ra bốn chữ ấy. Cái kiếp hát rong, sướng chả biết được bao nhiêu, chỉ thấy bị người đời chì chiết khinh rẻ. Mợ lại khóc, khóc cho cả đời mợ sống trong sự phỉ nhổ của người khác. Ngày bà mua mợ từ gánh hát về, mợ cứ nghĩ đời mợ khác rồi. Nào ngờ đâu còn bị đọa đày hơn.

"Mày khóc cái chi? Hay là mày muốn cho người ngoài nhìn vô bảo tao bạc đãi mày?"

"Dạ má ơi, con nào dám có cái lòng ác độc vậy đâu chứ.."

"Vậy thì mày khóc cho cái gì? Hay là mày trù tao chết? A! Cái loại đĩ bợm như mày, tao rũ lòng thương đem mày về mà giờ mày muốn hại tao à?"

Bà Hội đồng tru tréo cả lên, chĩa cây quạt mo vào mặt mợ hai mà kêu. Đám người làm ở nhà sau nghe động liền ba chân bốn cẳng chạy lên. Con Mấn là sốt sắng nhất, nó tò hỏ cái đầu ra phía cửa mà nhìn.

"Trời ơi, sao nỡ lòng nào má nghĩ oan cho con? Con được má thương má cứu về, con đội ơn má còn không hết thì mần chi mà hại má?"

Mợ hai quỳ sụp xuống đất, hai tay chấp lại van xin bà Hội đồng. Nhưng bà nào có nghe, bà chỉ vào mặt mợ mà mắng như tát nước.

"Lòng dạ cái loại đĩ như mày, tao làm sao tỏ tường? Hôm nay mày hay lắm, ngay cả lời tao nói mày còn cãi lại. Uổng công tao mà, uổng công tao mà..."

Cậu Hai Cảo vừa đi mua cho mợ cả ít sầu riêng về tẩm bổ. Người ta mang bầu thì thèm chua, mà mợ cả thì mợ lại thèm ngọt. Mấy bà làm lâu năm trong nhà bảo, có khi mợ mang con trai. Niềm vui của hai người còn gì thỏa hơn nữa.

Nào đâu vừa bước đến cửa nhà, cậu liền nhìn thấy bà bị mợ hai làm cho tức giận mà đang mắng chửi um cả lên. Từ nhỏ lớn lên bên cạnh bà, nên cậu hiểu rõ tính nết của bà vốn khó chiều, sơ sẩy một chút là bị chửi bị mắng. Nghĩ làm sao, cậu tìm cách để cứu mợ hai.

"Má, má bị sao vậy má!"

"Hai Cảo, con về rồi thì con xem!"

Vừa nói, bà liền chỉ thẳng vaò mợ hai đang quỳ dưới đất khóc lóc. Hơi thở bà hồng hộc, ánh mắt bà nhếch lên. Sợ rằng bà chỉ hận không cho người nộc mợ ra đánh một trận. Còn mợ, mợ chỉ biết co mình lại mà hứng chịu.

"Đúng là cái loại không ra gì. Má vừa kêu nó ra nhà sau ở vài ngày nhường buồng cho con cả dưỡng thai, mà nó trù má chết, khóc lóc um cả lên!"

Con Mấn ở ngoài còn sợ cậu không tin, liền chêm dầu vào lửa:

"Đúng đó cậu. Mợ ơi, sao mợ ác thế mợ?"

Mợ hai bị hai người chèn ép, bật khóc không thành tiếng. Còn cậu, cậu cố dỗ dành bà cho bà không giận nữa nên đuổi mợ ra.

"Mợ về buồng đi, để lát tui xử trí mợ sau."

*******

Có nhiều bạn hỏi lý do tại sao mợ hai làm con hát lại bị khinh rẻ. Nếu mình nói thì sẽ không đầy đủ ý, nên mình xin lấy một bài mình đọc được trên mạng.

"Xướng ca bị coi là vô loài, bị khinh rẻ không thua gì thằng mõ. Bị khinh từ năm xửa năm xưa, từ thời vua Lê Nhân Tôn (1447) xa tít.

"Dân Thanh Hóa thấy vua đến, trai gái đem nhau hát rí ren ở hành tại. Tục hát rí ren một bên con trai, một bên con gái, dắt tay nhau hát, hoặc tréo chân tréo cổ nhau, gọi là cắm hoa kết hoa, thói rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với thái uý Khả rằng: "Lối hát ấy là thói da^ʍ tục xấu, không nên cho người hát nhảm ở trước xa giá". Khả liền sai cấm hẳn" (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư).

Trai gái bá vai bá cổ nhau ca hát là thói da^ʍ tục rất xấu, cấm không được nhảm nhí trước kiệu vua. Muốn tốt đẹp, trang nghiêm thì... vào cung vua mà múa với hát!

Năm 1462, vua Lê Thánh Tôn quy định rằng "Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ, thì trị tội theo luật".

Phường chèo, con hát được bỏ cùng một rọ với đám phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu. Cứ đà này thì có ngày mất mạng như chơi chứ chẳng đùa. Luật lệ nghiêm khắc và vô lí của Lê Thánh Tôn đã đẩy một số người trở về làng cũ học cày cho xong, học chữ thánh hiền chỉ tổ toi cơm tốn gạo.

Phường chèo, con hát bị vùi dập có lẽ chỉ vì: "Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: Họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn." (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam).

Mặc dù bị vua quan và nhà nho khinh ghét, mặc dù không được đi thi để ra làm quan lớn, bọn phường chèo, con hát vẫn tiếp tục hành nghề và vẫn được nhiều người dân thường ưa thích."

Trích từ: https://m.baophapluat.vn/dan-sinh/vi-sao-nghe-ca-si-bi-xa-hoi-phong-kien-khinh-miet-xuong-ca-vo-loai-352384.html